Đại học Việt-Nhật: Hướng tới sự khai phóng và bền vững

Năm 2006, một nhóm chính trị gia thuộc Liên minh Nghị sỹ Hữu nghị Nhật - Việt lần đầu đề xuất ý tưởng về trường Đại học Việt-Nhật. Nhóm đã kiên trì vận động cho ý tưởng này và đến năm 2014, Quyết định về việc thành lập Trường Đại học Việt-Nhật (VJU) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành. Trong khi cơ sở vật chất đang dần hình thành, mô hình quản trị và quy trình đào tạo đang được xây dựng thì đường hướng giáo dục của trường đã rất rõ ràng: khai phóng và bền vững.


Một giờ học trong chương trình Quản trị kinh doanh ở Đại học Việt-Nhật với hai giáo sư từ Đại học quốc lập Yokohama. Nguồn: Đại học Việt-Nhật.

Năm 2016, khi Đại học Việt-Nhật tuyển sinh khóa đầu tiên, Nguyễn Quỳnh Nga nộp hồ sơ và trúng tuyển chương trình thạc sĩ Chính sách công tại đây. Thoạt đầu, chương trình học đối với cô khá căng thẳng do các giảng viên “không bao giờ để học viên nhàn nhã”. “Thời gian trên lớp kéo dài 8 tiếng, thậm chí 10 tiếng một ngày không phải chuyện lạ ở trường. Bài tập nhiều và dồn dập. Tới hạn là phải nộp bài, quá hạn thì không được tính điểm,” Nga kể. Nhưng cô không mất nhiều thời gian để tìm thấy niềm hào hứng trong môi trường học tập mới với các hình thức học hết sức đa dạng: từ tranh biện, thuyết trình, thảo luận nhóm đến hội thảo. “Hồi mới chân ướt chân ráo vào trường, tôi đã được giao cho dựng một buổi thảo luận mô phỏng dựa trên trường hợp nội chiến Sudan. Lớp chia thành bốn nhóm, gồm phe chính phủ, phe nổi dậy, và hai nhóm thuộc Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi có một ngày, từ chiều hôm trước tới chiều hôm sau, để chuẩn bị nội dung. Lớp lúc đó còn chưa quen nhau, nhưng nhờ có buổi thảo luận nhóm mà tập hợp lại với nhau rất nhanh,” Nga nhớ lại. Từng tốt nghiệp ngành Kinh tế Quốc tế và bằng kép Ngôn ngữ Anh tại Đại học Kinh tế và Đại học Ngoại ngữ, đều thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cô đã khá quen với cách học qua tranh biện, thảo luận nhóm và hội thảo nhưng cô so sánh, “do quy mô lớp lớn nên không thể sâu như ở đây được”.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao năng lực thuyết trình và làm việc nhóm qua các cách học kể trên, Đại học Việt-Nhật còn đề cao đạo đức khoa học từ những việc đơn giản như yêu cầu sinh viên thực hành trên những phần mềm miễn phí thông dụng thay vì dùng phần mềm bẻ khóa. “Vấn đề tôn trọng bản quyền, sở hữu trí tuệ, không sao chép đạo văn liên tục được nhắc lại ở các môn học hoặc trở thành chủ đề nói chuyện tại các buổi sinh hoạt ngoại khoá. Bản thân thầy Hiệu trưởng cũng có lời nhắn gửi học viên về những vấn đề này,” Nga cho biết.

Một điều nữa khiến Nga hết sức hứng thú với việc học là mỗi môn thường có hai giảng viên đứng lớp, có khi song song một thầy Việt một thầy Nhật, cung cấp góc nhìn riêng của hai bên “Điều này cho phép chúng tôi tiếp cận và phân tích các vấn đề dưới nhiều góc độ, chứ không phải chỉ là qua một cách nhìn duy nhất.” Còn học liệu bao gồm các giáo trình chính thức và cả các bài nghiên cứu, thậm chí là tài liệu do các giảng viên soạn riêng cho lớp.

Định hướng giáo dục khai phóng của trường không chỉ thể hiện qua việc cung cấp nhiều cách học và đề cao sự trau dồi các kỹ năng, phẩm chất cá nhân, mà còn thể hiện ở việc cung cấp cho học viên một nền tảng kiến thức rộng, có tính quốc tế hóa cao. Năm 2016, trường tuyển sinh khóa đầu cho sáu chương trình đào tạo thạc sĩ: Chính sách công, Công nghệ nano, Khu vực học, Kỹ thuật hạ tầng, Kỹ thuật môi trường, Quản trị kinh doanh. Mỗi chương trình đào tạo đều liên kết với ít nhất một trường đại học ở Nhật Bản, cả công và tư, như: Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Đại học Tsukuba, Đại học Ritsumeikan, và Đại học Yokohama, theo đó nội dung đào tạo phần lớn dựa trên chương trình do các đại học đối tác cung cấp và 50% đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy cũng đến từ các trường đối tác.

Ở mỗi chương trình đào tạo, bên cạnh các môn học chuyên sâu bắt buộc, học viên được tự chọn hàng chục môn học khác, mang lại cho họ cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật cũng như chuẩn bị cho họ tầm nhìn liên ngành. Chẳng hạn, chương trình Chính sách công có các môn tự chọn như Thương mại quốc tế, Ngăn ngừa thảm họa; chương trình Công nghệ Nano có Kỹ thuật hóa sinh, Hóa học vô cơ/hữu cơ nâng cao; chương trình Quản trị doanh nghiệp có Chính phủ và kinh tế thị trường, Phân tích định tính, Phân tích định lượng …; và ở tất cả các chương trình đều có môn tự chọn là tiếng Anh học thuật.

TS Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đào tạo của Đại học Việt–Nhật, cho biết, theo quy định, học viên chỉ cần hoàn thành một số lượng tín chỉ nhất định trong số các môn học tự chọn, nhưng nếu muốn, họ có thể học thêm bất kỳ tín chỉ nào mà không phải đóng thêm học phí.

“Triết lý giáo dục khai phóng còn được thể hiện ở ý tưởng thiết kế tổ chức khoa/viện của Đại học Việt-Nhật từ bậc cử nhân lên thạc sĩ. Hiện tại, Đại học Việt-Nhật đang thảo luận tiến tới trình Hội đồng trường phê duyệt mô hình tổ chức khoa (Faculty hoặc College), cho phép sinh viên ở bậc đại học của trường được tự do lựa chọn nhiều môn học ở một-hai năm đại cương đầu tiên, trước khi đi sâu vào lựa chọn một lĩnh vực cụ thể,” PGS. TS Vũ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng thường trực Đại học Việt-Nhật, trao đổi với Tia Sáng.

Một định hướng khác chi phối mạnh mẽ nội dung đào tạo ở Đại học Việt-Nhật là giáo dục bền vững. Khoa học bền vững – môn khoa học xây dựng hệ tri thức mới về bản chất sự bền vững, nhận diện các rủi ro và tìm các giải pháp khả thi giải quyết các vấn đề đang và sẽ đe dọa sự phát triển bền vững của con người – có mặt trong nhóm các môn bắt buộc của tất cả sáu chương trình đào tạo. “Giáo dục bền vững không chỉ là một vấn đề nóng mà còn là yêu cầu tất yếu trên thế giới hiện nay. Trong các học phần về Khoa học bền vững, các học viên sẽ được học những kiến thức cơ bản về cả hai mảng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Xuyên suốt chương trình học, học viên sẽ được trang bị kiến thức cũng như đi sâu nghiên cứu các vấn đề như kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, năng lượng mới, các chính sách phát triển bền vững cả về môi trường, kinh tế và xã hội”, TS Nguyễn Thùy Anh, Giám đốc chương trình Chính sách công, cho biết.

Còn theo học viên Nguyễn Quỳnh Nga, “Chương trình học luôn nhấn mạnh tới 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) mà Liên Hiệp Quốc nêu ra, điều mà chưa bao giờ ở các bậc học dưới, tôi được nghe và tập trung vào như khi ở Đại học Việt-Nhật.”

Những hỗ trợ từ hai chính phủ

Sau khi Quyết định về việc thành lập đã được ban hành, Đại học Việt-Nhật tiếp tục trình Thủ tướng thông qua Quy chế Tổ chức và hoạt động đặc thù, bảo đảm quyền tự chủ ở mức cao cho nhà trường, PGS. TS Vũ Anh Dũng cho biết. Theo đó, về tổ chức, Đại học Việt-Nhật được chủ động lựa chọn mô hình quản trị. Hiện cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản đang thảo luận để triển khai trong thời gian tới mô hình “tam quyền phân lập”, trong đó Hội đồng trường (dự kiến khoảng 20 người, trong thành phần có cả các nhà quản trị đại học) chịu trách nhiệm ra những quyết sách lớn về phương hướng hoạt động và có chức năng thu hút các nguồn lực xã hội cho sự phát triển trường; Ban giám hiệu chịu trách nhiệm triển khai các quyết sách do Hội đồng trường đề ra; còn Ban kiểm soát (gồm khoảng 3-5 người), là điểm mới trong cơ chế quản trị này, hướng tới kiểm soát hoạt động của cả Hội đồng trường và Ban Giám hiệu. Giống như ở mảng đào tạo, mảng quản trị cũng là sự chia sẻ nhân lực đồng đều giữa hai bên Việt – Nhật.

Về tài chính, “trường hướng tới được tự chủ thu và chi, chẳng hạn như thu học phí theo chất lượng đào tạo, hay được phép tự đưa ra các chương trình đào tạo mũi nhọn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội, không nhất thiết phải nằm trong danh mục các ngành học mà Bộ GD&ĐT đã ban hành,” PGS. TS Vũ Anh Dũng nói với Tia Sáng.

Học phí cho một chương trình đào tạo thạc sĩ của trường là 75 triệu đồng mà theo PGS. TS Vũ Anh Dũng, “Để đảm bảo chất lượng như hiện nay (điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, không quá 20 học viên/lớp, đội ngũ giáo sư đến từ các trường đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia giảng dạy…) thì mức thu học phí như vậy có thể coi là rất thấp so với mức chi phí trường đang đầu tư”. Cụ thể, anh cho biết, chi phí đào tạo cho mỗi học viên thực tế vào khoảng 340 triệu (nếu bao gồm cả khoản kinh phí hỗ trợ học viên đi thực tập ba tháng tại Nhật Bản trị giá 110 triệu đồng/suất, khoảng 50% số học viên mỗi khóa được nhận khoản hỗ trợ này). Như vậy, có thể nói mức học phí hiện nay ở Đại học Việt-Nhật đang được hỗ trợ đến 80%.

Đại học Việt – Nhật hiện chưa có cơ sở chính thức mà tạm thời ngụ trong ba tầng của một tòa nhà ở Khu đô thị Mỹ Đình 1. Gọi là tạm thời nhưng điều kiện về không gian lên lớp, không gian tự học, thiết bị hỗ trợ học trực tuyến ở đây thật sự đáng mơ ước với bất kỳ sinh viên trường công nào, mặc dù thư viện của trường dường như chưa tập hợp được số đầu sách đa dạng như học viên mong muốn. Trường cũng mở cửa từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối, tạo điều kiện tối đa về môi trường tự học, tự nghiên cứu cho các học viên. Trong vòng tám năm tới, dự kiến, Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam sẽ đầu tư tổng cộng hơn 300 triệu USD cho việc hoàn thiện cơ sở chính thức của trường trên diện tích 75ha tại hai địa điểm: Khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (hoạt động đào tạo) và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (các trung tâm nghiên cứu triển khai và hợp tác doanh nghiệp), với diện tích sàn xây dựng đạt 25 m2/sinh viên theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ là nơi hội tụ những người trẻ “có động lực và ước vọng cao xa” để cùng nhau xây dựng một ngôi trường “hình mẫu chuẩn mực cho cả Việt Nam và Nhật Bản” như lời kêu gọi của Hiệu trưởng Furuta Motoo, người có hơn 40 năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam và nói tiếng Việt như người Việt.

Đang có những điều kiện thuận lợi cơ bản để bắt tay vào xây dựng “một trường đại học nghiên cứu xuất sắc ở châu Á”, vậy những nhà quản lý của trường có phải chịu sức ép nào hay không? Tất nhiên, các chỉ tiêu, tiến độ được công bố công khai đang tạo ra những sức ép không nhỏ, nhưng bên cạnh đó, còn có một thôi thúc khác, như TS Nguyễn Hoàng Oanh chia sẻ, “Trong rất nhiều trường hợp, lòng tin được xây dựng trong quá trình hợp tác giữa hai bên. Nhưng với người Nhật thì khác, họ phải cảm thấy tin tưởng thì mới bắt tay vào hợp tác”, hàm ý rằng, mỗi cá nhân gắn bó với nhà trường đều có phần trách nhiệm giữ cho lòng tin đó giữa hai bên không bị suy xuyển.

Một số mốc tiến độ của Đại học Việt – Nhật: Giai đoạn 2016- 2018: Mở các chương trình đào tạo thạc sĩ với quy mô tuyển sinh từ 70 – 120 học viên. Phát triển thêm những ngành mới như Khoa học chính trị và lãnh đạo, Khoa học Thủy sản, Biến đổi khí hậu. Giai đoạn 2019 – 2022: Tổ chức đào tạo tiến sỹ; phát triển nhanh các chương trình đào tạo đại học, thạc sỹ (như Khoa học Vũ trụ, Năng lượng mới…). Đảm bảo mỗi khoa/viện có đủ ba bậc đào tạo từ cử nhân/kỹ sư đến thạc sỹ, tiến sỹ. Giai đoạn 2022-2025: Phát triển đầy đủ các ngành, chuyên ngành đào tạo,… Quy mô: 2.000 sinh viên và học viên. Đảm bảo tỷ lệ trung bình 12 người học/giảng viên và số giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm trên 80%.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)