Cải cách về học hàm và học vị

Trong bài viết này, tôi muốn phân tích về những cải cách cần thiết trong hệ thống học vị học hàm cao cấp (GS, PGS, tiến sĩ) ở đại học và nghiên cứu khoa học của nước ta, và đưa ra một số đề nghị cụ thể.

Thay đổi quan điểm về chức danh giáo sư

Ở các nước tiên tiến (như Mỹ, Pháp, Nhật, …) hiện nay, các giáo sư (professor) thường là những người 1) có uy tín cao về chuyên môn, và 2) có làm việc ở một trường đại học hoặc một viện (các viện nghiên cứu có thể không có giảng dạy ở bậc đại học, nhưng có đào tạo và hướng dẫn nghiên cứu ở bậc sau đại học). Một người là giáo sư, khi mà người đó có một hợp đồng làm việc trong đó có ghi chức danh là giáo sư (hợp đồng đó có thể là vô thời hạn trong trường hợp giáo sư có biên chế, hay ngắn hạn trong trường hợp giáo sư mời, hay “part-time” trong trường hợp giáo sư đồng thời có làm ở nơi khác, v.v.). Điều đó có nghĩa là, “giáo sư” là một “job”, một công việc cao cấp, gắn liền với những trách nhiệm và quyền lợi có ghi trong hợp đồng. Trong các trách nhiệm của giáo sư, thường có 2 trách nhiệm chính: 1) giảng dạy đào tạo, 2) nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, các giáo sư còn có thể được mời làm

những công việc khác, ví dụ cố vấn cho chính phủ hay doanh nghiệp, tham gia vào các hội đồng chuyên gia, v.v. Khi tuyển giáo sư, cái mà các nơi tiên tiến trên thế giới chú trọng nhất chính là uy tín về chuyên môn, tuy rằng người ta cũng có quan tâm đến khả năng sư phạm (những ai chuyên môn giỏi nhưng có nhiều tiếng xấu về việc giảng dạy trước đó, thì các trường đại học cũng ít muốn nhận làm GS). Theo lập luận logic, những ai không giỏi về chuyên môn thì khó có thể dạy học hay ở bậc đại học và cao học (đặc biệt là khó dạy được những kiến thức mới nhất), còn những ai giỏi về chuyên môn nhưng còn ít kinh nghiệm về đào tạo, thì có thể nhanh chóng có được kinh nghiệm về mặt đó sau một thời gian làm việc (tuy rằng tất nhiên có những ngoại lệ) và kể cả nếu có dạy không được hay thì vẫn có thể mang lại uy tín khoa học cao cho nơi làm việc, và bởi vậy uy tín về chuyên môn là điều luôn được đặt lên hàng đầu trong việc xét duyệt giáo sư trên thế giới.

Quan điểm ở Việt Nam hiện tại về chức danh giáo sư (và phó giáo sư), tuy có phần nào giống thế giới, nhưng còn khác xa thế giới rất nhiều. Muốn thay đổi được hệ thống, trước hết chúng ta (đặc biệt là những người trực tiếp lập ra các luật lệ) cần thay đổi quan điểm. Về ý tưởng chung, giống như thế giới, chúng ta cũng muốn những giáo sư của chúng ta cần phải có uy tín cao về chuyên môn, có nhiều đóng góp trong nghiên cứu khoa học, và có nhiều đóng góp trong đào tạo. Tuy nhiên, đi vào cụ thể, chúng ta sẽ thấy rất nhiều điểm khác biệt so với thế giới:

– “Giáo sư” ở Việt Nam hiện tại không phải là một “job”, không có một hợp đồng làm việc có gắn liền với những trách nhiệm và quyền lợi cụ thể, mà mang tính “danh hão”. Trong ngạch đại học đa có chức danh “giảng viên cao cấp” hay trong các viện nghiên cứu đa có chức danh “NCV cao cấp” (là những chức danh có tính công việc, để tính lương), lại có thêm chức danh GS chồng chéo lên đó (nhưng chức danh GS chỉ để cho “oai”, không dùng để tính lương). Vì GS không liên quan tới công việc cụ thể, nên ở VN mới có nhiều “quan” GS.

– Ở các nơi tiên tiến trên thế giới người ta tuyển GS (một phần lớn là người từ những nơi khác) vào, còn Việt Nam phong GS những người đang ngồi tại chỗ (mới đây đa có cách tân theo chiều hướng “bổ nhiệm GS” tại các cơ sở [2], nhưng hiện tại chủ yếu vẫn là phong tại chỗ tuy có đổi từ “phong” thành “bổ nhiệm”). Chức danh GS ở VN như là một danh hiệu khen thưởng, tương tự như một thứ “huân chương” (mượn lời của GS Hoàng Xuân Sính [3]). Nói về danh hiệu dạng khen thưởng, ở Việt Nam đa có các danh hiệu như “nhà giáo ưu tú” hay “nhà giáo nhân dân”, những người có khiếu về sư phạm và có tâm huyết thực sự trong giáo dục đào tạo nhưng trình độ khoa học “vừa phải” nên phấn đấu đạt danh hiệu “nhà giáo nhân dân” thì có lẽ thích hợp hơn là cố dành cho được cái danh hão GS hay PGS.

– Các GS trên thế giới là những người có trình độ cao được tuyển vào để làm việc (với điều kiện tốt, hiệu quả cao, …) còn ở VN các GS được phong sau khi đa làm việc chứ không phải là để làm việc. Bởi vậy trên thế giới thông thường các GS được tuyển ở quãng tuổi trên dưới 40 lúc đang sung sức, còn ở Việt Nam phần lớn những người được phong GS là khi đa gần về hưu. (Tuổi trung bình các GS được phong ở VN năm 2005 lúc được phong là 58 tuổi [4]).

– Tiêu chuẩn phong GS ở VN [2] vừa dễ dãi hơn thế giới nhiều về mặt chất lượng uy tín khoa học (nói theo GS Đỗ Trần Cát [5] thì “với tiêu chuẩn thấp, Việt Nam mới có giáo sư”), vừa rất hình thức và có nhiều điều kiện mà các nơi tiên tiến trên thế giới không cần đến. Ngay trong việc xét uy tín khoa học, hình thức chủ nghĩa đa làm cho nhiều người “không đáng gọi là GS, PGS” vẫn được phong (theo GS Hoàng Tụy thì có 1/3 số GS & PGS “đáng bị miễn nhiệm chức danh” [6]), trong khi có những người có nhiều bài báo khoa học đăng ở tạp chí quốc tế có uy tín thì vẫn chưa đủ điểm khoa học [7]. Trong những tiêu chuẩn để phong GS ở Việt Nam mà trên thế giới người ta lại không cần đến, xin đưa ra ở đây 2 tiêu chuẩn “trời ơi” tiêu biểu (chữ “trời ơi” là mượn lời bài viết [8] của một giảng viên đại học): phải có 1 quyển sách, và phải hướng dẫn xong ít nhất 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công. Các tiêu chuẩn này sẽ chọn được người “đa làm việc” chứ không phải chọn người “để làm việc”. Chất lượng của những cuốn sách được in ra để “chạy GS” có thể cũng đáng bị nghi vấn như chất lượng của nhiều luận án TS bảo vệ tại VN. Nếu theo thế giới thì cần làm ngược lại: tức là các GS có trách nhiệm viết sách và hướng dẫn NCS (sau khi đa thành GS, và phải đảm bảo chất lượng cao), chứ không phải là phải viết sách và hướng dẫn NCS (bất kể chất lượng) để thành GS. Nhà vật lý vĩ đại Werner Heisenberg trở thành PGS (privatdozent) năm 23 tuổi, và GS (ordinarius professor) năm 26 tuổi sau khi xây dựng nền tảng cơ học lượng tử (xem [9]) còn theo các tiêu chuẩn của Việt Nam hiện tại thì chắc ông ta sẽ còn phải “đợi rất lâu” mới ngoi lên GS. Bản thân người viết bài này được nhận làm GS ở Pháp cách đây 7 năm từ khi chưa có nghiên cứu sinh nào hay quyển sách nào, về trình độ và đóng góp trong khoa học có thể coi là tương đương trung bình của các GS Pháp trong ngành (và chỉ là epsilon so với Heisenberg), nhưng nếu theo các tiêu chuẩn của Việt Nam thì cũng “còn lâu”.

– Chúng ta ở Việt Nam đánh giá quá rẻ cái danh GS, thể hiện ở chỗ lỏng lẻo về chất lượng trong việc chọn (phong) GS, và đồng thời trả thù lao cho GS quá thấp. Có những người cho rằng Việt Nam rất thiếu GS, và bởi vậy phải để chất lượng lỏng lẻo “cho đủ GS”. Nói như vậy cũng tương tự như nói “chúng ta nghèo do thiếu tiền, bởi vậy phải in thêm nhiều tiền cho đủ tiền”. In thêm nhiều tiền (trong khi lượng hàng hóa và dịch vụ không tăng tương ứng) không làm cho chúng ta giàu lên, mà chỉ làm đồng tiền giảm giá trị đi. Phong thêm nhiều GS (trong khi nền khoa học giáo dục không đi lên tương ứng) không làm cho chúng ta mạnh lên về khoa học giáo dục, mà chỉ làm lạm phát, giảm giá trị cái chức danh GS. Cái chức danh GS hiện ở Việt Nam đa “bèo” đến mức nhiều người thấy chuyện GS lương chỉ có vài trăm đô la một tháng là “đương nhiên”, trong khi trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế Việt Nam đa có hàng trăm nghìn người có thu nhập hàng nghìn đô la một tháng. Tuy rằng về số lượng GS chúng ta có ít hơn thế giới thật, nhưng cái chúng ta thiếu nhất vẫn không phải là số lượng, mà là chất lượng. Chúng ta muốn hội nhập thế giới, thì cần nâng cao chất lượng (trong một quá trình liên tục kéo dài nhiều năm) cho đến mức ngang tầm thế giới, chứ không phải chạy theo số lượng. Những “sản phẩm kém chất lượng” càng ngày sẽ càng bị thế giới tẩy chay.

Quan điểm về học hàm tiến sĩ của Việt Nam hiện tại có thể nói là tương tự thế giới, trừ việc về chất lượng và sự nghiêm túc thì còn thua kém thế giới, và có nhiều luận án tiến sĩ chỉ cần đọc đầu đề đa có thể “cười vỡ bụng” mà cũng bảo vệ thành công [10], và việc có một số “ngành đặc biệt” mà ở Việt Nam có bảo vệ tiến sĩ còn trên thế giới không hề có. Có một điều tôi muốn lưu ý là “tiến sĩ” là một văn bằng (thể hiện một trình độ học vấn), tức là ai có bằng tiến sĩ (xịn, không phải bằng rởm hay bằng đi mua) thì “cả đời là tiến sĩ”, dù có nghiên cứu khoa học sau đó hay không. Thông lệ quốc tế cũng như vậy, và không có gì xấu khi một người không làm khoa học ghi chức danh của mình là TS, hay PhD theo tiếng Anh. (Tôi không đồng ý với những người chế nhạo những TS không tham gia giảng dạy hay nghiên cứu). Tuy rằng về mặt chi tiết thì các hệ thống học hàm học vị ở các nước tiên tiến khác nhau trên thế giới có khác nhau nhiều, nhưng họ có nhiều điểm chung mà Việt Nam cần học tập. Việt Nam có thể có hệ thống riêng của Việt Nam, không nhất thiết phải đi theo nước nào, nhưng hệ thống đó phải được dựa trên các quan điểm thích hợp có thể hòa nhập được với thế giới, và bởi vậy chúng ta phải rũ bỏ những quan điểm “chỉ có ở Việt Nam”, nếu chúng ta muốn đuổi kịp thế giới về khoa học và giáo dục trong những thập kỷ tới.

 

Một số đề nghị cải cách qui trình bổ nhiệm GS

Dưới đây là một số đề nghị cụ thể cho việc cải cách qui trình bổ nhiệm GS ở Việt Nam. (Tôi sẽ chỉ tập trung vào GS, các đề nghị về PGS có thể coi là tương tự, theo nguyên tắc là PGS tương tự như GS nhưng với các đoi hỏi và trách nhiệm ở mức thấp hơn). Những đề nghị này dựa trên lý luận logic, những kinh nghiệm trên thế giới mà tôi được biết đến trong quá trình làm việc nhiều năm (và đa từng tham gia các hội đồng tuyển GS, cũng như làm phản biện độc lập cho việc xét GS ở một số trường Đại học tiên tiến trên thế giới), và sự tìm hiểu của tôi về tình hình thực tế ở Việt Nam. Hy vọng rằng khi có các qui định mới “thoáng” hơn và đi vào bản chất hơn, thì chúng ta sẽ không còn phải làm những việc “đặc cách GS” như trước, mà những nhà khoa học trẻ tài giỏi của Việt Nam vẫn được phong GS một cách đàng hoàng. Những đề nghị của tôi có thể đa từng được những người khác đưa ra từ trước (tôi không biết hết các bài đa viết hay các đề nghị về vấn đề này, nhưng trong các bài tôi đa đọc thấy có những quan điểm giống với tôi, ví dụ như ý kiến của GS Hoàng Tụy về việc cần có phản biện độc lập) – việc có nhiều người có cùng một đệ nghị sẽ càng chứng tỏ là đó là một đề nghị đáng được các cơ quan chủ quản xem xét một cách

nghiêm túc.

1) Việc xác định uy tín khoa học để bổ nhiệm GS cần được đặt lên hàng đầu. Bỏ cách tính điểm khoa học hiện tại, thay bằng các hình thức khác khách quan hơn và phản ánh đúng chất lượng hơn. Không thể đánh đồng một công trình đăng một tạp chí quốc tế có uy tín cao được thế giới trích dẫn, với một công trình đăng “báo vườn” không ai quan tâm. (1 công trình chất lượng cao có thể có giá trị hơn hàng ngàn lần một công trình vớ vẩn). Cần dùng các hình thức định lượng tinh vị hơn là tính điểm theo kiểu 1 bài 1 điểm, 1 bài viết chung ½ điểm. Cần tính đến cả uy tín của báo, số lần được trích dẫn, v.v. Tuy nhiên tất cả các cách tính định lượng đều chỉ có giá trị tham khảo. Việc quyết định uy tín khoa học của một ứng cử viên phải được thực hiện bằng việc biểu quyết của một hội đồng khoa học, dựa trên các báo cáo của các phản biện (để đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy).

1a) Cần có các phản biện, trong đó có cả phản biện bên ngoài và phản biện bên trong (nằm trong hội đồng ngành). Các phản biện phải là những người có uy tín cao trong ngành liên quan (trong những ngành khoa học cơ bản, có thể yêu cầu có ít nhất 2 phản biện độc lập là chuyên gia nước ngoài). Bảo mật để ứng cử viên không biết ai làm phản biện bên ngoài, để đảm bảo tính độc lập, trung thực và khách quan. Yêu cầu các phản biện bỏ thời giờ nghiên cứu các công trình khoa học của ứng cử viên và đánh giá về chúng (có thể trả tiền phí cho công sức phản biện bỏ ra để làm việc này). Làm các câu hỏi để phản biện có thể tiện trả lời. Ví dụ: theo phản biện công trình như vậy có tương đương một (assistant, associate, full) professor ở trường XYZ không ? Impact của công trình của ứng cử viên ra sao ? v.v.

1b) Cần có các hội đồng khoa học theo ngành. Đối với những nơi khoa học phát triển như Pháp, có cả hội đồng ngành ở mức quốc gia và các hội đồng ngành ở các trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong điều kiện số lượng nhà khoa học có uy tín còn ít, hiện tại việc lập hội đồng ngành ở mức trường hay viện có thể không khả thi. Nhưng cần có hội đồng ngành của quốc gia. Hội đồng có nhiệm vụ cho ý kiến (tín nhiệm hay không tín nhiệm về mặt khoa học) cho các ứng cử viên GS (khi có nhiều ứng cử viên cho cùng 1 suất GS, hội đồng có thể cho sắp xếp thứ tự về khoa học của các ứng cử viên). Để được bổ nhiệm GS, điều kiện tiên quyết là phải được sự tín nhiệm về khoa học của hội đồng ngành. Hội đồng ngành biểu quyết dựa trên ý kiến của các phản biện, và của các thành viên hội đồng. Hội đồng ngành cần có sự độc lập (không bị sức ép từ các cơ quan chủ quản, hay từ các thế lực chính trị khác), nên có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Kiều và quốc tế để đảm bảo chất lượng.

1c) Ứng cử viên có trách nhiệm nộp hồ sơ khoa học đầy đủ, cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt (có một số phần chỉ cần tiếng Anh là đủ), trong đó có danh sách các công trình khoa học, và nếu trong trường hợp công trình không đăng ở tạp chí quốc tế dễ tìm thì phải nộp cả nguyên văn công trình để phản biện và hội đồng khoa học có thể dựa vào đó mà đánh giá. (Những cái gì không nộp, phản biện có thể coi là không tồn tại).

2) Bỏ đi các tiêu chuẩn không cần thiết trong qui định về điều kiện để trở thành GS. Các tiêu chuẩn có thể bỏ đi là: 2a) Đa làm PGS ít nhất 3 năm (bỏ đi); 2b) Đa hướng dẫn NCS (bỏ đi); 2c) Đa có 1 quyển sách (bỏ đi); 2d) Đa có chủ trì đề tài cấp bộ trở lên (bỏ đi); 2e) Sử dụng thành thạo một ngoại ngữ (bỏ đi); 2f) Có viết một báo cáo khoa học dưới dạng 1 công trình tổng quan (bỏ đi). Về điểm 2a), bỏ hẳn yêu cầu đa từng làm PGS đi. Nếu một người trẻ chưa phải là PGS mà có trình độ khoa học của một GS, thì người đó còn đáng được làm GS hơn là một người nhiều tuổi hơn nhiều, đa làm PGS lâu năm, nhưng trình độ cũng chỉ tương đương (và triển vọng thì chắc sẽ kém hơn). Đấy chính là nguyên tắc chọn GS của những nơi danh tiếng trên thế giới (ví dụ như viện IHES ở Pháp: các GS khi được chọn vào IHES đều còn rất trẻ). Về điểm 2b) và 2c) tôi đa có bàn phía trên: vấn đề cần đặt ngược lại, tức là khi làm GS thì cần viết sách và hướng dẫn NCS, chứ không phải là cần viết sách và hướng dẫn NCS để làm GS. (Khi trình độ khoa học còn chưa cao đến mức có thể được coi là GS mà đa viết sách hay hướng dẫn NCS thì chất lượng có thể không đảm bảo). Điểm 2d) cũng chỉ là một điều kiện gây khó dễ, và vấn đề cũng nên đặt ngược lại thì tốt hơn: chú trọng giao các đề tài và cấp kinh phí cho các GS. Về trình độ ngoại ngữ (điểm 2e)), nếu đa có uy tín khoa học quốc tế nhất định (có các bài báo đăng tạp chí quốc tế, để phản biện quốc tế có thể công nhận về trình độ khoa học) thì hiển nhiên phải biết sử dụng ngoại ngữ đủ tốt đến mức đọc và viết được bài báo bằng ngoại ngữ rồi, còn đoi hỏi thêm chứng chỉ về trình độ làm gì. Đối với những ngành mà không cần thiết đăng công trình ra quốc tế, thì ngoại ngữ cũng không quan trọng đến mức cần biết thông thạo để làm GS. Việc kiểm tra trình độ ngoại ngữ cho tiêu chuẩn GS, nếu có xảy ra chắc chắn sẽ mang tính hình thức, không hiệu quả. Về điểm 2f), không cần “1 báo cáo khoa học tổng quan” mà là một “hồ sơ khoa học đầy đủ” để phản biện có thể đánh giá chi tiết. Tất nhiên trong hồ sơ khoa học ứng cử viên cần nhấn mạnh những đóng góp khoa học chính của mình.

3) Tuyển GS thay vì phong GS. Muốn tuyển thì phải có suất. Như vậy phải xây dựng cơ chế tạo ra và dịch chuyển các suất GS. Các suất GS có thể là do Bộ phân phát cho các cơ sở theo các chỉ tiêu. Các chỉ tiêu đó sẽ dựa theo các tiêu chí như số lượng sinh viên, nhu cầu phát triển của các ngành, khả năng tìm ứng cử viên thích ứng, khả năng tài chính của Bộ, v.v. Mỗi suất GS phải có kèm theo gói tài chính tương ứng để tạo điều kiện sống và làm việc cho GS. Các trường và viện khi có tính độc lập đủ cao có thể tự tạo ra một số suất GS mà không cần xin Bộ, những xuất tự tạo ra đó thì trường hay viện phải tự đảm bảo về vấn đề tài chính. Việc tuyển chọn GS cần được thực hiện chủ yếu ở mức địa phương (trường, viện) chứ không phải ở mức trung ương, tức là các trường tự chịu trách nhiệm về việc chọn lựa GS cho mình (và có thể cạnh tranh với nhau trong việc đó). Tuy nhiên trung ương vẫn có thể có vai trò trong những việc như: đảm bảo về chất lượng khoa học (qua hội đồng khoa học ngành của trung ương), và duyệt các quyết định bổ nhiệm GS của địa phương. Ngoài các suất GS có biên chế, có thể tạo thêm những suất GS mời ngắn hạn (rất cần thiết lập ra các suất GS mời để trao đổi về khoa học đào tạo, và có thể đơn giản hóa việc xét duyệt cho những suất này), và những suất GS thỉnh giảng (các cơ sở đào tạo cần thường xuyên mời những chuyên gia trong các lĩnh vực công nghiệp, tài chính, quản lý, v.v. làm GS thỉnh giảng hay parttime, đến giảng bài cho SV cho có thực tế).

4) Lập hội đồng tuyển GS ở các cơ sở địa phương cho việc tuyển GS. Các hội đồng này, tuy là hội đồng địa phương (thuộc trường hay thuộc viện), nhưng cần có sự tham gia của nhiều thành viên bên ngoài (có thể qui định đến ½ là người bên ngoài), để đảm bảo tính minh bạch khách quan. Hội đồng có thể là chung cho toàn địa phương (không nhất thiết phải theo ngành, trong điều kiện Việt Nam), nhưng sẽ chủ yếu dựa trên các đánh giá và lời khuyên của hội đồng khoa học ngành về các ứng cử viên. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện tại, khi hầu hết các địa phương chưa đủ khả năng tự chủ về khoa học và tài chính, ngoài các hội đồng tuyển việc địa phương cần giữ Hội đồng GS trung ương . Hội đồng trung ương không có trách nhiệm tuyển GS cho địa phương, mà chỉ có trách nhiệm kiểm tra các quyết định tuyển GS (cụ thể hơn là “GS quốc gia”) ở địa phương, và có quyền phủ quyết các quyết định đó nếu thấy cần thiết. Trong mô hình Mỹ thì các trường hoàn toàn độc lập trong việc tuyển GS, không có trung ương nào kiểm tra, và GS cũng không phải là công chức nhà nước, không phải là “GS quốc gia”. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện tại các GS là công chức nhà nước, và hiện tại nên duy trì như vậy (cho hầu hết các GS, trừ một số suất GS mà một vài cơ sở địa phương có điều kiện tự lập ra). Trong mô hình Pháp, hầu hết các GS là công chức cao cấp nhà nước (haut fonctionnaire), và sau khi qua hội đồng địa phương tuyển, cần qua hội đồng quốc gia duyệt (trên thực tế rất hiếm khi hội đồng quốc gia phủ nhận quyết định của hội đồng địa phương) và cuối cùng là tổng thống ký quyết định bổ nhiệm. Như vậy trong mô hình Pháp thì GS là GS của quốc gia, tuy khi tuyển thì là do một trường tuyển; khi đa là GS thì có thể xin chuyển sang trường khác trong hệ thống quốc gia (nếu cả hai bên đồng ý) và khi chuyển như vậy vẫn giữ nguyên chức danh GS và thang bậc lương. Việt Nam có thể xây dựng hệ thống hybrid”, vừa tuyển các GS quốc gia như Pháp, vừa cho phép các cơ sở nếu có điều kiện lập ra các ghếGS địa phương (các GS địa phương này sẽ không có một số quyền lợi của công chức nhà nước như GS quốc gia, bù lại được địa phương tùy ý trả lương cao, không bị hạn chế như trong hệ thống quốc gia). Hệ thống ở Pháp thực ra cũng là hybird, với một số trường tư và GS tư (chất lượng không kém gì GS công, nhưng không phải là công chức nhà nước). Để đảm bảo chất lượng của các GS , địa phương ở Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi (cho đến khi chất lượng các trường ĐH ở Việt Nam đa đủ cao), dù là tuyển theo suất do địa phương tự tạo ra, vẫn cần có hội đồng quốc gia duyệt mới được gọi là giáo sư (nếu không đủ điều kiện về trình độ khoa học, thì địa phương không được gọi đấy là GS, mà có thể dùng những tên gọi khác, ví dụ như giảng viên hay giảng viên cao

cấp).

 

Cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ

Đối với các NCS du học ở các nước tiên tiến, chúng ta tin tưởng họ sẽ đảm bảo chất lượng cho những bằng tiến sĩ của người Việt bảo vệ ở chỗ họ, và chúng ta có thể công nhận những bằng PhD đó là nhưng bằng “tiến sĩ quốc tế”. Vấn đề tôi muốn bàn ở đây, là phải cải cách chiến lược và qui trình đào tạo và bảo về luận án tiến sĩ ở trong nước ra sao, để cho các tiến sĩ bảo vệ trong nước cũng xứng đáng là tiến sĩ ngang như tiến sĩ bảo vệ ở nước ngoài, để họ khỏi trở thành tiến sĩ giấy. Bỏ đi các chỉ tiêu bất hợp lý về số lượng tiến sĩ cần được đào tạo trong nước. Khả năng chúng ta có thể đào tạo được bao nhiêu thì đào tạo bấy nhiêu, nhưng phải đảm bảo chất lượng của mỗi tiến sĩ được đào tạo. Nếu có sự thiếu hụt về số lượng, thì phần thiếu hụt phải được bù lại bằng việc đào tạo ở nước ngoài, và bằng việc đầu tư thêm nhiều tiền của để kích thích hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong nước. Những “khẩu hiệu” như “phải đào tạo được 10 nghìn tiến sĩ trong nước trong vòng 10 năm” rất vô lý nếu như chúng ta không có khả năng tương ứng. Nếu như có thể “bắt ép” các cán bộ đi học cao học để “phổ cập cao học cho cán bộ” được (tuy rằng nhiều người học xong cao học trình độ không cao lên), thì “việc phổ cập tiến sĩ” rất bất hợp lý vì nó sẽ tức khắc đẻ ra nhiều tiến sĩ giấy. Ít ai đem khoe mình có bằng thạc sĩ, tuy rằng bằng tiến sĩ giấy dễ bị đem ra để “lòe” thiên hạ. Bỏ đi các chỉ tiêu về việc GS hay PGS phải đào tạo được bao nhiêu tiến sĩ. Đào tạo được 1 tiến sĩ trình độ quốc tế, còn hơn là vẽ ra 10 tiến sĩ giấy.

Quốc tế hóa các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ. Tôi đa có nói đến điểm này trong bài [1]. Để đảm bảo tiến sĩ có chất lượng quốc tế, bản thân hội đồng cần có chất lượng quốc tế. Ngay các nơi tiên tiến trên thế giới cũng hay mời các phản biện người nước ngoài vào các hội đồng bảo vệ tiến sĩ, để đảm bảo tính quốc tế các luận án. (Bản thân người viết bài này cũng từng tham gia các hội đồng bảo vệ tiến sĩ ở các nước châu Âu khác nhau). Ở Việt Nam, việc có phản biện quốc tế trong hội đồng bảo vệ tiến sĩ là đặc biệt cần thiết. Nếu như chúng ta chưa thể áp dụng đoi hỏi này cho tất cả các luận án tiến sĩ, thì trong quá trình chuyển đổi có thể tạo 2 mức tiến sĩ khác nhau: mức “tiến sĩ nội địa” (qui trình bảo vệ như trước), và mức “tiến sĩ quốc tế” (qui trình khắt khe hơn nhiều, và đồng thời những người này phải được trọng dụng hơn).

Đầu tư thích đáng cho mỗi NCS trong nước. Việc gửi một NCS đi học ở nước ngoài tốn cho chính phủ khá nhiều tiền: riêng tiền học bổng đa hơn 10 nghìn đô la một năm cho một NCS. Đào tạo trong nước có thể đỡ tốn kém hơn như vậy, nhưng cũng cần được đầu tư không quá thấp so với như vậy nếu muốn đảm bảo chất lượng. Nếu không được đầu tư bằng 1 NCS đi học nước ngoài, thì ít ra cũng phải được bằng ½ NCS đi học nước ngoài, tức là phải đầu tư tối thiểu 2530 nghìn đô la cho một NCS trong nước (cho toàn bộ thời gian làm NCS). Tiền đó để cấp học bổng cho NCS đủ cao để họ yên tâm sống mà làm việc ngiêm chỉnh và tự hào về công việc của mình, và để trang trải các chi phí khác, ví dụ như đi dự hội nghị khoa học quốc tế, mời GS nước ngoài vào hội đồng bảo vệ, phụ cấp cho GS hướng dẫn, v.v.

Một số tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Tiến Dũng, Con đường hội nhập quốc tế của khoa học Việt Nam, 01/2009.

[2] Quyết định 174/2008 của Thủ tướng chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh GS, PGS)

[3] “Chức danh giáo sư ở Việt Nam như một thứ huân chương” — phỏng vấn GS Hoàng Xuân Sính, 18/03/2008, http://dantri.com.vn/c25/s25-223425/chuc-danh-giao-su-o-viet-nam-giong-nhu-

mot-thu-huan-chuong.htm

[4] Tuổi trung bình các giáo sư được phong năm 2005 là 58,

http://www2.vietnamnet.vn/giaoduc/2005/11/510830/

[5] “Với tiêu chuẩn … thấp, Việt Nam mới có giáo sư” — phỏng vấn GS Đỗ Trần Cát, 11/2004,

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2004/11/350682/

[6] 1/3 GS, PGS xứng đáng “bị” miễn nhiệm chức danh – phỏng vấn GS Hoàng Tụy, 05/2003,

http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2003/5/12255/

[7] Trở thành GS nước ngoài “dễ” hơn GS quốc nội, bài nói chuyện với GS Hoàng Tụy, 01/2008,

http://baodaidoanket.net/ddk/mdNews.ddk?masterId=8&categoryId=89&id=3680

[8] Công nhận chức danh GS: một qui định “trời ơi”, 12/2005,

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2005/12/517811/

[9] http://en.wikipedia.org/wiki/Werner_Heisenberg

[10] Hồ Tú Bảo, Một số ý kiến về nghiên cứu khoa học và giáo dục cao học ở Việt Nam, tạp chí Thời Đại

Mới, số 13, 03/2008, http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai13/200813_HoTuBao.htm

Tác giả