Bài 2: Chế độ dân chủ

Đời sống của người dân Athens bị bẻ ngoặt sang một hướng khác trong thế kỷ thứ VI, với sự thiết lập chế độ dân chủ thông qua hai bản hiến pháp của Solon (594 tCn) và của Cleisthenes (507 tCn).

Mặc dù giữa hai bản hiến pháp này, chế độ dân chủ đã bị gián đoạn bởi 53 năm bá vương của Peisistratus, song chế độ phi hiến sau thực ra cũng thuận lợi cho con đường dân chủ hóa thành quốc, bởi vì để giữ chính quyền, Peisistratus và các con cũng phải tìm mọi cách làm suy giảm quyền lực của giai cấp quý tộc. 

Bằng sự lập ra các thiết chế mới như Hội đồng Đại biểu Thành quốc (Boulê) và một hệ thống tòa án (dikasteria) mở rộng quyền tố tụng và quyền được xét xử cho mọi công dân, song song với việc thay đổi cách vận hành của những định chế cai trị cũ, Solon đã đặt chính quyền vào tay các tầng lớp xã hội phi  quý tộc. Nhưng về giáo dục, tầm cải cách của ông chỉ giới hạn vào việc gỡ bỏ thành kiến đối với các nghề, và khuyến khích mỗi gia đình nghèo phải dạy cho con cái một kỹ năng. Chính những cải tổ của Cleisthenes về sau mới thổi vào các định chế quyền lực của Athens ngọn gió “bình đẳng” thực sự: bình đẳng trước pháp luật (isonomia), về quyền hành (isokrateia), về lời nói (isogoria). Kết hợp với khía cạnh cuối của quyền bình đẳng này, thói quen và nhiệt tình bàn luận về mọi vấn đề của thành quốc vốn có sẵn ở người dân Athens (nhờ không phải bận tâm về sản xuất vì đã có nô lệ lo, và về việc nhà vì đã có đàn bà lo), đã mau chóng tạo nên một không khí tự do ngôn luận chưa hề có ở bất cứ nơi nào khác.

Trong lịch sử, lãnh tụ dân chủ uy tín nhất của Athens là Periklès. Và kẻ đã giữ vị thế áp đảo trong chính quyền gần như liên tục suốt 30 năm (461-429 tCn) này đã ca ngợi chế độ dân chủ của thành quốc như sau:

“Hiến pháp của ta không mô phỏng luật lệ của các xứ láng giềng; chúng ta là mẫu mực để nơi khác noi theo hơn là kẻ đi bắt chước. Chính quyền của ta gọi là dân chủ, bởi vì thành quốc không phải do một thiểu số mà do đa số [công dân] cai trị. Về luật pháp, nó mang lại phần công lý bằng nhau cho mọi người trong những tranh chấp riêng tư; về địa vị xã hội, sự thăng tiến trong việc công tùy thuộc tiếng tăm về khả năng, phân biệt giai cấp không được phép xen lẫn vào sự thẩm định công trạng; sự nghèo khó cũng không được phép cản đường tiến thân của bất cứ ai, hễ ai có khả năng phục vụ nhà nước thì điều kiện tăm tối của đương sự không hề là một trở ngại” … “Tóm lại, tôi nói rằng, như một thành quốc, chúng ta là trường học của toàn thể Hy Lạp” (Trích đoạn từ: Ai điếu chiến sĩ trận vong Athens = Funeral Oration (năm 431 hay 430). Trong: Thucydides, The History of the Peloponnesian War, t. 2 – ch. 6).

Đoạn văn này nhấn mạnh trên cách vận hành của chế độ. Nó cho ta thấy một khía cạnh nữa trong nền dân chủ ở đây: đó là sự bình đẳng về cơ hội, sau được nhà xã hội học Alexis de Tocqueville (1805-1859) xem là một trong những ý tưởng mấu chốt của nền dân chủ hiện đại ở Hoa Kỳ. Và trên thực tế, đam mê bình đẳng này đã đẩy những cải cách hành chính xa đến mức mọi chức vụ quan trọng của Athens về sau đều do bốc thăm, trừ vai trò tư lệnh quân đội (strategos, sn strategoi), vô tình đặt lên tương lai của thành quốc một thứ chủ nghĩa bình quân trước số phận, với những hậu quả nói chung là tai hại về lâu về dài.    

Chế độ dân chủ này ảnh hưởng như thế nào trên đời sống tinh thần nói chung, và trên sinh hoạt giáo dục nói riêng ở Athens?

Đọc thêm:

Bài 1: Từ xã hội hóa đến giáo dục
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=5888&CategoryID=6


Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)