Dấu ấn nền cựu học trên đất Đông Anh

Trong quá khứ, Đông Anh nổi tiếng có nhiều người thi đỗ tiến sĩ. Ngày nay, vùng đất này vẫn giữ được truyền thống thờ cúng các bậc tiên hiền hay tục tạ ơn, trả lễ thầy dạy.

Nho giáo vốn không phải tư tưởng được người Việt sáng tạo ra mà được truyền bá vào nước ta từ thời Bắc thuộc, qua những người quan lại của chính quyền đô hộ. Tuy nhiên, từ khi bắt đầu xuất hiện ở nước ta cho tới ngày nay, Nho giáo đã trở thành một phần diện mạo văn hóa Việt, có ảnh hưởng lớn đến những thành tố văn hóa khác. Khi vào Việt Nam, tư tưởng Nho giáo đã chung sống hài hòa với những tư tưởng bản địa cũng như yếu tố ngoại lai khác để trở thành một nét văn hóa mang bản sắc của người Việt Nam. Như nhận xét của Gs Trần Đình Hượu “Ta bắt gặp trong thực tế một thứ Nho giáo không thuần nhất, đã luôn luôn dung hợp với tư tưởng Âm Dương, Phật, Đạo, lại kết hợp với tín ngưỡng, tập quán, tư tưởng địa phương…” [6, 84]. Thực tế cho thấy, Nho giáo và truyền thống học hành, thi cử theo tư tưởng Nho giáo đã lưu dấu ấn sâu đậm trong đời sống người Việt xưa, được ghi lại nhiều trong ca dao, tục ngữ:

Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm.
Bước sang cái trống canh năm,
Trình anh dậy học còn nằm làm chi
Nữa mai chúa mở khoa thi,
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
Bõ công cha mẹ sắm sanh,
Sắm nghiên sắm bút cho anh học hành.
  (Ca dao)

Với vị trí ngoại vi của thành Thăng Long, trung tâm giáo dục thời phong kiến, Đông Anh có nhiều điều kiện để phát triển nền học vấn Nho giáo và thực tế đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ.

Sách Đông Anh với nghìn năm Thăng Long – Hà Nội trang 126-127 đã có thống kê rất cụ thể và chi tiết về số lượng người thi đỗ đạt ở huyện Đông Anh qua các thời kỳ cũng như đặt những con số này trong mối tương quan với kinh đô Thăng Long.

Theo sách này, Đông Anh là huyện có tổng số người thi đỗ tiến sĩ nhiều thứ hai trong tổng số 29 quận, huyện của Hà Nội – theo quy hoạch đến năm 2012, với tổng số 56 người đỗ đại khoa trong đó có ba Thám hoa, 13 Hoàng giáp, 39 Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân và 1 Phó bảng. Đứng đầu danh sách này là huyện Thường Tín với 64 người.

Đông Anh cũng là một trong tám quận, huyện có trên 35 người đỗ tiến sĩ. Theo thống kê này, số người đỗ đại khoa ở Đông Anh chiếm 8,41% số người đỗ đại khoa của cả Thăng Long – Hà Nội, đứng sau huyện Từ Liêm với 9,61%.

Nền cựu học ở Đông Anh không chỉ đạt nhiều thành tựu mà tri thức của nền học vấn này đã đi vào đời sống của người Đông Anh, một cách tự nhiên qua quá trình lịch sử lâu dài. Ngày nay còn có thể thấy dấu ấn của những tri thức ấy qua những tục lệ cổ truyền, truyền thống thờ cúng các bậc tiên hiền.

Theo sách địa chí Cổ Loa, người dân ở đây còn có tục ăn tết mùng 10 tháng 10 – ngày lễ thầy hàng năm của nhân dân Cổ Loa. Ngày này, nhiều gia đình làm bánh dày, bánh hình tròn, nhân đường, to nhỏ khác nhau, để tạ ơn thầy dạy, trả lễ thầy.

Một biểu hiện khác của tinh thần hiếu học ở người Đông Anh là người dân nơi đây thờ cúng các danh nhân có công trong việc tạo dựng và phát triển nền học vấn Nho giáo, có thành tích cao trong thi cử hoặc có công lớn với đất nước.

Dục Tú là một thôn lớn ở Đông Anh, quê hương của ông đầu xứ Ngô Tất Tố và Nguyễn Huy Tưởng, hai nhà văn cách mạng đương đại. Tại đình Dục Tú có đến thờ Sĩ Nhiếp – công trình kiến trúc đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1995. Công trình này cũng rất gần với chùa Dâu – Bắc Ninh, một trong những nơi thờ Sĩ Nhiếp nổi tiếng cả nước. Sĩ Nhiếp – người giữ chức Thái Thú Giao Châu, người đầu tiên truyền bá Nho giáo và đặt những viên gạch đầu tiên cho nền cựu học ở Việt Nam. Công lao của ông được nhân dân ghi nhận. Theo Thần phả đình làng, có lần qua đất Dục Tú, Sĩ Nhiếp đã dừng chân nghỉ ngơi, vịnh thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi đây. Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ nơi ông dừng chân năm xưa và suy tôn ông là Thành Hoàng làng. Hàng năm, vào ngày 12 tháng 2 (âm lịch), dân làng lại tổ chức lễ hội với nghi thức tế, lễ để tưởng nhớ công lao của ông.

Đình Lại Đà ở xã Đông Hội thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Ông là vị Trạng nguyên đầu tiên và nhỏ tuổi nhất trong lịch sử khoa bảng Nho giáo ở Việt Nam. Nguyễn Hiền quê ở Nam Định, lúc nhỏ khôi ngô, tuấn tú, học giỏi. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1247, khi nhà Trần tổ chức kỳ thi Thái học sinh, lần đầu tiên đặt ra ngôi bậc Tam giáp gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Nguyễn Hiền đã đạt danh hiệu Trạng nguyên, lúc ấy ông 12 tuổi. Tương truyền, ông đã đối đáp với sứ Trung Quốc và đã chứng tỏ cho người phương Bắc thấy nước Nam có nhân tài, khiến họ phải nể phục. Khi làm quan, Nguyễn Hiền cũng có nhiều đóng góp cho nhà Trần. Sau khi ông mất, triều đình phong ông là Nguyễn Đại vương Thành hoàng và tôn làm thần. Lại Đà thôn là một trong 32 nơi lập đền phụng thờ ôngI.

Đền thờ Hoàng Giáp Lê Tuấn Mậu: Cụm Di tích lịch sử Đền Sái – Đình Thụy Lôi – Đền Thờ Tiến sỹ Lê Tuấn Mậu đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1986. Ông làm quan ngót bốn chục năm, từng được trao chức Đô Ngự Sử, về sau được thăng dần đến chức Lễ Bộ Thượng Thư. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, vì quyết không chịu khuất phục, ông bị Mạc Đăng Dung giết. Các triều đình phong kiến Việt Nam phong nhiều sắc phong ghi nhận công đức của ông, qua quá trình lịch sử đã bị thất lạc nay chỉ còn lại 10 chiếc được lưu giữ tại Gia tộc họ Lê Tuấn ở Thụy Lôi – Thụy Lâm – Đông Anh – Hà Nội.

Nhà thờ tiến sĩ Đỗ Túc Khang: Nhà thờ họ Đỗ Đại tôn thôn Giao Tác đã được Bộ Văn hoá công nhận là di tích Lịch sử – Văn hoá năm 1990. Đây là nơi thờ cúng của một dòng họ lớn từ Bồng Sơn Thanh Hoá ra, đến đời thứ ba là ông Đỗ Hoan lấy hai bà vợ, bà cả là Phạm Quý Thị, bà hai là người họ Vũ, cả hai bà đã sinh được năm người con trai thì bốn người đỗ Đại khoa, trong đó có tiến sĩ Nguyễn Túc Khang.

Việc dùng chữ Hán và phát âm theo giọng Hán-Việt khiến cho tinh thần hiếu học ở Đông Anh có điều kiện vật chất trở thành một trong những truyền thống tốt đẹp mà người xưa đã tạo dựng và gìn giữ đến ngày nay cho con cháu. Chúng ta đã thật khôn ngoan khi mượn chữ Hán để làm chữ viết nhưng lại đọc theo cách riêng của Việt Nam gọi là giọng Hán Việt còn lưu giữ đến tận ngày nay trên những hoành phi, câu đối trong các công trình tín ngưỡng ở Đông Anh.

Ngày hôm nay, dạo bước trên mảnh đất này, ngắm nhìn những di tích lịch sử hay miếu mạo chùa chiền, tất cả đều gợi cho ta nhớ một thời vàng son của nền cựu học, một truyền thống mà những thế hệ sau được kế thừa với niềm tự hào về những người đi trước vừa dũng cảm, vừa tài hoa, như một ý thơ quen thuộc“lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”…

TƯ LIỆU THAM KHẢO

1.    Bùi Xuân Đính, Các làng khoa bảng Thăng Long – Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia, 2004.

2.    Bùi Xuân Đính, Đông Anh với nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, NXB Hà Nội, 2010.

3.    Bùi Xuân Đính, Giáo dục và khoa cử Nho học Thăng Long – Hà Nội, NXB Hà Nội, 2010.

4.    Nguyễn Quang Ngọc, Địa chí Cổ Loa, NXB Hà Nội, 2010.

5.    Trần Quốc Vượng, Bản sắc văn hóa Việt Nam – Tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn học, 2003.

6.    Trần Quốc Vượng, Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, 2005.

I wikipedia.org/wiki/ Nguy%E1%BB%85n_Hi%E1%BB%81n).

Tác giả