Đào tạo mỗi cán bộ ở nước ngoài tốn 33.000 USD

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (đề án 322) diễn ra sáng 9-12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết đã có 4.590 người được gửi đi học ĐH và sau ĐH tại 832 cơ sở đào tạo của 34 nước.

Có 49,41% số du học sinh được đào tạo tiến sĩ, 25,75% đào tạo thạc sĩ, 5,23% thực tập sinh và 19,61% đào tạo ĐH.

Có 3.017 du học sinh đã về nước, đa số trở lại cơ quan cũ công tác.

Tổng kinh phí được cấp cho đề án này từ năm 2000-2010 là trên 2.500 tỉ đồng, tính theo tỉ giá từng giai đoạn được cấp, tương đương 152 triệu USD. Trung bình chi khoảng 33.000 USD/du học sinh.

Trong tổng số 300 cơ quan có người được cử đi học theo đề án này, có 200 cơ sở đào tạo và viện nghiên cứu. Những ngành khoa học tự nhiên – kỹ thuật, kinh tế – xã hội – giáo dục – nghệ thuật có tỉ lệ du học sinh được gửi đi học cao nhất.

Đại diện Bộ GD-ĐT thừa nhận do sự phức tạp và yêu cầu khắt khe khi thanh quyết toán tài chính nên việc chuyển sinh hoạt phí, học phí và các loại phí cho du học sinh có những thời điểm còn khó khăn, chậm trễ. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng về cơ bản đề án đã thực hiện hiệu quả.

Chỉ tính riêng khối trường ĐH-CĐ, đã có 150 trường có cán bộ, giảng viên được cử đi học, trong đó nhiều trường ĐH trọng điểm đã bổ sung được hàng trăm cán bộ, giảng viên được đào tạo ở nước ngoài theo đề án này.

Tại hội nghị, phương án được nhiều đại biểu đề xuất là thay vì cấp học bổng sẽ chuyển sang cho vay đối với người đi học. Cụ thể, người học chỉ được xoá nợ khi về cơ quan cũ công tác hai đến ba lần thời gian đi học. Đồng thời nên mở rộng tuyển sinh sang các ngành xã hội, nhân văn, khí hậu, kinh tế biển.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết đã đề nghị Chính phủ cho phép đề án kéo dài đến năm 2014 và kết thúc vào năm 2020.

Tác giả