Cần hoàn thiện Qui chế 43

Việc vận dụng “Qui chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ”  (thường được gọi tắt là Qui chế 43) ở một vài trường đại học đã nảy sinh một số bất cập (chẳng hạn như "sự cố" trong năm 2008 ở Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng). Trên cơ sở tiếp cận các qui định về đào tạo theo tín chỉ ở một số quốc gia có nền giáo dục đại học tiên tiến, nhất là của Hoa Kỳ, tác giả phân tích một số nội dung của Qui chế 43 và đề xuất vài ý kiến nhằm góp phần hoàn thiện hơn qui chế quan trọng này.

1. Về cách tính điểm đánh giá bộ phận, điểm học phần, điểm trung bình chung (Điều 22 & 23)
Theo Qui chế 43, việc cho điểm học phần được tiến hành theo trình tự: Giảng viên (GV) chấm theo thang điểm 10, điểm này sau đó được chuyển sang thang điểm chữ: A (8.5 – 10), B (7.0 – 8.4), C (5.5 – 6.9), D (4.0 – 5.4), F (dưới 4). Điểm chữ này sau đó lại được chuyển đổi sang thang điểm 4 để tính điểm trung bình chung (ĐTBC): A=4, B=3, C=2, D=1, F=0.
Việc sử dụng thang điểm chữ giúp cho sự giao lưu/trao đổi học vấn với các nước trên thế giới được thuận lợi hơn, nhưng sự chuyển đổi qua nhiều bước như trên cùng với tính không liên tục của các thang đo đã làm cho sai số của kết quả cuối cùng tăng lên đáng kể. Thử xem một ví dụ:
Ví dụ 1: So sánh ĐTBC của hai sinh viên (SV) sau năm thứ nhất theo hai thang điểm 10 và 4, với giả định cả hai đều tích lũy được 30 tín chỉ ứng với 10 học phần, mỗi học phần 3 tín chỉ:
–  SV 1: 10 học phần đều đạt 5đ/10
ĐTBC (thang 10): A = 5x3x10/30 = 5đ
ĐTBC (thang 4): A = 1x3x10/30 = 1đ
–  SV 2: 5 học phần đạt 5đ/10, 5 học phần đạt 5.5đ/10
ĐTBC (thang 10): A = (5x3x5 + 5.5x3x5)/30 = 5.25đ
ĐTBC (thang 4): A = (1x3x5 + 2x3x5)/30 = 1.5đ
Kết quả trên cho thấy nếu theo thang điểm 10 thì ĐTBC của SV 2 chỉ cao hơn ĐTBC của SV 1 là 5%, trong khi sự chênh lệch theo thang điểm 4 lên đến 50%!
Để hạn chế sự chênh lệch quá lớn như trên, nhiều nơi áp dụng hệ tín chỉ cho phép GV chấm điểm trực tiếp theo thang điểm chữ và sau đó điểm này được qui đổi sang thang điểm số với thang đo chi tiết hơn. Một vài ví dụ đặc trưng:
– Washington State University, Hoa Kỳ: A=4.0, A-=3.7, B+=3.3, B=3.0, B-=2.7, C+=2.3, C=2.0, C-=1.7, D+=1.3, D=1.0, F=0.0 (thang điểm được dùng ở nhiều trường đại học Hoa Kỳ)
– Simon Fraser University, Canada: A+=4.33, A=4.00, A-=3.67, B+=3.33, B=3.00, B-=2.67, C+=2.33, C=2.00, C-=1.67, D=1.00, F=0.00
– National University of Singapore: A+=A=5, A- =4.5, B+=4.0, B=3.5, B-=3.0, C+=2.5, C=2.0, D+=1.5, D=1.0, F=0.0
–  Chulalongkorn University, Thái Lan: A=4.0, B+=3.5, B=3, C+=2.5, C=2.0, D+=1.5, D=1.0, F=0.0
Mặc dù Qui chế 43 cho phép các trường có thể sử dụng (hay không) thang điểm chữ có nhiều mức, thiết nghĩ đây là điều nên bắt buộc để tránh sự thiệt thòi cho SV và tạo sự thuận lợi hơn cho việc chuyển đổi kết quả học phần giữa các trường một khi có sự liên thông. Việc Qui chế 43 yêu cầu GV chấm theo thang điểm 10 (với một số lẻ) là phù hợp với thói quen lâu nay, tuy nhiên để tăng độ chính xác khi chuyển sang thang điểm chữ thì thang chuyển đổi cần được chi tiết hơn. Xem ví dụ ở Bảng 1 (do tác giả đề xuất, tương ứng với thang chuyển đổi của nhiều trường đại học Hoa Kỳ và khá phù hợp với Qui chế 43).

Bảng 1: Bảng chuyển đổi các thang điểm đề xuất

Thang điểm 10

Thang điểm chữ

Thang điểm 4

9.1 – 10

A

4.0

8.5 – 9.0

A

3.7

8.0 – 8.4

B+

3.3

7.5 – 7.9

B

3.0

7.0 – 7.4

B

2.7

6.4 – 6.9

C+

2.3

5.8 – 6.3

C

2.0

5.2 – 5.7

C

1.7

4.6 – 5.1

D+

1.3

4.0 – 4.5

D

1.0

0 – 3.9

F

0.0

Nếu áp dụng bảng chuyển đổi này cho ví dụ 1 thì ĐTBC của hai SV 1 và 2 theo thang điểm 4 lần lượt là 1.3đ và 1.5đ. Sự chênh lệch bây giờ chỉ còn khoảng 15%.

2.  Về các qui định cho phép tiếp tục học và tốt nghiệp (Điều 16 & 27)
Trước khi xem xét các qui định về cho phép tiếp tục học và tốt nghiệp của Qui chế 43 có so sánh với các qui định của các trường đại học Hoa Kỳ (mà có lẽ Bộ GD&ĐT tham khảo chính khi xây dựng Qui chế 43), có một yếu tố rất quan trọng cần được quan tâm là quan niệm và thực tế đánh giá của GV Việt Nam tương đối khác nhiều so với các GV của Hoa Kỳ. Trong khi phần đông GV Việt Nam cho điểm tương đối “chặt chẽ” thì phần nhiều GV Hoa Kỳ có vẻ “rộng rãi” hơn. Ở Việt Nam chưa có mấy nghiên cứu về vấn đề này nhưng ở Hoa Kỳ, hiện tượng “lạm phát điểm” (grade inflation) ở bậc đại học đã được nhiều cơ quan/nhà nghiên cứu giáo dục báo động trong suốt hơn 15 năm qua, chẳng hạn qua những bài viết của The Carnegie Foundation for the Advancement of Teaching hoặc The Chronical of Higher Education. Một trang web (
http://www.gradeinflation.com/) chuyên thống kê hiện tượng lạm phát điểm ở các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ cho biết ĐTBC bình quân của các trường đã tăng đều từ 2.94 (theo thang điểm 4) trong năm học 1991-92 lên 3.00 trong năm học 1996-97, rồi đến 3.09 trong năm học 2001-02 mặc dù điểm thi đầu vào SAT của các trường đại học Hoa Kỳ nhìn chung giảm trong suốt 30 năm qua (dựa theo bài viết nói trên của Carnegie Foundation).
Ngoài ra, trong khi ở Việt Nam lâu nay xem điểm 5/10 là điểm đạt yêu cầu (và khó có lý gì để bác bỏ) thì Qui chế 43 lại xếp vào mức D (Trung bình yếu) để rồi sau đó qui đổi thành điểm 1 theo thang điểm 4! Trong khi đó ở Hoa Kỳ, các GV thường cho mức C (tương đương 2đ theo thang điểm 4) đối với các bài thi thuộc loại “đạt yêu cầu”, chứ còn mức D thường chỉ dành cho những bài thi thuộc loại “dưới trung bình” hoặc “kém” và rất ít khi phải dùng đến (xem Bảng 2).

Bảng 2: Định nghĩa điễm chữ của một số trường đại học Hoa Kỳ

Trường

A

B

C

D

F

Miami University

Excellent

Good

Satisfactory

Poor

Failure

 

Stanford University

Excellent

Good

Satisfactory

Minimal Pass

(Không dùng)

Boston University

Excellent

Good

Satisfactory

Low

Fail

University of Maryland

Excellent

Good

Acceptable

Borderline

Failure

Yale University

Excellent

Good

Satisfactory

Passing

Fail

Georgia State University

Excellent

Good

Average

Poor

Failure

University of Arizona

Excellent

Good

Satisfactory

Poor

Failure

Cornell University

Excellent/ Very Good

Good

Satisfactory

Marginal

Failing

 

University of Buffalo

High Distinction

Superior

Average

Minimum Passing

Failure

Với những phân tích trên, có thể thấy rằng việc nhiều trường đại học của Hoa Kỳ yêu cầu SV phải có ĐTBC tối thiểu là 2 (theo thang điểm 4) mới được phép tiếp tục học sau mỗi năm hoặc để có thể được xét tốt nghiệp (xem ví dụ của WSU) thì không phải là yêu cầu cao. Theo Qui chế 43, SV bị buộc thôi học nếu “Có điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 1.20 đối với SV năm thứ nhất; dưới 1.40 đối với SV năm thứ hai; dưới 1.60 đối với SV năm thứ ba hoặc dưới 1.80 đối với SV các năm tiếp theo và cuối khóa”, và phải có “điểm trung bình chung tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2.00 trở lên” để có thể được xét tốt nghiệp. Nhìn qua thì có vẻ như các qui định này của Việt Nam là tương đối thấp so với mặt bằng chung của thế giới, nhưng thật ra không dễ chút nào đối với các SV có sức học trung bình nếu theo cách chuyển đổi điểm của Qui chế 43:
Ví dụ 2:
–  SV 3 có điểm 5/10 đối với tất cả các học phần của năm thứ nhất. ĐTBC (thang 4) của SV này là 1đ: bị buộc thôi học
– SV 4 đến hết năm thứ 4 tích lũy được 120 tín chỉ từ 40 học phần (giả định mỗi học phần có 3 tín chỉ), với 10 học phần có điểm 5/10 và 30 học phần có điểm 6/10. ĐTBC (thang 4) của SV này là: A = (1x3x10 + 2x3x30)/120 = 1.75đ: bị buộc thôi học hoặc không đủ điều kiện để được xét tốt nghiệp
Nếu thử áp dụng bảng chuyển đổi được đề xuất (Bảng 1) cho hai SV 3 và 4 thì ĐTBC của họ lần lượt là 1.3đ và 1.82đ. Như vậy nếu áp dụng bảng chuyển đổi này thì hai SV trên đủ điều kiện để được tiếp tục học theo Qui chế 43, tuy SV 4 không được xét tốt nghiệp nếu vẫn yêu cầu ĐTBC tích lũy tối thiểu là 2.00đ.
Cũng cần lưu ý là nếu xét theo Qui chế 25 đang dùng, hai SV 3 và 4 trên đây đều đủ điều kiện về điểm để được tiếp tục học hoặc xét tốt nghiệp (SV 4). Tất nhiên một qui chế mới cũng nên hướng đến việc nâng cao yêu cầu về chất lượng đào tạo, nhưng không vì vậy mà tạo ra những “đột phá” quá lớn để có thể dẫn đến nguy cơ “lạm phát buộc thôi học”!

3.  Về cách chuyển đổi giữa đơn vị học trình và tín chỉ (Điều 3)
Thực hiện theo Qui chế 25, các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã xây dựng các môn học dưới dạng học phần bao gồm một số đơn vị học trình (ĐVHT). Theo Qui chế 43, các ĐVHT phải được đổi thành tín chỉ (TC) theo công thức: “1.5 ĐVHT được qui đổi thành 1 TC”. Đây là một cách qui đổi hoàn toàn mang tính cơ học vì chỉ dựa vào những định nghĩa mang tính ước lệ của hai khái niệm ĐVHT và TC: một ĐVHT (có thể) có 15 tiết lý thuyết và 15 giờ chuẩn bị cá nhân, còn một TC (có thể) có 15 tiết lý thuyết và 30 giờ chuẩn bị cá nhân. Với cách qui đổi như vậy, thực tế triển khai Qui chế 43 ở các trường có thể rơi vào những cách làm không đúng sau:
–  Giữ nguyên hệ thống các học phần đã xây dựng, chỉ áp dụng qui đổi theo công thức để làm “giảm tải” chương trình (ví dụ một chương trình đào tạo cử nhân 210 ĐVHT thì nay chỉ còn tương đương 140 TC)
–  Cắt giảm bớt thời lượng dành cho các học phần hiện hữu để làm tăng quỹ thời gian chuẩn bị cá nhân của SV.
Theo ý kiến của người viết, không cần đưa vào Qui chế 43 một công thức qui đổi nào giữa ĐVHT và TC (vì chỉ làm thêm rối rắm!) mà chỉ cần qui định thêm khoảng TC cho phép đối với các chương trình đào tạo, các bậc đào tạo khác nhau (như cách làm của Malaysia) để tránh tình trạng có những trường bắt SV phải học quá nhiều.

4.  Về học phần tự chọn (Điều 3)
Một trong những khó khăn của SV khi chọn lựa các học phần tự chọn để theo học là không biết rõ vai trò của mỗi học phần tự chọn đối với chuyên ngành của mình. Để góp phần làm giảm bớt khó khăn này, Qui chế 43 nên thống nhất (hoặc các trường tự qui định) các loại học phần tự chọn khác nhau, chẳng hạn như ví dụ sau đây (được dùng ở nhiều trường đại học Hoa Kỳ):
–  Học phần tự chọn chính (major elective subject): là các học phần cần thiết cho kiến thức tổng quát hoặc rất gần với chuyên ngành.
–  Học phần tự chọn tự do/mở rộng (free elective subject): là các học phần giúp SV mở rộng kiến thức sang những lĩnh vực ngoài chuyên ngành học.
–  Học phần dự thính/nhiệm ý (audit subject): là bất cứ học phần nào SV muốn học một cách tự nguyện nhằm mở rộng kiến thức. Kết quả các học phần này không tính vào ĐTBC của khóa học.

5. Về văn bằng tốt nghiệp (Điều 28)
Qui chế 43 có phân loại “hạng tốt nghiệp” dựa trên ĐTBC tích lũy toàn khóa học của mỗi SV. Theo cách làm ‘truyền thống’ lâu nay của Việt Nam, hạng tốt nghiệp được ghi thẳng lên bằng đại học hoặc cao đẳng của SV.
Đối với nhiều quốc gia, việc ghi hạng tốt nghiệp lên bằng cấp của người học là điều không cho phép bởi nó vi phạm quyền được giữ bí mật thông tin cá nhân của người học. Ở Hoa Kỳ, quyền này được xác định dựa theo bộ luật Family Educational Rights and Privacy Act (FERPA) bắt đầu có hiệu lực từ năm 1974. Hạng tốt nghiệp, nếu có, chỉ có thể ghi vào hồ sơ học tập hoặc bảng điểm cá nhân chứ không được công khai dưới bất cứ hình thức nào (ví dụ qui định của Ball State University hoặc của University of Southern Mississippi).
Ở nhiều nước, cá nhân hoạt động trong một số lĩnh vực (chẳng hạn y, dược, luật,…) thường muốn (hoặc được yêu cầu) công khai bằng cấp tại nơi làm việc. Thử tưởng tượng: mấy ai dám bước vào phòng mạch của một bác sĩ nếu nhìn thấy trước cửa một bằng tốt nghiệp y khoa với hạng “Trung bình”! Với tinh thần hội nhập quốc tế về giáo dục, có lẽ đã đến lúc chúng ta không cho phép việc ghi hạng tốt nghiệp trên các văn bằng được cấp. Điều này cũng phù hợp với việc khuyến khích tinh thần “học tập suốt đời” mà nền giáo dục Việt Nam đang hướng tới.
——————
Bài viết được thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Giáo dục Việt Nam – VEF. Những ý kiến nêu ra trong bài viết chỉ phản ảnh quan điểm của tác giả, không nhất thiết là của VEF. Địa chỉ email trao đổi với tác giả:
[email protected]

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)