Cần thay đổi cách gửi người đi học nước ngoài

Thật không hợp lý khi chúng ta tiếp tục lãng phí tiền bạc tài trợ cho người đi học nước ngoài và duy trì tình trạng chảy máu chất xám ở mức độ cao. Chúng ta nên dùng kinh phí đó để giúp những ai ở lại trong nước có quyết tâm cống hiến mang lại những điều tốt đẹp hơn.

Phải chăng chúng ta không thể hình dung về tình yêu nếu thiếu sự chia ly? Phải chăng Kim Trọng chia ly với Thúy Kiều là điều không tránh khỏi? Vì sao nàng Tô Thị hóa thân thành đá vĩnh viễn chờ chồng lại trở thành biểu tượng cho tình yêu của người Việt? Có lẽ, chiến tranh và nỗi buồn đã hằn sâu trong lịch sử Việt Nam và trở thành một phần của văn hóa dân tộc. Từ Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm tới Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, tình yêu và sự chia ly đều hòa làm một.

Những suy nghĩ ấy đến trong tâm trí tôi gần đây khi đọc những bài luận giới thiệu bản thân của các bạn trẻ đăng ký làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Về nguyên tắc, những bài luận ấy là cần thiết; nhưng trên thực tế, chúng đều na ná nhau và tôi nghĩ chúng đều được cắt dán từ Internet. Mô thức chung đại khái là: “Từ hồi nhỏ tôi đã có niềm đam mê (dành cho công nghệ nano/phương trình vi phân/vũ trụ học…) và nay tôi mong muốn hiện thực hóa ước mơ của mình: được học ở một đất nước nổi tiếng về văn hóa và hệ thống giáo dục. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sỹ, tôi muốn được đăng lý làm tiến sỹ và nghiên cứu ở nước ngoài tại những viện nghiên cứu danh tiếng. Sau này, tôi sẽ có khả năng trở lại Việt Nam thân yêu và khao khát thiết tha nhất của tôi là đóng góp kinh nghiệm của mình cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của đất nước…”

Ôi Việt Nam, tôi yêu người thật nhiều tới mức phải chia ly! Liệu có thật đó là cách tốt nhất để thể hiện tình yêu? Tôi thật tò mò vì sao con em của những người thành đạt ở đất nước này, các vị giáo sư, quan chức cấp cao, và nhiều lãnh đạo, lại chính là những người yếu đuối nhất, thay vì khỏe khoắn nhất [trong tinh thần]. Chẳng phải cha mẹ họ chính là những người ở vị trí thuận lợi nhất để truyền cho họ niềm tin vào năng lực của đất nước trong việc mang lại sự giáo dục và cơ hội phát triển cho thế hệ trẻ?

Nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn, tôi hoàn toàn hiểu vai trò của những người tha hương đối với lịch sử Việt Nam giai đoạn 1912 tới 1920, với năm con người được gọi là “ngũ long”, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Ái Quốc. Tôi hiểu rằng từ tha hương, một khi thốt ra thì không tránh khỏi dấy lên những nỗi đau và xúc cảm buồn rầu gắn liền với nó. Nhưng phương thuốc để chữa lành những vết đau ấy là hãy nhìn về phía trước. Ngày nay, nước nhà mới chính là nơi chúng ta cần xây dựng một cơ đồ mới, đủ sức hấp dẫn cho giới trẻ, ngăn họ nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có ở phía bên kia hàng rào. Chính tại nước nhà là nơi chúng ta cần xây dựng những trường đại học tốt hơn, với những học giả uyên thâm, chính trực, và chăm chỉ hơn. Chính tại nước nhà chúng ta cần nâng cao phẩm cấp nghiên cứu khoa học trên trường quốc tế và đưa nó tới vị thế xứng đáng. Chính tại nước nhà chúng ta cần khôi phục sự tôn trọng dành cho văn hóa.

 

Tôi nghĩ thật không hợp lý khi chúng ta tiếp tục lãng phí tiền bạc gửi con em mình ra nước ngoài và duy trì tình trạng chảy máu chất xám ở mức độ cao. Thay vì tiêu quá nhiều tiền cho các học bổng tài trợ người đi học nước ngoài, chúng ta nên dùng kinh phí đó để giúp những ai ở lại trong nước có quyết tâm cống hiến mang lại những điều tốt đẹp hơn. Tất nhiên, cách tài trợ sẽ phải thay đổi: việc sàng lọc phải kỹ hơn, thuần túy dựa trên tài năng và năng lực; nguồn lực tài trợ bao gồm cả lương bổng và môi trường làm việc phải đủ hấp dẫn đối với họ. Hoạt động của họ phải được định hướng trong khuôn khổ một chính sách có tính dài hạn, được công bố công khai rõ ràng. Qua đó tạo cho nhà khoa học niềm tin rằng nguồn lực tài trợ của Nhà nước là thực sự ổn định bền vững, khiến họ tự hào về những đóng góp của mình, cảm thấy rằng mình đang phụng sự cho quốc gia, và quốc gia ghi nhận những nỗ lực của mình.

Tại nhiều buổi seminar do các nhà khoa học Việt kiều làm nghiên cứu ở nước ngoài tổ chức mà tôi được tham dự, có một số người thường khuyên bảo những điều chúng ta nên làm, dù họ cũng không thực sự hiểu hết về môi trường làm việc và thực trạng nghiên cứu cơ bản trong nước, nhưng khi được hỏi vì sao không về để trực tiếp cống hiến cho nền khoa học và công nghệ trong nước thì họ chỉ im lặng.

Như tôi thường nói, chúng ta chỉ chú trọng đầu tư cho bê tông và mua sắm thiết bị đắt tiền thay vì đầu tư cho chất xám như lẽ ra cần làm. Nhưng để đầu tư cho chất xám một cách đúng đắn thì bản thân chúng ta phải thay đổi: sự chuyên nghiệp, tinh thần liêm chính và đạo đức học thuật phải nâng cao, đồng thời phải đặt niềm tin vào tài năng của thế hệ trẻ. Hãy cho họ nhiều cơ hội để tự học hỏi, ngay ở trong nước; cho họ cơ hội vấp váp những sai lầm không tránh khỏi, vốn cũng là một phần của quá trình học hỏi. Hãy mời một cách có hệ thống các giáo sư quốc tế và Việt kiều về nước giảng dạy, và ngừng gửi đi quá nhiều con em chúng ta ra nước ngoài. Nên khuyến khích hình thành các nhóm bạn trẻ tự hướng dẫn nhau, khai thác lợi thế to lớn của Internet, và qua đó phát huy năng lực những người tài giỏi nhất trong số họ.

Tôi không nói rằng chúng ta hãy dừng tuyệt đối việc gửi sinh viên ra nước ngoài. Nhưng cần có những đánh giá xác đáng để thấy trường hợp nào cử người đi là thực sự cần thiết. Và khi đã gửi người đi thì cần khai thác họ sao cho tốt nhất: các tổ chức trong nước cần có kế hoạch sử dụng để khi họ quay về thì sớm phát huy tối đa những kỹ năng và các nguồn lực có được từ nước ngoài; khuyến khích và ưu tiên việc truyền lại những kỹ năng đó cho các đồng nghiệp trong nước thông qua các bài giảng, khóa đào tạo, hay các chương trình liên kết quốc tế đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sỹ.

Lâu nay, tôi vẫn ủng hộ phương thức đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sỹ, kết hợp giữa một giáo sư trong nước và một giáo sư nước ngoài. Theo đó Việt Nam được hưởng lợi ích kép: người làm nghiên cứu sinh vẫn duy trì được các mối liên lạc công việc ở trong nước, chia sẻ thời gian giữa hai quốc gia, và những gì người đó học được từ nước ngoài sẽ dễ dàng chuyển giao cho cả một nhóm nghiên cứu ở trong nước. Nhưng những lời kêu gọi của tôi có lẽ không được lắng nghe, khi mà các điều kiện, yêu cầu đặt ra cho các thỏa thuận đồng hướng dẫn như vậy ngày một khó khăn, thay vì trở nên dễ dàng, linh hoạt hơn như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga từng nói với tôi; gần đây tôi có kiến nghị việc này với hiệu trưởng một trường đại học ở Hà Nội, nhưng ông ấy nói rằng mình không có chức năng thay đổi các quy định của Việt Nam, mà chỉ có thể thực hiện theo các quy định sẵn có…

 

Hiện nay tôi làm việc tại một viện nghiên cứu có nhiệm vụ phát triển công nghệ không gian ở Việt Nam. Nhiều kỹ sư trẻ đã được tuyển dụng và được đào tạo trong hai năm ở các trường đại học của Nhật Bản. Nay họ đang trở về nước, đầy năng lượng và nhiệt huyết. Chúng ta cần cho họ cơ hội để phát huy những vốn quý ấy, để họ tham gia các dự án giúp họ phát huy tối đa những kỹ năng của mình, tạo động lực để họ làm việc chăm chỉ, đạt được những thành công mà họ cảm thấy đáng tự hào. Ví dụ, trao cho họ cơ hội chế tạo các vệ tinh nhỏ có khả năng chụp hình ảnh Trái đất. Chúng ta không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc trao cho họ những cơ hội như vậy, bởi chỉ qua đó họ mới có thể tiếp tục phát triển năng lực và tính hiệu quả trong công việc. Nếu không làm vậy thì những kỹ năng của họ sẽ trở nên uổng phí.

Nhìn vào các bạn trẻ quanh mình, tôi thấy họ hoàn toàn đủ khả năng đào tạo và giảng dạy các sinh viên vật lý thiên văn ở Việt Nam. Những gì họ cần là được trao sự tin tưởng cùng các nguồn lực cần thiết để tham dự các hội thảo, mời các giảng viên nước ngoài cùng tham gia; và đặc biệt điều họ cần nhất là sự ghi nhận tài năng, và động viên, khuyến khích từ các cấp quản lý.

Thanh Xuân dịch

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)