Chương trình mới, cách làm cũ?

Chương trình giáo dục phổ thông mới môn toán chuẩn bị đi vào lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn lo lắng về thực tiễn triển khai chương trình này, khi việc tập huấn giáo viên chưa hợp lý và kỳ thi không tương thích với các mục tiêu giáo dục của chương trình mới.

Có bao nhiêu số phức z thỏa mãn |z|(z – 5 – i) + 2i = (6 – i)z?

A.1 B.4 C.3 D.2

Nói về bài toán này trong buổi hội thảo về giảng dạy toán học ở VN tại Viện Toán, GS. Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình giáo dục Toán phổ thông mới (bắt đầu triển khai từ năm học 2020 – 2021, theo Thông tư 32/2018-BGDĐT) nửa đùa nửa thật: “Tôi tin chắc từ giờ đến 5 giờ chiều GS. Lê Mậu Hải (chuyên ngành giải tích phức – PV) không thể giải được bài này nếu không biết lời giải trước”. GS. Đỗ Đức Thái và GS. Lê Mậu Hải đã có nhiều năm làm việc cùng nhau tại Khoa Toán tin, Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội. Bài toán khó này vốn không đặt ra cho các nhà nghiên cứu, mà được đưa ra trong đề thi Toán trung học phổ thông quốc gia năm 2018 (câu số 45, mã đề 120) để đánh giá năng lực của học sinh cấp 3.

Thí sinh thi vào lớp 10 năm học 2018 – 2019 TP HCM. ảnh: Pháp luật Việt Nam.

Đây chỉ là một trong nhiều những bài toán mà theo GS. Đỗ Đức Thái “cả cuộc đời những người làm toán chuyên nghiệp lẫn những người không làm toán học không bao giờ nhìn thấy”, nhưng đang được đưa ra cho học sinh phổ thông. Điều này phản ánh cách học và dạy hiện nay, với mục đích tối thượng không phải là phát triển khả năng tư duy hay giải đáp một vấn đề thực tiễn nào, mà là giải bài tập lắt léo để đi thi đạt điểm cao.

May mắn là chương trình giáo dục phổ thông mới, với những mục tiêu đào tạo thiết thực hơn, sẽ bắt đầu đi vào lộ trình thực hiện từ năm học 2020 – 2021 với lớp 1 và đến năm học 2024 – 2025 sẽ thực hiện ở tất cả các lớp. Nhìn chung chương trình mới đặt ra mục tiêu phát triển năng lực người học, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo và khả năng tự học.

“Đối với chương trình môn toán nói riêng, và các môn khác nói chung,thay đổi căn bản nằm ở cách tiếp cận chương trình và đòi hỏi đổi mới phương pháp dạy học”, GS. Đỗ Đức Thái cho biết. Và rất có thể việc “đổi mới phương pháp dạy học” sẽ gặp điểm nghẽn ngay từ quá trình tập huấn giáo viên.

GS. Đỗ Đức Thái. Ảnh: KH&PT

Với bất kỳ chương trình giáo dục nào, thì người trực tiếp truyền tải và hướng dẫn học sinh sẽ là giáo viên đứng lớp, và “chương trình mới dạy ra làm sao, triển khai ra làm sao phải được thẩm thấu với đúng tinh thần của nó đến từng giáo viên, nếu không là hỏng”, GS. Đỗ Đức Thái nói. Theo kế hoạch chi tiết của Bộ GD&ĐT, hoạt động bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2019 (Công văn 263/KH-BGDĐT ngày 29/3/2019) sẽ bắt đầu từ bồi dưỡng 200 báo cáo viên nguồn, sau đó từ 200 người này mở rộng ra bồi dưỡng 800 giảng viên chủ chốt ở các ĐHSP (những người sẽ đi bồi dưỡng các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phổ thông). Các trường ĐHSP sau đó sẽ bồi dưỡng cho 6.956 tổ trưởng chuyên môn, 28.000 giáo viên chủ chốt và cuối cùng là 100% giáo viên đại trà.

Điểm khó của quá trình bồi dưỡng này là chương trình phải trải qua vài lần tập huấn bắc cầu mới đến được giáo viên đứng lớp. Mà “Trong quá trình tập huấn sợ nhất là tam sao thất bản. Đến khi giáo viên đứng lớp nghe thì có phải chương trình môn toán nữa không, hay nghe một thứ trên đời chưa từng có?”, GS. Đỗ Đức Thái bày tỏ lo ngại.

GS. Đỗ Đức Thái, cũng như các chủ biên chương trình các môn học khác, là những người đã trực tiếp xây dựng chương trình mới từ cách đây 6 năm. Có thể nói đây là những “kỹ sư trưởng” am hiểu về các chương trình môn học mới, những yêu cầu, mục đích, phương pháp đào tạo mà nó đặt ra. “Nhưng tôi chưa bao giờ tập huấn cho bất kỳ một giảng viên nào, các chủ biên môn học theo tôi biết thì cũng không ai được mời cả”, GS. Thái nói. Liệu chương trình môn học mới có thể được truyền tải trung thực, chính xác đến mức nào khi chủ biên các môn học, người trực tiếp xây dựng chương trình, không phải là người đứng ra tập huấn giáo viên nguồn và giảng viên chủ chốt.

Lo ngại thứ hai chính là kỳ thi, yếu tố quyết định cách dạy và học ở Việt Nam, không tương thích với mục tiêu giáo dục mới. Giả sử bằng một cách nào đó hình thức tập huấn này thành công, thì câu hỏi tiếp theo đặt ra là giáo viên có thể dạy theo chương trình mới hay không khi kỳ thi, yếu tố chi phối cách dạy và học, vẫn đòi hỏi học mẹo, dò mẹo để đạt điểm cao.

“Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất từ giáo viên là: nếu dạy theo thầy thì đúng là hay thật nhưng thi cử người ta có thi như thế đâu”, GS. Đỗ Đức Thái kể lại. “Trắc nghiệm multiple choice như chúng ta thực hiện vài năm gần đây ở kỳ thi THPT Quốc gia là mâu thuẫn và cản trở việc hình thành năng lực toán học. Chúng ta không thể đo được năng lực tư duy, lập luận, giao tiếp, mô hình hóa toán học bằng multiple choice”. Vài năm gần đây, hình thức thi trắc nghiệm multiple choice (chọn đáp án đúng trong 4 đáp án cho trước) càng đẩy tinh thần học mẹo, dạy mẹo lên cao hơn, và việc phát triển năng lực toán học cho học sinh càng trở thành thứ yếu. Một thống kê của Khoa Toán tin ĐHSPHN về điểm các môn cơ bản của khoa toán ở năm nhất của sinh viên các khóa từ 2014 đến 2018 cho thấy điểm của hai khóa gần đây nhất thấp hẳn so với những khóa trước đó (trùng hợp với mốc thời gian bắt đầu thi trắc nghiệm multiple choice). Tuy thời gian và phạm vi khảo sát của thống kê này tương đối hẹp, nhưng nó cho thấy cách dạy, học và thi hiện nay đang để lại nhiều dấu hiệu đáng lo ngại ở “đầu nguồn” nhân lực ngành sư phạm toán – những sinh viên sẽ trở thành giáo viên và nhà nghiên cứu trong tương lai. Do vậy cần có những nghiên cứu đánh giá các tác động của hình thức thi này. “Phải nghiên cứu thay đổi lại cách tổ chức các kỳ thi của Việt Nam trên tinh thần giảm nhẹ áp lực của thi cử đến học sinh, không làm biến dạng và cản trở việc đổi mới phương pháp dạy học trong chương trình mới”, GS. Đỗ Đức Thái khuyến nghị.

Theo khoahocphattrien.vn

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)