Đảm bảo chất lượng trong giảng dạy trực tuyến?

Dù áp dụng một cách kịp thời phương pháp giáo dục trực tuyến trong đợt đóng cửa trường học do đại dịch Covid-19 nhưng đằng sau nỗ lực đó của thầy và trò vẫn còn tồn tại những “điểm khuyết thiếu” chưa chuẩn bị chu đáo các điều kiện về tổ chức, con người, phương pháp giáo dục, hạ tầng công nghệ… Và cơ bản nhất, các hướng dẫn giáo dục trực tuyến của ngành giáo dục còn rất mơ hồ, chưa căn cứ vào các tiêu chuẩn thông dụng của quốc tế.

Hướng dẫn chung chung mơ hồ

 

Trước tiên có thể thấy Bộ Giáo dục và đào tạo đã nhanh chóng có công văn chỉ đạo dạy trực tuyến số 793 và số 795 (cơ sở trước đó là 2 thông tư hướng dẫn ra đời từ 2016 và 2017)** tuy nhiên có  một vài điểm đáng lưu ý trong khuôn khổ hướng dẫn của hai văn bản này: bên cạnh việc nêu rõ yêu cầu về hạ tầng kĩ thuật, nội dung học liệu, tổ chức hoạt động dạy học thì các văn bản này lại rất mơ hồ trong tiêu chí cụ thể để đánh giá và công nhận kết quả học tập. Văn bản nào cũng có những ràng buộc như “kiểm tra, đánh giá kết quả học tập […] bằng các hình thức phù hợp [và] được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định” hay “đảm bảo trung thực, khách quan theo yêu cầu chuẩn đầu ra”, nhưng không minh định thế nào là phù hợp, thế nào là trung thực, công bằng hay khách quan. Ví dụ, làm sao để đảm bảo công bằng, khách quan, trung thực giữa một bài kiểm tra làm ở nhà, không có cách nào kiểm soát được học sinh tự làm hay có ai hỗ trợ, trong thời gian bao lâu, với một bài kiểm tra 15 phút tại lớp, nơi mọi học sinh phải tự làm theo đúng thời gian quy định (quay cóp hay lố giờ đều bị phạt)? Người làm theo thì khó đảm bảo đúng yêu cầu, còn người không làm theo thì rơi vào tình trạng lo lắng vì sẽ thiếu cột điểm, dễ dàng bị khiển trách bất cứ lúc nào.

Đa phần các quy định trong các văn bản trên chỉ mang tính chất tính đếm số lượng về hình thức, phỏng theo phương thức đào tạo chính quy tập trung trước đây và kèm theo điều kiện phù hợp với đào tạo trực tuyến mà không có sự diễn giải chi tiết như thế nào là phù hợp hay đạt chất lượng. Hầu hết các tính chất khác biệt của hoạt động dạy học trực tuyến so với dạy học truyền thống, xét trên cả bốn phương diện tổ chức, nhân lực, sư phạm và kĩ thuật, đều chưa được làm rõ trong công văn số 793, 795.

Tương tự với các tiêu chuẩn về dạy học từ xa, nhằm bổ sung cho những điểm còn khuyết trong khung pháp lí hiện hành đối với lĩnh vực đào tạo từ xa, Bộ GD&ĐT đã xây dựng một bộ “tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa các trình độ của giáo dục đại học” nhưng thực chất bộ tiêu chuẩn dự kiến này tương đồng với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo truyền thống hiện hành ban hành theo Thông tư số 04/2016 của Bộ GD&ĐT (TT.04) và của Mạng lưới Đại học ASEAN (AUN). Các tiêu chí đánh giá chất lượng của chương trình đào tạo truyền thống (chính quy tập trung) được dùng lại nguyên vẹn, rồi nếu cần thì thêm yêu cầu “phù hợp với phương thức đào tạo từ xa”. Trong một số trường hợp, tiêu chí đào tạo từ xa được diễn đạt lại theo một cách khác, hoặc tách, nhập từ hai hay nhiều tiêu chí có sẵn từ các tiêu chí TT.04 hay AUN. Với cách xây dựng một bộ chuẩn như thế, chỉ riêng việc liệt kê các tiêu chí tương đồng với các tiêu chí hiện hành áp dụng cho đào tạo chính quy tập trung đã lên đến 85%. Trong số các tiêu chí còn lại có ít nhiều những điểm dành riêng cho đào tạo từ xa thì đa phần cũng chỉ dùng lại các quy định đã có hoặc đơn giản là phỏng theo các quy định khác hiện có đối với đào tạo chính quy tập trung kèm theo yêu cầu “phù hợp với phương thức đào tạo từ xa”, mà không có diễn giải cụ thể thế nào là “phù hợp”.

Có thể dễ dang nhìn thấy ví dụ là đối với những học phần được tổ chức trên hệ thống quản lí học tập (LMS) thì “căn cứ vào kết quả đánh giá chất lượng người học, thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định công nhận kết quả học tập tích lũy”. Tuy nhiên các thông tư hướng dẫn không có một dòng nào về kiểm tra đánh giá hoặc có thì chỉ nêu rất chung chung: “Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học quy định về việc đánh giá quá trình học tập, tổ chức thi hoặc kiểm tra giữa kỳ trên cơ sở quy định của hình thức giáo dục chính quy và phù hợp với hình thức đào tạo từ xa (ĐTTX)”.

Với sự mơ hồ và lặp lại các tiêu chí đánh giá chương trình truyền thống ấy, không có gì chắc chắn là người thực thi và người đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến hoặc dạy học từ xa có cùng cách hiểu về một vấn đề, có cùng thang đo về một tiêu chí, nghĩa là cùng đồng thuận như thế nào là chất lượng trong dạy học trực tuyến hoặc dạy học từ xa. Không những thế, cách diễn giải các tiêu chuẩn mơ hồ ấy còn có nguy cơ dẫn đến tình trạng đáp ứng quy định này nhưng vi phạm quy định khác trong cùng văn bản.

Nhìn chung các văn bản dẫn lòng vòng đến nhau và tất cả đều quy về trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục, phải biết cách vận dụng các quy định hiện hành của dạy học truyền thống cho dạy học trực tuyến. Nếu họ kiên quyết, sáng suốt và chọn được giải pháp thực sự phù hợp thì còn may mắn; nếu không, áp lực cứ như thế lại đè nặng lên giáo viên trực tiếp đứng lớp mà không có cơ sở chắc chắn và đồng bộ nào để đảm bảo là “đúng quy định” hay “phù hợp”. Tình trạng ra văn bản cho có quy định về hình thức nhưng điều kiện thực thi lại rất mơ hồ, đẩy cái khó về cho giáo viên và cơ sở giáo dục, dẫn đến việc tuy có chuẩn mà lại không chuẩn.


Giáo viên dùng một phần mềm học trực tuyến trong dịch Covid-19. 

Trong khi đó, khoa học về đánh giá và đảm bảo chất lượng giáo dục đã xác định các yêu cầu cơ bản của một bộ tiêu chuẩn chất lượng bao gồm: các bên liên quan đồng thuận về quan niệm chất lượng; quy trình đồng bộ; tiêu chí đánh giá được định nghĩa rõ ràng, đo lường được bằng các chỉ số định lượng hoặc minh chứng cụ thể1.

 

Tiêu chuẩn chất lượng trên thế giới

 

Giống như đánh giá chất lượng giáo dục nói chung, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến nói riêng cũng có nhiều “trường phái” với cách tiếp cận khác nhau. Trong rất nhiều tiêu chuẩn về đủ các mặt này, cốt lõi vẫn nằm ở cách thức quản trị chất lượng thông qua việc chuẩn hóa các quá trình hoạt động nội bộ, từ đầu vào cho đến đầu ra của tiến trình dạy học trực tuyến (DHTT), hay nói chung là e-learning. Và một trong các bộ chuẩn có thể tham khảo, dùng làm nền tảng cho cách tiếp cận này, đó là ISO/IEC 19796-1:2005 gồm ba cấu phần2:

– Đặc tả mô hình quản trị chất lượng;

– Đặc tả các quá trình tổ chức hoạt động giáo dục, giảng dạy, đào tạo có sự hỗ trợ của CNTT;

– Bảng tham chiếu các tiêu chí đánh giá.

Có lẽ cơ quan quản lý giáo dục nên tham khảo Khung tham chiếu Chất lượng Giáo dục mở và ISO/IEC 40180, xây dựng một bộ tiêu chuẩn. Với các tiêu chí của từng tiêu chuẩn, có thể dựa vào một số bộ chuẩn hoặc khung tham chiếu chất lượng phổ biến trên thế giới, chọn lọc và từng bước bổ sung vào các tiêu chuẩn tương ứng.

Dĩ nhiên, bộ chuẩn ISO/IEC 19796-1 không phải là một khuôn khổ bó buộc để mọi cơ sở giáo dục phải tuân theo một cách cứng nhắc. Ngược lại, đó chỉ là một nền tảng chung, để giúp mỗi cơ sở giáo dục có thể chuẩn hóa từng quá trình hoạt động liên quan đến dạy học trực tuyến của mình, bắt đầu từ xác định mục tiêu đến lựa chọn các phương pháp thực hiện rồi huy động đội ngũ thực hiện, cũng như định vị quan hệ với các quá trình khác, đồng thời xác định phương pháp đánh giá và chọn lọc các tiêu chí đo lường kết quả tương ứng. Tùy vào mỗi cơ sở giáo dục, trong từng bối cảnh cụ thể, mà có thể lựa chọn cách thực hiện những quá trình nào thích hợp, cũng như chọn từ bảng tham chiếu các tiêu chí đo lường nào cho phép đánh giá được chính xác nhất kết quả đầu ra của từng quá trình. Sau này, chuẩn ISO/IEC 19796-1:2005 đã được cập nhật thành chuẩn ISO/IEC 40180:2017, là cơ sở để Stracke (2019) đề xuất cải tiến thành Khung tham chiếu Chất lượng Giáo dục mở (OpenEd Quality Framework bao gồm 6 hạng mục, diễn ra theo 3 cấp độ – Hình 2)5.

– vĩ mô (macro): liên quan đến các nhà chức trách và các tổ chức giáo dục quốc gia, khu vực và quốc tế, với các yếu tố môi trường và bối cảnh xã hội như chính sách, tầm nhìn, triết lí, chiến lược, chương trình khung chính thức và tác động đầu ra;

–  trung mô (meso): liên quan đến các cơ sở giáo dục, với các yếu tố mang tính quy chế tổ chức như thiết kế các chương trình đào tạo và hoạt động học tập, phương pháp triển khai, theo dõi và đánh giá;

– vi mô (micro): liên quan đến các cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục như học sinh sinh viên, giáo viên, trợ giảng, nhân viên hỗ trợ, chuyên gia đánh giá, v.v., với các yếu tố hành động cụ thể như môn học trực tuyến, giáo dục trực tuyến mở đại trà (MOOC), tài nguyên giáo dục mở (OER), kế hoạch học tập, đơn vị hay module học tập…

Với sự giao thoa giữa 3 cấp độ, 6 hạng mục (mỗi hạng mục gồm nhiều quá trình hoạt động tổ chức, điều hành, thực thi dạy học trực tuyến) và 3 giai đoạn (xác định mục tiêu, triển khai thực hiện và thu thập kết quả), có thể thấy Khung tham chiếu Chất lượng Giáo dục Mở bao quát được vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ mật thiết giữa mọi thành tố liên quan đến một hệ thống dạy học trực tuyến.


Hình 2. Khung tham chiếu Chất lượng Giáo dục Mở (OpenEd Quality Framework).
 

Một hướng tiếp cận mới về chất lượng dạy học trực tuyến tại Việt Nam

 

Dạy học trực tuyến là một lĩnh vực mới, đặc biệt với sự ra đời của các phương tiện truyền thông tri thức (knowledge media) mà ở đó tập trung một lượng khổng lồ thông tin chất lượng cao dưới dạng hình ảnh động và âm thanh, thường xuyên truy cập được mọi lúc, mọi nơi, giúp người học đồng sáng tạo, đồng tổ chức, đồng khai thác và chia sẻ kiến thức chứ không chỉ dừng lại ở việc tiếp thu các nội dung kiến thức đóng gói sẵn. Người học trở thành chủ thể thường trực của hoạt động học tập trong một môi trường học tập hàng ngày ở mọi cấp độ (cá nhân, cộng đồng, tổ chức, địa phương, xã hội). Các khuôn mẫu tổ chức vận hành giáo dục truyền thống dù có được cải biên, mô phỏng (bằng cách ghép thêm các tiền tố, hậu tố “trực tuyến”, điện tử”, “công nghệ số”, v.v.) một phần nào đó, thì vẫn không thể nào thích hợp để bao quát, điều chỉnh được toàn bộ các vấn đề nảy sinh trong chất lượng dạy học trực tuyến4.

Do đó cần tham khảo nhằm xây dựng một bộ tiêu chuẩn chất lượng dạy học trực tuyến mới (kể cả theo phương thức kết hợp với dạy học truyền thống hay đào tạo từ xa hoàn toàn). Hướng quản trị chất lượng như của bộ tiêu chuẩn vừa kể ra ở trên có lợi ích là tiếp cận nhiều mặt, đánh giá tường tận nhu cầu, bối cảnh, nguồn lực, để xác định mục tiêu, phương pháp và tiến trình thực hiện phù hợp. Tuy nhiên thời gian thực hiện dài, quy mô thực hiện công phu, thậm chí phải tốn kém chi phí thuê tư vấn cho hệ thống quy định chi tiết cùng các tiêu chí đo lường đánh giá không có sẵn.

Vì vậy có lẽ cơ quan quản lý giáo dục nên tham khảo Khung tham chiếu Chất lượng Giáo dục mở và ISO/IEC 40180, xây dựng một bộ tiêu chuẩn. Với các tiêu chí của từng tiêu chuẩn, có thể dựa vào một số bộ chuẩn hoặc khung tham chiếu chất lượng phổ biến trên thế giới, chọn lọc và từng bước bổ sung vào các tiêu chuẩn tương ứng. Trước tiên nên ưu tiên những tiêu chí thuộc các tiêu chuẩn hay quá trình có thể thực hiện ngay trong điều kiện trước mắt, nhất là liên quan đến cách thức kết hợp dạy học trực tuyến với dạy học truyền thống. Nhưng để tránh lặp lại những nhược điểm của cách làm hiện tại như đã phân tích, cần phải đảm bảo rằng mỗi tiêu chí được định nghĩa rõ ràng, cụ thể, với kết quả có thể đo lường được bằng các chỉ số định lượng hoặc minh chứng định tính.

Tuy nhiên trong giai đoạn kinh nghiệm dạy học trực tuyến chưa cao hoặc hệ thống xây dựng, vận hành chưa hoàn chỉnh, các tiêu chí đánh giá không mang nặng tính chất ràng buộc chế tài mà ưu tiên khuyến khích, định hướng cho các cơ sở giáo dục và mọi cá nhân biết cách thực hiện sao cho tốt. Để làm được như vậy, cách tổ chức cấu trúc của chuẩn ISO/IEC 40180 rất đáng học hỏi, nhằm cho phép các cơ sở giáo dục linh hoạt kết hợp các tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số đo lường khác nhau thành một hay nhiều bộ tiêu chí phái sinh. Từ đó, tùy điều kiện cụ thể của mình mà mỗi cơ sở giáo dục có thể triển khai áp dụng dạy học trực tuyến từng phần mà không nhất thiết phụ thuộc vào việc thiết lập một hệ thống hoàn chỉnh.

Ví dụ, thực tế trong đợt dịch Covid-19 vừa qua giáo viên cả phổ thông lẫn đại học đều được yêu cầu tiến hành dạy học trực tuyến, tổ chức kiểm tra đánh giá tiến trình “bằng các hình thức phù hợp” mà không có các tiêu chí cụ thể để xác định làm thế nào thì đạt chất lượng, làm thế nào thì không đạt chất lượng theo yêu cầu của dạy học trực tuyến. Với đề xuất khung tiêu chuẩn chất lượng dạy học trực tuyến như trên, tuy chưa có đầy đủ trọn vẹn các tiêu chí của mọi tiêu chuẩn, vẫn có thể nhanh chóng lập được các bộ tiêu chí riêng cho những vấn đề cần ưu tiên, dựa trên nhiều bộ tiêu chí liên quan đã có trên thế giới5 6 như Online Learning Consortium (OLC), Quality Matters (QC), Sustainable Environment for the Evaluation of Quality in E-Learning (SEEQEL)… Ở cấp độ một môn học hay một khoá học cũng có thể thiết lập một bộ tiêu chí chất lượng theo cùng phương phá. Với hai bộ tiêu chí phái sinh này, nơi nào chưa đủ điều kiện triển khai sẽ hình dung được những công việc chính cần làm để phát triển dạy học trực tuyến. Còn nơi nào đã triển khai rồi thì sẽ có các căn cứ cụ thể để đánh giá các môn học dạy học trực tuyến trong thực tế đạt được chuẩn chất lượng hay chưa, nếu chưa thì cần làm tiếp những gì cho đạt.

***

Những đề xuất nêu trên chỉ là một gợi ý từ góc độ cá nhân của một người làm nghiên cứu độc lập. Để hình thành một bộ tiêu chuẩn quốc gia cho một lĩnh vực mới mẻ như dạy học trực tuyến là một việc không hề đơn giản. Ngay cả ở nhiều nước phát triển trên thế giới cũng không có một bộ chuẩn nào hoàn hảo, được tất cả các thành phần liên quan trong hệ thống giáo dục đồng thuận rộng rãi. Tuy nhiên, những kinh nghiệm cả thành công lẫn thất bại trên thế giới vẫn thường xuyên được chia sẻ, đúc kết, tổng hợp trong cộng đồng nghiên cứu và thực hành, và công bố rộng rãi qua các kênh xuất bản, truyền thông khoa học và trao đổi học thuật.

Để có được một bộ tiêu chuẩn của mình, thay vì tự dò dẫm bằng cách cải biên những gì đang làm theo một hệ quy chiếu giáo dục truyền thống, điều nên làm là hãy tận dụng các kinh nghiệm tốt của thế giới, thay đổi hoàn toàn tâm thế tiếp cận vấn đề dạy học trực tuyến.

——–

Chú thích:

*Tác giả: TS Nguyễn Tấn Đại, nghiên cứu độc lập về khoa học giáo dục.

Nghiên cứu viên liên kết, Phòng thí nghiệm liên đại học về khoa học giáo dục và truyền thông (LISEC), Đại học Strasbourg, Pháp.

** Hai công văn chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tuyến và hướng dẫn các trường sư phạm số 793/BGDĐT-GDTrH ngày 12/ 3/ 2020 và 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13 /3/ 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thực chất, các công văn  này chỉ tham chiếu về hai văn bản pháp lí khác là các thông tư số 10/2017/TT-BGDĐT (Ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học) và 12/2016/TT-BGDĐT (Quy định Ứng dụng công nghệ thông tin [CNTT] trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng). Ngoài ra, còn có thể kế đến hai bản dự thảo thông tư (đã hết hạn lấy ý kiến ngày 06/03/2020) liên quan đến tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tao từ xa và đến liên kết đào tạo trực tuyến với nước ngoài.

Tài liệu tham khảo

1. Vlăsceanu, L., Grünberg, L., & Pârlea, D. (2007). Quality assurance and accreditation: A glossary of basic terms and definitions (pp. 46-51). Bucharest, Romania: UNESCO-CEPES.

2. Pawlowski, J. M. (2006). Adopting quality standards for education and e-learning. In U.-D. Ehlers & J. M. Pawlowski (Eds.), Handbook on quality and standardisation in e-learning (pp. 65–78). Berlin, Germany: Springer.

3. Stracke, C. M. (2019). Quality frameworks and learning design for open education. The International Review of Research in Open and Distributed Learning, 20(2). DOI: 10.19173/irrodl.v20i2.4213.

4. Layte, M., & Ravet, S. (2006). Rethinking quality for building a learning society. In U.-D. Ehlers & J. M. Pawlowski (Eds.), Handbook on quality and standardisation in e-learning (pp. 347–366). Berlin, Germany: Springer.

5. Martin, F., & Kumar, S. (2017). Frameworks for assessing and evaluating e-learning courses and programs. In A. A. Piña, V. L. Lowell, & B. R. Harris (Eds.), Leading and managing e-learning: What the e-learning leader needs to know (pp. 271–280). New York, NY: Springer.

6. Dondi, C., Michela Moretti, & Nascimbeni, F. (2006). Quality of e-learning: Negotiating a strategy, implementing a policy. In U.-D. Ehlers & J. M. Pawlowski (Eds.), Handbook on quality and standardisation in e-learning (pp. 31–50). Berlin, Germany: Springer.

Tác giả