Cuộc cạnh tranh giáo dục toàn cầu

Chưa bao giờ, cuộc cạnh tranh giữa những cơ sở đào tạo đại học hàng đầu thế giới trong việc thu hút học viên quốc tế lại quyết liệt như hiện nay. Vị trí hàng đầu của Mỹ trong nền giáo dục quốc tế đang bị thách thức nghiêm trọng. Harvard, Oxford cũng phải đi quảng cáo, và Mỹ cũng đang phải tiếp thị mạnh mẽ hơn cho nền giáo dục của mình.

Không còn vị trí độc tôn
Cuộc đua trong việc thu hút học viên quốc tế giữa các trường đại học đang trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Mỹ, Anh, những địa chỉ vẫn được coi là lựa chọn số một cho việc du học giờ đây không còn chiếm vị trí độc tôn trong làng giáo dục thế giới. Những ngày mà Harvard, Yale ở Mỹ hay Cambridge, Oxford ở Anh chỉ cần ngồi một chỗ, đắm say trong vòng nguyệt quế và chờ đợi những sinh viên giỏi từ khắp nơi trên thế giới tìm về với họ đã qua. Chính phủ ở những quốc gia khác nhau trên thế giới, trong đó phải kể đến những quốc gia có tiềm lực như Trung Quốc hay Ấn Độ, đang đổ những khoản tiền lớn chưa từng có vào việc xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đại học đồng thời cũng chi một khoản tiền không nhỏ nhằm quảng bá chúng trên thị trường giáo dục quốc tế.
Những số liệu sau có thể cung cấp thêm bằng chứng cho cuộc đua nóng bỏng trên thị trường giáo dục thế giới. Nếu như chỉ nhìn vào top 10 trường đại học hàng đầu thế giới thì Mỹ đã chiếm 8, còn hai vị trí còn lại giành cho Anh. Tuy nhiên, ngoài top 10 ra thì những vị trí còn lại khá đa dạng. Có tới hơn 30 quốc gia khác nhau có tên trong danh sách 200 trường hàng đầu thế giới năm nay.
Một trong những cách mà các trường đại học ở các nước làm hiện nay là liên kết đào tạo và phối hợp về chương trình giảng dạy. Chẳng hạn như trường kinh doanh INSEAD nổi tiếng của Pháp cho phép sinh viên của họ tự do đi lại giữa ký túc xá ở Pháp với cơ sở của trường ở Singapore. Ngày càng có nhiều trường tìm kiếm những cách tiếp cận tương tự. Một báo cáo của Hội đồng giáo dục Mỹ cho biết, có 131 trường tư nhân của Ấn Độ đã tìm cách thiết lập các mối liên hệ với các trường đại học ở nước ngoài, và một nửa số học viện giáo dục có chất lượng cao ở Anh cung cấp các cơ hội học tập ở Trung Quốc.
Vào thời điểm hiện nay, không có gì phải nghi ngờ vào vị trí dẫn đầu của Mỹ trong nền giáo dục quốc tế, do nước này chiếm đến hơn một nửa danh sách top 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Và chính Mỹ cũng là nước làm cho cuộc đua trên thị trường giáo dục quốc tế trở nên nóng bỏng hơn. Mặc dù vậy, thực chất nước Mỹ đang mất đi thị phần trong giáo dục quốc tế. Thị phần của Mỹ trong thị trường giáo dục quốc tế, một thị trường được ví với một chiếc bánh đang ngày càng phình to, với 2,5 triệu sinh viên du học nước ngoài, hiện đang suy giảm. Theo báo cáo của Hội đồng giáo dục Mỹ thì trong giai đoạn 2000 – 2005, tăng trưởng của Mỹ trong việc thu hút sinh viên quốc tế là thấp nhất trong số các nước được đem ra so sánh: chỉ tăng 17% trong giai đoạn trên. Trong khi đó, Pháp là 81%, Nhật là 108%. Tính chung, thị phần của Mỹ trong thị trường thu hút sinh viên quốc tế đã sụt giảm từ ¼ năm 2000 xuống còn 1/5 năm 2004.
Tuy nhiên, nhu cầu về lao động có trình độ cao vẫn rất nóng bỏng ở các nước đang bùng nổ về kinh tế như Trung Quốc và Ấn Độ. Mỗi năm các nước này cho ra trường khoảng 500.000 kỹ sư song vẫn không đủ cung cấp cho nền kinh tế. Họ dự đoán việc thiếu nguồn nhân lực có thể khiến cho các nước này gặp khó khăn trong những năm tới.

Người Mỹ thu hút sinh viên Trung Quốc

Người Mỹ mới tung ra một đoạn phim mà mới xem, có thể người ta sẽ nghĩ đó là một bộ phim video, với nhạc nền, những điệu nhảy hấp dẫn của thanh niên châu Á, chơi ghita và hò reo. Tuy nhiên, đó không phải là một video ca nhạc, mà là một đoạn băng quảng cáo cho chiến dịch mới của Chính phủ Mỹ nhằm thu hút sinh viên Trung Quốc đến Mỹ du học. Thông điệp mà đoạn quảng cáo này đưa ra là: nước Mỹ nhiệt tình chào đón các sinh viên Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ chủ động tiếp thị hình ảnh của nền giáo dục nước mình trên thị trường quốc tế.
Vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã khiến cho việc xét cấp visa vào Mỹ trở nên khó khăn hơn. Thậm chí một thông điệp tai hại đã được lan truyền đi nhanh chóng trong giới trẻ, đó là nước Mỹ đã không còn muốn chào đón sinh viên quốc tế do lo ngại một trong số những sinh viên như thế sẽ là tác giả của một vụ tấn công khủng bố 11/9 thứ hai. Kết quả là, trong vòng 3 năm sau vụ khủng bố 11/9, lượng sinh viên quốc tế vào Mỹ giảm 2.4% mỗi năm, một sự “mất mát” không thể chấp nhận được với nước Mỹ, nước có chất lượng giáo dục được đánh giá cao nhất thế giới.
Nước Mỹ có lẽ không dễ dàng để từ bỏ một nguồn lợi khổng lồ do các sinh viên ngoại quốc mang đến như vậy. Cần phải biết rằng, chỉ trong vòng năm 2006, tiền thu được từ học phí và sinh hoạt phí của sinh viên quốc tế đã mang lại cho nền kinh tế Mỹ tới 14 tỷ USD.

Phải hiện đại hóa
Các nước châu Á, nguồn “xuất khẩu” lớn nhất sinh viên sang các nước phương Tây, giờ đây đang đổ tiền của vào các trường đại học trong nước nhằm tránh nguy cơ chảy máu chất xám. Như Trung Quốc đã chi đến 0,5% GDP cho giáo dục đại học, và dự kiến sẽ tăng con số này lên đến 4%, cao hơn cả Anh là 1,1% va Mỹ là 2,7%. Đầu năm nay, Malaysia cũng thông báo kế hoạch trở thành một trung tâm giáo dục quốc tế mới với 100.000 sinh viên quốc tế, gấp đôi con số hiện nay, vào năm 2010. Để thu hút các giáo sư hàng đầu, các trường đại học của Singapore đề xuất mức lương rất hấp dẫn và cạnh tranh với các trường của Mỹ. Các viện sĩ trẻ tuổi ở đảo quốc này có thể kiếm được tới 180.000 USD/năm.
Trung Quốc đã mở rộng hệ thống giáo dục đại học của nước này nhanh chóng đến mức hơn 20% số dân có bằng cao đẳng của nước này hiện giờ đã nhận được bằng đại học, cao hơn so với con số 2% của một thế hệ trước đó. Tháng 6 vừa rồi, Ấn Độ đã tổ chức một buổi lễ chính thức, được Amartya Sen (Nobel Kinh tế 1998) chủ trì để đầu tư 1 tỷ USD cho dự án tái tạo trường đại học lâu đời của nước này, đại học Nalanda. Những bước đi của Trung Quốc và Ấn Độ trong việc thiết lập các trường đại học thật đáng kinh ngạc. Đó không chỉ là số lượng, mà còn là chất lượng, ông Bernd Wachter, giám đốc của Hiệp hội hợp tác giáo dục chuyên nghiệp có trụ sở tại Brussel nói. Thực tế, các cơ sở trên đã chứng tỏ thành công đến mức ngay cả Cao ủy châu Âu phụ trách giáo dục cũng phải cảnh báo rằng các trường đại học của Anh, Pháp và Đức đang phải đối mặt với nguy cơ bị qua mặt bởi các trường của Trung Quốc và Ấn Độ trong vòng một thập kỷ tới nếu họ không hiện đại hoá.
Để cải thiện tình hình, các trường đại học tên tuổi vốn là cái nôi của nền giáo dục đại học thế giới đang tìm đến những chiến dịch quảng cáo có quy mô lớn, một điều mà người ta chưa từng nghĩ đến đối với những ngôi trường đáng tôn kính này. Vào hồi tháng 2, Mỹ cho biết sẽ chi tới 1 tỷ USD cho chiến dịch quảng bá nền giáo dục của mình ở các nước từ Trung Quốc cho tới Ấn Độ. Ở Anh, 70% các trường đại học, học viện đang gia tăng các nỗ lực cho phí cho tiếp thị và tuyển thêm sinh viên quốc tế. Chính phủ Pháp cũng xác định cải cách giáo dục đại học là ưu tiên hàng đầu, cam kết chi tới 5 tỷ Euro  từ nay đến năm 2012 cho việc hiện đại hóa.
Tuy nhiên, dù mọi thứ thay đổi thì có một điều vẫn giữ nguyên, đó là những tên tuổi lớn nhất trong làng đại học thế giới vẫn là sự lựa chọn số 1 của mọi người. Do đó, dù cuộc cạnh tranh có nóng hơn, song đối với những trường đại học ở top đầu, họ vẫn là những lựa chọn hàng đầu của các sinh viên quốc tế.
Nguyễn Ngọc Hùng (Theo tạp chí Newsweek)
——-
ảnh: Lớp đào tạo “Kỹ năng khó” của Trung tâm Giáo dục toàn cầu ở trường Mysore, Ấn Độ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)