Yêu cầu đổi mới giáo dục ở Hàn Quốc

Hàn Quốc cảm thấy nguy cơ tiềm ẩn trước thềm cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dù trước đây quốc gia này từng có bước phát triển thần kỳ về kinh tế nhờ những nỗ lực to lớn trong đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ KH&CN. Bài nói chuyện của GS.TS Ju-Ho Lee, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học công nghệ Hàn Quốc chỉ rõ về những thách thức trước mắt mà đất nước ông phải đối diện, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.


Học sinh Hàn Quốc đang bị “đè nặng” bởi áp lực học tập quá lớn, học để thi cử. Ảnh: Học sinh tranh thủ ngủ ngay tại lớp học. Nguồn: abc.net.au.

Hàn Quốc đang có nguy cơ bị hụt hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – sẽ gây ra sự tách biệt rõ ràng người chiến thắng và kẻ thua cuộc giữa các quốc gia. Cụ thể, một số ngành công nghiệp như đóng tàu, thép, hóa dầu đã không còn đảm bảo tính cạnh tranh trong một thị trường đã bão hòa. Mặc dù Hàn Quốc vẫn duy trì khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực bán dẫn, màn hình, ô tô, máy móc, điện thoại di động và thiết bị gia dụng nhưng cũng đang phải đối mặt với tình trạng thị trường dần bão hòa, trong khi các nước như Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp. Chỉ trong các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, vật liệu mới tiên tiến, hàng tiêu dùng cao cấp thì nhiều công ty Hàn Quốc đang thể hiện tiềm năng. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực chính yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư như Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và ô tô tự lái thì các công ty Hàn Quốc chưa thể đảm bảo tính cạnh tranh.

Những điều đó đặt ra yêu cầu phải thay đổi đối với Hàn Quốc. Để tạo công việc và tăng trưởng liên tục, Hàn Quốc cần chuyển vị thế từ “người theo nhanh” trở thành “người dẫn đầu”. Cụ thể hơn, cần phải có một bước tiến xa, từ việc trước đây chỉ chế tạo các sản phẩm tốt do nước khác thiết kế cho tới việc tạo ra các sản phẩm, ngành công nghiệp hoặc nền tảng hoàn toàn mới. Để làm được điều này, rất cần thiết phải xây dựng hệ sinh thái sáng tạo của “người dẫn đầu” và cải cách về hệ thống giáo dục trong nước.

Trong hệ thống sinh thái sáng tạo của “người theo nhanh” Hàn Quốc, các công ty tăng tính cạnh tranh quốc tế bằng cách tiếp thu kĩ năng của các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, hệ sinh thái sáng tạo của “người dẫn đầu” đòi hỏi quá trình sáng tạo liên tục để cho ra đời các sản phẩm mới, nền tảng và ngành công nghiệp mới dựa trên các nghiên cứu – có thể mang tính rủi ro cao. Quá trình mới này đòi hỏi các nghiên cứu cơ bản tiếp tục đóng vai trò nền tảng cho tới giai đoạn cuối của sáng tạo, thay vì xa rời nghiên cứu ứng dụng hay giai đoạn thương mại hóa của các doanh nghiệp. Do đó, nhiều trường đại học nghiên cứu đang được chuyển đổi thành các trung tâm đổi mới của hệ sinh thái với việc thúc đẩy nghiên cứu lấy cảm hứng từ sử dụng, giáo dục về kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp. Hệ sinh thái sáng tạo này đòi hỏi chính phủ phải tập trung nuôi dưỡng hệ sinh thái cho phép các công ty, trường học và viện nghiên cứu nhà nước phụ trách hợp tác và sáng tạo dựa trên sự cởi mở và tính tự chủ lớn hơn.

Cần phải đổi mới giáo dục vì nền giáo dục Hàn Quốc đang trang bị cho học sinh sinh viên phương pháp học “thụ động” thay vì suy nghĩ sáng tạo. Học sinh Hàn Quốc đang bị “đè nặng” bởi áp lực học tập quá lớn, học để thi cử. Thậm chí, giáo dục Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ chỉ có sự gia tăng về “lượng”. Các học sinh Hàn Quốc học toán trung bình 9,32 giờ/tuần, nhiều hơn mức trung bình của OECD (6,83 giờ/tuần), Phần Lan (5,02 giờ/tuần). Sinh viên Hàn Quốc còn phải học ngoài giờ ở trường, học gia sư, trung bình khoảng 2,28 giờ/tuần, nhiều hơn mức trung bình của OECD (1,07 giờ/ tuần), Phần Lan (0,37 giờ/tuần). Sinh viên Hàn Quốc tự học toán bao gồm làm bài tập về nhà 2,31 giờ/tuần, nhiều hơn Phần Lan (1,2 giờ/tuần). Điều gì sẽ xảy khi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hàn Quốc đặt yêu cầu phải trở thành “người dẫn đầu” nhưng trên thực tế học sinh chỉ được đào tạo để trả lời mà không phải là đặt câu hỏi? Khi đó, số lượng năm tháng học tập của học sinh sẽ không có ý nghĩa cho việc bồi đắp nguồn vốn con người.

Do đó, hệ thống giáo dục Hàn Quốc phải chuyển đổi: chuyển mục tiêu từ học để kiểm tra sang học để hiểu, có hứng thú và có khả năng học tập suốt đời; học “hời hợt” chỉ nhằm học thuộc lòng để thi cử sang học theo chiều sâu; về phương pháp, chuyển từ học theo chiều dọc sang học theo chiều ngang (học sinh sinh viên cùng xác định và giải quyết vấn đề chứ không nghe giảng thụ động, đây là những kỹ năng rất quan trọng cần có trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư).

Thu Quỳnh lược ghi theo phát biểu của GS.TS Ju-Ho Lee tại Worldbank Việt Nam ngày 15/6/2017.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)