65% và những vấn đề của nền giáo dục quốc gia

Với 65% học sinh vượt qua được kì thi này và ở nhiều địa phương- con số này còn xuống tới dưới 1% - dường như có một sự đồng thuận chung trong toàn xã hội rằng kì thi năm nay là một thành công của ngành giáo dục. Song đằng sau những thành tích đáng phấn khởi (?!) của kì thi này, liệu có những điều gì bất thường? Và quan trọng hơn cả, từ thực tế của kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay, có thể rút ra những vấn đề gì về thực trạng cũng như những giải pháp cải tổ, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục ở Việt Nam? Tại cuộc tọa đàm do tạp chí Tia Sáng tổ chức, ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo, trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết với sự nghiệp giáo dục: GS. Phạm Duy Hiển, GS. Văn Như Cương, GS. Hồ Ngọc Đại, GS. Nguyễn Văn Trọng, GS. Nguyễn Xuân Chánh, Nhà thơ Lê Đạt, Nhà văn Nguyên Ngọc, đã không chỉ dừng ở những đánh giá có tính cách chuyên môn và cụ thể về kì thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, mà nhân sự kiện này, hướng tới những vấn đề ở tầm chiến lược của sự nghiệp cải cách nền giáo dục đang được tiến hành ở Việt Nam.

“Nghiêm” mà chưa “ngặt”
Đánh giá đầu tiên nhận được sự tán thành của đa số cử tọa, đó là năm nay, thi tốt nghiệp đã được tổ chức mới và nghiêm hơn. Nghiêm ít nhất là ở bên ngoài của trường thi. Dẫu vậy, đây lại là một sự “nghiêm không đều” (GS Văn Như Cương) nên có thể tiềm ẩn nguy cơ mất công bằng. Không những thế, đây lại là một sự “nghiêm” nhưng không “ngặt”. Theo GS Cương, đề thi năm nay dễ đến mức “không thể hiểu nổi”, đặc biệt là môn toán. Trong đề thi này, có những câu hỏi học sinh không cần kiến thức của lớp 12 cũng có thể làm được một cách dễ dàng mà những câu hỏi này lại chiếm một tỉ lệ khá cao trong tổng số điểm của bài thi. Điển hình là câu hỏi về thể tích của một hình chóp với chiều cao và độ dài đáy cho trước (1,5/10,0 điểm). Đánh giá về độ dễ đến mức “không thể tưởng tượng nổi” này đã nhận được sự đồng tình của GS Phạm Duy Hiển và TS Nguyễn Xuân Chánh.
Độ dễ của đề thi phải chăng chính là một “bảo hiểm” cho kì thi và nếu vậy thì con số 65% học sinh tốt nghiệp phải chăng cũng vẫn chưa phản ánh đúng thực chất học sinh bởi nếu ra đề thi với độ khó của những năm trước, tỷ lệ này chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều. Cũng phải nói thêm rằng, không chỉ đề thi toán mà các đề thi văn của kì thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học khối D vừa qua cũng bị nhiều người, từ các học sinh phổ thông cho tới chuyên gia của chính Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là “không bao quát và đáp ứng được yêu cầu toàn diện của chương trình. Nội dung thiếu chuẩn xác. Đáp án không phù hợp với yêu cầu của đề”(1).
Cùng với sự “dễ dãi” của đề thi, việc tổ chức thêm một đợt thi thứ hai ngay trong mùa hè này cũng chính là một chiếc phao bảo hiểm cho độ “nghiêm” của kì thi này. Cho đến nay, ngoài những quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chưa có điều gì đảm bảo rằng kì thi này sẽ được tiến hành nghiêm túc chứ không phải chỉ là một kì thi “vớt”. GS Cương lo ngại tất cả những điều này là một biến tướng của căn bệnh thành tích mà Bộ Giáo dục đang quyết tâm bài trừ (theo lôgích có thể sẽ có tổn thất nhưng vẫn có những biện pháp để bảo đảm tổn thất ấy là chấp nhận được và kiểm soát được).
Không chỉ chất lượng của đề thi mà phương thức ra đề thi cũng đang có vấn đề. Một trong những nét mới của các kì thi năm nay là việc áp dụng phương pháp thi trắc nhiệm. Theo các nhà giáo, thi trắc nhiệm mặc dù có những ưu điểm nhất định trong việc chống gian lận, thuận lợi trong việc tiến hành chấm nhưng rõ ràng cũng có nhược điểm trong việc đánh giá khả năng tư duy và tính sáng tạo của thí sinh. Tất nhiên, một vấn đề khác của việc áp dụng thi trắc nhiệm đó là đội ngũ người ra đề. Liệu chúng ta có thể tập hợp đuợc một đội ngũ những người ra đề và những người thẩm định đủ khả năng sản xuất ra được những đề thi trắc nhiệm đảm bảo chất lượng? Nhiều người đưa ra lí lẽ rằng hình thức thi trắc nhiệm đã được áp dụng thành công tại nhiều nước tiên tiến nên Việt Nam cần phải học tập. Dẫu vậy, liệu Việt Nam có đủ điều kiện văn hóa, nền tảng sư phạm và cả điều kiện vật chất như những nước nọ để đảm bảo cho sự thành công của hình thức thi này hay không lại không hề được những người chủ trương thi trắc nhiệm nói đến.

Cần một triết lý cho nền giáo dục
Những thay đổi ở kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa qua chứng tỏ Bộ Giáo dục đã có những cố gắng thể hiện bằng những giải pháp cụ thể để cải thiện tình hình. Những giải pháp này, một cách cục bộ, đều xuất phát từ một hạt nhân hợp lí (chẳng hạn như việc tổ chức thi trắc nghiệm để chống gian lận thi cử). Vấn đề là liệu những giải pháp này có thực sự là những giải pháp có thể giải quyết một cách cơ bản những vấn đề của giáo dục quốc gia? Có ba vấn đề cần phải được nghiêm túc nhìn nhận lại.
Trước hết, liệu những giải pháp cải thiện tình trạng giáo dục quốc gia của Bộ Giáo dục là những giải pháp tác động đến những vấn đề cơ bản của nền giáo dục hay chỉ là những biện pháp có tính tình thế để đối phó với tình hình? Công cuộc cải cách giáo dục đang được tiếp cận từ góc độ trị an (chống gian lận thi cử, cải tiến thi để đỡ tốn kém, phiền hà…) trong khi đó, về bản chất, vấn đề cần phải được tiếp cận từ góc độ văn hóa. Không những thế, các biện pháp của ngành lại là những biện pháp tình thế. Nhà thơ Lê Đạt đưa ra một hình ảnh so sánh hết sức thuyết phục: Căn bệnh của giáo dục là căn bệnh mãn tính và trầm kha, tương tự bệnh ung thư. Vậy mà người ta đang chữa căn bệnh này bằng phác đồ chữa cảm cúm, sơ nhiễm và chờ mong những biến chuyển tức thời. Một định hướng như vậy liệu có thể mang đến những thành công? Lấy chuyện thi cử làm một ví dụ. Nhiều người đang băn khoăn về việc lựa chọn giữa thi trắc nhiệm và thi tự luận và sợ rằng thi trắc nhiệm không thể kiểm tra được khả năng tư duy và sự sáng tạo của học sinh nhưng thực ra thì ngay cả với những đề thi tự luận như kiểu trước đây, liệu khả năng tư duy và sáng tạo của học sinh có được thử thách? Tự luận hay trắc nhiệm suy cho cùng chỉ là những phương tiện. Vấn đề của các kì thi ở Việt Nam không phải là chuyện chúng ta lựa chọn phương tiện đo lường nào mà là chuyện chúng ta đã xác lập được một hệ thống mục đích thiết thực, thuyết phục và thực tế cho việc đo lường người học hay chưa. Khi đã xác lập được vấn đề người học cần phải có những gì thì việc áp dụng những phương pháp kiểm tra để đo lường xem học đã có những điều đó hay chưa sẽ trở nên đơn giản hơn.
Thứ hai, công cuộc giáo dục dường như đang được tiến hành trên cơ sở những giải pháp và mô hình du nhập từ nước ngoài. Thi trắc nhiệm hay một vấn đề khác của ngành giáo dục gần đây là mô hình đào tạo tín chỉ là những ví dụ. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc học tập những mô hình của nước ngoài là cần thiết nhưng cũng lại tiềm ẩn những nguy cơ. GS. Phạm Duy Hiển dùng một hình tượng là “lối học hớt ngọn”. Có những giải pháp mà nước ngoài thực hiện rất hiệu quả nhưng muốn có được kết quả đó phải có những điều kiện nền tảng cần thiết. Về Việt Nam, những điều kiện đó không đầy đủ. Vậy khi đó, những giải pháp này liệu có còn hiệu quả?
Thứ ba là vấn đề về mối quan hệ giữa lí thuyết và thực tiễn Việt Nam. Trước tình hình giáo dục nước ta, không phải không có những góp ý bằng những giải pháp cụ thể như trả lại quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường đại học, trả lại quyền tổ chức thi tốt nghiệp cho các sở giáo dục. GS. Hồ Ngọc Đại thậm chí còn cho rằng nên thay thế việc thi cuối cấp bằng một quá trình kiểm tra liên tục trong toàn bộ quá trình học tập của học sinh và như vậy thì sổ học bạ có thể được coi là một trong những cơ sở để tuyển học sinh vào đại học. Những ý kiến này chắc chắn xuất phát từ tâm huyết và trí tuệ của các nhà giáo quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tuy vậy, một yếu tố cũng cần phải tính đến là những điều kiện đặc thù của Việt Nam. Khi mà hiện tượng “chạy trường” tồn tại từ bậc học phổ thông, khi mà hệ thống đại học mới chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu học tập của người dân, khi đó, liệu việc trả quyền tự chủ cho các trường đại học trong khâu tuyển sinh có thể làm phát sinh những tiêu cực kiểu mới? Và nếu vậy thì phải chăng Bộ nên tiếp tục xây dựng một hình thức thi cử tập trung hóa triệt để hơn hình thức hiện nay thay vì trả lại một cách vội vã quyền tự chủ cho các trường đại học.
Trong hoàn cảnh nền giáo dục nước nhà còn yếu kém về hàm lượng công nghệ, cũ kĩ về phương pháp giảng dạy; nội dung kiến thức lạc hậuvà nhất là thiếu vắng một triết lí của nền giáo dục,  nhà văn Nguyên Ngọc đề nghị: Bộ Giáo dục & Đào tạo nên chăng dừng các biện pháp cải cách “theo phong trào”, chấp nhận thực tế yếu kém trong một số năm để dồn sức cho một cuộc thay đổi có tính cơ bản với sự đóng góp trí tuệ và tâm huyết của toàn bộ giới trí thức và chuyên gia.

P.V

1. Xin xem bài của một học sinh lớp 12 trường PTTH Hà Nội– Amxtécđam tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/giaoduc/tuyensinh/thacmac/2007/07/716880/ và bài của ông Đỗ Ngọc Thống, chuyên viên Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục tại địa chỉ http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/717298/.

P.V

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)