Biết để làm – hiểu để dạy

"Trung đạo vàng", như được trình bày trong số trước, là quan niệm duy thực của Aristoteles về việc giáo dục tình cảm và đạo đức, hay về nhân sinh quan nói chung. Đi tìm chỗ "chính trung" trong thái độ ứng xử, không nhắm đến các lý tưởng quá xa vời, không trở thành những nhà không tưởng về chính trị, đó là những "thông điệp" của vị thầy lão luyện.

Dù đồng ý hay phản bác, thông điệp duy thực ấy vẫn còn sức vang vọng, nhất là trên phương diện giáo dục :

1. Thật hệ trọng khi cần thừa nhận bài học từ kinh nghiệm rằng: con người có thể hành động sai trái, phản lý tính;

2. Thừa nhận có sự đa dạng của những điều tốt; chúng có thể mâu thuẫn và xung đột với nhau (giàu sang, danh vọng là tốt, nhưng có thể đi ngược lại đức vị tha và công bằng v.v…).

3. Ta không khỏi có lúc bị dẫn dắt hay bị buộc phải quyết định và làm những điều ta biết là không tốt. Chính ý thức về sự kết hợp bi đát này, hay, nói khác đi, ý thức về những xung đột không thể giải quyết được, cũng là nét đặc sắc và tinh tế trong cái nhìn duy thực của Aristoteles.

Tính đa dạng trong đời sống thực hành của con người sẽ song hành với tính đa nguyên trong đời sống lý thuyết khi nhận thức về thực tại, là hai hòn đá tảng cho tòa nhà triết học Aristoteles, nhất là cho triết thuyết giáo dục của ông.

BỐN XÁC TÍN CỦA THUYẾT DUY THỰC TRONG CÁI NHÌN NGÀY NAY

Ta đã biết bốn xác tín của thuyết duy thực: 1. Ta đang sống trong thế giới có thực; 2. Thế giới ấy độc lập với việc ta có “sử dụng” nó hay không; 3. Ta có thể nhận thức về nó một cách vững chắc; và 4. Nhận thức ấy là cơ sở đáng tin cậy trong việc định hướng hành động của ta.

Ngày nay, sau khi nhận ra vai trò to lớn của ngôn ngữ trong đời sống (chẳng hạn, trong lý thuyết “hành vi ngôn ngữ” của J. Searle), bốn xác tín nói trên trở nên chính xác hơn. Theo đó, 1. Thế giới bên ngoài, tuy kỳ cùng chỉ có thể được hình dung một cách “nhân tạo” thông qua ngôn ngữ, nhưng không vì thế mà chỉ đơn thuần có tính chủ quan; 2. Sự thật tương ứng với sự hình dung thích hợp (bằng ngôn ngữ) về thực tại ở trong đầu óc ta, có tính khách quan, không phụ thuộc vào thái độ hay tình cảm; 3. Tính lô gíc và tính thuần lý là thước đo để đưa ra những phán đoán về thực tại; và 4. Những thước đo trí tuệ ấy là cần thiết để nhận thức cũng như để kiểm tra nhận thức.

Giống như các triết thuyết khác, thuyết duy thực cũng có nhiều “phiên bản” khác nhau. Chẳng hạn, ta có thuyết duy thực cổ điển của Hy lạp cổ đại hay của những nhà duy thực hiện đại, rất phổ biến trong giới khoa học, vững tin rằng, với phương pháp nghiên cứu và dụng cụ quan sát ngày càng tinh vi, khoa học tự nhiên là phương tiện tốt nhất để nắm bắt và lý giải thực tại. Lại cũng có thuyết duy thực của những nhà thần học hay những nhà tôn giáo tin vào thế lực siêu nhiên sáng tạo hoặc chi phối thế giới thực tại. Nhưng mọi “phiên bản” hầu như đều thừa hưởng bộ khung khái niệm từ các đại công trình của Aristoteles nhằm mô tả và phân loại các cấp độ của thực tại. Nhìn chung, ông xứng danh là cha đẻ và người đặt nền móng cho khoa học hiện đại, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội và nhân văn.

Ta thử kể qua một số trong rất nhiều sơ đồ khái niệm mang tính phân loại của ông. Chúng mềm dẻo nhưng có giá trị định hướng rất lớn. Ta có bộ ba, chẳng hạn, trong thế giới sinh vật (trên bộ, dưới nước và trên không), ba ham muốn (danh dự, tiền tài, khoái lạc), ba động lực hành động (cái cao cả, cái hữu ích, cái dễ chịu); bộ tứ: bốn đức hạnh căn bản, bốn xúc cảm (sợ hãi, thèm muốn, lo âu, sung sướng), và quan trọng nhất là học thuyết về bốn nguyên nhân để giải thích thực tại, sẽ đề cập kỹ hơn ở sau; bộ năm: năm giác quan, năm hoạt động tinh thần (nghệ thuật, khoa học, sự khôn ngoan, sự minh triết, tinh thần).

Từ quan sát và phân loại của mình, Aristoteles đi đến nhận định về sự thăng tiến tự nhiên (sự phát triển ngày càng cao hơn) của vạn vật: từ vật vô tri (đất đá), lên thực vật, động vật và con người. Trong khi Platon quan tâm đến thế giới thuần túy của ý niệm, đến hình thức hoàn hảo của sự vật, đi từ những cái trừu tượng thuần túy đến hành động và tồn tại cụ thể, tức tiến hành theo kiểu diễn dịch, thì Aristoteles lại theo lối quy nạp, đi từ những quan sát đặc thù tiến lên cái phổ biến.

HỌC THUYẾT BỐN NGUYÊN NHÂN VÀ TINH THẦN GIÁO DỤC

Tuy nhiên, cảm tưởng về sự khác nhau nói trên mờ nhạt dần khi đi vào học thuyết nổi tiếng về bốn nguyên nhân của Aristoteles. Ông giải thích sự vật từ bốn loại nguyên nhân; 1. Nguyên nhân vật chất hay chất liệu (vd: vật liệu xây dựng), 2. Nguyên nhân hình thức (bản vẽ thiết kế), 3.Nguyên nhân tác động (chủ đầu tư, thợ xây dựng), và 4. Nguyên nhân cứu cánh hay mục đích (có nhà ở).

Chất liệu khi chưa được hình thức hóa thì chưa phải là hiện thực mà chỉ mới là tiềm năng. Nhưng, chất liệu nào cũng mang theo mình “hạt mầm” (entelechie), nhờ đó, có thể được hình thức hóa qua nỗ lực bền bỉ để hướng đích. Ví dụ dễ hiểu trong thế giới vật chất: pho tượng ra đời từ khối đá hoa cương vô hình thể. Nhưng, nơi con người thì sao? Theo ông, thân xác là chất liệu, linh hồn là hình thức luôn vận động và tạo hình thể cho thân xác, trong khi tinh thần là năng lượng thuần túy phi vật chất và bất tử. Vậy, thật ra, ông không hoàn toàn “chia tay” với thầy của mình: giống như ý niệm nơi Platon, hình thức nơi Aristoteles vẫn là điều kiện khả thể cho sự hiện hữu. Nói cách khác, như thầy mình, thế giới quan của ông, đàng sau tính đa dạng, hầu như vẫn mang tính nhị nguyên (hai nguồn gốc).

Trong giáo dục, đây lại là một thuyết nhị nguyên tích cực. Giống như pho tượng tuyệt mỹ ẩn mình trong khối đá sù sì, đứa trẻ mang trong lòng nó vô vàn khả thể cho tương lai. Chính cái nhìn “nhị nguyên” trong giáo dục mở ra sự khác biệt giữa hiện thực (người trưởng thành, đã phát triển) và khả thể (đứa trẻ). Cái gì càng có nhiều “hình thức”, thì càng “hiện thực” hơn, tức, càng phát triển hơn. Đạt đến hình thức tối hậu thì hoàn hảo, không phát triển nữa, và ông xin dành nó cho… Thượng Đế bất biến (hiểu như hình thức và hiện thực thuần túy)! Còn con người bất toàn chúng ta – ít “thần thánh” hơn – chỉ tham gia đôi chút vào những hình thức thuần túy ấy thôi: đó là khi ta “tư duy”, và thế là đã được hưởng những phút giây “thiên phúc” hiếm hoi rồi! Theo ông, chỉ ai “hiểu” được điều ấy mới có tư cách làm “thầy”, và, không phải ngẫu nhiên, khi “giáo dục”, trong nhiều ngôn ngữ Âu châu, có nghĩa đen là: tạo hình thể (formation/Bildung).

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 9, 14.11.2013)

Tác giả