Còn quá nhiều điều đáng lo

Để chấn hưng giáo dục và khoa học, trước hết cần đánh giá đúng thực trạng, và muốn thế cần dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dù là những sự thật tồi tệ đáng phẫn nộ, đáng xấu hổ nhất. Đó là thái độ, quan điểm tôi hoàn toàn chia sẻ qua bài viết của GS P. Darriulat.

Thật hiếm khi chúng ta có may mắn nhận được những nhận xét thẳng thắn nhưng hết sức chân tình của một nhà khoa học tầm cỡ đã có nhiều năm sống và cùng làm việc với chúng ta, hết lòng giúp đỡ chúng ta xây dựng và phát triển khoa học trong những điều kiện phải nói không dễ chịu chút nào đối với một người quen sống ở môi trường khoa học tiên tiến phương Tây. Đó là những ý kiến rất xác đáng, xuất phát từ một cách nhìn vừa khách quan, nghiêm khắc của một người quan sát không thiên vị, vừa chân tình, đồng cảm của một người bạn thân thiết.   

Tất nhiên từ nhiều năm nay trong nước cũng đã có không ít ý kiến tâm huyết bày tỏ bức xúc lo lắng trước những hiện tượng tiêu cực của khoa học và giáo dục. Nhưng hoặc là Bụt nhà không thiêng, hoặc người cần nghe thì bịt tai, không muốn nghe, hoặc cách nói có khi chưa phù hợp nên không đủ sức thuyết phục. Chưa kể là xen vào đó có những phát biểu tùy tiện, thay vì thuyết phục lại gây phản tác dụng nhiều hơn. Chẳng hạn, mấy năm gần đây có một số người lớn tiếng phê phán sao cả nước mấy nghìn GS, PGS mà chẳng ai có một bằng phát minh, sáng chế nào! Hoặc đòi hỏi vô lý mọi ngành khoa học xã hội, bất kể ngành gì, cũng phải có nhiều công bố quốc tế như bên khoa học tự nhiên. Thú thật, trong môi trường xã hội xô bồ đầy giả dối, thật dỏm khó phân biệt, nhiều ý kiến có khi rất hay, rất đúng cũng khó lọt tai một số vị có trách nhiệm, nhất là nếu cả người nói và người nghe đều thiếu công tâm.

***

Thật ra trước năm 1975 nền giáo dục đại học ở cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đều đã khá phát triển so với các nước khác trong khu vực. Nhưng chỉ vài năm sau đó những sai lầm trong quản lý xã hội đã khiến kinh tế, văn hóa, giáo dục đều sa sút, xuống dốc không phanh. Đó là lý do vì sao GS P. Darriulat cho rằng sau 1975 chúng ta đã xây dựng giáo dục đại học từ số không. Sau Đổi mới, khi hoạt động giáo dục được bình thường trở lại, thì hoàn cảnh đã thay đổi, mô hình giáo dục của Liên Xô cũ mà trước đó miền Bắc dựa vào không còn phù hợp. Cần phải cải cách để chấn hưng giáo dục nhưng hàng loạt rào cản tư duy và ý thức hệ đã giam hãm chúng ta trong sự trì trệ, lạc hậu triền miên so với thế giới. Mãi gần đây, mới bắt đầu có chủ trương thực hiện chính thức đổi mới giáo dục một cách cơ bản, toàn diện. Song cả núi khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Công bằng mà nói, mấy năm gần đây trong nhận thức xã hội cũng đã bắt đầu có sự thức tỉnh. Trong quản lý khoa học đã có một số tiến bộ rất đáng ghi nhận, cái tâm lý lạc quan kiêu ngạo trước đây đã bớt. Nhưng về cơ bản, chừng nào cái lỗi hệ thống của thể chế chưa khắc phục thì tiêu cực vẫn còn nhiều đất ngự trị. Cho nên những nhận xét, phê phán thẳng thắn của GS  Darriulat rất đúng lúc và đặc biệt cần thiết để nhắc nhở chúng ta, ngay cả những nhà quản lý thiện chí nhất, đừng vội chủ quan. Một số ít tiến bộ như NAFOSTED dù rất đáng trân trọng vẫn chưa là gì cả  trong bức tranh toàn cục, hơn nữa nếu không kịp thời nhìn ra những vấn đề mới để khắc phục thì không khéo lại có thể dẫn đến những tiêu cực mới, vô hiệu hóa những tiến bộ đã đạt được. Cho nên, với những ai thiết tha với khoa học và giáo dục thì vẫn còn đó quá nhiều điều đáng lo.

Tôi cũng rất đồng tình với quan điểm của GS Darriulat bây giờ không phải là lúc quy trách nhiệm cho ai, mà trước hết cần biết can đảm nhìn thẳng vào sự thật, để nhận định đúng các vấn đề và đưa ra giải pháp thích hợp. Toát lên từ bức tranh thực tế qua bài viết của GS Darriulat là sự dối trá, sự quan liêu dốt nát đang hoành hành ngay cả ở những nơi, những môi trường cần nhất sự liêm chính, công tâm, và trí tuệ. Thật đáng xấu hổ, những vụ đạo văn trong khoa học ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Không chỉ đạo văn ở các luận án tiến sĩ, thạc sĩ mà đạo văn cả ở những công trình nghiên cứu của các GS, PGS đã có vị trí. Còn nhớ một vụ đạo văn tày đình trong khoa học tự nhiên cách đây vài năm gây tai tiếng ê chề cho Việt Nam trên quốc tế mà rồi trong nước cũng cho qua dễ dàng, không ai bị xử lý mà còn được đề bạt. Lại có trường hợp ngang nhiên ăn cắp, chiếm đoạt kết quả nghiên cứu của nhau mà vẫn không ai hề hấn gì, sau nhiều cuộc thảo luận kéo dài mỏi mệt trong giới chức hữu quan rồi cũng … hòa cả làng. Trong các ngành khoa học xã hội tình hình càng tệ hơn. Như tin tức đã được phản ảnh trên báo chí, nhiều luận văn tiến sĩ sao chép của nhau hoặc của người khác, nhai đi nhai lại thành một hợp xướng những luận điểm sáo mòn gần như chẳng có chút giá trị khoa học gì.

Việc đề ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam sẽ có ít nhất một đại học lọt vào tốp 200 của thế giới không những không thực tế mà ngày càng thấy rõ nó cũng hoàn toàn không cần thiết. Một là có nhiều bảng xếp hạng đại học theo những tiêu chí khác nhau, thật sự chỉ đáng tin cậy phần nào đối với các nền đại học tiên tiến của các nước phát triển. Đó chưa phải là sân chơi thích hợp cho các nền đại học còn non trẻ đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như chúng ta. Hai là đặt mục tiêu xa vời, kiểu như một trăm năm nữa chưa biết có đạt tới không, thì chỉ là một cách tự huyễn hoặc mình, để hướng đến những chuyện viển vông, có khi rất tốn kém mà hoàn toàn vô bổ, đồng thời xao lãng những vấn đề nóng bỏng thiết thực đang chờ đợi hằng ngày phải được giải quyết.

Thay vì chạy theo những cái đích ảo tưởng như vậy, lẽ ra ta chỉ nên đặt mục tiêu xây dựng một hai đại học thật nghiêm chỉnh đàng hoàng, đáng gọi là đại học theo chuẩn mực quốc tế, để làm hoa tiêu cho các đại học khác trong nước tiến theo, không cần quá lo đến thứ hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế mà giá trị còn đáng ngờ.

 Căn bệnh thành tích cũng là nguyên nhân đẻ ra cái kế hoạch to tát đào tạo đến năm 2020 hai vạn tiến sĩ. Nay đã thấy rõ chỉ lấy số lượng bù chất lượng cũng khó đạt nổi chỉ tiêu đó. Mà thật ra, ở cái xứ mà phần lớn tiến sĩ, cả thật cả dỏm (số khá đông là dỏm) đều không làm khoa học mà làm quản lý hành chính thì trong bấy nhiêu tiến sĩ đào tạo ra sẽ có được bảo nhiêu vị làm giáo dục và khoa học? Hay ta chỉ cần có nhiều bằng tiến sĩ để phết một lớp sơn tri thức dỏm lên bộ máy hành chính quan liêu tham nhũng tràn lan như hiện nay? 

Đúng như GS Darriulat cảnh báo nếu cứ tiếp tục làm ăn kiểu này thì sẽ phải mất rất nhiều thế hệ nữa mới mong đạt tới một nền đại học đúng với tên của nó như cố GS Hồ Đắc Di đã từng mơ tưởng trong rừng Việt Bắc cách đây ngót 70 năm.

***

Theo GS Darriulat việc thiếu tôn trọng người thầy và người làm khoa học thể hiện rõ rệt nhất ở chế độ tiền lương. Ông từng nhiều lần khẳng định, nếu cần góp ý một biện pháp riêng lẻ cấp bách nhất để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ở các đại học thì ông không do dự một phút có thể quả quyết đó là cải thiện chế độ tiền lương cho các giảng viên để họ có thể đủ sống và tập trung cho công tác chuyên môn. Mặc dù gần đây một số người có thể cải thiện thu nhập nhờ tham gia các đề tài nghiên cứu sử dụng kinh phí của Nhà nước, nhưng các thủ tục luôn khó khăn phức tạp, việc thanh toán thường xuyên chậm trễ, đồng thời hoạt động này cũng ngầm chứa tiêu cực, dẫn đến tình trạng “chạy” đề tài, hoặc xu hướng thiên về làm những công trình nghiên cứu dễ dãi, tuy chất lượng không cao tạm thời có thể bảo đảm nguồn thu nhập ổn định ở mức cần thiết. Chúng ta luôn nói giáo dục, khoa học thuộc lĩnh vực ưu tiên, quốc sách hàng đầu, nhưng cứ giữ mãi một chế độ tiền lương như hiện nay đối với nhà giáo và nhà khoa học thì khác nào Nhà nước khuyến khích sự giả dối, bất lương, mà đây mới thật là sự giả dối lớn nhất, từ đó mới sinh ra nhiều sự dối trá khác nhan nhản ở học đường, trong xã hội.

Vấn đề này theo tôi nhớ, đã được nêu ra bàn thảo nghiêm túc ngay từ những ngày báo Tia Sáng mới ra đời, cách đây đã gần hai thập kỷ. Bản thân tôi đã có nhiều dịp nêu trực tiếp vấn đề với những nhà lãnh đạo cao nhất. Vị nào cũng công nhận vô lý, bất công, và có lẽ nhiều vị cũng đã từng trăn trở tìm cách giải quyết, nhưng cho đến nay bế tắc vẫn còn nguyên. Vừa rồi, tôi lại có dịp trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lại cũng được hiểu rằng còn phải kiên nhẫn phấn đấu nhiều năm nữa, có lẽ chăng phải chờ đến khi thực hiện đầy đủ cái thông điệp đầu năm của Thủ tướng mới có hy vọng giải quyết được. Chỉ buồn là trong một thế giới biến đổi từng ngày, từng giờ, người ta đi hài bảy dặm, còn chúng ta cứ đủng đỉnh … bia bọt, mơ mộng hão huyền và … chờ. Chờ đến bao giờ ?

——-

1 Pierre Darriulat, Dũng cảm nhìn vào sự thật, Tạp chí Tia Sáng, số 05 ra ngày 05/03/2014, trang 12

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=7318

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)