Đại học tư và một số vấn đề quản lý đại học hiện nay

Tự do hóa giáo dục đại học đang được coi như phép màu có khả năng cứu nền đại học của ta giống như “khoán mười” đã cứu nông nghiệp trước đây vậy. Dù hưởng ứng hay phản đối ý kiến này cũng nên thấy đây là vấn đề hệ trọng, không thể dựa theo cảm tính hời hợt để xét đoán mà cần bình tĩnh, xem xét nhiều mặt một cách nghiêm túc mới có thể có quyết sách đúng đắn, thích hợp.

LỜI TÒA SOẠN: Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020” được thông qua vội vàng năm 2006, sau mấy năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất ổn. Một trong những bất ổn gây nhiều tranh cãi là quan điểm và chủ trương “xã hội hoá” giáo dục đại học bằng cách phát triển ồ ạt đại học tư để đến năm 2010 đạt tỉ lệ 40% (về số người học), tiến tới cổ phần hoá các đại học công lập, thực tế 5 năm qua đã đem lại nhiều bài học chua xót. Để góp tư liệu tìm kiếm giải pháp thoả đáng cho vấn đề quan trọng này, Tia Sáng xin đăng lại dưới đây bài báo đã được đăng trên tạp chí số ra tháng 5, 2005, với nhan đề: “Giáo dục đại học dưới áp lực thương mại hoá” của GS Hoàng Tụy. Tuy có môt vài chi tiết cần cập nhật nhưng trên căn bản những vấn đề được đề cập trong bài báo này đến nay vẫn chưa mất hết tính thời sự.

***

Thời gian gần đây trong nước đã nảy ra nhiều cuộc tranh luận xung quanh vấn đề giáo dục là hàng hóa, mà thực chất là thị trường hóa, thương mại hóa giáo dục. Trước đây đã có một thời rộ lên chuyện kinh tế tri thức, được chào đón như cơ hội nghìn vàng để đi tắt đón đầu, đưa đất nước mau chóng vươn lên giàu có, thịnh vượng, nhưng rồi, sau những rạo rực ban đầu và nhiều mơ mộng trên mây, khi trở về thực tại, mọi sự lại lắng xuống, im ắng một cách dễ sợ, mặc cho giáo dục, khoa học là những thứ cốt tử trong kinh tế tri thức cứ tụt hậu dài dài. Nay lại đến lượt chuyện tự do hóa giáo dục đại học được coi như phép màu có khả năng cứu nền đại học của ta giống như “khoán mười” đã cứu nông nghiệp trước đây vậy. Dù hưởng ứng hay phản đối ý kiến này cũng nên thấy đây là vấn đề hệ trọng, không thể dựa theo cảm tính hời hợt để xét đoán mà cần bình tĩnh, xem xét nhiều mặt một cách nghiêm túc mới có thể có quyết sách đúng đắn, thích hợp.

1. Cải tổ giáo dục đại học trên thế giới mấy năm gần đây

Trong khi ở nước ta giáo dục đại học (GDĐH) ì ạch từng bước nhọc nhằn, thì khắp nơi trên thế giới các đại học đang trải qua những biến động sâu sắc chưa từng có để thích ứng với toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế quyết liệt.

Cộng đồng Châu Âu, Nhật bản, và ngay cả một vài nước ASEAN, đang nỗ lực cải tổ GDĐH nhằm tăng hiệu quả hoạt động của các đại học, gắn kết đại học chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, trao quyền tự chủ rộng rãi và tự chịu trách nhiệm cho các đại học. Các nước trong cộng đồng Châu Âu tổ chức lại nền đại học của họ theo những nguyên tắc đã thống nhất trong tuyên bố chung Bologna năm 1999 (chẳng hạn, tổ chức lại đại học theo khung 3-5-8 cho tương đồng với đại học Mỹ). Bên cạnh những trường bình thường, người ta đặt trọng tâm xây dựng những trung tâm xuất sắc, nhằm tăng uy tín và sức hút để cạnh tranh với các đại học Mỹ và giảm bớt, tiến đến chấm dứt dòng chảy chất xám sang Mỹ. Theo hướng đưa các phương pháp quản lý trong khu vực doanh nghịệp tư nhân vào khu vực GDĐH, các đại học được tăng quyền tự trị về mọi mặt, kể cả về tài chính và nhân sự, để hoạt động gần như một doanh nghiệp, tuy vẫn do Nhà nứơc cấp kinh phí nhưng có thể tự tìm thêm những nguồn tài chính bổ sung khác. Nhật là nước thực hiện các cải cách này triệt để nhất. Bắt đầu từ tháng 4/2004, các đại học công của Nhật trở thành những đơn vị có quy chế pháp nhân của những tổ chức hành chính độc lập và từ nay giáo chức và nhân viên hành chính ở đại học công sẽ không còn thuộc biên chế công chức Nhà nước nữa. Một tổ chức đánh giá chất lượng được thiết lập và kinh phí cấp cho từng đại học sẽ căn cứ trên hiệu quả hoạt động theo sự đánh giá đó, nhằm buộc các đại học muốn tồn tại và phát triển phải quan tâm nhiều hơn nữa đến hiệu quả và chất lượng.

Ở Châu Âu rất ít đại học tư. Ở Nhật và Mỹ đại học tư nhiều hơn, nhưng ở Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 23% (về số sinh viên). Hầu hết các đại học tư ở các nước đều là tổ chức vô vị lợi (non-profit), không có cổ phần, không mưu tìm lợi nhuận, cho nên cũng được Nhà nước cấp một phần kinh phí. Dĩ nhiên họ được tự chủ hoàn toàn; như vậy sau khi cải tổ các đại học công sẽ chỉ còn khác các đại học tư chủ yếu ở chỗ vẫn do Nhà nước quản lý, dù sự quản lý này đã được nới lỏng rất nhiều (như Hiệu trưởng vẫn do chính quyền bổ nhiệm). Vì thế cũng có khi sự cải tổ này được gọi là tư thục hóa (privatisation), hay nửa tư thục hóa (semiprivatisation), dù không hề có chuyện cổ phần hóa hay bán lại các đại học công cho tư nhân. Ở Mỹ, xu thế tư thục hóa kiểu đó cũng đã bắt đầu: năm 2004, đã có vài đại học công lâu đời (như đại học Virginia, đại học William and Mary, Virginia Tech) xin hưởng quy chế tự trị giống như đại học tư, và để đổi lại họ chịu rút bớt kinh phí tài trợ của Nhà nước.

Ở Châu Âu rất ít đại học tư. Ở Nhật và Mỹ đại học tư nhiều hơn, nhưng ở Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 23% (về số sinh viên). Hầu hết các đại học tư ở các nước đều là tổ chức vô vị lợi (non-profit), không có cổ phần, không mưu tìm lợi nhuận, cho nên cũng được Nhà nước cấp một phần kinh phí.

Trước tình hình đó, dư luận xã hội ở các nước phản ứng ra sao? Tất nhiên có nhiều người hoan nghênh, nhưng cũng không phải ai cũng thích thú. Tuy sự cần thiết cải cách đã rõ, song cải cách như thế đúng chưa thì vẫn còn nhiều nghi ngại, nhất là đối với những nơi chưa hội đủ các điều kiện kinh tế xã hội cần thiết. Đã có nhiều ý kiến hoài nghi, phản đối hay it ra, bày tỏ sự dè dặt, thận trọng. Chẳng hạn, nhiều bạn đồng nghiệp Nhật mà tôi đã có dịp hỏi ý kiến đều tỏ ra rất băn khoăn và ai cũng có lời khuyên tôi: Việt Nam hãy cẩn thận. Ở Mỹ, nhiều người nói thẳng: giáo dục là vô cùng quý giá, nó còn đáng giá hơn là một hàng hóa nhiều, và chắc chắn không thể là một món hàng bán kèm, một thứ để khuyến mãi (xem chẳng hạn J.W. More: `Education: commodity, come-on, or commitment?’, Journal of Chemical Education, 77(2000), 805). Trong một báo cáo mới nhất (tháng 2/2005) của nhóm nghiên cứu “Futures Poject: Policy for Higher Education in a Changing Word” ở Đại Học Brown, các tác giả viết: “Giáo dục đại học đang có nguy cơ từ bỏ sự cam kết truyền thống đối với các nhu cầu lâu dài của xã hội để chạy theo những lợi ích ngắn hạn. Đã đến lúc cần đảo ngược cái xu thế này trước khi trượt đến một tình thế mà rồi sẽ rất khó thay đổi, nếu không nói là không thể thay đổi…”

Nhiều người vẫn quan niệm sứ mạng giáo dục đại học không chỉ là đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ lao động để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, mặc dù đó là nhiệm vụ căn bản, mà ngoài ra còn phải quan tâm đến sự phát triển toàn diện con người, giúp cho sinh viên ý thức được vai trò của họ là những công dân và những thành viên có trách nhiệm của cộng đồng. Cho nên “tuy các phương pháp quản lý và hạch toán của doanh nghiệp rất có ích cho quản lý giáo dục đại học, song không thể nào biến giáo dục đại học thành một business mà vẫn giữ được cho nó cái khiến nó khác biệt và đáng giá trước hết…” (Laura Couturier and Jamie Scurry:`How we can restore the ideals of public education in a market-driven era’, trong sách ‘The future of higher education: rhetoric, reality, and the risks of the market’, www.josseybass.com).

2. Do đâu có trào lưu tự do hóa giáo dục?

Có mấy nguyên nhân dẫn đến trào lưu tự do hóa GDĐH:

•    Sự gia tăng mạnh số sinh viên đại học, khiến các đại học từ chỗ chỉ dành cho số ít đã chuyển thành cho số đông. Đối mặt với sự bùng nổ qui mô đó, khả năng tài trợ của Nhà nước ngày càng bị hạn chế, trong khi chi phí GDĐH không ngừng tăng, buộc Nhà nước phải tăng quyền tự chủ của các đại học công, cho phép họ tự tìm thêm mọi nguồn tăng thu, kể cả bằng cách xuất khẩu hay thu hút sinh viên ngoại quốc.

•    Cuộc cách mạng công nghệ thông tin và xu thế kinh tế tri thức làm gia tăng nhu cầu tri thức cùng với khả năng mua bán tri thức qua mạng, và nhiều phương tiện điện tử khác, mở đường cho xu thế thương mại hóa một bộ phận giáo dục.

•    Trào lưu tân tự do (neoliberalism), khởi phát từ học thuyết của nhà kinh tế Mỹ Milton Friedman, chủ trương hạn chế đến mức thấp nhất vai trò của Nhà nước, sử dụng mạnh mẽ cơ chế thị trường trong quản lý GDĐH.1

•    Sự gia tăng vai trò quốc tế của tiếng Anh, khiến nhiều nước chậm phát triển có nhu cầu nhập khẩu giáo dục từ các nước Anh ngữ, và các nước này không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu giáo dục, tìm cách dở bỏ các rào cản trao đổi giáo dục xuyên quốc gia.

•    Song tác động quyết định là vai trò của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, WTO, OCDE, … trong khung cảnh toàn cầu hóa. Quá trình xác định lại (redefinition) sứ mệnh đại học khởi sự từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước, đã dần dần phát triển thành những quan nịêm nền tảng cho các cải cách hiện nay. Trong công cuộc đó, các tổ chức quốc tế nói trên đã đóng vai trò đầu tàu khởi xướng, mặc dù không phải là những tổ chức có nhiệm vụ trực tiếp với giáo dục. Hầu hết các kế hoạch cải cách GDĐH hiện đang thực thi đều đã được vạch ra trong các khuyến cáo của các tổ chức nói trên cho các nước thành viên. Chẳng hạn, WTO đã chủ trì các cuộc bàn thảo về giáo dục là hàng hóa và dịch vụ mua bán được (tradable) và ký kết thỏa ước chung về trao đổi thương mại các dich vụ (GATS, General Agreement on Trade in Services). Điều đáng chú ý là giáo dục là khu vực mà các thành viên WTO còn ngại tự do hóa nhất (theo OECD 2002, trong số 146 thành viên WTO chỉ có 42 thành viên đồng ý cam kết về it nhất một khu vực giáo dục).

3. Những bài học cho GDĐH Việt Nam

Đương nhiên, trong một thế giới không ngừng thay đổi, GDĐH cũng phải thay đổi để thích ứng. Cải cách là cần thiết, chỉ có điều không đơn giản và cần bàn là cải cách như thế nào là hợp lý và hiệu quả. Về cả hai phương diện khoa học và thực tiễn quản lý đã nảy ra không ít câu hỏi khó trả lời về tính chất hàng hóa của giáo dục nói chung, và đại học nói riêng. Như trên đã thấy, ngay ở các nước phát triển cũng còn nhiều, rất nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Ở VN, tuy nền đại học của ta còn rất lạc hậu, làn sóng tân tự do cũng đã lan tới. Đã có ý kiến cho rằng đổi mới tư duy giáo dục hiện nay chính là phải đổi mới cách nhìn đối với việc thương mại hóa giáo dục, chính thức nhìn nhận giáo dục là hàng hóa, khuyến khích mạnh mẽ tư nhân đầu tư kinh doanh giáo dục, phát triển đại học tư, tiến tới cổ phần hóa một bộ phận đại học công, lấy đó làm giải pháp “khoán mười” cởi trói giáo dục đại học.

Riêng tôi nghĩ cần thận trọng hơn, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm của xã hội. Muốn làm gì thì trước hết cũng phải hiểu vấn đề cho thấu đáo. Muốn dùng trường tư làm giải pháp đột phá cho đại học ư? It ra cũng phải hiểu cho đúng trường tư ở các nước như thế nào, có phải là trường tư theo cách hiểu của ta không?

Trước mắt cần phải cố gắng cao nhất phi tập trung hóa quản lý và tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đại học. Rõ ràng giáo dục đại học VN vừa rất lạc hậu trong cung cách quản lý quan liêu bao cấp nặng nề và bảo thủ, vừa có cả những yếu tố thương mại hóa tiêu cực, kinh doanh đơn thuần thiếu lành mạnh.

Để tránh tình trạng cãi nhau vô ích về từ ngữ, cần xác định trong các cụm từ như “giáo dục là hàng hóa”, “thương mại hóa giáo dục” hay “kinh doanh giáo dục”, v.v. từ “giáo dục” được dùng theo nghĩa dịch vụ giáo dục, tức là hoạt động giảng dạy, đào tạo. Trong các ngữ cảnh trên, tiếng Anh cũng chỉ dùng từ “education”, không kèm thêm từ gì khác. Còn “hàng hóa” nói đây thì ám chỉ hàng hóa hay dịch vụ mua bán được (tradable commodity). Khi có người chống việc thương mại hóa giáo dục, không nên đổ cho họ coi thương mại là xấu hay gán cho thương mại một nội hàm tiêu cực, vì cái họ phản đối đâu phải thương mại nói chung mà chỉ là thương mại hóa giáo dục (hàm ý biến giáo dục thành một ngành kinh doanh kiếm lời). Cũng không cần thiết phải phân tích rạch ròi hàng hóa hay dịch vụ, vì xung quanh mấy từ đó các nhà kinh tế cũng chưa thống nhất ý kiến. Nên bàn thẳng vào thực chất vấn đề: để thích ứng với kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa, cần có những chính sách mới gì về quản lý đại học? cần vận dụng cơ chế thị trường như thế nào, đến đâu, và đặc biệt, có nên chấp nhận kinh doanh giáo dục đại học không và chấp nhận như thế nào, đến mức độ nào?

Qua sự trình bày ở trên, có thể thấy rõ ta nên tỉnh táo trước vấn đề phức tạp này. Chống mù quáng thì không nên, nhưng nhắm mắt đón nhận vì tin rằng cả thế giới đều nhất trí như vậy, thì cũng quá liều. Thiết thực hơn, hãy xét xem kinh nghiệm của các nước đi trước ta cho phép rút ra những bài học gì cho VN?

Theo tôi, bài học tổng quát là trong khung cảnh toàn cầu hóa, cần duyệt lại, xác định lại sứ mệnh (nhiệm vụ) GDĐH, đường lối (triết lý, quan niệm, phương châm), sao cho phù hợp nhất với điều kiện mới của thế giới, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều này là cần thiết vì những thiếu sót bất cập của nền đại học của ta suy cho cùng bắt nguồn từ những mơ hồ về sứ mệnh và đường lối GDĐH trong tình hình mới.

Trước mắt cần phải cố gắng cao nhất phi tập trung hóa quản lý và tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đại học. Rõ ràng giáo dục đại học VN vừa rất lạc hậu trong cung cách quản lý quan liêu bao cấp nặng nề và bảo thủ, vừa có cả những yếu tố thương mại hóa tiêu cực, kinh doanh đơn thuần thiếu lành mạnh. Tôi không muốn nhắc lại đây những chuyện mà mọi người đều biết cả, báo chí và dư luận đã nêu lên từ lâu mà đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Các đại học trên thế giới vốn đã được tự trị khá cao từ lâu, mà vẫn thấy bức thiết phải tăng cường tự trị thêm nữa mới bảo đảm hiệu quả hoạt động trong kinh tế thị trường ở thời toàn cầu hóa, thì ở VN, trong hàng chục năm qua, mặc cho nhiều kiến nghị của những người tâm huyết, cung cách quản lý đại học vẫn hết sức cũ kỹ. Đã đến lúc không nên chần chừ nữa mà phải khẩn trương phi tập trung hóa (phân cấp) mạnh mẽ quản lý, trao quyền tự quản rộng cho các đại học lớn, đồng thời thiết lập một cơ chế hậu kiểm và đánh giá có hiệu quả để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh. Bộ và các cơ quan trung ương không nên ôm hết mọi việc lớn nhỏ để rồi xử lý rất quan liêu, trên hình thức thì quá chặt chẽ nên trói buộc sáng kiến của những đơn vị nghiêm túc, trên thực tế lại quá lỏng lẻo, tạo nhiều sơ hở dễ bị lợi dụng. Đó là lý do cảnh tượng hỗn loạn về bằng cấp, chức danh, và bao nhiêu những tiêu cực khác, không thể kiểm soát được. Cần phải nới lỏng rất nhiều quy định cứng nhắc về tuyển sinh vào đại học, tuyển nghiên cứu sinh cao học, tiến sĩ, quản lý tài chính, nhân sự, công nhận, tuyển dụng GS, PGS, v. v… Cần phải trả về cho các đại học quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm trong hàng lọat các vấn đề ấy, làm sao cho quyền tự quản của các đại học lớn của VN không quá thấp so với các đại học ở nước ngoài. Không thể viện cớ các đại học của ta chưa đủ trình độ tự quản, vì trình độ, năng lực của những tổ chức cấp trên họ đâu có gì hơn họ. Cần phải giữ đúng nguyên tắc: cái gì, việc gì mà đại học có thể giải quyết tốt nhất thì họ phải được quyền quyết định, Bộ hay cấp trên không nên ôm lấy để rồi phạm nhiều sai lầm, như công nhận GS, PGS, quản lý thống nhất việc thi cử, đào tạo TS, v.v… thời gian qua.

Một vấn đề mấu chốt là việc quản lý, sử dụng đội ngũ giảng dạy. Trong cơ chế thị trường, có một nguyên tắc cần tôn trọng là đánh giá đúng năng suất người lao động và trả lương công bằng hợp lý. Nhưng hiện nay, thầy giáo đại học của ta lương chính thức thấp xa so với mức sống hợp lý theo tính chất và vị trí công tác của họ trong guồng máy xã hội, cho nên bắt buộc họ phải xoay xở làm việc gấp 3-4 lần số giờ bình thường: dạy thêm, dạy sô, dạy liên kết, v.v.., mới có được mức sống ấy.3 Đó là cách sử dụng lao động chẳng những bất công mà cực kỳ lãng phí. Với chế độ lương như thế khó ai có thể tập trung vào công việc chính của mình. Dạy đại học mà hầu như không có thì giờ nghiên cứu khoa học, năm này qua năm nọ, trình độ vẫn không nhích lên nổi, thì làm sao có chất lượng được. Chính vì cách sử dụng như vậy nên đội ngũ giảng dạy đại học ngày càng già nua, lạc hậu với khoa học thế giới, chất lượng đào tạo quá thấp, không đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế, mà chưa thấy rõ khả năng có thể cải thiện nhanh. Hơn nữa, đó cũng chính là một nguyên nhân hạn chế khả năng phát triển quy mô đại học và đa dạng hóa các loại hình đại học theo nhu cầu của xã hội. Bài toán: chất lượng, quy mô, công bằng, với ba yếu tố không phải lúc nào cũng đồng hành nhịp nhàng— bài toán đó không thể có giải pháp thỏa đáng chừng nào còn chế độ sử dụng và trả lương cho giáo chức đại học bất công và lãng phí như hiện nay.

4. Vấn đề phát triển đại học tư: giải pháp nào hợp lý cho VN?

Một bài học lớn qua kinh nghiệm thế giới là vấn đề phát triển đại học tư mà gần đây thường mang dáng vẻ rất hàn lâm: giáo dục là hàng hóa.

Trong lúc nhiều vấn đề mấu chốt nêu trên của đại học còn chưa được giải quyết mà nhiều người đã muốn đặt cược tất cả vào giải pháp tự do hóa giáo dục đại học, phát triển đại học tư, cổ phần hóa đại học công, thì e rằng không thực tế và nếu không cẩn thận, kết quả dẫn đến có thể đẩy GDĐH tụt hậu thêm nữa. Dù trong ngắn hạn có thể tạo được sự năng động nào đó thì lâu dài sự năng động ấy có nguy cơ sẽ thoái hóa thành rối loạn, đưa đến hậu quả tai hại không lường.

Tại sao như vậy? Để hiểu rõ điều này cần biết ta muốn phát triển đại học tư kiểu nào. Nếu phát triển theo kiểu trường tư bất vị lợi, như hầu hết trường tư ở các nước phát triển thì ngàn lần nên, và Nhà nước có chính sách tài trợ bao nhiêu cho những trường tư đó cũng đúng, không ai có thể nói gì. Đó là cách xã hội hóa đúng nghĩa nhất, tức là để xã hội chia sẻ với Nhà nước chi phí, công sức, trách nhiệm phục vụ cộng đồng. Trường tư như vậy phải được tự quản ngang như các trường tư ngoại quốc được phép mở ở VN, nghĩa là tự quản cả về nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, tuyển sinh, cấp phát văn bằng, và dĩ nhiên cả tài chính và nhân sự, bao gồm chế độ trả lương thầy giáo và thù lao cho các họat động giảng dạy và nghiên cứu, cũng như liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài nứơc thực hiện các chương trình đào tạo cần thiết. Với mức độ tự quản cao đó, trường tư sẽ có cơ hội thực hiện nhiều sáng kiến đổi mới về quản lý, tổ chức, nội dung, phương pháp đào tạo, mà trước mắt, do sự cồng kềnh khủng long của bộ máy giáo dục công lập, các đại học công khó bề thực hiện tốt. Chẳng hạn trường tư sẽ không bị bắt buộc phải dạy những kiến thức vô bổ, có khi chiếm tới 20% thời lượng học ở trường công; sẽ dễ dàng thực hiện phương pháp đào tạo theo tín chỉ, học trình, mà hiện ở trường công tuy biết là tốt vẫn chưa làm được nhiều; sẽ có quyền trả lương cho thầy giáo đúng với công sức để thầy giáo tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học được giao để thường xuyên nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu đào tạo. Tóm lại, trường tư kiểu đó sẽ có điều kiện hoạt động đúng với đòi hỏi của đại học và những trường tốt nhất sẽ đóng vai trò tiên phong trong công cuộc cải cách nền đại học để tiến lên hiện đại.

Còn nếu ta quan niệm trường tư vị lợi (trường tư nhằm thu lợi nhuận được chia cho cổ đông), và giáo dục được kinh doanh như hàng hóa (dù là hàng hóa it nhiều đặc biệt chăng nữa), thì vai trò trường tư sẽ khác. Tôi nghĩ cần chấp nhận các trường tư vị lợi, nhưng không nên coi việc phát triển mạnh loại trường tư ấy là chính4, mà nên đối xử với các trường tư ấy cũng như với các lọai doanh nghiệp khác, để họ tự lo, không nên đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ đất đai, kinh phí, v.v… Chuyện này cần rõ ràng, sòng phẳng, minh bạch để đảm bảo công bằng. Sự bình đẳng giữa công và tư chỉ nên hiểu là các bằng cấp đại học có giá trị đến đâu là tùy thuộc vào uy tín, chất lượng của từng trường, không phân biệt công hay tư. Đồng thời trường tư, dù vị lợi hay bất vị lợi, cũng nên được quyền tự quản như các doanh nghiệp tư nhân. Không nên như hiện nay, một mặt trường tư vị lợi vẫn đòi đuợc Nhà nước hỗ trợ và ưu đãi, mặt khác lại chịu sự quản lý quá chặt chẽ và khi thấy cần thiết chính quyền có thể can thiệp sâu vào công việc quản trị nội bộ của họ (như cách chức, bổ nhiệm hiệu trưởng, giải thể, thành lập hội đồng quản trị, dù là tạm thời). Theo tôi quy chế trường tư đã được ban hành có nhiều điểm chưa hợp lý, không đúng, cần được xem xét lại và sửa đổi kịp thời.5  

Chúng ta nên thận trọng và dù thế nào cũng không thể hiểu xã hôi hóa giáo dục là biến giáo dục thành một ngành kinh doanh, phó mặc cho cơ chế thị trường tác động và khống chế. Ít ra cũng vì cái lẽ cơ chế thị trường rất tốt nhưng thường chỉ tốt trong tầm nhìn ngắn hạn, còn về lâu dài thì Nhà nước phải có tầm nhìn sáng suốt, thông minh, chứ không thể nhắm mắt chạy theo thị trường. Đừng để đục nước béo cò, dẫn đến cạnh tranh thiếu văn minh, không lành mạnh, trong giáo dục.

Còn một lý do kinh tế quan trọng khác, khiến giải pháp trường tư vị lợi khó có tương lai lâu dài, đó là trong hoàn cảnh thực tế hiện nay của VN, lợi nhuận mà trường tư có thể thu được, nếu phân tích kỹ ra, chủ yếu là do dựa vào chế độ lương bất công đối với giáo chức đại học công như trên đã nói. Ta thử nghĩ xem: với chế độ trả lương hiện nay ở các đại học công, một giáo sư đại học phải lao động gấp 3-4 lần số giờ bình thường, mới có thu nhập tương xứng với năng suất, trình độ, năng lực của họ. Nay một trường tư chỉ cần trả lương cho giáo sư của họ gấp vài ba lần thu nhập thực tế trung bình ở trường công thì với mức học phí hiện nay, trường tư cũng đã có thể thu lãi khá cao, tuy chưa chắc có thể bảo đảm một chất lượng ngang với trường công. Sở dĩ như vậy là do chưa tính hết, tính đúng mọi chi phí, chứ nếu tính đúng, tính hết mọi chi phí, kể cả đất đai, và những ưu đãi khác, thì trường tư muốn bảo đảm được một chất lượng ngang trường công, tổng chi phí sẽ khá cao, do đó muốn có lãi, học phí sẽ phải tăng cao quá mức chấp nhận được, và sẽ khó thu hút được sinh viên. Như thế có nghĩa, với mức học phí và chất lượng đào tạo chấp nhận được, cái lãi của trường tư thật ra đã do xã hội, Nhà nước gián tiếp bù vào nhiều khoản chi phí. Đó là một sự bất công trá hình, có nên và có thể kéo dài mãi được không?
Về vấn đề này, đã có một nghiên cứu rất xác đáng của TS Vũ quang Việt, chuyên gia kinh tế Việt kiều đang sống và làm việc ở Mỹ (“Giáo dục tư hay công, nhìn từ góc độ kinh tê”, http://www.vast.ac.vn/hvgd). Theo nghiên cứu này, ở Mỹ chi phí đào tạo trung bình cho một sinh viên là 40-75 ngàn USD một năm, học phí ở đại học công là khoảng 3-5 ngàn USD, ở đại học tư 15-35 ngàn USD. Như vậy, ở Mỹ đại học tư muốn có lãi thật sự mà bảo đảm một chất lượng trung bình ắt phải thu một học phí rất cao (không ít hơn 35 ngàn USD), vượt quá mức chấp nhận được, và trường sẽ không thể hy vọng có đủ sinh viên để tồn tại. Đó là lý do giải thích một phần vì sao ở Mỹ, tuy trường tư vị lợi vẫn được phép mở, mà hầu hết các trường tư đều bất vị lợi (chỉ trừ một số it trường đào tạo nghề cụ thể). Và cũng chính vì lý do tương tự, ở VN giải pháp trường tư vị lợi về lâu dài có thể đưa đến một trong hai kết cục: hoặc là chất lượng giáo dục ngày càng tụt thảm hại, hoặc là ngày càng có nhiều trường tư đóng cửa vì lỗ.6

5. Kết luận

Còn nhớ hồi thảo luận về kinh tế tri thức, tôi có nhấn mạnh một ý: nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện toàn cầu hóa và kinh tế tri thức phải bắt đầu từ việc nâng cao sức cạnh tranh về các lĩnh vực công nghệ thấp và vừa của nền nông công nghiệp truyền thống, và phải hết sức chăm lo giáo dục và khoa học. Cần lợi dụng cơ hội kinh tế tri thức tìm đường đi tắt, nhưng trước hết phải chuẩn bị những bước cơ bản để không vấp ngã ngay trên sân nhà khi ta phải mở cửa thị trường cho sự xâm nhập quốc tế. Về giáo dục cũng vậy, cần gấp rút chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục, nhưng trước khi muốn áp dụng những điều mới mẻ mà ngay ở các nước tiên tiến cũng đang còn mò mẫm, như việc thị trường hóa, thương mại hóa giáo dục hiện nay, xin hãy quan tâm những vấn đề thiết thực, sơ đẳng mà ta còn chưa làm được, hãy cố gắng khắc phục lãng phí, tham nhũng, cùng những xu hướng thương mại hóa tiêu cực đang làm nhân dân rất lo lắng và bất bình.

Các vấn đề của giáo dục phải giải quyết một cách hệ thống và toàn diện, không thể cứ gặp đâu làm đó, thí điểm đi rồi thí điểm lại, hết cải tiến đến cải lùi, cứ thế năm này qua năm khác, học sinh, sinh viên phải giơ lưng ra làm vật thí nghiệm mà chưa biết bao giờ mới được hưởng một nền giáo dục sánh được với các nước.

1. Cùng với những bất ổn kinh tế mấy năm nay, chủ nghĩa tân tự do đã bị phê phán mạnh, không còn uy thế như trước, nên hàng loạt quan điểm cũng đã có sự thay đổi nhất định.

2. Mặc dù được nêu ra từ lâu nhưng đến nay việc phân cấp quản lý và mở rộng quyền trự chủ của các đại học vẫn  còn nhiều khó khăn, chưa thực hiện được bao nhiêu.  Tuy gần đây đã có những tiến bộ, như các đại học lớn và cơ sở nghiên cứu lớn đã được trao tự chủ khá rộng trong việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực quan trọng (đặc biệt như tuyển chọn, công nhận, bổ nhiệm GS,PGS) họ vẫn chưa được tự chủ ngay ở mức thấp nhất của các đại học ở nước ngoài. Trước khi nghĩ tới những việc cao xa hãy cởi trói cho các đại học thì họ mới có thể tiến lên là những đại học nghiên cứu đích thực.

3. Vài năm nay đã có một số thay đổi về chính sách lương nhưng khá lộn xộn,  tùy tiện, thiếu minh bạch, nhiều bất công, nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ có nhiều hệ lụy tiêu cực  càng nghiêm trọng hơn.

4. Ít nhất trong giai đoạn hiện nay, khi sự vận hành kinh tế thị trường ở nước ta còn nhiều méo mó tiêu cực, khi cơ chế xin-cho còn phổ biến và tham nhũng tràn lan. Trong tinh hình đó rất khó có đại học tư vị lợi hoạt động nghiêm chỉnh. Tôi nghĩ rằng nếu ở đâu đó các đại học tư vị lợi chiếm số đông mà vẫn hoạt động hiệu quả và có tác dụng tích cực đối với sự phát triển giáo dục đại học thì cũng không thiếu những nơi giáo dục đại học của họ từ lạc hậu đi lên hiện đại mà không cần phát triển trường tư vị lợi.

5. Điều kỳ lạ là Bộ GDĐT chỉ có quy chế trường tư vị lợi, thành thử mặc nhiên Nhà Nước không công nhận trường tư bất vị lợi. Đó cũng là nguồn gốc không ít khó khăn, lung túng đã bộc lộ trong điều hành trường tư.

6.Hình như đây là thực tế đáng buồn đang diễn ra ở Việt Nam.

Tác giả