Cải cách giáo dục từ dưới lên
Cải cách giáo dục, dưới góc độ lịch sử, có thể được chia làm hai loại: cải cách từ trên xuống và cải cách từ dưới lên. Cải cách giáo dục từ trên xuống được hiểu là cuộc cải cách xuất phát từ phía nhà nước - các cơ quan quản lý giáo dục, đứng đầu là Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông qua các chính sách và chỉ đạo có tính chất hành chính, bắt buộc. Trái lại, cải cách giáo dục từ dưới lên được tiến hành bởi các giáo viên ở các trường học và bằng các “thực tiễn giáo dục”.
“Thực tiễn giáo dục” là gì?
Có thể hiểu một cách đơn giản rằng “thực tiễn giáo dục” là tất cả những gì người giáo viên thiết kế, tiến hành trong một khoảng thời gian ngắn như một vài tiết học khi thực hiện một chủ đề học tập, trong một học kỳ, một năm học hoặc cũng có thể là cả quãng đời dạy học, và thu được ở hiện trường giáo dục. Các thực tiễn giáo dục là kết quả tự chủ và sáng tạo của giáo viên trên cơ sở nghiên cứu mục tiêu giáo dục, chương trình khung, SGK, tình hình thực tế của nhà trường, học sinh. Thực tiễn giáo dục có thể không hoàn toàn trùng khớp hay chỉ là sự minh họa, diễn giải những gì được trình bày trong SGK, nó là sản phẩm của sự sáng tạo mang đậm dấu ấn của giáo viên, của ngôi trường họ đang dạy học. Chính vì vậy, thực tiễn giáo dục thường được gọi bằng cái tên gắn liền với ngôi trường hoặc người giáo viên sáng tạo ra nó.
Vai trò của “thực tiễn giáo dục”
Có thể coi thực tiễn giáo dục là một con đường đi giữa những chỉ đạo về nội dung và phương pháp giáo dục của cơ quan hành chính giáo dục và tình hình thực tế trường học nhằm đi đến cái đích là “mục tiêu giáo dục”. Đây là nơi thể hiện tài năng nghề nghiệp của giáo viên. Khi thiết kế và thực thi thực tiễn giáo dục, giáo viên phải xử lý một cách khéo léo nhất mối quan hệ giữa chương trình, SGK, mục tiêu giáo dục, yêu cầu thực tế của xã hội, nguyện vọng của phụ huynh, nhu cầu truy tìm chân lý nội tại của học sinh và tình hình thực tế của nhà trường, địa phương.
Bằng việc thiết kế và thực hiện các thực tiễn giáo dục có tính độc lập tương đối và mang tính sáng tạo cao, các giáo viên sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực ở ngay hiện trường giáo dục. Hàng ngàn, hàng vạn thực tiễn giáo dục như vậy khi hợp lại, với hiệu quả cộng hưởng, sẽ làm nên cuộc “cải cách giáo dục từ dưới lên”. Thực tế lịch sử đã chứng minh, các cuộc cải cách giáo dục từ trên xuống cho dù ban đầu có quy mô đến bao nhiêu đi nữa thì về sau nó cũng dần dần nguội lạnh. Vì vậy, các cuộc cải cách giáo dục từ dưới lên với vô vàn các thực tiễn giáo dục vừa có tác dụng thúc đẩy, duy trì vừa có tác dụng điều chỉnh cuộc cải cách giáo dục từ trên xuống. Nói cách khác, trong cuộc cải cách giáo dục, người giáo viên sẽ không chỉ đóng vai trò như một người thợ, một người thừa hành thuần túy mà họ, bằng lao động nghề nghiệp giàu tính chủ động, sáng tạo, thấm đẫm tinh thần tự do, sẽ dẫn dắt giáo dục đi đúng hướng và thực hiện mục tiêu giáo dục.
Ở phạm vi hẹp hơn, các thực tiễn giáo dục còn tạo cơ hội cho các giáo viên trong trường học và các đồng nghiệp xa gần trao đổi chuyên môn thực sự. Thực tiễn giáo dục được ghi chép, tổng kết lại cũng sẽ là những tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu.
“Thực tiễn giáo dục” được ghi lại như thế nào?
Tiến hành các thực tiễn giáo dục là công việc thường xuyên của giáo viên. Đó là sự tìm tòi và sáng tạo không ngừng. Tuy nhiên, công việc của giáo viên không chỉ dừng lại ở việc thiết kế và tiến hành các thực tiễn giáo dục. Giáo viên cần ghi lại, tổng kết các thực tiễn giáo dục của bản thân và công bố chúng. Thông thường, một thực tiễn giáo dục ở quy mô nhỏ (thường là một chủ đề học tập với dung lượng ba đến bảy tiết học) được ghi lại với cấu trúc sau:
+ Tên “thực tiễn giáo dục”: Có thể trùng với tên của chủ đề học tập hoặc tên riêng thể hiện mục tiêu, phương châm giáo dục của giáo viên.
+ Thời gian-địa điểm: Ghi rõ ràng, chính xác thời gian bắt đầu, kết thúc, địa điểm tiến hành thực tiễn (trường, địa phương, lớp).
+ Đối tượng: Học sinh lớp mấy, số lượng, đặc điểm học sinh.
+ “Giáo tài”: Tài liệu dùng để giảng dạy và “chuyển hóa” nội dung giáo dục thành nội dung học tập của học sinh.
+ Mục tiêu của “thực tiễn” (chủ đề học tập): Về tri thức (hiểu biết), kĩ năng, mối quan tâm, hứng thú, thái độ…
+ Kế hoạch chỉ đạo (giáo án): Bao gồm các chỉ đạo cụ thể của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh.
+ Quá trình thực hiện: Ghi lại khách quan, trung thực và đầy đủ tối đa về diễn tiến của thực tiễn trong thực tế, chú trọng các phát ngôn và hành động của giáo viên và học sinh.
+ Hồ sơ giờ học: Tập hợp các cảm tưởng, bài viết, bài kiểm tra, ghi chép của học sinh, sản phẩm của học sinh tạo ra trong thực tiễn…
+ Tổng kết thực tiễn: Giáo viên tự đánh giá về thực tiễn trong tham chiếu với mục tiêu đặt ra và những điểm cần lưu ý rút ra cho bản thân.
+ Phụ lục: Tài liệu sử dụng hoặc liên quan đến thực tiễn.Các thực tiễn giáo dục khi đã được “văn bản hóa” như trên có thể được trao đổi thông qua các buổi thuyết trình, thảo luận chuyên môn hoặc công bố trên các tập san, tạp chí. Gần đây, với sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật số, giáo viên có thể ghi lại thực tiễn giáo dục bằng hình ảnh.
Cơ hội tiến hành các thực tiễn giáo dục ở Việt Nam
Ở Việt Nam, do nhiều yếu tố trong đó có sự tồn tại quá lâu của cơ chế “SGK quốc định” (một chương trình – một sách giáo khoa), các thực tiễn giáo dục với ý nghĩa như vừa phân tích ở trên gần như không tồn tại. Sự giống nhau từ nội dung, phương pháp đến tài liệu giảng dạy, ngày giờ tiến hành của các bài học trên cả nước là biểu hiện cụ thể cho hiện thực đó. Nhận thức của giáo viên về thực tiễn giáo dục và vai trò chủ động, sáng tạo khi tiến hành các thực tiễn giáo dục cũng là một vấn đề đang được đặt ra.
Tuy nhiên, bằng việc chấp nhận cơ chế “một chương trình – nhiều sách giáo khoa” trong cuộc cải cách giáo dục đang tiến hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên tiến hành các thực tiễn giáo dục. Đây là “cơ hội vàng” cho các giáo viên ở hiện trường giáo dục thực thi và tổng kết các thực tiễn. Các thực tiễn giáo dục sẽ trở thành chủ đề của các buổi sinh hoạt chuyên môn hoặc được công bố trên các tạp chí có liên quan. Các blog cá nhân của giáo viên hay website của các trường phổ thông cũng có thể là nơi công bố các thực tiễn giáo dục. Sự phong phú của các thực tiễn giáo dục sẽ tạo ra sinh khí cho các trường học và đem đến niềm vui cho cả giáo viên và học sinh. Bằng việc tiến hành hàng ngàn, hàng vạn các thực tiễn giáo dục trên cả nước, cải cách giáo dục từ dưới lên nhất định sẽ thành công, góp phần tạo ra những người công dân mơ ước có tư duy độc lập và tinh thần tự do.
Thực tiễn từ Nhật Bản Ở Nhật Bản, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhà nước thực hiện chế độ kiểm định SGK thay cho chế độ quốc định đã trở nên lỗi thời, như vậy có nghĩa là có nhiều bộ SGK cho các trường lựa chọn. Giáo viên có thể dạy bám sát nội dung SGK hoặc cấu trúc lại, tự mình thiết kế nên một nội dung riêng phù hợp với mục tiêu, nội dung cơ bản đề ra trong “Bản hướng dẫn giảng dạy”. Đây gọi là quyền tự do thực tiễn giáo dục và quyền này được đảm bảo bằng Hiến pháp (ban hành năm 1947) và các bộ luật giáo dục như Luật Giáo dục cơ bản, Luật Giáo dục trường học, Luật Giáo dục nghĩa vụ… Để minh họa cho mối quan hệ giữa chương trình – SGK và thực tiễn giáo dục của giáo viên ở Nhật Bản, tôi xin dẫn ra một ví dụ cụ thể mà tôi được chứng kiến một vài công đoạn, do cô Kawasaki ở Trường tiểu học Hiyoshidai (TP Takatsuki, phủ Osaka) tiến hành. Thực tiễn giáo dục này được cô Kawasaki đặt tên là “Hai nông gia chuyên nghiệp: ông Fujita và ông Naito”. Để thực hiện loạt giờ học về chủ đề nói trên, cô Kawasaki đã đi điều tra thực tế, thu thập thông tin và phỏng vấn một nông gia nổi tiếng trong vùng là ông Naito. Cô phát hiện ra điểm mấu chốt là 10 năm trước, ông dùng thuốc bảo vệ thực vật nhưng rồi sau vụ ngộ độc thuốc trừ sâu, ông suy nghĩ và đi đến quyết định không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất nữa. Cô Kawasaki đã sử dụng bước ngoặt này như điểm nhấn quan trọng trong nội dung giáo dục mà cô thiết kế, gồm hai phần chính: Phần 1. Thực phẩm và thuốc bảo vệ thực vật (Trước đó, cô Kawasaki đã hướng dẫn học sinh tiến hành hoạt động ngoại khóa, điều tra thu thập thông tin mua bán thực phẩm, sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở xung quanh nơi các em sinh sống). Phần này gồm bốn tiết học, mỗi tiết kéo dài 45 phút với các nội dung cụ thể như sau: Tiết 1: Bắp cải đẹp và bắp cải bị sâu cắn: Nếu là người mua em sẽ chọn cái nào? Tiết 2: Chúng ta thường mua thực phẩm ở đâu? Tiết 3: Chúng ta cần chú ý điều gì đối với thực phẩm? Tiết 4: Nông dược là gì? Phần 2. Nông gia vùng Tainaka: ông Naito và ông Fujita. Phần này được tiến hành qua bảy tiết học với nội dung cụ thể như sau: Tiết 1: Tainaka là vùng nào? Tiết 2-3-4: Ông Fujita (dùng thuốc bảo vệ thực vật) và ông Naito (không dùng thuốc bảo vệ thực vật): Nếu là người sản xuất em chọn làm theo cách của ông nào? Tiết 5-6: Nghe ông Naito kể chuyện. Tiết 7: Suy nghĩ của các em sau câu chuyện kể (cho học sinh viết tiểu luận). Những thông tin giáo viên thu thập được như: Tình hình sản xuất, khó khăn, niềm hạnh phúc, thu nhập bình quân hằng năm của nông gia… được giáo viên chỉnh lí cho dễ hiểu và in dưới dạng tài liệu phân phát cho học sinh. Thí dụ nêu trên thể hiện rất rõ vai trò của giáo viên trong việc xử lí mối quan hệ giữa SGK – nội dung chương trình và thực tiễn dạy học của giáo viên. Nước Nhật từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai đã giải bài toán giáo dục tương đối thành công bằng cuộc cải cách giáo dục triệt để, toàn diện, có triết lí và lộ trình rõ ràng, trong đó, các giáo viên trực tiếp giảng dạy ở trường phổ thông đóng một vai trò vô cùng to lớn. Họ không đơn thuần là người thực hiện những chỉ dẫn cải cách mang tính hành chính từ Bộ Giáo dục mà bằng thực tiễn giáo dục phong phú, sáng tạo tương ứng với điều kiện cụ thể của từng trường học, lớp học, học sinh, họ đã tạo ra cuộc cải cách giáo dục từ dưới lên bằng muôn nghìn dòng chảy. |