Chất lượng giáo dục từ góc nhìn quản lý

Gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Qui định tạm thời về kiểm định chất lượng trường đại học gồm 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí. Có thể thấy, cách làm này là phù hợp xu thế quản lý chất lượng hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề là: giả sử đến năm 2010 tất cả các trường Đại học Việt Nam đều tham gia kiểm định chất lượng và nhận chứng chỉ đầy đủ, liệu chất lượng giáo dục đại học lúc đó có thật sự được nâng cấp đúng như chúng ta mong đợi, hay lại lâm vào tình trạng như hiện nay ở rất nhiều doanh nghiệp: có chứng chỉ ISO 9001:2000, nhưng chất lượng lại hoàn toàn không ISO tí nào. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng ta phải trở lại một chút với các lý thuyết quản lý chất lượng hiện đại.

Chất lượng giáo dục – từ góc nhìn quản lý
Edwards Deming, chuyên gia hàng đầu về quản lý chất lượng, người có công lớn góp phần tạo nên chất lượng cho nền công nghiệp Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ 2, đã từng nói: “Trong tương lai sẽ chỉ có hai loại doanh nghiệp. Một, là các doanh nghiệp triển khai Quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management – TQM), hai là các doanh nghiệp phá sản. Bạn hoàn toàn có thể không cần triển khai TQM nếu sự sống còn của doanh nghiệp đối với bạn không phải là điều quan trọng”. Nói vậy thì TQM là gì mà ghê gớm thế? Hơn nữa, TQM thì có liên quan gì đến chất lượng giáo dục Việt Nam?
Người ta nói rằng, Hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000:2000 là một hình thức quản lý chất lượng bằng văn bản theo tư tưởng TQM. Không biết có đúng không, nhưng những ai đã làm chất lượng, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, đều công nhận, TQM hiện nay vẫn là triết lý quản lý chất lượng phổ biến và hiện đại nhất. Bản chất của TQM cũng rất đơn giản, gói gọn trong tám chữ: Khách hàng – Quản lý – Chất lượng – Toàn diện. Muốn làm chất lượng thì khách hàng phải thực sự là trung tâm. Mọi hoạt động đều phải hướng tới cái đích cuối cùng là thỏa mãn nhu cầu của khách hàng (cần lưu ý, nhu cầu ở cả hai dạng: đã có hoặc tiềm ẩn). Nguyên tắc quản lý cơ bản là dựa trên lòng tin, tin và mạnh dạn trao quyền cho các nhóm chất lượng cũng như từng thành viên. Chất lượng sẽ được đảm bảo nhờ quá trình cải tiến liên tục. Và cuối cùng, làm chất lượng sẽ không có kết quả nếu không có sự tham gia toàn diện của tất cả mọi người, ở tất cả mọi công đoạn xuyên suốt quá trình (xem Hình 1).
Không biết vô tình hay cố ý, nhưng hầu hết những định hướng cải cách giáo dục gần đây mà chúng ta đã và đang thực hiện đều ít nhiều mang hơi hưởng triết lý TQM. Chúng ta phát động phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy – người học làm trung tâm; mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các trường đại học; ra sức đào tạo theo tình huống và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm; cải tiến chất lượng không ngừng nghỉ; và giáo dục đã từ lâu trở thành sự nghiệp của toàn dân. Đủ cả 8 chữ của TQM, nhưng sao chất lượng giáo dục Việt Nam vẫn cứ ì ạch? Chúng ta đã sai ở đâu?
 


Hình 1. Các yếu tố cơ bản của TQM1

Một trong những bí quyết để thực hiện TQM thành công đó chính là mọi hoạt động đều phải xoay quanh nhân vật trung tâm. Nếu ta thống nhất chọn nhân vật trung tâm của hệ thống giáo dục là người học – thì đúng ra mọi hoạt động cải cách, dù ở đâu, cấp nào, làm gì ta đều phải đặt lợi ích của người học lên trên hết. Chúng ta đã không làm như thế, nên mới có bệnh thành tích, mới có gian lận trong thi cử, mới có học thêm, dạy thêm, mới có nhiều dự án đặc biệt (như thay sách giáo khoa, đại học đại cương, dạy một ngoại ngữ…).
Có người nói, giáo dục là một sản phẩm đặc biệt, không thể áp dụng máy móc các lý thuyết quản lý cho dù đó là thuyết gì. Đúng, giáo dục thực sự là một sản phẩm đặc biệt. Trước hết, đó là một sản phẩm dịch vụ. Mà sản phẩm dịch vụ khác với sản phẩm vật chất ở một điểm cơ bản. Nếu sản phẩm vật chất là kết quả của quá trình biến đổi vật chất thì dịch vụ chính là kết quả của quá trình tương tác giữa nhà cung ứng và người sử dụng. Như vậy, có thể thấy ngay, chất lượng của một dịch vụ chỉ có thể thay đổi được khi chúng ta thay đổi chất lượng của quá trình tương tác. Đối với giáo dục, đó là sự tương tác giữa ba nhân vật: người học – người dạy – người tuyển dụng. Như vậy, muốn thay đổi chất lượng giáo dục, chúng ta phải tập trung thay đổi chất lượng tương tác của ba NGƯỜI nêu trên. Hay nói một cách khác, tất cả những cải cách chúng ta đang làm sẽ không đem lại kết quả gì nếu chúng không góp phần nâng cao chất lượng tương tác.
Thi trắc nghiệm không làm chất lượng tương tác tốt hơn, chưa nói lạm dụng hình thức trắc nghiệm sẽ cho tác dụng ngược lại. Trắc nghiệm trong bối cảnh thầy ít, trò đông, có thể giúp các trường giảm thiểu gánh nặng thi cử, hạn chế tiêu cực, nhưng về lâu dài nếu chúng ta chỉ dùng mỗi trắc nghiệm để kiểm định chất lượng thì hậu quả thật khó lường.
Kiểm định chất lượng giáo dục theo 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí là bước đi đúng đắn, nhưng cũng sẽ không đưa lại kết quả gì nếu quá trình này chỉ mang tính hình thức, thiếu sự tham gia tích cực của ba thành viên căn bản. Không ít trường tuy đã hoàn tất khâu đánh giá ngoài (giai đoạn 2), mà sinh viên không hề hay biết gì. Thử hỏi như vậy chứng chỉ đạt chất lượng liệu có ý nghĩa thực tế gì không?

Làm gì để nâng cao chất lượng tương tác?

Muốn nâng chất lượng tương tác, thiết nghĩ, trước mắt chúng ta cần giải quyết tốt ba vấn đề cơ bản. Phải làm thế nào để các thành viên muốn tương tác, biết tương tác và tương tác hiệu quả.
Đây lại là đề tài của một câu chuyện khác. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh: tương tác tốt chỉ có thể là tương tác giữa những con người thật sự là NGƯỜI. Cho nên bất kỳ một cải cách nào nếu không góp phần nâng cao chất lượng con người, chất lượng tương tác giữa thầy, trò và nhà tuyển dụng thì chúng ta không nên làm. Việc cần làm thì rất nhiều, ví dụ, đầu tiên ta hãy nghĩ cách nâng cao chất lượng người thầy, muốn vậy hãy bảo đảm thu nhập cho họ – độc lập, đàng hoàng, đủ sống (khác với thu nhập có được nhờ dạy thêm), sao cho họ có thể tự hào, tự tin, sẵn sàng chuyên tâm vào giảng dạy; phải khai tâm cho người học, giúp người học thấu hiểu ý thức và trách nhiệm của người làm trung tâm; phải mở rộng cửa khuyến khích các nhà tuyển dụng tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo… Nhìn chung, có rất nhiều việc phải làm, nhưng tất cả đều phải hướng tới một mục đích “cho con người thật sự Người hơn!” – bởi đây cũng chính là điểm đến cuối cùng của mọi lý thuyết quản lý.
———–
1 Business Edge. Tìm hiểu chất lượng. TP.HCM.: TRẺ, 2003. Tr. 42

Nguyễn Văn Minh

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)