10 gợi ý hữu ích cho những nhóm khởi sự

Báo chí đã nhiều lần khai thác về nội dung bộ sách cũng như đường lối của nhóm Cánh Buồm, nhưng hiện tượng Cánh Buồm có thể nhìn từ nhiều góc độ khác, và hẳn sẽ có nhiều bài học thú vị. Dưới đây là 10 gợi ý hữu ích rút ra từ câu chuyện của Cánh Buồm cho những nhóm có ý đồ khởi sự, xắn tay vào giải quyết các vấn đề nóng bỏng của xã hội.

1. Nhìn vấn đề theo hướng tích cực, làm một việc tích cực

Đứng trước thực trạng khủng hoảng của giáo dục Việt Nam, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo, nhiều người đã góp ý, nhiều người gay gắt phản biện. Phần nhiều tỏ ra rất bi quan chán nản, người sáng lập Cánh Buồm chọn cách khác:“làm một việc tích cực”, đó là tập hợp các bạn trẻ để cùng làm ra một bộ sách tiểu học. Đưa ra một sản phẩm tích cực là cách “góp ý” tốt nhất. Rốt cục bi quan không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm cho nó tệ hơn.

2. Nguồn lực không phải là tiên quyết

Khi bắt đầu một dự án, phần nhiều các nhóm đều nghĩ tới vốn và nguồn lực. Đó không phải là cách duy nhất để bắt đầu một công việc. Cánh Buồm bắt đầu với nguồn lực gần như bằng không, và vẫn liên tục cho ra sản phẩm mới với nguồn lực vô cùng hạn chế trong suốt nhiều năm. Không phải là cứ nguồn lực dồi dào thì sẽ giải quyết được các vấn đề nóng bỏng. Cái cần là một mục đích tốt đẹp, một đội ngũ cùng chí hướng kiên trì lao động. Khi đó, ắt sẽ có cách vượt qua những khó khăn.

3. Bắt đầu bình thường

Nhà giáo Phạm Toàn nói “làm gì có ai giỏi, cứ làm đi thì biết”. Năng lực là cái có được trong làm việc, chứ không phải cái có sẵn cứ thế mà dùng. Ông còn nhiều lần dặn, “chúng mình dám làm một công việc quá sức, không màng đến thành công mà chỉ nghĩ đến trẻ em Việt Nam”. Nhóm vừa làm vừa học, làm-mà-học như chính phương châm của mình. Cánh Buồm cho thấy: các nhóm khởi sự có thể kiến tạo giá trị mới với những con người bình thường sẵn có, bắt đầu ngay hôm nay chứ không phải chờ đến lúc giỏi rồi mới làm.

4. Một mục đích có ý nghĩa sẽ thu hút sự góp sức của cộng đồng

Ngày 24/3/2015, nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm đã được Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh trao giải thưởng  “Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục” cho những cống hiến liên tục nhằm canh tân nền giáo dục nước nhà. Trước đó, bộ sách giáo khoa tiểu học Cánh Buồm mang tư tưởng và phương pháp giáo dục hiện đại đã được một số trường tiểu học đưa vào giảng dạy.

Cánh Buồm không có sẵn nguồn lực, nhưng có một mục đích rất rõ ràng là đưa ra cái mẫu (không phải là mẫu mực) về cách làm và tư tưởng để xã hội cùng chung tay trong công cuộc gian nan kéo nền giáo dục thoát khỏi tình trạng xuống dốc triền miên. Tất cả những việc làm của nhóm là vì trẻ em Việt Nam. Được thu hút bởi mục đích cụ thể mà cao đẹp đó, những cá nhân còn trẻ và không còn trẻ xúm vào góp sức, những tổ chức cũng giơ tay chào đón và nâng đỡ để ý tưởng của Cánh Buồm được hiện thực hóa.

5. Hãy nói về sản phẩm, sản phẩm và sản phẩm

Trong lĩnh vực giáo dục và hoạt động xã hội, bạn có thể thấy nhiều người rất thích “bàn”, thích “triết lí”. Có một cách khác để thể hiện ý kiến, đó là đưa chúng vào trong hành động của mình, vào sản phẩm của mình. Có sản phẩm, bạn sẽ nói được cái ý của mình. Đó là cách thể hiện “triết lí” giản dị, không màu mè mà mạnh mẽ nhất trong bối cảnh xã hội dường như đang lạm phát lời bàn.

6. Tập trung vào sản phẩm cốt lõi

Cánh Buồm từng thử nghiệm với việc soạn sách Khoa học, Tin học, Tiếng Anh bên cạnh những bộ sách thế mạnh là Tiếng Việt, Văn và Lối sống. Sau nhiều năm, với lực lượng mỏng, nhóm quay lại tập trung làm thật tốt các môn cốt lõi. Thời gian đã kiểm chứng sự tập trung đó mang lại kết quả tốt: bộ sách Tiếng Việt, Văn, Lối sống được bản thân nhóm tự đánh giá là “cao hơn, xa hơn, và dễ tự học hơn” và đã được xã hội đánh giá rất cao.

7. Đưa sản phẩm ra thật sớm, sẵn sàng đón nhận những “hòn đá”, cải tiến liên tục

Kể từ 2009, năm nào Cánh Buồm cũng ra sách mới. Khi thì sách mới viết, khi thì đưa ra phiên bản mới. Mỗi một lần ra sách là những lần bị “ném đá” tơi bời, bên cạnh những lời tán dương và động viên khích lệ. Tất cả những phản hồi đó đều giúp cho Cánh Buồm điều chỉnh sản phẩm của mình để đến gần hơn với xã hội, gần với cái “đúng” hơn. Bạn có thể thấy Cánh Buồm vận dụng rất thành thạo nguyên tắc của Khởi nghiệp Tinh gọn: biến ý tưởng thành sản phẩm thật nhanh, đưa đến tay người dùng thật sớm, để những ý tưởng của mình được kiểm chứng, học thật nhanh từ phản hồi của người dùng và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình. Để đến với bộ sách “cao hơn, xa hơn và dễ tự học hơn” cả về hình thức lẫn nội dung phát hành cuối năm 2014, sách Cánh Buồm đã trải qua ba lần nâng cấp.

8. Nếu ý tưởng của bạn đúng, sẽ có người chấp nhận, hãy kiên trì

Sách Cánh Buồm không được chấp nhận ngay. Ngay cả khi đã có trường tiểu học đầu tiên tại Hà Nội thí điểm, nhiều người vẫn còn hết sức nghi ngại. Điều đó không cản trở Cánh Buồm tiếp tục cải tiến sách của mình để thuyết phục xã hội. Cho đến nay, đã có hai trường tiểu học chọn sách Cánh Buồm để dạy Tiếng Việt, Văn và Lối sống; nhiều trường khác đang chờ để hợp tác triển khai. Thành công bền vững không đến với những kẻ thiếu kiên trì.

9. Việc hay sẽ nối tiếp việc hay

Ban đầu nhóm chỉ tự giao nhiệm vụ soạn sách giáo khoa tiểu học, sau đó là xây dựng bộ sách kinh điển Tâm lí học Giáo dục Cánh Buồm. Nhưng được yêu cầu từ chính ngôi trường thực hành sách tiểu học Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn lại cùng nhóm của mình tiếp tục nhận nhiệm vụ soạn nối lên Trung học Cơ sở. Bộ sách mới tinh này có thể sẽ lại là một thành tựu quan trọng nữa, không chỉ của riêng Cánh Buồm.

10. Người lãnh đạo quyết tâm, đam mê và bám đuổi đến cùng

Điều cuối cùng nhưng có lẽ là quan trọng nhất: sự lãnh đạo có vai trò quan trọng sống còn với mỗi nhóm, mỗi tổ chức. Mọi người đều biết, không có một nhà giáo Phạm Toàn lăn lộn suốt mấy chục năm với giáo dục nước nhà thì không có Cánh Buồm. Về điều này, chúng ta không cần phải nói gì thêm.

***

Trong giáo giới, Cánh Buồm là một hiện tượng thú vị; trong các nhóm xã hội dân sự, Cánh Buồm là một đội tiên phong. Từ góc độ khởi sự, các nhóm đang ấp ủ hiện thực hóa ý tưởng của mình để giải quyết các vấn đề nóng bỏng của xã hội có thể coi Cánh Buồm như một “ca” để nghiên cứu, và từ cái “mẫu” làm việc mà nhà giáo Phạm Toàn và nhóm tự đề xuất và thực hành, các nhóm khởi sự có thể nhận được nhiều gợi ý tốt. Theo đó, Cánh Buồm còn là một bài học quý.

Tác giả