Yozma, nền tảng ngành đầu tư mạo hiểm Israel

Cũng giống như Việt Nam, Israel từng có những nỗ lực ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ dựa vào nguồn lực của Nhà nước. Tuy nhiên, thành công chỉ thực sự đến sau khi chính phủ giao phó nguồn lực của mình cho một tổ chức đầu tư mạo hiểm chuyên nghiệp, đó là Yozma, trụ cột đầu tiên của ngành đầu tư mạo hiểm ở quốc gia này.

Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Yozma, có tên gọi Yozma I, được thành lập năm 1993, là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của Israel, có nguồn gốc từ một chương trình của chính phủ – giá trị nguồn vốn ban đầu được chính phủ Israel đổ vào Yozma là 100 triệu USD – nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường đầu tư mạo hiểm ở Israel. Vào lúc này, tại Israel đã có một số quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng nguồn lực và sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp trong giai đoạn mới hình thành, còn rất thiếu.

Trong vòng 2 năm kể từ khi thành lập, Yozma đã thành lập ra 10 quỹ con, mỗi quỹ có nguồn vốn 20 triệu USD. Để thu được nguồn vốn này, ngoài nguồn tiền từ chính phủ Israel, các quỹ còn thu hút thêm hàng trăm triệu USD từ khu vực tư nhân. Đó là nhờ chính sách của chính phủ Israel, cho phép mỗi quỹ con của Yozma đều có quyền bán lại cổ phần của Nhà nước, với mức giá tương đương chi phí Nhà nước bỏ ra cộng thêm lãi suất, qua đó mở đường cho việc tư hữu hóa Yozma. Chương trình cũng yêu cầu mỗi quỹ con đều phải hợp tác với các tổ chức tài chính của nước ngoài là những công ty đầu tư mạo hiểm giàu kinh nghiệm.

“Yozma giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trên mọi khía cạnh của doanh nghiệp: kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế, đóng góp tích cực vào xây dựng chiến lược phát triển, hỗ trợ thu hút, tuyển dụng những giám đốc điều hành hàng đầu, và chắp cánh cho chúng tôi chinh phục thị trường Mỹ. Tôi không thể hình dung một nhà đầu tư nào khác hữu ích và quyết tâm cao như vậy” (Eldad Maniv, nhà sáng lập và điều hành NextNine Ltd.).

Kết quả là tới năm 1998, khi thị trường đầu tư mạo hiểm ở Israel đã phát triển đủ lông đủ cánh thì toàn bộ Yozma cũng được tư hữu hóa thành công. Đến nay, Yozma cùng các quỹ con của mình vẫn tiếp tục đóng vai trò trụ cột cho ngành đầu tư mạo hiểm của Israel. Thu hút được sự hậu thuẫn từ các nhà đầu tư trong nước phối hợp với các nhà đầu tư uy tín từ Mỹ và châu Âu, Yozma đã hình thành nên quỹ mẹ thứ hai, Yozma II, vào tháng 9 năm 1998, và tới năm 2002 tiếp tục hình thành Yozma III. Đến nay, cả ba quỹ mẹ của Yozma quản lý tổng cộng 220 triệu USD, được đầu tư vào 50 công ty chưa lên sàn. Nhiều trong số các công ty này sau khi được đầu tư đã lên các sàn chứng khoán ở Mỹ và châu Âu. Nếu như tới cuối thập kỷ 1980 số lượng các công ty Israel được chào bán lần đầu trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ còn không đáng kể, thì đến nay con số này đã đứng hàng thứ 3, chỉ sau số lượng doanh nghiệp chào bán lần đầu của Mỹ và Canada. 

Chiến lược đầu tư vào các doanh nghiệp

Yozma có mối quan hệ mật thiết với mạng lưới 20 vườn ươm công nghệ trên khắp Israel. Lợi thế này gắn liền với thực tế là các thành viên cao cấp của Yozma đều từng tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai Chương trình Ươm tạo Công nghiệp và Công nghệ Israel, trong đó có tới 1500 nhà khoa học và 300 dự án được triển khai trên toàn đất nước. Nhờ vậy, Yozma có thể thường xuyên theo sát các vườn ươm tạo công nghệ của Israel và chọn ra những doanh nghiệp có tiềm năng cao nhất.

Yozma chủ yếu đầu tư vào các doanh nghiệp trong những lĩnh vực công nghệ mà Israel có thế mạnh như công nghệ thông tin, truyền thông, và y tế. Trong đó chú trọng vào những doanh nghiệp phát triển công nghệ và hạ tầng. Yozma thường lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có năng lực chuyên sâu trong nghiên cứu công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, và có ý thức vươn xa ra thị trường quốc tế.

Sự hỗ trợ của Yozma xuyên suốt các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, nhưng tập trung nhiều vào giai đoạn khởi đầu. Các khoản đầu tư ban đầu thường có quy mô từ 1 tới 6 triệu USD, và có thể tiếp tục được đầu tư bổ sung trong các giai đoạn phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.

“Là nhà đầu tư Israel duy nhất trong công ty, Yozma thực sự là một đối tác hữu ích, hỗ trợ chúng tôi từ những ngày đầu tiên cho tới khi công ty được tập đoàn Johnson & Johnson mua lại với giá gần nửa tỷ USD. Đồng thời mối quan hệ đặc biệt với Yozma trở thành động lực tự nhiên thôi thúc chúng tôi quay trở lại tiếp tục tái đầu tư mạo hiểm [tại Israel]” (GS. Shlomo Ben Haim, nhà sáng lập và điều hành BioSense).

Lý do Yozma chọn đầu tư vào những doanh nghiệp khởi nghiệp vì đây là những đối tượng mà Yozma có thể đóng góp giá trị gia tăng cao nhất. Tuy nhiên, Yozma cũng đầu tư cả vào những doanh nghiệp đã trưởng thành có nhiều tiềm năng tiếp tục phát triển. Trong mọi trường hợp, các quyết định đầu tư của Yozma đều được thực hiện sau một quy trình thẩm định (due diligence) kỹ lưỡng.

Mỗi khi xác định được một doanh nghiệp tiềm năng, các giám đốc phụ trách của Yozma sẽ tập trung vào đánh giá, phân tích, trước khi quyết định tiến hành thẩm định doanh nghiệp (due diligence) một cách kỹ lưỡng, bao gồm nghiên cứu thẩm định về quản lý, thị trường, mô hình kinh doanh, công nghệ, và các đối thủ cạnh tranh. Các tiêu chí cần thiết đề một doanh nghiệp được lựa chọn đầu tư bao gồm:

Có thị trường tiềm năng đáng kể, và doanh nghiệp có những tố chất cần thiết để dẫn đầu thị trường về vị thế thị phần;

Bộ máy quản lý có đủ năng lượng thực hiện kế hoạch kinh doanh và hài hòa trong kỹ năng đầu tư kinh doanh cũng như quản trị;

Sản phẩm công nghệ có tính ứng dụng rộng rãi và tính năng không dễ bị sao chép bởi các đối thủ cạnh tranh.

Yozma sẽ cử các giám đốc điều hành của mình trực tiếp tham gia vào hội đồng quản trị của công ty được góp vốn đầu tư, đồng thời đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ tuyển dụng những nhân sự giàu năng lực đóng vai trò làm nhà quản lý cao cấp, các thành viên hội đồng quản trị, và các chuyên gia công nghệ. Yozma cũng giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển, và huy động thêm vốn từ khu vực tư nhân và thị trường tài chính, thu hút các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư tài chính, và hỗ trợ mở các văn phòng đại diện ở nước ngoài cho doanh nghiệp.

Các cố vấn và mạng lưới đối tác rộng khắp

Nhờ mạng lưới quan hệ và đối tác rộng khắp ở Mỹ và châu Âu, Yozma đã giúp các doanh nghiệp của mình thu hút và lựa chọn những nhà đầu tư quốc tế hàng đầu, trong đó có các tập đoàn lớn trên thế giới như America On Line, Cisco, Computer Associates, ECI Telecom, General Instruments, Johnson & Johnson, Medtronic, Microsoft, Sequoia Capital hay Benchmark.

Nhiều doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu ở Israel trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, tài chính rất quan tâm tới Yozma và trở thành những nhà đầu tư tham gia vào các quỹ Yozma II. Đáng kể như Tập đoàn Ofer là tập đoàn công nghiệp và công nghệ hàng đầu của Isarel với tổng tài sản toàn cầu trên 6 tỷ USD. Tập đoàn này chiếm cổ phần chi phối trong  United Mizrahi Bank (ngân hàng lớn thứ 4 của Israel) và công ty Israel Corp., một trong những công ty hàng đầu ở Israel đầu tư vào công nghệ bán dẫn, viễn thông, hóa chất, đóng tàu, dầu mỏ, và năng lượng, với tổng doanh thu hằng năm đạt trên 5 tỷ USD.

“Năm 1993, tôi tìm đến Yozma với một mảnh giấy tóm tắt ý tưởng cung cấp dịch vụ điện thoại qua cáp quang. Yozma đã có một kế hoạch giúp tôi chuyển ý tưởng này thành một doanh nghiệp trong thực tế, đóng vai trò quyết định trong việc thiết lập một nhóm các nhà đầu tư ban đầu cho Telegate. Qua 6 năm đầy thách thức, Yozma đã thể hiện một quyết tâm sắt đá đối với doanh nghiệp của chúng tôi cho tới khi ước mơ biến thành hiện thực: sau khi cổ phần của doanh nghiệp được bán lại với giá hàng trăm triệu USD cho Telcos, toàn bộ doanh nghiệp đã được bán lại thành công cho Terayon Communicationsi” (Ehud Iloni, nhà sáng lập và điều hành Telegate).

Bên cạnh đó, Yozma còn có một nhóm các nhà tư vấn giàu năng lực, am hiểu các ngành công nghiệp, thị trường tài chính, và giới nghiên cứu. Hội đồng tư vấn của quỹ Yozma II là những cá nhân có uy tín trên thế giới, có thể được coi là những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Ví dụ như Yigal Erlich, người kiến tạo nên thị trường đầu tư mạo hiểm của Israel; Frederick Frank, Phó chủ tịch và Giám đốc Tập đoàn Lehman Brothers, một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các dịch vụ đầu tư và ngân hàng phục vụ các ngành công nghệ dược – dinh dưỡng, công nghệ sinh học, thiết bị y tế;  Moshe Stark, cựu Tổng Giám đốc Intel ở Israel, từng là nhà quản lý nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới; Giáo sư Itzhak Kronzon, của Đại học New York, một chuyên gia y dược nổi tiếng thế giới. Họ là những người hỗ trợ đắc lực cho Yozma trong quá trình thẩm định chuyên sâu về các doanh nghiệp, công nghệ, và các dự án đầu tư, đồng thời giúp tối đa hóa kết quả đầu ra cho các doanh nghiệp được đầu tư.

Kết luận

Thành công của Yozma đến cùng với những điều kiện thuận lợi khách quan, như sự trùng hợp với thời kỳ hàng loạt nhân lực trình độ cao gốc Do Thái từ các nước thuộc Liên Xô cũ di cư đến Israel, đồng thời những thay đổi đầu thập kỷ 1990 về đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa tại Israel càng tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó trên bình diện toàn cầu, cuộc cách mạng về công nghệ thông tin và truyền thông mở ra nhiều cơ hội, phù hợp với thế mạnh công nghệ của Israel, và Yozma cũng được hưởng lợi đáng kể từ sự phát triển đi lên của sàn chứng khoán NASDAQ ở Mỹ. 

Tuy nhiên, yếu tố then chốt làm nên thành công cho Yozma là con người, với đội ngũ chuyên gia giàu năng lực, kinh nghiệm trong các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ, tài chính, đồng thời có mối quan hệ rộng rãi để kết nối hiệu quả với các đối tác trong và ngoài nước. Sự hình thành các quỹ con của Yozma gắn liền với quá trình phát triển nhân lực quản lý cốt lõi. Qua quá trình tích lũy kinh nghiệm, đội ngũ nhân lực cốt lõi này tiếp tục mở rộng hoạt động để hình thành thêm những quỹ mới – trung bình mỗi quỹ con của Yozma kéo theo hình thành từ 2 tới 3 quỹ bên ngoài.

Như vậy, qua quá trình hình thành và phát triển, Yozma đã không chỉ đáp ứng mục tiêu ban đầu là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, mà còn giúp xây dựng đội ngũ chuyên gia quản lý và tư vấn giàu kinh nghiệm, khắc phục những thiếu sót ban đầu của thị trường đầu tư mạo hiểm, thu hút nguồn lực tư nhân tạo động lực hình thành một thị trường đầu tư mạo hiểm hoàn thiện và sôi động như ngày nay.

        Thanh Xuân  tổng hợp từ trang điện tử của Yozma (www.yozma.com) với nhiều dữ liệu được cung cấp từ Zafrir Asaf, Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam

Yigal Erlich, cha đẻ của dự án Yozma

Yigal Erlich có thể coi là người kiến tạo ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm của Israel là một trong những nhân vật nhiều ảnh hưởng nhất trên đấu trường công nghệ cao của Israel trong vòng 15 năm trở lại đây. Ông là người đứng ra thành lập Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Israel, và giữ chức Chủ tịch hiệp hội này.

Từ đầu thập kỷ 1990, Erlich đã nhận ra nhu cầu vô cùng cấp bách của Israel là thúc đẩy phát triển ngành đầu tư mạo hiểm, trong khi thị trường đang bất lực trước nhu cầu này. Cuối năm 1992, Erlich thuyết phục chính phủ Israel đầu tư 100 triệu USD cho dự án Yozma. Sau đó trong vòng ít năm, Erlich cùng các cộng sự chủ chốt tại Yozma đã thành lập 10 quỹ đầu tư mạo hiểm, trong đó có Gemini, JPV, Nitzanim (Concord), Polaris, STAR và Walden Israel. Chúng tạo thành xương sống cho thị trường đầu tư mạo hiểm tại Israel ngày nay.

Yigal Erlich là ai?

Erlich có bằng cử nhân và thạc sĩ ngành hóa học, và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh từ Đại học Hebrew ở Jerusalem. Ông là Giám đốc Khoa học (Chief Scientist) của Viện Công thương Israel từ 1984 tới 1992. Trong tám năm ở vị trí này, hằng năm ông phụ trách quản lý một ngân sách trị giá 200 triệu USD, chủ yếu dành cho các dự án nghiên cứu và phát triển của các công ty công nghệ. Erlich đồng thời cũng là người đề xuất thành lập chương trình Công nghệ chung nhằm tăng cường mối hợp tác giữa doanh nghiệp với các đại học và viện nghiên cứu của Israel và thế giới trong các hoạt động R&D dài hạn.

Đặc biệt là Chương trình Ươm tạo Công nghiệp của Israel do Erlich khởi lập, đã tạo ra 24 trung tâm ươm tạo trên khắp đất nước. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập một số thỏa thuận hợp tác trong R&D cho các ngành công nghiệp và công nghệ mang tính song phương giữa Israel và các quốc gia Canada, Pháp, Hà Lan, Singapore, và Tây Ban Nha. Erlich là Chủ tịch Ủy ban Điều hành Quỹ Nghiên cứu và Phát triển Công nghiệp Mỹ – Israel, và là Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia của Israel cho tới năm 2010, cùng nhiều chức vụ quan trọng tại một số tập đoàn, tổ chức công nghệ khác. Ông cũng là nhà tư vấn cao cấp cho một số chính phủ như New Zealand, Hàn Quốc, Canada, Latvia, Slovakia, Estonia, và là thành viên hội đồng quản trị Công ty Đầu tư Mạo hiểm Nga (RVC), là một quỹ đầu tư của chính phủ Nga quản lý số vốn lên tới 1 tỷ USD. 

Từ tháng 10 năm 2010 tới tháng 6 năm 2011, Erlich là chủ tịch một ủy ban trong chương trình Eureka, có mục tiêu tạo ra những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính. Ông cũng tham gia các dự án chuyển giao kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel cho các nước châu Âu, và tư vấn cho Ngân hàng Thế giới trong việc thực thi các chính sách và giám sát hiệu quả đầu tư mạo hiểm ở Tây Trung Quốc.



1 Bản thân Terayon Communications, một tập đoàn cung cấp dịch vụ cáp quang của Israel tới năm 2006 cũng được Motorola thâu tóm.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)