Đại học tư nhân của Malaysia

Khi nhìn vào giáo dục đại học của một số nước lân cận, ta thấy nổi lên một trường hợp thành công đáng học hỏi là Malaysia. Đây là đất nước đã sớm coi giáo dục đại học là một ngành công nghiệp quan trọng, và có những chính sách tốt để phát triển giáo dục đại học tư nhân rất đáng học hỏi.

Một mặt, Malaysia tập trung đầu tư mạnh cho một số trường đại học công lập lớn để nhanh chóng trở thành lá cờ đầu, sánh vai với các trường đại học có danh tiếng trên thế giới nhằm tạo thương hiệu cho giáo dục đại học của đất nước, mặt khác họ tìm mọi cách để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư (cá nhân hoặc tập đoàn) tham gia vào giáo dục, trong đó quan trọng nhất là xây dựng một cơ sở pháp lý phù hợp và ổn định để thừa nhận quyền sở hữu và quản lý tài sản hợp pháp của các nhà đầu tư.

Việc tiến hành song song cả hai chính sách nói trên có tác dụng vừa thu hút nguồn lực của xã hội để mở rộng tiếp cận giáo dục cho mọi người dân trong nước, lại vừa tập trung nguồn lực công để xây dựng thành công các đại học công lập hàng đầu, hoặc tài trợ cho khu vực tư nhân để thực hiện những mục tiêu công ích. Kết quả là Malaysia đã rất thành công trong việc tự biến mình thành một trung tâm giáo dục đại học của khu vực (regional higher education hub), thu hút được nhiều cơ sở giáo dục có uy tín của các nước có nền giáo dục đại học phát triển như Anh, Mỹ, Úc đến Malaysia qua các chương trình liên kết, và chiêu dụ được khá đông sinh viên quốc tế đến học. Một đặc điểm cần lưu ý là Malaysia công khai thừa nhận vai trò của các cơ sở giáo dục tư thục vì lợi nhuận, và trên thực tế tuyệt đại đa số các trường đại học tư của Malaysia đều là trường vì lợi nhuận . Trong số các trường tư vì lợi nhuận của Malaysia có thể kể một trường có văn phòng đại diện tại Việt Nam, được nhiều người biết đến qua những hoạt động quảng cáo rầm rộ và cũng khá thành công trong việc thu hút sinh viên Việt Nam là Taylors’ College.

Ở Malaysia hoặc một số nước thành công trong việc thu hút tư nhân đầu tư vào giáo dục, có thể thấy một quan niệm khá thoáng và mới mẻ về lợi nhuận trong giáo dục. Theo quan điểm này, lợi nhuận tự nó chẳng có gì là xấu nếu không nói là ngược lại, vì đó chính là thước đo sự thành công của một cơ sở giáo dục đại học tư nhân, là bằng chứng rằng sản phẩm/dịch vụ của họ đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Điều quan trọng là nhà nước phải có những luật lệ, quy định rõ ràng để bảo vệ người học và xã hội, có khả năng phân xử công bằng khi có tranh tụng, và có khả năng thực hiện chế tài trong những trường hợp các trường (cả tư lẫn công) có vi phạm.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)