Đại học công và tư – song hành hay dẫm chân nhau?

Có một thực tế ở Việt Nam hiện nay là trừ một số trường và ngành đào tạo công lập có ưu thế và danh tiếng riêng, thì đa phần các trường, đặc biệt là các trường công lập nhỏ và mới thành lập gần đây, hầu như không có sứ mạng gì khác với trường ngoài công lập, tức là cũng chỉ nhắm vào đào tạo nghề nghiệp cho người học.

Ở những nước có nền đại học (ĐH) phát triển cao, thị phần của các loại hình trường (công lập và ngoài công lập, lợi nhuận và phi lợi nhuận) rất rõ ràng. Trường ngoài công lập (NCL) hoạt động vì lợi nhuận nên chỉ có một mục tiêu duy nhất là đào tạo cho người học có một nghề nghiệp vững chắc để kiếm được việc làm tử tế, vì vậy giáo dục ĐH ở đây đơn thuần là một đầu tư cá nhân, và do các cá nhân quyết định. Còn các trường ĐH công lập, hoặc NCL phi lợi nhuận có mục tiêu khác, cao cả hơn, không chỉ đào tạo nghề mà còn là nơi sáng tạo ra tri thức mới, nơi lưu giữ và truyền bá các thành tựu văn hóa, khoa học và kỹ thuật của nhân loại; cũng như phát hiện và phát triển tài năng, nhân tài cho quốc gia và toàn thế giới, đóng góp vào sự phát triển của loài người. Với mục tiêu khác nhau như vậy thì đầu vào của các loại hình trường này cũng khác nhau. Trường NCL không nhắm đến việc tuyển chọn nhân tài, mà chấp nhận bất cứ cá nhân nào có nhu cầu học và có thể trang trải học phí. Ở đây chúng ta thấy một tình trạng mà cả ba bên cùng có lợi: người học xem đó là một đầu tư cho tương lai và sẵn sàng chấp nhận các chi phí; còn về phía nhà trường, nếu có nhiều người học thì nghĩa là đang cung cấp một dịch vụ có lời; Nhà nước có lợi vì không phải bỏ tiền ra đầu tư nhưng vẫn có được lực lượng lao động trình độ cao. Còn trường công lập hoặc trường phi lợi nhuận có những tiêu chí riêng để tuyển sinh viên. Do những trường này sử dụng tiền của đơn vị khác (Nhà nước hoặc các nhà tài trợ) thì tất nhiên sẽ phải đáp ứng những yêu cầu của nơi đầu tư kinh phí. Cho nên về nguyên tắc, hai loại hình này không cạnh tranh nhiều với nhau mà hoạt động song song và thậm chí kích thích nhau cùng phát triển. Thế nhưng tình hình ở Việt Nam hiện nay lại rất khác. Trừ một số trường và ngành đào tạo công lập có ưu thế và danh tiếng riêng (ví dụ như ngành y, hoặc các ĐH quốc gia với suất đầu tư riêng), thì đa phần các trường, đặc biệt là các trường công lập nhỏ và mới thành lập gần đây hầu như không có sứ mạng gì khác với trường NCL, tức là cũng chỉ nhắm vào đào tạo nghề nghiệp cho người học. Đầu vào của các trường công lập không có gì khác so với trường NCL, cũng lấy theo điểm sàn (có lúc, có nơi còn lấy thấp hơn điểm sàn theo chỉ tiêu “đào tạo theo địa chỉ”), cuối cùng thì cũng để thu học phí từ người học mà thôi. Cái khác duy nhất ở chỗ trường công lập mang danh nghĩa là trường của Nhà nước, ít nhiều được Nhà nước hỗ trợ nên mức thu học phí thấp hơn, khiến nhiều người muốn thi vào trường công lập. Còn các trường NCL phải tự lực cánh sinh nên học phí cao hơn, dẫn tới khó thu hút thí sinh. Như vậy, sự cạnh tranh đang thiên về hướng có lợi cho các trường công lập, và trường NCL rõ ràng đang bị thiệt thòi. Nhà nước nên nhìn nhận rõ ràng về vai trò của trường công lập và trường NCL để có những chính sách hợp lý. Cần phải đặt ra những yêu cầu, tiêu chí trong đào tạo, và có sự giám sát chặt chẽ để đảm bảo các trường công lập tập trung vào cải thiện chất lượng giáo dục (còn với các trường NCL thì tự thân họ đã chịu sự giám sát rất chặt chẽ của thị trường) thay vì đào tạo một cách ồ ạt như hiện nay. Có như vậy các trường công lập mới có sự chọn lọc nghiêm túc cần thiết trong công tác tuyển sinh, và như vậy các trường NCL mới có thể tuyển đủ đầu vào để tồn tại phát triển.

Tác giả