Dạy và học theo quan điểm học suốt đời
Con người là vốn quý của xã hội, là một thành tố cấu thành nền kinh tế - văn hoá - xã hội của một quốc gia. Cả UNESCO và OECD đều kêu gọi các nước hãy đầu tư cho nguồn lực kinh tế mới này bằng một phương tiện duy nhất: giáo dục thông qua việc DẠY - HỌC. Tại sao? Bài viết này đề cập một số quan niệm về việc dạy - học trong thời đại mới và áp dụng nó vào giáo dục ở nước ta trong bối cảnh đương đại.
Nhìn chung việc học được quan niệm trên là để hiểu biết (learn to know) và để làm (learn to do). Tuy nhiên học thật sự không chỉ để biết và để làm. Trong xã hội đầy biến động ngày nay với sự toàn cầu hoá ngày càng tăng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự tăng vọt của thông tin, learn what và learn how trở nên hết sức cần thiết nhưng chưa đủ. Làm sao một con người có thể hiểu biết hết tất cả những gì xung quanh anh ta và sử dụng lượng kiến thức thu được để tác động vào thực tiễn? Cách duy nhất là học và cập nhật kiến thức suốt quãng đời của anh ta (lifelong learning) để biết, để hiểu, để có thể giao tiếp với người khác, để hiểu chính mình, hiểu người khác, và để có thể tồn tại (learn to be). Và vì thế giới ngày càng xích lại gần nhau, mỗi cá nhân là một mắt xích trong xã hội và phụ thuộc lẫn nhau cho nên bản thân mỗi cá nhân không chỉ học cho riêng mình mà còn học cho cả cộng đồng, học lẫn nhau, và học để chung sống với nhau (learn to live together) (xin xem Learning: The Treasure Within, UNESCO: 1996.
Học là gì? 1. Sự tăng về số lượng của kiến thức. Học có nghĩa là tiếp nhận thông tin, hay nói cách khác là “biết nhiều thứ”.
2. Sự ghi nhớ. Học là sự tích trữ thông tin để có thể tái tạo lại (reproduce). 3. Sự tiếp nhận và lưu trữ thông tin thực tế (fact), kỹ năng, và phương pháp để khi cần thiết có thể sử dụng. 4. Hiểu (make sense) và chiết tách ý nghĩa (abstract meaning). Học bao gồm việc gắn kết các bộ phận của một sự vật với nhau và với thực tiễn. 5. Sự hiểu biết và làm sáng tỏ thực tiễn theo một cách thức riêng biệt. Học bao gồm việc thấu hiểu thế giới thông qua sự tái hiện và áp dụng kiến thức (reinterprete knowledge). Theo Säljö (Smith: 1999) |
Theo quan điểm kinh tế, học chính là một hình thức đầu tư để phát triển kinh tế và để chống lại những hệ quả tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá như nạn thất nghiệp, sự mất cân bằng về kinh tế ngày càng gia tăng, và sự lo lắng về những thay đổi mang tính kinh tế – xã hội (quan điểm của OECD, trích dẫn trong Spring, J (1998)). Con người là một nguồn vốn (capital) đặc biệt trong quá trình sản xuất. Máy móc chỉ hoạt động ở một mức độ có giới hạn. Nguyên liệu và nhiên liệu có thể cạn kiệt, nhưng sức học và nghiên cứu của con người là vô hạn. Chính vì vậy, cá nhân học tập là để mang lại lợi ích kinh tế cho chính mình sau này; một tổ chức có các cá nhân học tập là để mang lại lợi ích cho tổ chức đó. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, trình độ học vấn của các thành viên trong một tổ chức càng cao thì hiệu quả sản xuất kinh tế của tổ chức đó càng mạnh. Tuy nhiên, nếu xét quan niệm kinh tế về việc học trong khuôn khổ quan niệm của UNESCO, ta thấy rằng hiệu suất kinh tế của một tổ chức cũng là kết quả kết hợp (collective) của những thành viên trong tổ chức với những kiến thức mà họ đã đạt được và vận dụng theo bốn khía cạnh: học để hiểu biết, học để làm, học để chung sống với nhau, và học để tồn tại.
THẾ NÀO LÀ MỘT NGƯỜI HỌC LÝ TƯỞNG TRONG XÃ HỘI HIỆN ĐẠI?
Như đã đề cập bên trên, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy biến động và mục tiêu học tập là để hiểu biết, để làm, để chung sống và để tồn tại. Để làm được điều đó, người học hiện đại phải trở thành người học suốt đời (lifelong learner), một cụm từ nghe đơn giản nhưng thực hiện được nó là cả một vấn đề nan giải. Vậy đâu là những phẩm chất của một người học suốt đời?
Theo Candy, Crebert và O’Leary: một người học suốt đời cần có óc nghiên cứu thể hiện ở lòng say mê việc học, sự tò mò, óc phân tích và khả năng định hướng cho việc học của mình. Candy, Crebert và O’Leary thừa nhận việc hiểu biết thêm những lĩnh vực khác ngoài chuyên ngành chính của mình giống như Knapper và Cropely ở trên; tuy nhiên cả ba nhấn mạnh nhận thức mối tương quan giữa chúng là hết sức quan trọng. Vì là một người học trong xã hội hiện đại với kỹ thuật và công nghệ, người học suốt đời cũng phải biết sử dụng các thiết bị công nghệ này, đặc biệt là khả năng sử dụng máy vi tính để phục vụ cho việc học và nghiên cứu. Người học mẫu hình này phải nắm được những nguyên tắc cơ bản đằng sau những kiến thức được học để có thể áp dụng vào những tình huống khác nhau chứ không chỉ đơn thuần ở những tình huống quen thuộc; có thái độ tốt đối với việc học và kỹ năng sắp xếp công việc hợp lý (Mariane Xhignesse: 2003).
Chúng ta có thể nhận thấy rằng những quan niệm về người học hiện đại bên cạnh việc nhấn mạnh việc học cũng đề cao những phẩm chất xã hội thông qua việc tự học, tự định hướng và sự tự chịu trách nhiệm cho việc học của mình.
VÀ VIỆC DẠY HỌC Ở NƯỚC TA?
Trong phần này tôi xin chỉ đưa ra những con số thống kê và những sự kiện thực tế để người đọc có thể tự rút ra kết luận cho mình về những gì đang diễn ra trong cái gọi là học ở nước ta.
Mặc dù sản phẩm của quá trình học không thể mô tả hết những gì đã diễn ra trong quá trình học của người học, nó vẫn được sử dụng để đánh giá việc học của người học. Nếu như vậy, theo UNDP (2007), qua phỏng vấn 200 doanh nghiệp hàng đầu ở Việt Nam, những doanh nghiệp này đều phải tổ chức lại các khoá huấn luyện và đào tạo lại cho những sinh viên đã tốt nghiệp được chấp nhận vào làm việc và họ không tin tưởng vào chất lượng đào tạo của đại học Việt Nam. Điều đó đặt một dấu chấm hỏi rất lớn cho việc dạy-học ở nước ta, chứ không phải chỉ riêng ở bậc đại học.
Tạp chí Nhà Quản Lý (26.03.2006) cho biết chỉ có 40% sinh viên nước ta có thái độ tích cực đối với việc học, phần còn lại học chỉ để học chứ thật sự không đầu tư vào đó. Kết quả này có lẽ là do xu hướng thích vào đại học và thi vào những ngành được xem là hot mà không để ý đến năng lực thật sự và sở thích của chính mình hoặc do quá phụ thuộc vào quyết định của gia đình. Nói về sự phụ thuộc, sinh viên chúng ta đã hình thành thói quen này ngay từ những ngày còn học mẫu giáo, tiểu học vì cô giáo là mẹ hiền nên cô bảo gì cũng phải làm theo, không được làm khác, nếu không sẽ bị điểm kém. Mà nếu bị điểm kém chắc chắn sẽ bị ba mẹ la mắng vì thua sút bạn bè cùng trang lứa làm mất mặt ba mẹ. Vô hình trung việc dạy của chúng ta đã bóp chết sự đa dạng của mỗi cá nhân ngay từ đầu. Tôi còn nhớ một câu chuyện so sánh việc học ở châu Á và ở Mỹ như sau: cô giáo vẽ một con mèo lên bảng và yêu cầu học sinh cũng vẽ một con mèo để cuối buổi đem dán các bức tranh lên tường. Điểm khác biệt ở hai nền giáo dục là: trên lớp học của Mỹ có một đàn mèo không con nào giống con nào, còn trong lớp học của châu Á, con mèo trên bảng của cô giáo đã tự động được… nhân bản vô tính thành n con mèo khác. Đó cũng là cách giáo dục mà chúng ta đang làm ngày nay. Chả trách 80% số sinh viên Việt Nam được khảo sát có mức sáng tạo (creativity) dưới mức chuẩn của thế giới (Khám Phá, 2005).
Trong việc dạy – học ở nước ta hiện nay, giáo viên vẫn là người ra quyết định, là nhân vật trung tâm của lớp học. Kiến thức mà sinh viên thu được là kiến thức một chiều từ thầy đến trò, thiếu sự tương tác. Tác giả Phạm Lan Hương viết sinh viên Việt Nam không được dạy bằng phương pháp tích cực, chủ yếu là nghe giảng và ghi chép (Altbach & Umakoshi: 2004). Nếu như vậy sinh viên không cần phải đến lớp, chỉ cần giao cho sinh viên giáo trình về tự đọc, đến ngày thi vô thi chắc hiệu quả cũng ngang nhau! Sự tương tác là hết sức cần thiết vì nó giúp sinh viên hiểu sâu hơn những điều đang học và ngược lại, thông qua thảo luận, chia sẻ suy nghĩ, những câu hỏi với sinh viên, giảng viên cũng học hỏi được nhiều điều bổ ích theo nguyên tắc tự phản ánh (self-reflection). Ở đây cần bổ sung thêm, sinh viên chúng ta đang học chay trầm trọng do cơ sở vật chất thiếu thốn và do số lượng sinh viên quá đông. Ví dụ trường Đại học Quốc gia TP HCM có 81.000 sinh viên, Đại học Huế 81.000, Đại học Đà Nẵng 54.000…là những trường có số lượng sinh viên thuộc hàng khổng lồ trên thế giới1. Tệ hơn nữa, vì số lượng các trường đại học mới mở thiếu giảng viên và sự gia tăng liên kết đào tạo giữa các trường đại học với các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường cao đẳng cộng đồng ở các địa phương, giảng viên ở các trường đại học “có tuổi” hơn trở thành những cỗ máy dạy di động, đến nỗi không còn thời giờ để nghiên cứu và trau dồi kiến thức. Họ chỉ học khi cần bằng cấp để thăng tiến, và vì vậy tệ nạn mua bán bằng cấp, gian lận trong thi cử, mạo văn, chép luận văn, luận án,…cứ nhan nhản diễn ra như báo chí đã, đang lên án bấy lâu nay. Và như vậy, chất lượng việc dạy của thầy chắc chắn là không đảm bảo. Việc học của trò xin miễn bàn.
Chương trình học của ta mặc dù đang được cải tiến nhưng nhìn chung vẫn còn rất nặng, nhất là ở bậc phổ thông. Kiến thức cái thì quá thừa, cái lại quá thiếu, thiếu tính thực tiễn (Vũ Cao Đàm, 2007) khiến sinh viên học mà không biết để làm gì (và thậm chí giáo viên đứng lớp cũng tự hỏi tại sao mình phải dạy kiến thức đó cho học viên). Phải chăng chính vì điều này mà các nhà sử dụng lao động phải đào tạo lại nguồn nhân lực mà họ thuê? Chương trình của ta chủ yếu là cung cấp kiến thức cho sinh viên mà ít chú trọng đến dạy người học cách tiếp cận, cách đánh giá vấn đề.
Tài liệu học tập và tham khảo cũng cần sự quan tâm. Có lẽ chúng ta không thiếu sách và những tài liệu loại này nhất là khi Internet đang trở nên phổ biến. Vấn đề duy nhất là sinh viên chưa tận dụng hết những tài nguyên này. Sự phụ thuộc vào người dạy đã dẫn đến sự lười đọc, thậm chí chỉ là đọc giáo trình chứ chưa nói đến thư viện để đọc sách, dẫn đến sự lười định hướng cho việc học của sinh viên. Việc học của trò cứ phó mặc cho thầy. Internet được sinh viên ưa chuộng hơn nhưng mục đích chính khi lên mạng hiếm khi là để học mà để giải trí là nhiều. Lý do đơn giản nhất là vốn ngoại ngữ của sinh viên chúng ta quá kém, trừ sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ, mà hầu hết tài liệu trên mạng không được viết bằng tiếng Việt. Mức độ đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng có lẽ sẽ còn rất lâu để sinh viên của ta có thể sử dụng ngoại ngữ, phổ biến là Anh ,trong công việc hằng ngày khi mà khả năng đọc hiểu ngoại ngữ chưa tốt.
Nếu học ở trường đã có vấn đề thì việc tự học lại còn tệ hại hơn. Không biết có bao nhiêu phần trăm sinh viên có thể tự học khi mà họ luôn phụ thuộc vào thầy, có thái độ đối với việc học chưa tích cực, thiếu sáng tạo, ít cập nhật thông tin, khả năng giao tiếp và hoạt động nhóm còn kém. Nguyên nhân vì đâu? Sinh viên chúng ta ít tham gia các hoạt động xã hội, ít giao lưu học hỏi nên đã để vuột mất một phần rất lớn của việc học đó là học ngoài trường đời.
KẾT LUẬN
Trong phạm vi một bài báo, khó có thể trình bày thấu đáo mọi khía cạnh của việc dạy và học, song tôi tin rằng với những thông tin trên, chúng ta ít nhất có một cái nhìn đúng hơn về việc dạy và học trong thời đại mới. Ở đó người học phải được đặc biệt quan tâm. Việc dạy cần hướng vào phát triển cá nhân sao cho cá nhân đó có thể áp dụng kiến thức thu được ở trường học bằng chính sự yêu thích của mình vào công việc ngoài đời; đồng thời trang bị cho người học cách học để họ có thể cập nhật kiến thức trong suốt quãng đời của họ, chứ không chỉ dừng lại sau khi tốt nghiệp đại học hoặc chỉ học khi đến trường học. Để làm được điều đó, những chính sách giáo dục cần phải lấy người học làm gốc, nghĩa là nên đi từ bên dưới lên chứ đừng áp đặt tất cả những suy nghĩ, chiến lược, mục tiêu của những người hoạch định chính sách lên người học. Và nên áp dụng ngay từ bậc đầu tiên của giáo dục vì bất cứ việc gì cũng nên xây từ nền móng vững chắc mới lâu bền được. Ngược lại, người học cũng phải tự ý thức được rằng học là cho bản thân mình và chính mình là người biến kiến thức chưa khai phá thành tài sản của riêng mình. Họ phải có khả năng rèn luyện việc tự học và duy trì việc học suốt đời.
Trong tác phẩm Lifelong Learning in Higher Education (Vấn đề học suốt đời ở bậc đại học) xuất bản lần 3 năm 2000, tác giả Knapper CK, Cropely AJ đã mô tả hình ảnh của một sinh viên lý tưởng như sau:
• có ý thức cao độ về mối quan hệ giữa học tập và đời sống thực tế;
• có ý thức về sự cần thiết của học suốt đời;
• luôn hăng hái tham gia vào việc học suốt đời;
• có những kỹ năng cần thiết cho việc học suốt đời.
Để có được những phẩm chất đó, Knapper và Cropely cho rằng mỗi sinh viên cần trau dồi những kỹ năng sau:
• xây dựng cho riêng mình một kế hoạch học tập mang tính khả thi
• ứng dụng hiệu quả kiến thức đã học vào thực tế
• tự đánh giá chính xác việc học của mình
• rèn luyện khả năng định vị thông tin
• sử dụng hiệu quả các phương pháp học và học tốt ở các môi trường học khác nhau
• sử dụng các phương tiện truyền thông, thư viện, các phương tiện có ích cho việc học
• có khả năng sử dụng và hiểu tài liệu của nhiều lĩnh vực khác nhau
—————-
1 Số liệu từ ’Những vấn đề giáo dục hiện nay: quan điểm và giải pháp, Nhà Xuất bản Tri Thức, 11-2007’