AUN nhìn từ bảng xếp hạng ĐH châu Á

Mới đây, một số trường đại học của Việt Nam bắt đầu nói về kế hoạch tham gia đánh giá chất lượng theo Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN). Bài viết dưới đây nhằm xem xét uy tín của AUN, dựa vào vị trí của các trường thành viên AUN trên bảng xếp hạng đại học châu Á của QS năm 2014.

AUN (ASEAN University Network1) là một tổ chức dạng hiệp hội, ra đời năm 1995 theo sáng kiến của Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN với mục tiêu nâng cao chất lượng của các trường đại học thành viên, để khu vực này không còn bị nhìn nhận như một vùng trũng của giáo dục đại học trên thế giới, mà ngược lại, được tăng cường hình ảnh, uy tín và sức cạnh tranh với các trường đại học của các nước tiên tiến. AUN hiện có 30 thành viên thuộc 10 nước ASEAN, trong đó có ba thành viên chính thức của Việt Nam là hai Đại học Quốc gia và Đại học Cần Thơ.

Bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của tổ chức QS (QS Asia Ranking)2, một trong những bảng xếp hạng đại học khu vực được nhiều người biết đến, ra đời vào năm 2009 cùng với phong trào xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế và tăng cường tính cạnh tranh của các trường đại học trên thế giới, đặc biệt là tại châu Á. Trước đó, trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2010, QS đã phối hợp với Times Higher Education thực hiện bảng xếp hạng đại học thế giới nhằm xác định vị trí tất cả các trường đại học trên toàn cầu không phân biệt khu vực.

Sáng kiến tạo ra các bảng xếp hạng riêng cho từng khu vực của QS là nhằm đáp ứng nhu cầu được xếp hạng của nhiều trường trên thế giới nhưng không thể hoặc chưa thể lọt vào bảng xếp hạng thế giới.

70% các trường AUN có tên trên bảng xếp hạng QS 2014

AUN được xem là một tổ chức gắn kết các trường đại học tốt nhất của khu vực ASEAN, nhưng thực tế có đúng như vậy không? Theo kết quả xếp hạng trường đại học châu Á năm 2014, được công bố vào đầu tháng Năm3, có tổng cộng 21/30 trường đại học thành viên AUN nằm trong danh sách 300 trường đại học tốt nhất châu Á, chiếm tỷ lệ 70%, một tỷ lệ rất cao. Như vậy có thể khẳng định AUN quả thực là một mạng lưới bao gồm những trường đại học tốt nhất của từng nước trong khối ASEAN. Ngoài ra, nếu theo dõi qua nhiều năm, sẽ thấy sự có mặt trong bảng xếp hạng châu Á của các trường thành viên AUN ngày càng tăng về số lượng và được nâng cao về vị trí. Điều này chứng tỏ các hoạt động đảm bảo chất lượng của AUN quả thực đã có tác dụng tốt đối với các trường thành viên.

Vị trí 1-50 trên bảng xếp hạng QS 2014

1. NUS (Singapore) xếp thứ nhất với số điểm tuyệt đối 100/100.
2. NTU (Singapore) xếp thứ 7 – 97,3 điểm.
3. UM (Malaysia) xếp thứ 32 – 80,4 điểm.
4. Mahidol (Thái Lan) xếp thứ 40 – 72,7 điểm.
5. Chulalongkorn (Thái Lan) xếp thứ 48 – 67,4 điểm.
ĐHQG Hà Nội (Việt Nam) nằm trong khoảng 161-170.

Kết quả xếp hạng cũng cho thấy, trong 10 nước thành viên ASEAN có sự phân nhóm rất rõ về đẳng cấp giáo dục đại học. Thuộc đẳng cấp cao là năm nước có tên trong danh sách 100 trường tốt nhất. Sắp xếp theo thứ tự của ngôi trường chiếm vị trí cao nhất trong danh sách của từng nước, chúng ta có Singapore (hạng 1), Malaysia (hạng 32), Thái Lan (hạng 40), Philippines (hạng 63), và Indonesia (hạng 71). Trong khi đó, ba nước không có bất kỳ trường nào lọt vào bảng xếp hạng là Campuchia, Lào và Myanmar. Brunei và Việt Nam nằm ở giữa, có xuất hiện trong bảng xếp hạng nhưng không có trong danh sách 100 trường tốt nhất. Tóm lại, có thể tạm xếp hạng vị trí của nền giáo dục đại học của các nước ASEAN như sau: 1. Singapore; 2. Malaysia; 3. Thái Lan; 4. Indonesia; 5. Philippines; 6. Brunei; 7. Việt Nam. Ba nước còn lại – Campuchia, Lào, Myanmar – đứng ở vị trí cuối bảng và có thể xem là đồng hạng. Điều đáng chú ý là ba nước dẫn đầu về giáo dục đại học trong khối ASEAN (Singapore, Malaysia và Thái Lan) cũng là ba nước được đánh giá có hệ thống đảm bảo/kiểm định chất lượng giáo dục tốt nhất.

Cuối cùng, có thể thấy, vị trí của các nước dựa trên bảng xếp hạng cũng trùng khớp gần như hoàn toàn với vị trí của các nước này dựa trên GDP theo sức mua tương đương bình quân đầu người (GDP/PPP)4. Sự trùng khớp này cho thấy có một mối tương quan chặt chẽ giữa chất lượng của giáo dục đại học với sự phát triển kinh tế.

Ngay từ khi ra đời, AUN đã đặt nặng công tác đảm bảo chất lượng vì đây là cơ sở tạo sự tin cậy giữa các trường thành viên đến từ các nước có điều kiện kinh tế xã hội rất khác nhau

Bộ tiêu chuẩn chất lượng chương trình đào tạo của AUN gồm 15 tiêu chuẩn và có thể phân thành ba nhóm:

– Nhóm 1, bao gồm từ tiêu chuẩn 1 đến tiêu chuẩn 5, liên quan đến việc thiết kế và vận hành chương trình đào tạo, từ xây dựng kết quả đầu ra dự kiến (ở Việt Nam thường gọi là “chuẩn đầu ra”), đặc tả chương trình, cấu trúc và nội dung chương trình, chiến lược dạy và học, và đánh giá sinh viên;

– Nhóm 2, bao gồm từ tiêu chuẩn 6 đến tiêu chuẩn 10, liên quan đến các điều kiện đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, từ chất lượng giảng viên, sinh viên, đội ngũ hỗ trợ, hoạt động tư vấn và hỗ trợ sinh viên, và cơ sở vật chất và thiết bị; và

– Nhóm 3, bao gồm năm tiêu chuẩn cuối cùng, liên quan đến các hoạt động đảm bảo chất lượng và thông tin về hiệu quả của chương trình, từ đảm bảo chất lượng hoạt động dạy và học, phát triển đội ngũ, hệ thống phản hồi từ các bên liên quan, hiệu suất đầu ra, và sự hài lòng của các bên liên quan.

Từ năm 2007 đến năm 2013, Mạng lưới đảm bảo chất lượng của AUN (AUN-QA) đã tổ chức 24 đợt đánh giá cho tổng cộng 58 chương trình thuộc 8/30 trường thành viên của AUN. Trong số đó có 18 chương trình của Việt Nam5, chiếm 31% tổng số chương trình đã được đánh giá và công nhận đạt chuẩn. Việt Nam tham gia đánh giá chính thức lần đầu tiên vào cuối năm  2009.

 
————————

Tài liệu tham khảo

AUN (2013). Guidelines for AUN quality assessment and assessors & Framework of AUN-QA strategic plan 2012-2015. Bangkok: Chulalongkorn University.

QS (2014). Kết quả xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2014. http://www.topuniversities.com/university-rankings/asian-universityrankings/2014#sorting=rank+ region=+country=+faculty=+ stars=false+search=

—————

1 http://www.aunsec.org

2 http://www.topuniversities.com/

3http://www.topuniversities.com/university-rankings/asian-university-rankings/2014#sorting=rank+region=+country= +faculty=+stars=false+search=

4http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_%28PPP%29_per_capita5 aunsec.org/programmelevel.php

Tác giả