200 năm Đại học HUMBOLDT

Ngày 10 tháng 10 đúng 200 năm trước, Đại học Berlin, rồi được gọi Đại học  Friedrich-Wilhelm, và sau Thế chiến thứ hai được đổi tên thành Đại học Humboldt, chính thức ra đời với những lớp học đầu tiên trong một tinh thần hoàn toàn mới: tinh thần Đại học Humboldt. Những ý tưởng mới về một nền đại học của Wilhelm von Humboldt (1767- 1835) - nhà chính trị, ngoại giao, nghiên cứu ngôn ngữ, và cũng là nhà giáo dục hàng đầu của Đức, nhằm cải cách nền đại học và giáo dục đang xuống cấp và mất phương hướng nghiêm trọng - giống như những tiếng đập đầu tiên của đôi cánh bướm tại Berlin nhưng đã gây ra hiệu ứng của một cuộc cách mạng đại học trên thế giới, cuộc cách mạng của những cuộc cách mạng trong thế kỷ 19 và 20.

Với nước Đức, đó là một cuộc cải cách để qua đó “Nhà nước Phổ phải lấy sức mạnh tinh thần để bù đắp những gì nó đã mất về vật chất”. Nhưng với thế giới, đó là một cuộc cách mạng vĩ đại. “Ý tưởng về các thể chế khoa học cao như là đỉnh cao, mà ở đó tất cả những gì đã diễn ra trực tiếp cho nền văn hóa quốc gia được hội tụ lại, dựa lên sứ mệnh được trao cho các thể chế là vun bồi khoa học theo nghĩa sâu rộng nhất của nó như một chất liệu của sự giáo dục tinh thần và đạo đức” như Humboldt viết mở đầu cho bị vong lục của mình về Đại học Berlin năm1809.

Hai trong các đặc tính được viết lên ngọn cờ của đại học cải cách quan trọng này là “Tự do ” và “Nghiên cứu”. Đại học phải là nơi có đầy đủ tự do cho không gian học thuật, và phải là nơi nghiên cứu để tìm ra chân lý mới. Không có hai tính chất này, đại học trở nên tầm thường như trường học muôn thuở.

Cứu cánh đích thực của con người – cái không phải được định đoạt bởi xu hướng đổi thay, mà bởi lý tính mãi mãi bất biến – là sự giáo dục cao nhất và hài hòa nhất những năng lực của nó thành một tổng thể. Điều kiện đầu tiên và không thể thiếu cho giáo dục này là tự do. Ngay cả bên cạnh tự do, sự phát triển những năng lực con người còn đòi hỏi một cái gì hơn nữa, dù có liên quan mật thiết đến tự do: sự đa dạng của các hoàn cảnh. Ngay cả con người tự do nhất, độc lập nhất, nếu bị đặt vào hoàn cảnh đơn điệu, cũng sẽ phát triển nghèo nàn đi.
                                                  Wilhelm von Humboldt

Các ý tưởng giáo dục khai phóng của phong trào tân-nhân-văn đã được nhiều con người cao quý gieo trồng: Rousseau, Kant, Herder, Goethe, Schiller và Fichte, nhằm đưa con người tìm lại bản thể và phát triển nó toàn diện như mẫu người Hy Lạp thời Hellen. Người Đức thấy mình ít gần gũi với người La Mã, một dân tộc chiến binh, hơn là gần gũi với người Hy Lạp, một dân tộc đã thiết lập sự hiện hữu vĩnh cửu của mình trong thế giới ý tưởng của triết học, khoa học, giáo dục, văn học và nghệ thuật hơn là chính trị hay quân sự. Nước Đức vào cuối thế kỷ 18 đã sống trong một thế giới những ý tưởng cao cả về phẩm chất con người và về sự giáo dục toàn diện của nó, và đang đứng trên đỉnh cao văn hóa. Các nhà cải cách của Phổ may mắn đều là những học trò khai sáng của Immanuel Kant. Những biến đổi lớn lao gây ra bởi các cuộc chiến của Napoleon đã làm cho miền đất nhân văn ấy chín muồi cho một sự phát triển mạnh mẽ, và cuối cùng được thể hiện trong chương trình cải tổ giáo dục và đại học của Humboldt. Nguồn gốc tai họa của quốc gia chính là sự không trưởng thành, sự lệ thuộc tuyệt đối của con người, kết quả là sự thờ ơ và xa lạ đối với Nhà nước và Tổ quốc, sức sáng tạo to lớn của dân tộc không được phát huy. Cho nên con người phải được giáo dục thành những công dân tự do, trưởng thành, “tự sử dụng cái đầu của mình mà không cần sự hướng dẫn của kẻ khác” (Kant), ra khỏi sự thụ động để trở thành người tự do, tự hành động, biết ước muốn, có đạo đức và phát triển toàn diện nhất.
Mô hình Đại học Humboldt từ đó có một cuộc tiến hóa ngoạn mục, vượt biển Manche để vào nước Anh, vượt Đại Tây Dương để thâm nhập vào nước Mỹ, đi vòng quanh thế giới để vào nước Nhật, rồi nhiều vùng xa xôi khác trên thế giới, mỗi lần thâm nhập sinh ra những “hạt giống mới” phù hợp những điều kiện môi trường đặc thù xã hội ở đó giống như quy luật sinh học. Đặc biệt nhất là ở Mỹ. Các đại học tiên phong như Harvard, Johns Hopkins, Columbia và Chicago đã được truyền cảm hứng từ mô hình đại học Đức, những người thuộc thế hệ thành lập đều đã từng học ở Đức. Mô hình này đã thay đổi hướng đi của nền đại học Mỹ, và từ sau Thế chiến thứ hai, do hội tụ được những nhân tố thuận lợi chưa từng có trong lịch sử, các đại học Mỹ đã bùng lên thành một cuộc cách mạng trong khoa học, kéo dài từ những năm 1954, làm nên cái gọi là “thời đại vàng” của đại học Mỹ. “Giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ” đã trở thành thể thống nhất mới. Đại học Mỹ trở thành một “multiversity”, khó diễn tả hết, có học giả đặc trưng “hệ thống đại học Mỹ là hệ thống không theo hệ thống nào”. Nó đã trở thành một “Incorporation”, một “Tổng công ty” đồ sộ, “một hệ sinh thái” với nhiệm vụ không những giảng dạy, học tập, nghiên cứu, mà còn là “đại học dịch vụ” cho các nhu cầu xã hội, đặc biệt là thực hiện chuyển giao công nghệ, không phải chỉ đi “bán các gói công nghiệp”, mà quan trọng hơn hết là đào tạo chính các sinh viên khoa học công nghiệp tài năng có óc kinh doanh thành những người giải đáp các bài toán tương lai, để sau này họ trở thành những nhà lãnh đạo với cái máu hàn lâm còn tươi rói đã tạo được.

Ở đâu Nhà nước phá hủy đại học, trung tâm điểm và là trường ươm mầm của mọi nhận thức, cô lập tất cả khuynh hướng khoa học và bốc chúng ra khỏi mối quan hệ sinh động của nhau, ở đó chúng ta không nghi ngờ: ý đồ hoặc tác động không ý thức của một hành động như thế là sự đè nén nền giáo dục tự do và cao cấp nhất, cũng như tất cả tinh thần khoa học và uyên bác, và hậu quả không thể tránh được là một sự thắng thế của tính thủ công và một sự dốt nát thê thảm trong tất cả mọi ngành. Hành động nông nổi là những người đề nghị một sự biến đổi hay phân tán các trường đại học thành những trường chuyên môn; cũng như trong mỗi đất nước mà ở đó dạng kia (đại học) tự nó sẽ chết dần, hay ở đó, ngay cả khi chính quyền không ngăn cản nó, nhưng không bao giờ hình thành một đại học đích thực, mà tất cả chỉ vẫn là trường trung học, thì khoa học và sự uyên bác tất yếu phải thoái hóa và tinh thần phải chìm vào giấc ngủ.
                                 Friedrich Daniel Ernst Schleiermacher (1768-1834)
     Một người đồng hành của Humboldt và người cha đỡ đầu của đại học.

Trong khi Hoa Kỳ là quốc gia đã đưa công việc nghiên cứu khoa học về cho hệ thống đại học một cách toàn diện sau bị vong lục nổi tiếng của Vannevar Bush năm 1945 mang tên “Khoa học – Biên giới không bến bờ”, thì Ấn Độ là một trong những quốc gia đã không theo mô hình đại học của Humboldt, đã tách các viện nghiên cứu ra khỏi đại học. Một năm sau khi giành lại độc lập, với sự thúc đẩy của Thủ tướng Nehru, Nghị quyết về khoa học đầu tiên ra đời năm 1958 tuy nhấn mạnh sự cần thiết tiếp thu và áp dụng khoa học để tạo ra phúc lợi xã hội, nhưng nghị quyết này cũng như nghị quyết về khoa học và công nghệ tiếp theo năm 1983 không hề nhắc đến vai trò của đại học hay giáo dục đại học trong chiến lược phát triển khoa học quốc gia. Mãi đến năm 2003, Nghị quyết về khoa học và công nghệ mới làm rõ vai trò của đại học và giáo dục đại học trong sự phát triển khoa học. Có thể nghe qua như một sự nghịch lý, nhưng có quan niệm cho rằng chính sự thành lập các viện nghiên cứu như TIFR (Tata Institute of Fundamental Research, được thành lập đêm trước của độc lập) là có trách nhiệm cho việc xuống cấp hiện nay trong việc phát triển khoa học cơ bản trong sinh viên. Sự chia cắt giữa giảng dạy và nghiên cứu, tức ngược lại tinh thần Humboldt, có lẽ đã gây ra thiệt hại lớn nhất cho các đại học như trung tâm của tri thức.

Các quốc gia đang phát triển trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Saudi Arabia, đang quyết tâm xây dựng những “đại-học-đẳng-cấp-thế-giới” với những quyền tự chủ và tự do hàn lâm lớn hơn theo mô hình đại học Mỹ. Quốc gia quyết tâm và quyết liệt nhất là Trung Quốc hiện nay. Quốc gia này đang muốn nổi lên như một người cạnh tranh với các đại học quốc tế phương Tây. Họ bỏ ra tiền tỉ đầu tư, cơ sở hạ tầng đồ sộ mọc lên như nấm. Họ trải thảm đỏ cho giới hàn lâm thế giới về đó, biến đất nước trở thành nơi giao lưu của sự trác việt (excellence) thế giới. Họ mong mỏi cũng có nhiều huy chương như trong Olympic. Nhưng trước hết họ hiểu rằng đại học đẳng cấp quốc tế là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế không thể thiếu.

Giờ đây, trong “thế bí” của đại học Đức, ý tưởng đại học Mỹ cũng đã vượt Đại Tây Dương để trở thành niềm hy vọng, và để trả ơn cho quê hương đã sản sinh ra tinh thần đại học hiện đại! Đại học Đức đã không kịp thời đổi mới toàn diện trong những thập niên 60 và 70 của thế kỷ 20 khi cao trào đại chúng hóa dâng cao, như các đại học Mỹ đã từng làm. Trước nhu cầu đa dạng tăng lên của xã hội, nền đại học của Đức đã tỏ ra cứng nhắc. Chỉ một số ít đại học được xây dựng mới, và vẫn mang nặng tính hàn lâm. Đại học Đức không phát triển thành những “multiversities”. Nhưng thay đổi là một mệnh lệnh. Quá trình Bologna đã được thực hiện cho toàn Liên minh châu Âu để hòa nhập về mặt hình thức với tinh thần đại học Mỹ. Nước Đức cũng đã biến hơn chục đại học hàng đầu của họ thành “những trung-tâm-trác-việt” để nâng cao sức cạnh tranh toàn cầu. Nhưng để “bà mẹ già cỗi” đổi mới thật sự và trở thành một công chúa trẻ đẹp, con đường đó còn khó khăn, tuy quốc gia này vẫn đứng đầu về xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp cao cấp. Các viện nghiên cứu của họ rất mạnh và rất đông, đa dạng, so với Mỹ, nhưng bị chia cắt khỏi hệ thống đại học quốc gia.

Đại học Việt Nam đang đứng đâu trên bản đồ thế giới? Có lẽ câu hỏi đó không cần câu trả lời. Hệ thống giáo dục đại học không có được các viện nghiên cứu mạnh kiểu Ấn Độ, mà cũng không có những đại học nghiên cứu mạnh kiểu truyền thống Humboldt để làm đầu tàu, lại càng không phải là “đại học dịch vụ” theo kiểu Mỹ. Nó vẫn còn sống trong một thế giới ảo, với những giá trị ảo. Sáu mươi năm trước Việt Nam có một nhà khoa học đã có những ý tưởng về đại học theo truyền thống Humboldt: GS Hồ Đắc Di. Rồi hai mươi năm sau có vị Bộ trưởng có tầm chiến lược và tinh thần đại học Humboldt: GS Tạ Quang Bửu. Nhưng mảnh đất mà họ đã gieo những hạt giống chưa cho phép chúng nảy mầm như trên thế giới.

Nếu danh sĩ Thân Nhân Trung thế kỷ 15 dâng sớ vua Lê Thánh Tông “Chiêu nạp hiền tài” và cho rằng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” thì ngày nay người ta hỏi lấy đâu ra những hiền tài nếu không phải là họ được đào luyện từ các trường đại học cao cấp? Xã hội xưa chỉ cần vài hiền tài giúp vua trị nước, nhưng xã hội hôm nay cần đến hàng vạn hiền tài.

Ngày nay ta phải nói “Đại học là nguồn nguyên khí của quốc gia” để đào tạo hàng loạt hiền tài cho đất nước. Tại Đức, cách đây đúng hai trăm năm, trước sự sụp đổ của Nhà nước Phổ, Đại học Humboldt đã ra đời để lãnh trọng trách ấy cứu đất nước. Đó chính là “Nguồn nguyên khí của quốc gia” để góp phần làm một cuộc tạo dựng mới cho giang san.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)