Yến Hàng, từ bảo tồn đến phát triển
Thời gian qua, nhờ áp dụng các kỹ thuật chuyên ngành như nhân đàn, di đàn, mà tiềm năng phát triển các hang đảo yến Hàng (Aerodramus Fuciphagus Germaimi) vùng duyên hải trên cả nước đang được vực dậy mạnh mẽ.
Là đơn vị dẫn đầu về nghiên cứu khoa học kỹ thuật chuyên ngành yến sào với truyền thống bề dày kinh nghiệm, Công ty Yến sào Khánh Hoà hiện đang làm chủ những bí quyết kỹ thuật trong quản lý, khai thác và phát triển các hang, đảo yến tại Khánh Hòa và trên cả nước với hiệu quả cao.
Hình thành hang, đảo mới
Hơn mười năm qua, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phát triển các hang đảo yến mới từ tám đảo ban đầu với 40 hang lên 29 đảo với hơn 138 hang lớn nhỏ thuộc vùng biển Khánh Hòa. |
Ngay từ năm 2001, Công ty yến sào Khánh Hòa nhận thấy trên các đảo thuộc vùng biển Khánh Hòa vẫn còn một số hang chưa có chim yến sinh sống, nhiều đảo trong tỉnh từ Vạn Ninh đến Cam Ranh có cấu trúc tương đối phù hợp cho yến cư trú nhưng cũng không có chim sinh sống. Công ty tiến hành khảo sát các hang đảo yến từ huyện Ninh Hòa đến thị xã Cam Ranh dài trên 100km, qua đó, nghiên cứu một số các giải pháp nhằm phát triển và nhân đàn chim yến tại các hang chưa có chim thuộc các đảo yến cũ, phát triển các hang yến nhân tạo mới, lập các đảo yến mới.
Để cải tạo các hang, đảo mới phù hợp với điều kiện phát triển đàn chim yến, Công ty đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật như:
+ Nghiên cứu biện pháp cấu trúc và cải tạo lòng hang đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng; làm mái che chắn mưa, gió; tạo cấu trúc hang kín phù hợp, đảm bảo điều kiện đặc trưng cho đàn chim yến sinh sống.
+ Cải tạo đặc điểm riêng biệt của hang như: làm mái che, dọn đá, làm lại mặt bằng lòng hang, dùng vữa với dung dịch đặc biệt chuyên ngành xây kín các lỗ ảnh hưởng vị trí hang, khoan đục đá để tạo cấu trúc hang phù hợp vòng đảo lượn của chim yến.
Di đàn và dẫn dụ
Khi các hang đảo đã đảm bảo phù hợp với điều kiện phát triển đàn chim yến, Công ty tiến hành nghiên cứu giải pháp di dời đàn chim yến sang hang mới, đảo mới qua các biện pháp sau:
+ Với những hang có mật độ chim yến quá dày, Công ty áp dụng giải pháp kỹ thuật nhằm di dời đàn chim yến đến hang chưa có chim yến. Điều này giúp cải thiện diện tích sinh sống, môi trường sống của chim yến tại hang cũ, khắc phục hiện tượng các tổ chim làm chồng chéo lên nhau, nâng cao sản lượng và chất lượng của tổ yến.
+ Nghiên cứu ấp nở nhân tạo nguồn giống chim yến Hàng thành công để cung cấp cho hang mới phát triển quần thể nhằm tăng số lượng chim yến di đàn đến hang mới, đảo mới.
+ Thành lập tổ cứu hộ chim yến con bị rơi xuống đáy hang, đem về nuôi nhân tạo đến khi trưởng thành thì cho di đàn đến các đảo mới để phát triển hang yến mới.
+ Thực hiện biện pháp dẫn dụ chim yến nhằm giữ đàn chim con di dời ở lại đảo mới, hang mới bằng các giải pháp như phun dung dịch đặc trưng hang yến vào vách hang mới, cải tạo độ nhám vách hang phù hợp để chim yến bám sinh sống và làm tổ, gắn tổ chim mô phỏng có mùi đặc trưng trên tổ ấp của chim yến, dùng nguyên liệu phù hợp để chim đeo bám, áp dụng giải pháp âm thanh phức hợp để dẫn dụ chim yến.
Với các giải pháp kỹ thuật này, Công ty đã tiến hành di đàn chim yến thành công đến các đảo: Hải Đăng, Bàng Lớn, Đông Tằm, Mũi Tàu( Nha Trang), đảo Hòn Mai, Hòn Đỏ (Ninh Hòa), Hòn Cò, Hòn Nhàn (Cam Ranh), nâng tổng số hang yến mới lên 98 hang yến. Bên cạnh đó, Công ty thực hiện bảo tồn và phát triển quần thể chim yến Hàng tại Vườn Quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa, Vũng Tàu), Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải trên cả nước.
Tăng mật độ làm tổ
Các công trình sáng kiến và giải pháp trên đã góp phần hình thành luận điểm khoa học mới:”Sự phát triển quần thể chim yến Hàng gắn liền với sự hình thành và phát triển hang yến nhân tạo mới”. |
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện giải pháp kỹ thuật cải tiến mái che, Công ty đã nâng cao mật độ làm tổ của chim yến tại các hang có cấu trúc hình lòng chảo.
Kỹ thuật này được áp dụng đầu tiên ở hang Trống trên đảo Hòn Ngoại (A1), giúp đưa sản lượng tại hang tăng cao; tốc độ làm tổ của chim yến tại hang cũng tăng mạnh mỗi năm. Sau thử nghiệm thành công tại đảo A1, Công ty tiếp tục tiến hành làm mái che tại nhiều hang có lòng chảo trên các đảo Hòn Nội, Hòn Hố, Hòn Chà Là, Hòn Mun, Hòn Xà Cừ và một số đảo thuộc các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Yên, Quảng Bình với kết quả rất khả quan.
Hiện nay, công ty đang triển khai áp dụng kỹ thuật di đàn trên diện rộng hơn đối với toàn bộ các hang còn diện tích làm tổ trên vách ở các đảo yến do Công ty quản lý nhằm tăng nhanh số lượng quần thể, bề mặt diện tích làm tổ trên vách hay hang, nâng cao sản lượng yến sào thu hoạch. Nếu như sản lượng nguyên liệu yến sào thu hoạch năm 2001 đạt 2.136 kg thì đến năm 2011, sản lượng thu hoạch tại các đảo yến thiên nhiên Khánh Hòa đã đạt 3.151 kg, tăng trên 1 tấn so với năm 2001.
—
(*) Tổng Giám Đốc Công ty Yến Sào Khánh Hòa