Đại học không giảng đường
Mùa hè năm nay, Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị (ACCD) lần đầu tiên đã phối hợp với ĐH Phan Châu Trinh triển khai chương trình “Đại học không giảng đường” (ĐHKGĐ) như một thử nghiệm nhằm gợi ý cách đổi mới chương trình đào tạo đại học1.
Học qua thực tế
Cuộc sống đang diễn ra với nhiều vấn đề cần có sự góp sức của đội ngũ trí thức. Sinh viên là lực lượng phù hợp để tham gia giải quyết các thách thức từ thực tiễn, thông qua các nghiên cứu và dự án cụ thể. Hội An, như bất kỳ địa phương nào, cũng có hàng loạt các câu hỏi mà người dân mong chờ được giải đáp: Tình hình ô nhiễm nước ngầm và nước mặt ra sao, có giải pháp để xử lý không; Cần làm gì để cải thiện các không gian công cộng; Làm thế nào để người dân có thể bán các sản phẩm rau hữu cơ ra thị trường; Tại sao các tour du lịch cộng đồng chưa cạnh tranh được với các tour do tư nhân tổ chức…
Mỗi câu hỏi trên là một đề tài nghiên cứu mà qua đó SV phải thực hành các bước từ thiết kế nghiên cứu, thu thập và phân tích số liệu, và trình bày kết quả. Điều thú vị ở đây là các kết quả nghiên cứu được đưa vào thực tiễn. Nhóm SV Cao đẳng Công nghệ tỏa xuống địa bàn lấy mẫu nước ngầm, mang về phòng thí nghiệm phân tích và viết báo cáo khoa học. Các kết quả này lại được SV ĐH Sư phạm sử dụng trong các buổi truyền thông tại cộng đồng. Nhóm SV ĐH Kiến trúc Đà Nẵng cùng người dân thiết kế sân chơi trẻ em. Tuy kinh phí chỉ có 40 triệu đồng nhưng hồ sơ kỹ thuật và dự toán được hoàn thiện nghiêm túc như những công trình kinh phí hàng trăm triệu đồng. Nhóm SV ĐH Phan Châu Trinh đi khảo sát thực tế tại các chợ Hội An để thu thập thông tin: mỗi ngày Hội An tiêu thụ bao nhiêu tấn rau, nguồn rau đến từ đâu, giá cả thế nào, hình thức bán hàng ra sao, người tiêu dùng nghĩ gì về rau sạch và rau hữu cơ… Kết quả nghiên cứu được báo cáo với nông dân trồng rau hữu cơ, và trên cơ sở đó tư vấn kế hoạch đưa rau hữu cơ ra thị trường.
Thực tế nghiên cứu giúp các bạn SV cải thiện những kỹ năng cụ thể (như cách quan sát, cách đặt câu hỏi, cách trình bày kết quả nghiên cứu…). Ngoài ra, các bạn đã bắt đầu đặt những câu hỏi lớn hơn mang tính định hướng cho tương lai: nghiên cứu khoa học để làm gì, làm thế nào để đưa kiến thức khoa học vào cuộc sống, vai trò của người trí thức là gì…
Khi SV nhận thấy kết quả nghiên cứu được đưa vào thực tiễn và được cộng đồng đón nhận, động lực làm việc của các bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Các bạn quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của cộng đồng, và nhận thấy chuyên ngành học của mình không đủ để trả lời các câu hỏi của thực tế mà cần có sự phối hợp với các chuyên ngành khác. Điều này dẫn đến nguyên tắc thứ hai của ĐHKGĐ: Học và làm việc theo cách tiếp cận đa ngành, đa chiều.
Tiếp cận đa ngành, đa chiều
ĐHKGĐ nhấn mạnh việc học và làm việc với những người khác mình. SV kiến trúc học hỏi từ SV môi trường về những giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học, tăng diện tích thẩm thấu nước, thu gom nước mưa phục vụ tưới cây. Tương tự như vậy, SV ngành môi trường lại học từ SV ngành truyền thông và sư phạm cách giải thích số liệu khoa học thông qua câu chuyện hoặc hình ảnh…
Trình bày phương án sân chơi giá rẻ tại cộng đồng thôn Cồn Nhàn, xã Cẩm Thanh, TP Hội An
Một điểm quan trọng nữa của ĐHKGĐ là SV học cách nhìn nhận sự việc qua các góc nhìn khác nhau: của người được hưởng lợi, của người bị ảnh hưởng, và của nhà quản lý. Ví dụ khi tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm nước, SV đã phỏng vấn các nhóm khác nhau trong cộng đồng và nhận thấy có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến ô nhiễm từ các đầm nuôi tôm. Chủ đầm tôm cho rằng mình đã áp dụng các biện pháp xử lý môi trường, tuy nhiên người dân xung quanh hoàn toàn không đồng tình. Chính quyền địa phương chưa có ý kiến rõ ràng, vì mong muốn hài hòa lợi ích của các hộ nuôi tôm với các hộ khác. Từ những kinh nghiệm này, SV đã nhận thấy sự cần thiết phải lắng nghe các bên liên quan, và tiến trình làm việc cũng quan trọng không kém kết quả cuối cùng. Nếu nóng vội giải quyết vấn đề thì các ý tưởng tốt đẹp sẽ khó trở thành hiện thực. Điều này đã chỉ ra một bài học quý giá cho các bạn SV: không chỉ học các kiến thức chuyên môn, mà cần học các kỹ năng làm việc như lắng nghe, giải quyết mâu thuẫn, điều hành nhóm làm việc, động viên và khuyến khích người khác.
Làm chủ quá trình học tập
Nguyên tắc thứ ba và cũng là nguyên tắc khó nhất, đó là SV phải làm chủ quá trình học tập. Muốn là chủ nhân của xã hội trong tương lai, ít nhất trong hiện tại, SV cần chủ động xác định nhu cầu học tập và tìm cách thu thập các kiến thức kỹ năng cho mình, thông qua nhà trường hoặc bên ngoài nhà trường. ĐHKGĐ áp dụng nhiều cách để khuyến khích tính chủ động của SV. Nhiều nhà chuyên môn được mời đến nói chuyện để SV học hỏi về hành trình từ giảng đường đại học ra thực tế. SV được đến thực tập ở các cơ quan tổ chức để trực tiếp trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp. Ngoài ra, chương trình được thiết kế theo phương châm “50% phần cứng, 50% phần mềm”. Phần cứng là những kiến thức và kỹ năng mà người làm chương trình thiết kế từ trước, dựa theo sự đánh giá nhu cầu từ SV và giảng viên. 50% phần mềm là chương trình hoàn toàn dựa theo nhu cầu của SV, được thiết kế ngay trong bốn tuần của ĐHKGĐ. Hằng ngày, SV tham gia “vòng tròn chia sẻ”, trong đó từng người xác định những điều tâm đắc nhất với nội dung đào tạo và những điều cần cải thiện. Những nội dung SV mong muốn được học thêm bao gồm quản lý thời gian, quản lý định hướng bản thân, làm việc nhóm, lắng nghe bản thân và lắng nghe người khác, và làm thế nào để sống hạnh phúc. Đây là những nội dung khá xa lạ với môi trường của giảng đường đại học, nhưng lại được SV quan tâm đặc biệt. Trong khuôn khổ ĐHKGĐ, SV chủ động yêu cầu và thuyết phục các nhà tổ chức đáp ứng nhu cầu của mình.
——–
* Giám đốc Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị
1 Chương trình được Cơ quan Viện trợ Ireland (Irish Aid) tài trợ.