Đại học cấp tỉnh: Một số nguyên tắc cần tuân thủ

Các trường đại học tư danh tiếng của Mỹ như Havard, Yale, Standford và Princeton thường chỉ phục vụ lợi ích cho giới giàu có, quyền lực và hầu hết đều không nhận phụ nữ vào học cho đến tận 50 năm trước. Bắt đầu từ thế kỷ 19, các tiểu bang đã tự xây dựng hệ thống các trường đại học công lập và hầu hết các trường này đều nhận nữ sinh, trong nhiều trường hợp, còn có cả nữ giáo sư ngay từ những ngày đầu thành lập. Qua những thành công và hạn chế của các đại học này, có thể rút ra một số nguyên tắc cần tuân thủ để xây dựng đại học cấp tỉnh có chất lượng cao.


Arizona State University (ASU) có chương trình vũ trụ đỉnh cao thế giới. Phần lớn việc thiết kế xe tự hành trên sao Hỏa được thực hiện ở ASU.

Thực trạng đại học cấp tỉnh (bang)

So với các đại học tư, học phí của những trường này rẻ hơn rất nhiều nên những người trẻ hoài bão xuất thân từ tầng lớp lao động hoặc thậm chí ở những vùng nông thôn đều có thể theo học được.

Thế kỷ XX đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ của kinh tế Mỹ và nhu cầu gia tăng đối với giáo dục bậc cao. Những trường đại học hiện thời không thể thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế và mong mỏi của công chúng về những cơ hội lớn hơn. Vì vậy, cả chính phủ liên bang lẫn các tiểu bang đều đã đầu tư rất mạnh mẽ, xây dựng những trường đại học cấp bang mới và nâng cấp các trường cũ. Sau Chiến tranh Thế giới II, Mỹ vươn lên trở thành siêu cường kinh tế-chính trị của thế giới, kéo theo sự bùng nổ của những khoản tài trợ mà chính phủ dành cho giáo dục đại học và sau đại học.

Ngoài ra, rất nhiều những học giả và nhà khoa học hàng đầu bị thu hút đến với các đại học cấp bang, bởi họ cảm thấy sẽ được toàn quyền xây dựng chuyên ngành của mình ở đây, trong khi đó, ở các đại học truyền thống, một học giả đơn lẻ thường không có mấy ảnh hưởng. Điều này đặc biệt đúng đối với những lĩnh vực nghiên cứu mới, chưa từng tồn tại trước những năm 50 của thế kỷ XX, như khoa học máy tính hay nghiên cứu về giới bởi vì những đại học danh tiếng lâu đời chuyển sang những lĩnh vực này chậm hơn so với các đại học cấp bang.  

Bởi vậy, những lĩnh vực mà các trường đại học cấp bang đặc biệt xuất sắc thường là những lĩnh vực nghiên cứu mới và những lĩnh vực mang tính ứng dụng như nông nghiệp, kỹ thuật, và dược. Chẳng hạn, Đại học Washington (UW, ở Seattle) của tôi, từ trước đến nay đều dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học lâm nghiệp (miền Tây Bắc nước Mỹ nổi tiếng với ngành công nghiệp khai thác gỗ). Ngoài ra UW cũng có trường y đẳng cấp thế giới. Hay như Đại học Arizona State (ASU) của vợ tôi, Ann Koblitz, có một trong những khoa dẫn đầu thế giới về nghiên cứu người Anh Điêng (Bang Arizona có tỉ lệ người bản địa rất lớn), và có một chương trình danh tiếng về kĩ thuật hàng không (hầu hết công việc thiết kế các xe tự hành sao Hỏa đều được thực hiện ở ASU)

Rất tiếc, không phải bất cứ kinh nghiệm nào của Mỹ trong việc xây dựng các đại học cấp bang cũng đều là tích cực. Thông thường, lý do tốt nhất khi học hỏi những kinh nghiệm của nước ngoài là để tránh mắc phải những sai lầm của họ, và điều này cũng đặc biệt đúng với giáo dục đại học và sau đại học ở Mỹ. Dưới đây là một vài những khó khăn thách thức:

* Các nhà làm chính sách tại các tiểu bang thường không muốn cấp đủ kinh phí cho hệ thống đại học cấp bang và kì vọng các trường này sẽ tự gây quỹ từ học phí hay khối tư nhân và tự cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ.  

* Cũng chính bởi áp lực tài chính đó mà giới quản trị đại học thường tìm nhiều cách để có những khoản cắt giảm lớn trong chi phí hoạt động, cùng với đó là sụt giảm về chất lượng. Chẳng hạn, từ 5-7 năm trước, Đại học Arizona State bắt đầu giới thiệu một số lượng lớn các khóa học online, và thậm chí còn đưa ra lựa chọn “ASU trên mạng” cho phép sinh viên học tất cả các môn online. Điều này hấp dẫn với rất nhiều người vì nó yêu cầu ít thời gian và công sức hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sinh viên học online học được ít hơn so với sinh viên thông thường và yếu hơn trong việc chuẩn bị cho công việc tương lai cũng như chuẩn bị cho việc học lên cao hơn.

* Các trường đại học thường phải viện đến những cách phi đạo đức để kiếm tiền. Một ví dụ là “nhập học kép” (dual enrollment), trong đó trường đại học thỏa thuận với một trường phổ thông trong vùng. Với môn Toán, điều này có nghĩa rằng trường đại học sẽ công nhận môn Giải tích và tiền Giải tích (precalculus) ở phổ thông tương đương với các khóa học này ở bậc đại học, mặc dù trên thực tế chúng là những khóa học thấp hơn hẳn về trình độ và được chấm điểm vô cùng rộng rãi. Về sau, khi các sinh viên nhập học tại các trường đại học, họ nghiễm nhiên có đủ số tín chỉ và thông thường được yêu cầu trả 20% học phí cho khóa học này. Nói cách khác, trường đại học sẽ thu được một số tiền đáng kể mà thực chất không phải làm gì cả.

* Nước Mỹ, đối với nhận thức rõ nhất của tôi, có những trường đại học quan liêu nhất thế giới. Tại hầu hết các đại học cấp bang, các nhân sự phi học thuật áp đảo các nhân sự học thuật về số lượng và không gian các tòa nhà được dành cho các văn phòng hành chính nhiều hơn là cho các lớp học. Bất kì khi nào có áp lực phải cắt giảm chi phí, chính các giảng viên hay giáo sư sẽ bị cắt giảm, chứ không bao giờ là các quản lý hành chính các cấp.      

* Nhiều đại học ở các tiểu bang cũng có một danh sách các ưu tiên không lành mạnh. Chẳng hạn, các môn thể thao cạnh tranh thường nhận được sự chú ý và dành cho nhiều nguồn lực hơn là học thuật. Đại học của tôi đã chi tới 250 triệu USD cho việc nâng cấp sân bóng đá. Trong khi năm ngoái, bản thân tôi đã phải dạy học tại một căn phòng có hệ thống sưởi bị hỏng. Căn phòng quá nóng làm tôi phải mặc áo phông mỏng trong suốt mùa đông, và vài sinh viên trong những lớp học vào sáng sớm ngủ gật vì phòng học quá ấm. Thế mà, người ta bảo tôi chưa thể thay được hệ thống sưởi bị hỏng này bởi vì nó sẽ tốn quá nhiều tiền.

* Hoạt động quản lý chất lượng trong việc đào tạo cử nhân và thạc sĩ cũng rất lỏng lẻo. Ở bậc tiến sỹ (PhD), tình hình có vẻ khá hơn, một phần cũng bởi chính các khoa thay vì ban giám hiệu trường trực tiếp kiểm soát chất lượng, và một phần vì chúng tôi có lượng lớn ứng cử viên nước ngoài được chuẩn bị tốt về mặt kiến thức. Tuy nhiên, ngay cả trong đào tạo PhD, một số trường công cũng quản lý chất lượng rất kém, và trong một số lĩnh vực nhất định cấp bằng PhD cho người học rất dễ dãi. Một tấm bằng bậc cao của Mỹ sẽ không có mấy giá trị nếu được cấp bởi một ngôi trường không hề chú trọng công tác quản lý chất lượng.

Một số nguyên tắc trong nâng cao chất lượng đại học cấp tỉnh

Có nhiều nguyên tắc cần phải được tuân thủ để có một hệ thống trường đại học cấp tỉnh với chất lượng cao. Thứ nhất, chính quyền cần cam kết hỗ trợ dài hạn cho những nhiệm vụ cơ bản của các trường đại học. Sẽ là hợp lý nếu kỳ vọng các trường có thêm kinh phí nhờ vào những hợp đồng với doanh nghiệp và các nguồn tài trợ cá nhân khác, tuy nhiên nó sẽ chỉ hỗ trợ ở mức nào đó cho những mục đích riêng của nhà trường và không thể gánh đỡ trách nhiệm chu cấp kinh phí của chính phủ. Thứ hai, các đại học cấp tỉnh nên tập trung ưu tiên một số lĩnh vực nghiên cứu nhất định, trong đó bao gồm những lĩnh vực thiết thực, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với tỉnh thay vì cố gắng xuất sắc trên mọi lĩnh vực. Thứ ba, cần có một giới hạn chặt chẽ đối với số lượng cán bộ hành chính và duy trì con số này ở mức thấp hơn so với lực lượng người giảng dạy. Thứ tư, các trường đại học nên hiểu rằng giáo dục chất lượng cao không thể thực hiện với “giá rẻ”, chẳng hạn như thông qua nhiều khóa học online, thuê những giảng viên có trình độ thấp hơn mức tiêu chuẩn hoặc bằng việc yêu cầu số giờ giảng dạy lớn. Thứ năm, việc giám sát chất lượng bằng cấp rất quan trọng. Chẳng hạn, Việt Nam nên duy trì hệ thống hai vòng công nhận bằng tiến sĩ (Trong đó vòng thứ hai đòi hỏi ứng cử viên phải được công nhận bởi hội đồng quốc gia bao gồm những học giả uy tín) được áp dụng đến năm 2010.   

Cuối cùng, một đại học cấp tỉnh không nên tự giới hạn mình trong việc phát triển những lĩnh vực ngay lập tức có giá trị ứng dụng. Nó nên phát huy những thế mạnh của mình trong lĩnh vực văn học, âm nhạc, nghệ thuật, nghiên cứu lịch sử và các lý thuyết khoa học; các khoa cũng cần duy trì sự cộng tác tích cực với những đồng nghiệp trên cả nước cũng như trên thế giới. Tương lai phát triển của một tỉnh hay một vùng, không chỉ phụ thuộc vào sự tiến bộ của kinh tế và công nghệ, mà còn ở việc duy trì được đẳng cấp nghiên cứu và giảng dạy trong đa dạng lĩnh vực liên quan đến tư duy và sự sáng tạo của con người.

Hải Đăng dịch

 

Tác giả