Bài toán 1000 trí thức Việt kiều

Phát biểu trên báo chí gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết “Trong 10 năm tới, cố gắng thu hút vài trăm, thậm chí 1.000 nhà khoa học Việt kiều về làm việc tại các cơ sở giáo dục VN.” Có thể nói đây là một chương trình qui mô và tham vọng lớn, và nếu thành công có thể làm thay đổi tình hình khoa học nước nhà theo chiều hướng tích cực hơn trong tương lai. Vì thế chúng ta cần xét lại thực lực và cơ chế thực hiện để có thể biến chương trình đó thành hiện thực.

Đáp số cho bài toán “1000 trí thức Việt kiều”?
Chúng ta có bao nhiêu giáo sư hay nhà khoa học gốc Việt có tầm cỡ quốc tế ở nước ngoài? Tuy báo chí thường hay đề cập đến con số 300 ngàn chuyên gia trong cộng đồng người Việt hải ngoại, nhưng nguồn gốc và cơ sở khoa học cho con số đó hình như vẫn là một dấu hỏi. Con số chuyên gia có hàm giáo sư càng hiếm. Ở Mỹ, nơi có người Việt định cư đông đảo nhất ở nước ngoài, hiệp hội giáo sư gốc Việt chưa có đến 150 thành viên. Có lẽ con số giáo sư gốc Việt trên toàn nước Mỹ chưa đến con số 500. Ở các nước có khá đông người Việt định cư như Canada, Pháp và Úc, con số người Việt mang hàm giáo sư chỉ có thể nói là “đếm đầu ngón tay”. Đó là chưa kể một số khá nhiều các vị giáo sư đã hay đang sắp nghỉ hưu. Ngay cả nếu con số giáo sư và nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài có trình độ tiến sĩ trở lên là 1000 đi nữa, thì không phải ai có học vị tiến sĩ đều có khả năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học độc lập, và số người đứng vào hàng “tầm cỡ quốc tế” chắc chắn không quá con số 100.
Do vậy, theo tôi không nên đặt ra những chỉ tiêu hay con số trong khi chưa có một cơ sở hay khảo sát đáng tin cậy. Vấn đề không phải là cần thu hút một con số (chẳng hạn như 1000 trong vòng 10 năm) giáo sư và nhà khoa học; vấn đề là làm sao tạo điều kiện và môi trường khoa bảng để mọi người – trong và ngoài nước – có thể góp một phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cũng như chất lượng nghiên cứu khoa học lên một tầm ngang hàng các nước trong vùng và làm cơ sở để cạnh tranh với các nước khác.
Có thể nói đại đa số các nhà khoa học Việt kiều, dù có vài khác biệt về chính kiến với nhau, ai cũng đau đáu nhìn về quê nhà, và mong muốn “làm một cái gì đó” góp phần đưa Việt Nam vào hàng ngũ các nước tiên tiến, hay ít ra là giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.  Thế nhưng, cho đến nay, mặc dù đã có vài hiệp hội doanh nhân và khoa học Việt kiều được thành lập, nhưng con số nhà khoa học Việt kiều thực sự về nước làm việc chỉ “đếm đầu ngón tay”. Vấn đề đặt ra là tại sao?
Theo tôi (và nhiều đồng nghiệp khác cũng có cùng ý kiến), lí do chính là cho đến nay, Nhà nước vẫn chỉ… nói, chứ chưa có một cơ chế hay chính sách gì cụ thể để các giáo sư và nhà khoa học Việt kiều dựa vào đó mà đi đến một quyết định quan trọng “về hay ở”.
Phần lớn các giáo sư và nhà khoa học Việt kiều về nước tham gia làm việc ngắn hạn chỉ là hoàn toàn thiện nguyện và từ… tiền túi, chứ chẳng có ai tài trợ. Dù làm việc không lương như thế, nhưng họ đôi khi còn bị những thủ tục “hành là chính” từ các cơ quan như hàng không, hải quan, công an, và chính quyền địa phương. Đôi khi (chỉ “đôi khi” thôi) mang theo một máy tính xách tay, một vài đĩa CD chuyên môn, hay vài thiết bị y khoa cũng là đồng nghĩa với việc chuốc lấy phiền phức vào thân cho các nhà khoa học có lòng với đất nước!

Cần một chương trình nghiên cứu
Do đó, để tạo điều kiện cho các nhà khoa học Việt kiều về nước làm việc là thiết lập các chương trình nghiên cứu (ở nước ngoài có khi người ta gọi là “fellowship program”). Có thể gọi chương trình này là “Vietnam Fellowship Program” (VFP). Chương trình VFP này nên nhắm vào 5 mục tiêu chính là: (i) khuếch trương và nuôi dưỡng một đội ngũ khoa học gia ưu tú; (ii) đảm bảo các nhà khoa học này một sự nghiệp vững vàng (tức họ không phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền”); (iii) xây dựng một môi trường tri thức và cơ sở vật chất để huấn luyện thế hệ khoa học gia trẻ; (iv) khuyến khích việc chuyển giao công nghệ và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào thực hành, hoạt động sản xuất, và qua đó nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia; và (v) khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà khoa học có những mối tương tác với các cơ quan chính phủ và công ty kĩ nghệ. Nói tóm lại, mục tiêu chính của CCNC là nhắm vào việc xây dựng một đội ngũ khoa học gia loại “hoa tiêu” để nâng cao tính cạnh tranh của nước ta trên trường khoa học quốc tế.
Có thể giao việc quản lí chương trình này cho Bộ Khoa học và Công nghệ hay Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ cần lập ra một hội đồng cố vấn gồm các nhà khoa học trong và ngoài nước có uy tín và có công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế cố vấn về các vấn đề chuyên môn. Hàng năm, hội đồng cố vấn ra thông cáo tuyển dụng các chuyên gia (sẽ gọi chung là “fellow” theo cách gọi ở nước ngoài). Thông báo không chỉ gửi đến tất cả các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, mà còn công bố trên Internet để các nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài có thể đệ đơn. Thông báo kèm theo tất cả các mẫu đơn, các tiêu chuẩn cụ thể cho từng hạng fellow, và qui trình cũng như thời gian xét duyệt. Tôi đề nghị nên có 3 hạng VFP: hạng một dành cho các nhà khoa học cấp phó giáo sư hay tương đương, cấp hai dành cho các nhà khoa học cấp giáo sư hay tương đương, và cấp ba dành cho các nhà khoa học cấp giáo sư xuất sắc.
Sau khi nhận đơn từ các ứng viên, hội đồng cố vấn sẽ gửi đơn cho 4 chuyên gia (trong số này phải có 2 chuyên gia từ nước ngoài) để bình duyệt. Khi nhận được báo cáo bình duyệt của 4 chuyên gia trong ngành, hội đồng sẽ dựa vào 4 báo cáo này để loại bỏ những ứng viên không đủ tiêu chuẩn, và chọn những ứng viên có triển vọng để phỏng vấn. Nếu ứng viên được bổ nhiệm VFP, tùy theo cấp bậc, ứng viên sẽ được cung cấp một ngân sách chủ yếu là lương bổng trong vòng 5 năm cho nghiên cứu. Ứng viên có thể chọn bất cứ đại học hay trung tâm nghiên cứu nào để nghiên cứu, hay sẽ do Bộ hay hội đồng cố vấn chỉ định. Cố nhiên, trong thời gian này, ứng viên có thể xin tài trợ nghiên cứu từ các nguồn nước ngoài, nhưng trong giai đoạn đầu Nhà nước cần phải tạo điều kiện tài chính cho họ ổn định.
***
Nói gì thì nói, hai yếu tố có ảnh hưởng đến quyết định “về hay ở” vẫn là vật chất và tinh thần.  “Vật chất” ở đây là lương bổng và môi trường làm việc, và “tinh thần” là lòng yêu quê hương, tinh thần dấn thân… Một giáo sư không phải là doanh nhân. Doanh nhân về nước có thể tìm cơ hội kinh doanh và kiếm lời, nhưng một vị giáo sư đại học chỉ tùy thuộc vào lương bổng là nguồn thu nhập chính. Một quyết định về hay ở tùy thuộc vào sự quân hòa giữa hai yếu tố vật chất và tinh thần.
Thử tưởng tượng một trường hợp tiêu biểu: một giáo sư Việt kiều đã thành danh, đang lãnh đạo một nhóm nghiên cứu với ngân sách hàng triệu USD, mức lương 120.000 USD/năm, có cuộc sống gia đình ổn định ở Mĩ. Dù yêu quê hương cỡ nào đi nữa, vị giáo sư đó rất khó mà rời trường đại học để về Việt Nam làm việc trong một điều kiện còn nhiều khó khăn và khó đoán trước được với một mức lương 10.000 hay 20.000 USD/năm. Đó là chưa kể đến chuyện nơi ở có ổn định hay không (giá cả nhà đất ở TPHCM ngày nay thậm chí còn đắt hơn cả giá nhà ở nước ngoài). Thật ra, nếu lãnh đạo trường nghe tin vị giáo sư này sắp rời trường, họ sẽ tìm cách nâng lương hay nâng vị thế để giữ vị giáo sư này lại ở trường (trong thực tế chuyện này rất phổ biến ở các đại học phương Tây vì họ không muốn mất những giáo sư có tài). Có lẽ chính vì lí do này mà Hàn Quốc và Trung Quốc can đảm có hẳn một thang bậc lương riêng cho giới khoa học Hàn Kiều và Hoa Kiều và thậm chí ở trường hợp Hàn Quốc họ còn xây hẳn một khu cư trú cho giới khoa học kiều bào của họ.
Theo tôi, không nên đưa ra những con số mang tính chỉ tiêu hay những lời mời gọi chung chung khi chưa có một chương trình làm việc cụ thể hay một cơ chế khả thi. Mặt khác phải thấy một sự thực là lực lượng khoa học gia gốc Việt ở nước ngoài đâu hùng hậu đến như thế. Và ở một khía cạnh khác, theo tôi, không nhất thiết Việt kiều phải về Việt Nam, vì trong nhiều ngành nghề, Việt kiều vẫn có thể đóng góp cho quê hương dù ở ngoại quốc. Trong thời đại viễn thông và Internet ngày nay, nơi chốn làm việc không còn là một vấn đề lớn nữa. Nhưng vấn đề là làm sao tập trung và nối kết được trí thức Việt kiều và các cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.
Ở thời điểm này, có thể nói nhà nước và Việt kiều đã gặp nhau tại một giao điểm: ước nguyện làm cho Việt Nam phát triển nhanh chóng và ổn định. Nhưng vấn đề còn lại là làm sao biến chính sách và ước nguyện thành hiện thực, tạo điều kiện cho Việt kiều tham gia vào công cuộc kĩ nghệ hóa đất nước. Chính sách và những lời nói hoa mĩ chưa đủ, mà cần phải có một cơ chế thông thoáng và cụ thể, một sự đổi mới về tư duy là nền tảng cho những bước đi cụ thể kế tiếp. Một khi đã có một chương trình cụ thể thì “Bài toán 1000 trí thức Việt kiều” không cần phải đặt ra nữa.
———-
Kinh nghiệm từ Trung Quốc và Hàn Quốc

 
GS Lý Chính Đạo thăm Viện Vật lý tiên tiến ở Lan Châu (TQ)

…  Từ những năm đầu thập niên 1990 cho đến nay, Hàn Quốc đã có một chính sách ngày càng hấp dẫn hơn thế để thu hút các nhà khoa học gốc Hàn Quốc ở các nước Âu Mĩ về nước giảng dạy và nghiên cứu. Các viện nghiên cứu thuộc Nhà nước và các công ty như Samsung và LG xây hẳn một khu chung cư sang trọng với các tiện nghi hiện đại (kể cả bác sĩ nói tiếng Anh) và trả lương cho các nhà khoa học Hàn kiều cao gấp 3 lần so với lương của người bản xứ. Chỉ trong vòng 2 năm, Viện công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) tuyển dụng 27 giáo sư và nhà khoa học Hàn kiều, và họ được hưởng mức lương lên đến 100.000 USD/năm. Năm 2002, Bộ giáo dục Hàn Quốc, qua chương trình fellowship, tuyển mộ được hơn 100 giáo sư và nhà khoa học Hàn kiều (những người đã có trên 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu hậu tiến sĩ) về giảng dạy và nghiên cứu khoa học về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Trong số này, có đến 65 người được Đại học Quốc gia Seoul đón nhận về công tác.
…  Trong thời gian trên dưới 10 năm nay, Trung Quốc đã thu hút được trên một ngàn nhà khoa học và chuyên gia về nước làm việc. Trong số này, có những gương mặt nổi tiếng trên trường quốc tế. Chẳng hạn như năm 2004, Trung Quốc mời được Andrew Chi-chih Yao (giáo sư khoa học máy tính thuộc Đại học Princeton) về Trung Quốc thành lập một trung tâm nghiên cứu máy tính tại Đại học Thanh Hoa.  Đại học Bắc Kinh mời được Tian Gang (một nhà toán học hàng đầu của Mĩ tại Viện công nghệ Massachusetts – MIT) về nước để thiết lập một trung tâm nghiên cứu toán học. Trung Quốc đã có những đề cương với những qui định cụ thể về lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và đi kèm theo các khoản lương bổng và ưu tiên quyền lợi cho các nhà khoa học ưu tú gốc Hoa.
Chẳng hạn như trong Đề cương 985 để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cho một số trường đại học trọng điểm như Bắc Kinh, Thanh Hoa, Giao Thông… Mỗi trường được tài trợ đến 1 tỉ Nhân dân tệ (tức khoảng 124 triệu USD) để thiết lập những chương trình nghiên cứu mũi nhọn và “chiêu dụ” các nhà khoa học Hoa kiều về làm việc. Đại học Bắc Kinh mỗi năm tiếp nhận khoảng 30 đến 40 các giáo sư từ nước ngoài, trong số này có một số về làm việc hẳn ở Trung Quốc được trả lương đến 40.000 USD/năm (lương chính thức của một giáo sư ở Trung Quốc chỉ khoảng 7.200 USD/năm). Nhà nước Trung Quốc thậm chí còn cấp hẳn một Giấy chứng nhận chuyên gia nước ngoài (Foreign Expert Certificate) cho các nhà khoa học này để được hưởng ưu tiên trong các dịch vụ của Nhà nước, kể cả đi lại, nhà ở, và trường học cho con cái.

Nguyễn Văn Tuấn

Tác giả