Dạy – học – thi Toán bậc THPT phân ban
Ưu điểm của dạy và học theo chương trình phân ban như thế nào xin dành cho các nhà nghiên cứu giáo dục đánh giá một cách toàn diện hơn. Là người trực tiếp giảng dạy toán, trong bài viết này tôi xin nêu một số ý kiến xung quanh việc dạy – học – thi môn toán.
1. Học sinh ban Khoa học Xã hội và Nhân văn, học theo sách giáo khoa (SGK) toán chuẩn (chữ chuẩn không ghi lên bìa sách, chỉ ngầm hiểu). Học sinh ban Khoa học tự nhiên, học theo SGK toán nâng cao (chữ nâng cao có ghi lên bìa sách). Học sinh ban Cơ bản nếu chọn học nâng cao môn toán thì cũng học theo SGK toán nâng cao. Rối rắm bắt đầu ở chỗ, ngoài số tiết trong chương trình, mỗi tuần phải thêm từ 1 tiết đến 1,5 tiết, dạy các “chủ đề tự chọn”. Ai chọn? Giáo viên hay học sinh chọn? Rồi chủ đề tự chọn lại chia làm hai loại: Chủ đề tự chọn bám sát và chủ đề tự chọn nâng cao. Kèm theo đó là tài liệu, là cách thức quản lí số tiết học này rất nhiêu khê và tốn kém thêm. Thực chất hai chủ đề tự chọn chỉ cùng một mục đích tăng thêm thời lượng cho môn toán “mong muốn bù đắp được những lỗ hổng kiến thức còn để lại sau các giờ học chính thức” (trang 3, tài liệu Chủ đề tự chọn bám sát, Toán 10).
Nếu chỉ với mục đích trên (!) thì tại sao phải nhùng nhằng như vậy, trong khi Bộ giao quyền phân phối chương trình về cho các Sở Giáo dục? Thậm chí có Sở Giáo dục cho phép tổ chuyên môn từng trường phổ thông có thể điều chỉnh số tiết trên mỗi bài học cho phù hợp với năng lực tiếp thu của học sinh trường mình. “Chủ đề tự chọn” nói trên, như một kiểu “vẽ rắn thêm chân” vậy!
2. Được biết trong SGK ngữ văn, trước mỗi bài học đều nêu rõ “kết quả cần đạt” cho học sinh, mà lẽ ra môn toán mới cần thiết điều đó hơn. Giá như SGK toán, sau mỗi bài học, sau mỗi chương đều ghi rõ yêu cầu tối thiểu về nội dung trọng tâm, về phương pháp, về kỹ năng làm toán v.v… sẽ định hướng và làm yên tâm người học. Bên cạnh đó giáo viên tránh được hoặc không dám tự yêu cầu cao trong các giờ học chính thức, dẫn đến dạy thêm – học thêm “đi mây về gió”, đến khi học sinh tiếp xúc bài toán cơ bản nhất, bám sát kiến thức nhất, thì không làm được.
3. Bộ Giáo dục cần đưa ra văn bản chính thức có tính pháp lí giữa khung chương trình chuẩn và nâng cao, hơn kém nhau về lượng kiến thức và mức độ rèn luyện kỹ năng cho cả ba khối lớp 10,11,12. Mạnh dạn làm rõ hơn sự chênh lệch giữa các ban, chứ không dừng lại ở mức 10% như hiện nay. Trên cơ sở pháp lí đó, giáo viên có thể soạn giáo án riêng cho mỗi chương trình toán chuẩn hoặc nâng cao, từ hai bộ SGK toán hiện hành, chứ không nhất nhất rằng, học sinh theo ban nào thì dạy theo SGK ban đó, trong khi chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thuận cho soạn nhiều bộ SGK tương ứng với khung chương trình..
4. Có thể khẳng định rằng việc học ở ta hiện nay là học để thi. Thi là kết quả cuối cùng và là khâu quan trọng; rất tiếc là nó đứng gần như độc lập trong việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Do đó “Thi thế nào, dạy và học thế ấy”. Phân tích đề thi tốt nghiệp THPT môn toán năm 2009, cũng như các năm trước đó, hoặc ngay cả đề thi tuyển sinh đại học môn toán, tôi xin nêu ra những điểm bất cập và thiếu nhất quán trong nỗ lực đưa nền giáo dục nước nhà lên tầm cao.
– Đề thi quá “súc tích” bằng những bài toán đòi hỏi sự thực hành các phép tính đơn điệu, thiếu sự sáng tạo từ phía người thi. Bao năm như vậy, đã hằn một lối đi (lối ra đề) dẫn đến những giờ dạy toán, mà cả thầy và trò cứ chăm bẵm các thao tác tính toán. Học sinh không thích giáo viên dừng lại giải thích định nghĩa, chứng minh định lí… Xin đưa một ví dụ: Trong bài “Định nghĩa đạo hàm của hàm số”, giáo viên nào dạy những bài toán dẫn đến khái niệm đạo hàm sẽ bị học trò cho là “hâm”, là dạy dở. Khoảng cách giữa lí thuyết và thực hành xa nhau đến mức khó chấp nhận.
– Đề thi hoàn toàn vắng bóng ứng dụng toán học vào thực tiễn, trong khi SGK nhắc đến việc ứng dụng không phải ít. Điều này đã làm cho giáo viên toán gần như bỏ hết các phần ứng dụng (nếu có) sau các bài học. Kết cục là học toán mà không biết gì lịch sử toán, nét đẹp của toán, toán bắt nguồn từ đâu, toán dùng vào việc gì? Có thể nói rất phản giáo dục.
– Đề thi “súc tích” dẫn đến đáp án “gọn gàng” và đến bài làm của thí sinh thì chỉ còn thuần các phép tính, thiếu lập luận, thiếu logic, thiếu dẫn nhập… Có những bài làm của thí sinh chiếu theo đáp án được 8 điểm chẳng hạn, nhưng giám khảo (số ít) lo lắng cho một tú tài tương lai quá nghèo nàn về ngôn ngữ, lập luận. Nếu cứ tiếp tục ra đề thi toán như thế này thì khó lòng tránh được sự quay cóp của thí sinh, bởi chỉ ghi nguệch ngoạc đôi dòng nhờ “copy” là có điểm.
– Đề thi thiếu sự dẫn dắt, định hướng, tức là phớt lờ hẳn lí thuyết đưa đến phương cách làm bài toán. Do đó, một mặt thí sinh thiếu điểm tựa trong khi làm bài, mặt khác làm cho những giờ dạy toán ở trường phổ thông khô khan, thiếu sinh khí, chỉ phục vụ cho nhóm nhỏ học sinh có năng khiếu toán. Tôi cảm giác giáo viên toán bậc THPT hiện nay chỉ cần như một thợ làm toán là đủ đóng vai trò người thầy.