Đạo văn nhìn từ góc độ lịch sử, văn hóa, giáo dục

Nếu coi đạo văn là một hành vi cụ thể thì không thể không xét nó ở nhiều góc độ khác nhau, vì cũng như bất kỳ hành vi nào khác trong xã hội, nó luôn bị nhiều yếu tố chi phối và kết tạo thành. Có thể những yếu tố đó mang tính văn hóa, lịch sử, kinh tế, hay thậm chí có tính chính trị, cũng có thể nó hoàn toàn là chuyện của giáo dục.

Chuyện đạo văn ở nước ta đã được bàn bạc khá nhiều, dưới nhiều góc độ và bằng nhiều thái độ khác nhau: phanh phui những trường hợp đạo văn cụ thể, lý giải hành vi đạo văn, hay đưa ra biện pháp khắc phục. Gần đây nhất là quan điểm về đạo văn ở góc độ văn hóa. Những người cho rằng đạo văn đã trở thành văn hóa thường lý giải nó như một hành vi vừa có ý thức vừa vô thức, mang tính thói quen, quán tính, mặc dù người đạo văn vẫn hiểu, hoặc rất rõ hoặc mơ hồ, rằng đạo văn là sai trái.

Thật ra, nếu đã coi đạo văn là một hành vi cụ thể thì không thể không xét nó ở nhiều góc độ khác nhau, vì cũng như bất kỳ hành vi nào khác trong xã hội, nó luôn bị nhiều yếu tố chi phối và kết tạo thành. Có thể những yếu tố đó mang tính văn hóa, lịch sử, kinh tế, hay thậm chí có tính chính trị, cũng có thể nó hoàn toàn là chuyện của giáo dục.

Ở góc độ văn hóa, rõ ràng, “đạo văn” ở Việt Nam đã diễn ra cả nghìn năm nay. Dưới ách đô hộ của Trung Hoa, văn hóa và các trước tác kinh điển trong hệ thống triết học và lý luận Trung Hoa, cũng như các nhân vật lịch sử của Trung Hoa đã trở thành những dẫn chiếu, những “tham khảo” bất biến, mang tính chân lý cho luân lý, luận lý, và nghệ thuật của nhiều nhà Nho Việt Nam, từ vua chúa cho đến quan lại. Những dẫn chiếu này thường nhằm mục đích chính thức hóa hay giúp tăng thêm sức mạnh cho một chuẩn mực, một nhận định, một hành động, hoặc chỉ đơn thuần mang tính thẩm mỹ, nghệ thuật.

Thơ văn cổ và trung đại của ta sử dụng khá nhiều những tham chiếu là các chuẩn mực, khuôn thước, ước lệ lấy từ nguồn Trung Hoa. Ví dụ như ngày xưa, vua Lý Nhân Tôn (1072-1127) đã sử dụng toàn bộ, có chỉnh sửa và bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình, một di chỉ của hoàng đế Trung Hoa là Hán Văn Đế (202 TCN – 157 TCN) để lập di chúc truyền ngôi lại cho cháu mình, vì ông không có con trai để nối ngôi.

Theo nhà sử học Oliver Wolters thì việc “trưng dụng” sử Tàu này của Lý Nhân Tôn là để tự khẳng định mình, tự so sánh mình với vị minh quân trong sử Tàu, cũng như để hợp thức hóa việc truyền ngôi vốn mang tính ngoại lệ (truyền cho cháu trai chứ không phải con trai) của mình (i).  Đấy là một cách mượn điển tích, như một chân lý, như một hỗ trợ quyền lực cho hành động của mình, điều vốn không hiếm trong lịch sử trung đại Việt Nam.

Chúng ta khó lòng gọi đấy là một hành động đạo văn, vì lịch sử thời đấy chưa có hệ thống khái niệm mang tính pháp lý về cái gọi là đạo văn. Nhưng dù sao, nó cũng đã là một truyền thống khá dày và kéo dài cho đến tận thời Pháp thuộc khi nền văn minh của ta bắt đầu tiếp cận văn minh phương Tây. Những nhà văn, nhà thơ mấy thập kỷ đầu của thế kỷ XX vẫn hay vay mượn, mà ít khi công bố sự vay mượn này, cảm hứng, thi ý, văn ý từ văn học Pháp. Ở góc độ văn hóa nghệ thuật, dường như đã hình thành một cái nếp, một thói quen vay mượn mà không tôn trọng bản gốc theo cách thời hiện đại tôn trọng bản quyền của cái gốc. Xin nhấn mạnh rằng, tôi không gọi lịch sử vay mượn đó là đạo văn, với nội hàm của thời hiện đại, mà tiếng Anh gọi là plagiarism. Ở đây tôi chỉ muốn nói đến một cái nếp đã được hình thành ở góc độ văn hóa, nghệ thuật. Hành động vay mượn trong lịch sử kia gọi là gì thì xin bàn ở một dịp khác.

Ở góc độ lịch sử thì chuyện đạo văn có thể so sánh giữa phương Tây và phương Đông. Một số thống kê cho thấy đạo văn ở phương Đông, cụ thể là Trung Quốc, Việt Nam, hay Ấn Độ và một số nước khác, phổ biến hơn nhiều so với các nước phương Tây.

Ở chừng mực nào đó, điều này có thể hiểu được, nhất là trong thời kỳ hiện đại, vì khoa học, công nghệ, thậm chí hệ thống lý luận, lý thuyết của phương Tây vốn phát triển khá mạnh mẽ và với lịch sử phát tán thông tin thông qua hệ thống thuộc địa thực dân, tri thức phương Tây đã nhanh chóng bành trướng và được nhìn nhận như là những chân lý mới tiến bộ. Phương Đông từ đó mà cứ thế phải chạy theo phương Tây, vay mượn và trưng dụng để tự phát triển.

Dưới thời thực dân, in ấn bắt đầu phát triển lan tràn, nhưng chưa đi vào hệ thống thư mục cụ thể, nhất là ở các xứ thuộc địa như xứ ta. Trí thức ta buổi đầu tiếp xúc văn minh Tây như vỡ òa từ truyền thống Nho giáo bao nghìn năm sang một nền văn minh, văn hóa hoàn toàn khác. Đọc được gì đều thấy mới, và đều có một khao khát muốn trưng dụng nó. Dĩ nhiên có người bài trừ nó, như cụ Đồ Chiểu chẳng hạn; đường Tây làm cụ dứt khoát không đi. Nhưng xu thế chung vẫn là cái xu thế văn minh, văn hóa Tây tràn lan, xâm nhập vào từng ngóc ngách cuộc sống người Việt, như Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng phần nào cho thấy.

Cùng với nó là hệ thống tri thức phương Tây tỏ vẻ mạnh bạo và tiến bộ mà người bản xứ thuộc địa, dù yêu nước với tinh thần dân tộc cao, vẫn không khỏi xao xuyến, nao nao mà vay mượn. Sự vay mượn đó lại diễn ra trong bối cảnh thuộc địa khi kẻ đi thực dân chỉ muốn kẻ bị thực dân đọc sách mình, “hiểu” mình, và vâng lời mình, chứ không cần phải rạch ròi trích dẫn, hay tri ân cảm tạ nguồn tham chiếu. Và như đã nói, sự vay mượn này diễn ra trong bối cảnh công nghệ in phát triển bùng phát, nhưng chưa có hệ thống thư mục, chuẩn tắc thật sự phát triển, rạch ròi. Nói tóm lại, dân ta đọc, vồ vập, hối hả, tiếp thu, tiếp nhận trong một sự tràn lan, thiếu tổ chức (về mặt thư viện học, thông tin học) phổ biến của thời kỳ thuộc địa. Âu đấy cũng là một cái nếp nữa.

Nhưng Lý Nhân Tôn hay thời kỳ thuộc địa có vẻ đã quá xa xôi. Cái bây giờ, hằng ngày, vẫn góp phần hình thành cái nếp vay mượn trong học sinh, sinh viên, trí thức nói chung của ta là một cách thức giáo dục. Ở góc độ giáo dục, trong thời buổi hiện nay, cái nếp vay mượn ấy đã có thể gọi trực diện bằng khái niệm đạo văn, với đầy đủ nội hàm mang tính pháp lý của nó. Các em học sinh thơ ngây, từ khi biết đọc, đã được nhà trường dạy “đạo văn” theo đúng nghĩa của nó. Để rồi khi lớn lên, thành nhà khoa học, đạo văn đã thành thói quen, thành nếp tư duy, và cái tính “sai trái” của nó, dù cho nhận thức được, cũng chỉ là một đặc tính cộng thêm vào, yếu ớt và thiếu tính minh xác.

Đạo văn là sai, dường như trí thức nào cũng hiểu, nhưng sao vẫn làm, làm nhiều. Làm và giấu đi, tức là đã biết nó sai. Vì cái sai đó chưa minh xác về mặt biện pháp xử lý, mà cái sai đó lại mang đến cho người làm sai bao nhiêu lợi ích; kinh tế và chính trị là hai lợi ích có thể nói là rõ nét, lấn át trong hành vi đạo văn. Có người đạo văn để hoàn thành một công trình nghiên cứu, một luận văn thạc sỹ hay tiến sỹ, để từ đó đảm bảo cho mình một vị trí, một chức vụ nào đó trong một tổ chức giáo dục hay chính trị. Trong khi lợi ích kinh tế, chính trị thì trước mắt, rõ nét, mà bản thân cái định nghĩa thế nào là sai, sai sẽ bị xử ra sao lại không rõ rang, kèm theo một hệ thống đánh giá công trình, nghiên cứu khoa học, giáo dục quá yếu kém. Đạo văn như đang được hưởng môi trường “thiên thời địa lợi” và cứ thế mà hoành hành. Trong một hệ thống giáo dục hô hào bằng cấp, trọng dụng chỉ tiêu, số lượng, trong một cơ chế kinh tế thưởng phạt đo bằng điểm số, số lượng của bằng cấp, của công trình, thì đạo văn không hoành hành cũng lạ.

Trở lại vấn đề giáo dục, thế các em nhỏ được dạy đạo văn như thế nào? Đơn giản lắm, cứ nhìn vào cách chúng ta tổ chức một bài học. Thầy cô đọc cái giáo án vốn là cái tóm tắt trong sách giáo khoa cho học sinh ghi chép vào vở. Hôm sau, kiểm tra miệng trước khi học bài mới, học trò phải “trả” lại bài đã ghi chép vốn chép từ một ghi chép khác, mà ghi chép đó vốn chép từ sách giáo khoa, từ sách hướng dẫn giảng dạy, mà sách giáo khoa, hướng dẫn giáo viên lại ghi chép ở những sách khác nữa! Đến giờ kiểm tra viết, môn lịch sử chẳng hạn, chúng ta sẽ hỏi các em những kiểu câu hỏi sau: Em hãy nêu những tiền đề lịch sử cho thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ. Giờ địa lý, các em được hỏi, những lợi thế của địa hình Việt Nam là gì. Giờ văn em được yêu cầu phân tích tính cách nhân vật Chí Phèo. Chúng ta hỏi theo kiểu buộc các em phải nêu lại những thông tin đã được người khác viết ra. Tiền đề lịch sử, đặc điểm địa lý, tính cách tha hóa của Chí, cỏ phải tự nhiên mà hiện sờ sờ lên trang giấy sách giáo khoa. Tất cả đều là công trình, kiến thức của người khác. Thế mà ta có bao giờ nhìn nhận một câu trong lớp là các ý tưởng ấy của tác giả nào. Tất cả đều được gọi là “sách giáo khoa”. Thậm chí, các em cũng chẳng được dạy ghi thêm câu, “theo sách giáo khoa lớp 11, do Bộ Giáo dục đào tạo ban hành, thì đặc điểm địa lý của Việt Nam là….”

Trong khi đó, nếu ta đặt câu hỏi ở một góc độ khác, buộc các em phải so sánh các ý kiến khác nhau, rồi từ đó rút ra kết luận cho mình thì ta đang đưa các em vào quỹ đạo phải suy nghĩ theo hướng ai đã nói gì, viết gì trước đó. Tác giả A nói Chí Phèo là tha hóa điển hình của xã hội phong kiến. Tác giả B lại xem Chí Phèo như một thiết kế văn học phi thực. Tác giả C, D, v.v lại cho rằng…. Vậy em ủng hộ ý kiến nào, tại sao? Hoặc đơn giản, em hãy nêu các đặc điểm địa lý Việt Nam mà nhà nghiên cứu X,Y,Z đã trình bày trong bài 5, sách giáo khoa em học.

Trong giáo dục của ta hiện nay, ta vẫn đi tìm tính thống nhất, nhất quán, đơn nhất của tri thức, của khoa học, và trong tính đơn nhất đó, tác giả, cái nguồn của tri thức, bổng trở nên vô nghĩa. Nếu mọi tri thức đều quy về một mối, thì cần gì thừa nhận nguồn của nó. Chỉ có trong một môi trường biết tôn trọng sự đa dạng, phong phú, của tri thức, tôn trọng tính khác biệt của điểm nhìn, góc nhìn vốn là tiền đề của tri thức, thì cái nguồn sẽ trở nên quan trọng. Khi một người trí thức nêu một phát biểu khoa học nào đó, và nếu người đó hiểu phát biểu đó xuất phát từ những phát biểu trước, ở những góc độ, bối cảnh khác, thì người đó tự nhiên sẽ tôn trọng cái trước, và cũng từ đó tự tân trọng cái mình phát biểu.

Trong một triết lý về giáo dục mà theo đó ta muốn mọi học sinh, từ nam đến bắc, đều phải thuộc địa lý Việt Nam với hình ảnh “rừng vàng, biển bạc” thì dĩ nhiên, ai nói câu “rừng vàng, biển bạc” không còn quan trọng. Chỉ khi ta cũng biết tôn trọng ý kiến rừng ta đã cạn, biển ta đã ô nhiễm, thì chính sự khác biệt trong cách nhìn làm lộ diện chủ thể của phát ngôn, nhận định.

Nhưng tôn trọng một ý kiến ở đây không có nghĩa là ta hoàn toàn đồng ý với ý kiến đó. Suy cho cùng, nó cũng chỉ là một nhìn nhận về sự tồn tại của ý kiến đó, chứ không phải loại trừ và cố lãng quên và buộc học sinh phải quên. Tri thức được trình ra trong tính đa dạng của nó, để từ đó người tiếp nhận, người học, phải đưa ra một quyết định thì mới là tri thức thực thụ. Tri thức không thể là sự loại trừ, sàn lọc, lãng quên chính bản chất đa dạng của nó. Hiểu được thế và đưa sự hiểu đó vào giáo dục, thì lúc đó ta mới có cơ may xóa bỏ đạo văn ở mức độ mà các nước phương Tây đang làm.

Nói thế không có nghĩa là ta không còn gì trước mắt để làm. Trước nhất, theo tôi, ngành văn hóa thông tin nên ban hành một bộ chuẩn chi tiết về xuất bản, ấn phẩm. Sách in ở ta có khi không đủ thông tin để làm thư mục tham khảo, mà quy cách trích dẫn thì hoàn toàn trống vắng. Một quyển sách nghiên cứu đề tài ngữ văn, mà cứ trơn tru viết, như thời Khổng Tử, chẳng trích dẫn ai, mà có trích thì cũng không theo chuẩn nào thì không thể chấp nhận được. Bộ Giáo dục thì có thể ban hành bộ chuẩn quy cách viết luận, luận văn, v.v. Ở một trường đại học ở Mỹ chẳng hạn, sinh viên bao giờ cũng được hướng dẫn rành mạch các chuẩn này. Có cả một văn phòng hỗ trợ họ làm luận văn cho đúng quy cách, và mỗi khoa đều yêu cầu sinh viên mình tuân theo chuẩn trích dẫn gì. Các ngành khoa học thì theo APA, xã hội hay theo Chicago Style, hay nhân văn thì hay theo bộ chuẩn MLA. Bản thân những người làm luận văn ở ta có khi chưa bao giờ biết đến các bộ chuẩn này! Các bộ chuẩn này là kết tinh của một quan điểm về tri thức biết tôn trọng tính đa dạng, phong phú của bản thân tri thức, đề cao tính trung thực và tính khoa học của việc tổ chức, sử dụng thông tin và tri thức.
—-
(i) Xem Oliver W. Wolters, History, Culture, and Region in Southeast Asian Perspectives (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1982), pp.63-64.

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)