Chưa phát huy được những giảng viên, nghiên cứu viên “nguồn”

Các trường đại học Việt Nam có những chính sách như giữ sinh viên có năng lực ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp, thậm chí gửi đi đào tạo ở nước ngoài, nhưng chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của các trường này vẫn chưa cải thiện đáng kể.

Hiện nay, do số sinh viên đầu vào tăng theo từng năm, để đảm bảo có đủ giảng viên đáp ứng chỉ tiêu giảng viên/sinh viên như Bộ Giáo dục đề ra, các trường đại học luôn tìm cách giữ sinh viên giỏi vừa tốt nghiệp lại để gây dựng nguồn giảng viên sau này. Đây có thể là một phương thức hiệu quả nếu những người được giữ lại tiếp tục học tập, nghiên cứu để bồi đắp thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy, và hướng dẫn sinh viên. Tuy nhiên, áp lực của “cơm-áo-gạo-tiền” trong hoàn cảnh đồng lương eo hẹp khiến họ phải làm thêm để kiếm thu nhập, và một trong những cách thức đơn giản nhất là dạy thêm, từ luyện thi đại học cho tới dạy thêm ở các trường dân lập mới thành lập – nơi thiếu trầm trọng đội ngũ giảng viên. Tốn nhiều công sức cho những hoạt động mưu sinh bên ngoài khiến họ không có đủ thời gian và sức khỏe để hoàn thành các bậc học cao hơn hay những hoạt động nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

Thực trạng trên là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ở các trường ngày càng giẫm chân tại chỗ rồi tụt lùi. Có thể do đã nhận thức được vấn đề này nên Bộ giáo dục từ năm 2000 đã tiến hành đề án 322* nhằm nâng cao trình độ của các giảng viên, nghiên cứu viên trẻ. Những giảng viên, nghiên cứu viên trẻ đáp ứng một số tiêu chuẩn đầu vào sẽ được gửi đi học cao học hoặc đi làm nghiên cứu sinh ở các nước phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước. Họ sẽ không phải lo sức ép của “cơm-áo-gạo-tiền”, sẽ tập trung vào việc học và nghiên cứu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng do chế độ đãi ngộ của các trường đại học trong nước còn hạn chế, một bộ phận các giảng viên, cán bộ nghiên cứu tốt nghiệp sau khi được gửi đi học tập nước ngoài đã phá vỡ “hợp đồng” kí kết trước lúc đi. Một số còn không sử dụng địa chỉ cơ quan trong nước, nơi mình đang là thành viên, trong các công trình công bố khoa học. Điều này dẫn tới số lượng các công trình có địa chỉ Việt Nam rất ít trong khi số lưu học sinh là không nhỏ.

Như vậy, có thể thấy rằng những chính sách mang tính lối mòn mà Nhà nước và các trường đại học áp dụng từ lâu nay, bắt đầu từ việc giữ sinh viên có năng lực ở lại trường sau khi tốt nghiệp, sau đó gửi đi đào tạo theo đề án 322, đã không phát huy được hiệu quả như mong muốn trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu, hay tăng cường số lượng công bố khoa học ở các trường này, và nguyên nhân chính là do thiếu một chế độ đãi ngộ hợp lý về tài chính.

Để thay đổi lối mòn trên, giải pháp tất yếu mà các trường đại học Việt Nam cần làm hiện nay là thực hiên chính sách tài chính cho nghiên cứu, giảng dạy đủ sức hấp dẫn thu hút người giỏi, người có trình độ cao, đặc biệt là các tiến sĩ trẻ từ các nước phát triển về làm việc. Chế độ đãi ngộ về tài chính cần phải gắn với quy chế chặt chẽ, rõ ràng từ các trường đại học trong quản lý công việc của giảng viên, nghiên cứu viên. Mỗi mức đãi ngộ phải tương xứng với những định mức cụ thể về lượng công việc giảng dạy và nghiên cứu cụ thể, như số lượng giờ giảng và công trình công bố khoa học trong từng giai đoạn từ 1 tới 3 năm. Những quy chế này phải được nghiêm túc thực hiện. Có như vậy, các trường trường đại học trong nước mới có thể cải thiện chất lượng của mình, gây dựng được tên tuổi, từng bước nâng khả năng cạnh tranh với các trường trong khu vực.

* Mới đây đề án 322 đã kết thúc do không tìm được kinh phí.

Tác giả