Cô con gái nhà hàng xóm

"Tại sao con phải làm việc nhiều như vậy? Xem con nhà người ta kìa, nó chỉ học đại học có ba năm mà lương nó bây giờ gấp ba lần lương của con. Học nhiều mà vô ích thì học làm gì?" Thật khó khăn khi nghe những lời như vậy từ cha mẹ mình. Không may thay, chuyện đó lại không phải là hiếm, sinh viên của tôi thường kể cho tôi những câu trách móc đau lòng kiểu đó  sau mỗi lần về thăm nhà vào dịp cuối tuần.

Cô con gái nhà hàng xóm nọ học ở một trường đại học tư thục về quản trị kinh doanh, cô ta nhận được tấm bằng BBA (cử nhân quản trị kinh doanh) và tìm được một công việc tại một trong nhiều công ty nước ngoài. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những công ty này đến làm ăn và hưởng lợi từ mức lương thấp của người Việt. Tất cả các vị trí đòi hỏi có kỹ năng cao đều do người nước ngoài đảm nhiệm còn những vị trí quản lý thấp hơn là người địa phương.

Tôi thường có xu hướng phản ứng với những sự việc như vậy theo cảm tính tự nhiên − nhưng tôi biết là không nên như vậy. Tôi thường hình dung về một bức tranh quá ảm đạm, về một xã hội sau 40 năm chiến tranh và đói nghèo, nay lẽ ra cần phải khôi phục lại nguồn nhân lực giàu kỹ năng và tài năng, nhưng thay vào đó lại đi đào tạo các nhà quản lý và nhân viên ngân hàng; một xã hội coi trọng của cải hơn kiến ​​thức, đi ngược lại những di sản của Chu Văn An, Nguyễn Trãi và Lê Quý Đôn. Do chịu ảnh hưởng bởi lý tưởng của Stephane Hessel1, có thể tôi đã quá vội nóng giận.

Thật vậy, sau một thời gian tôi đã suy xét công tâm hơn. Cô gái nhà hàng xóm nọ có gì là sai khi mong muốn có một cuộc sống tốt hơn cha mẹ mình? Tôi sẽ trả lời thế nào nếu cô ấy hỏi tôi về ích lợi của việc nghiên cứu vụ nổ Big Bang, nếu cô ấy chế giễu cái thế giới của lỗ đen và sao lùn trắng mà tôi vẫn giảng cho sinh viên của mình? Tôi là ai mà thuyết giảng rằng kiến ​​thức quan trọng hơn tiền bạc, và tự cho rằng mình có cái nhìn về tương lai xa hơn cô ấy? Nếu tôi đã phải chịu đựng những khó khăn mà cha mẹ và ông bà của cô ấy đã phải trải qua, chắc chắn tôi sẽ bớt kiêu ngạo hơn. Vô hình trung câu chuyện về cô con gái người hàng xóm đã dạy cho tôi một bài học về sự khiêm nhường.

Vừa thừa vừa thiếu

Tuy nhiên, những con số gần đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố về giai đoạn 2009-2011 khiến cho vấn đề này có thể nhìn nhận một cách khách quan2 thay vì cảm tính. Mỗi năm các trường đại học Việt Nam tuyển hơn nửa triệu sinh viên. Khoảng 60% số trường đại học tuyển sinh thuộc một trong bốn lĩnh vực kinh tế: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kinh tế và kế toán; tại kỳ thi tuyển, 41% tổng số học sinh đăng ký thi vào một trong bốn ngành này và 38% trúng tuyển. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu xu hướng này tiếp tục, sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh tế sẽ không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Do đó Bộ quyết định, trong năm 2012, giới hạn định mức đào tạo đối với ngành kinh tế ở mức 32% khi tổng số sinh viên dự kiến ​​sẽ được nhận vào trường đại học là 576.000. Bên cạnh đó, trong tương lai gần, những thông tin tuyển sinh sẽ được công bố trên mạng Internet nhằm giúp đỡ sinh viên lựa chọn ngành học.

Trước mắt, chúng ta cần phải có ngay kế hoạch giáo dục và đào tạo dựa vào nhu cầu dài hạn của đất nước, nghĩa là phải vạch ra một kế hoạch tổng thể về phát triển lực lượng lao động cho 20 năm tới. Khi chúng ta chưa thực hiện theo một kế hoạch như vậy thì quy luật thị trường sẽ tiếp tục chi phối, và hầu hết các trường đại học đều sẽ tìm mọi cách để thu hút được càng nhiều sinh viên càng tốt bằng cách dụ dỗ họ một cách thiếu trách nhiệm với những hứa hẹn sẽ trao cho họ những tấm bằng trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, các quy luật thị trường không đảm bảo cho tính hợp lý và bền vững trong lâu dài. Những cơ sở đào tạo này chỉ quan tâm đến hiện tại: không quan tâm đến việc đang đào tạo ra những sinh viên trong các lĩnh vực mà đất nước không còn nhu cầu, những lĩnh vực đã quá tải, không còn chỗ đứng cho người học ra trường. Ví dụ, trong ngành toán do có quá nhiều sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ nên nhiều người sau khi nhận bằng phải về các tỉnh làm giáo viên dạy toán ở các trường phổ thông trung học. Chúng ta không được phép làm ngơ trước những hiện tượng lãng phí như vậy, vì việc đào tạo cho một con người là một sự đầu tư rất đáng kể.

Dĩ nhiên, cần nhiều thời gian và công sức để đào tạo ra được một kỹ sư về hạt nhân hơn so với một chuyên gia tiếp thị. Nhưng để chạy một nhà máy điện hạt nhân, nhân viên bán hàng và nhân viên ngân hàng không thể giúp gì được. Và họ cũng không giúp được gì trong việc sản xuất ra những sản phẩm mà đất nước cần: họ chỉ có thể giúp bán những gì người khác làm ra mà thôi. Tôi không nói rằng chúng ta nên dừng việc giảng dạy về quản lý và tài chính ở các trường đại học; tôi chỉ đơn giản nói rằng nên có nhận định sáng suốt hơn về nhu cầu lâu dài của đất nước đối với các kỹ năng như vậy.
Xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển lực lượng lao động cho hơn 20 năm tới không phải là một việc đơn giản. Công việc đó càng khó hơn ở một đất nước đang phát triển, có sự tăng trưởng và thay đổi rất nhanh. Chúng ta không nên chỉ trông chờ Chính phủ làm điều đó cho ta, mà ngược lại phải cùng giúp Chính phủ làm việc đó. Đặc biệt, các trường đại học nên cảm thấy có trách nhiệm trong việc đào tạo sinh viên trong các lĩnh vực mà với nhận định tốt nhất của mình, họ thấy là phù hợp với nhu cầu của đất nước. Có lẽ không thể mong đợi một thái độ trách nhiệm như vậy ở các trường đại học tư, những trường chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của họ. Tuy nhiên, các trường đại học công lớn nên được khuyến khích làm hết sức mình để giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ khó khăn trong việc xác định các lĩnh vực cần phát triển lực lượng lao động.

Tất nhiên, xác định được các lĩnh vực cần phát triển là chưa đủ. Việt Nam cần thiết lập − hoặc ít nhất là có sự hỗ trợ sự phát triển của − các tổ chức, cả công và tư, nơi sẽ tiếp nhận những người được đào tạo trong các lĩnh vực này. Thật dễ để nói rằng Việt Nam cần năng lượng hạt nhân, và thật dễ dàng gửi sinh viên ra nước ngoài học về kỹ thuật hạt nhân, nhưng thật vô ích nếu không có chỗ phù hợp để họ phát triển tài năng khi trở về nước. Chảy máu chất xám mà đất nước phải gánh chịu trong quá nhiều năm qua là hậu quả của việc thiếu chính sách quan tâm tới các du học sinh sau khi họ tốt nghiệp, và việc trong nước không có khả năng sắp xếp những chỗ làm thích hợp để họ có thể tận dụng tốt kỹ năng và tài năng học được ở nước ngoài.

PHẠM NGỌC ĐIỆP  dịch

1 Stephane Hessel là nhà ngoại giao, nhà văn sinh ở Đức, nhưng tự nguyện gia nhập phong trào du kích Pháp thời Thế chiến thứ II. Ông là người hoạt động và đấu tranh không mệt mỏi vì quyền con người và những giá trị nhân bản;  http://www.indignez-vousindignacion.blogspot. com/p/english.html

2 Báo cáo ngày 12/03/2012 trên http://english.vietnamnet.vn/en/education/19793/students-still-prefer-economics-training-majors—despite-oversupply.html.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)