Cánh buồm đã mở

Tin về nhóm nhà giáo Cánh buồm biên soạn và ra mắt bộ sách giáo khoa mới thu hút sự quan tâm đặc biệt của những người đang trăn trở với sự nghiệp giáo dục VN. Đặc biệt quan tâm vì nhiều lẽ.

Ý tưởng lớn của nhóm muốn biến triết lý “đi học là hạnh phúc” từ khẩu hiệu lâu nay thành hiện thực. “Đi học là hạnh phúc” từ lâu đã là tâm nguyện của những ai đi học và mong được học suốt đời, là mơ ước của các bậc cha mẹ ngày ngày phải giúp con học một cách nhọc nhằn, phải đưa đón con “chạy sô” học thêm mệt lả.

Nếu biến khẩu hiệu “đi học là hạnh phúc” thành hiện thực cho tuyệt đại đa số học sinh tiểu học cả nước để các cháu cảm nhận trên thực tế hạnh phúc lớn lao của việc học thì đó sẽ là sự đóng góp vô giá cho giáo dục VN đang hướng đến xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời. Ngày nay dốt vì không có điều kiện đi học đã không còn là trở ngại không thể vượt qua đối với tuyệt đại đa số trẻ em nước ta. Dốt vì chán học, vì thấy học là việc vô bổ, là việc khổ sai mới là nguyên nhân rất phổ biến khiến trẻ em bỏ học, khiến người lớn ngại học nâng cao hiểu biết của mình.

Ý tưởng của nhóm “học gắn với hành”, với hiện tượng quan sát được và cách thức giải quyết vấn đề trong thực tế tuy không mới nhưng lâu nay chưa được thực thi hữu hiệu khiến học sinh không biết cách tự phát hiện vấn đề, tự đề ra bài toán từ cuộc sống mà chỉ biết nói giỏi kiểu thuộc lòng, kể cả nói đạo đức giỏi để rồi không làm vì không biết cách làm hay hờ hững vì không muốn làm.

Cũng cần ghi nhận lòng nhiệt thành, sự tin tưởng của cha mẹ học sinh cho con theo học chương trình Cánh buồm là làn gió thổi cho cánh buồm tiến lên. Tấm lòng này vô cùng đáng trân trọng nhưng phải được nuôi dưỡng, củng cố bằng cơ chế – đó là một trường thực nghiệm mà nhóm đang cần. Giai đoạn đầu mới “giong buồm” thì còn được nhưng lâu dài đã “ra khơi” rồi thì không thể. Nhà nước phải làm “bà đỡ” trong việc này.

Nhóm cũng có ý tưởng thay đổi cấu trúc và mục tiêu từng bậc học, từ 5 + 4 + 3 + đại học(?) hiện nay thành 8 + (2+2) + (học nghề/ đại học). Ở lớp 1 khi mới bắt đầu vào học thì sự tương đồng của chương trình Cánh buồm và chương trình của bộ hiện nay về mục tiêu cụ thể là rất lớn: biết đọc, biết viết, biết làm toán, biết cư xử. Khác nhau chăng là phương pháp.

Song càng lên lớp trên thì sự khác biệt về mục tiêu từng lớp, từng cấp sẽ càng rõ rệt và đến một lúc nào đó, học sinh sẽ không thể chuyển từ một chương trình này qua một chương trình khác. Khi đó, chương trình chính thống dù có khuyết nhược điểm gì cũng cứ chiếm ưu thế, chương trình Cánh buồm dù có ưu điểm gì cũng bị thất thế và rất có thể bị “chết một cách anh hùng”.

Rõ ràng, trước yêu cầu bức thiết của xã hội muốn giáo dục phải đổi mới, phải cải cách sâu rộng thì việc thống nhất cấu trúc, mục tiêu của chương trình học, đề ra một chương trình chuẩn cho mỗi bậc học là việc chỉ có thể do Nhà nước làm, mà phải làm sớm. Có những thứ đó rồi thì sách giáo khoa, số năm của từng bậc học, phương pháp dạy… có thể đua nở.

Cuối cùng, nghiên cứu và triển khai một dự án lớn tầm cỡ chiến lược này mà chưa có một sự ủng hộ, tài trợ nào là điều khiến người ngoài cuộc phải ray rứt mà đặt câu hỏi: Vì sao chỉ cần nghiên cứu một dự án về một công trình nào đó (khai mỏ, xây dựng một công trình cầu đường hay công trình “phi vật thể”…) là nhóm nghiên cứu dự án đã có thể được “duyệt” nhiều nghìn tỉ đồng, thậm chí nhiều hơn từ Nhà nước hay nguồn khác, trong khi dự án này lại bị bỏ quên như vậy?

Dự án của nhóm Cánh buồm là một dự án khoa học nghiêm túc do những nhà sư phạm tâm huyết và đầy lòng tự trọng thực hiện, hơn nữa là dự án nghiên cứu và triển khai về giáo dục con người, mức ảnh hưởng tốt xấu nếu có, còn lớn lao và lâu dài hơn mọi đường sắt cao tốc nên rất xứng đáng nhận được sự quan tâm cụ thể của Bộ GD-ĐT và Chính phủ.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)