Dạy văn của nhóm Cánh Buồm

Cánh Buồm chủ trương tổ chức việc học văn thông qua hướng dẫn học sinh “đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi để sáng tạo ra tác phẩm”. Không thuyết giảng, áp đặt, nhồi nhét. Để các em chủ động phát hiện tác phẩm qua cảm xúc riêng, độc đáo của mình, sau khi nắm được những thao tác cơ bản để xây dựng tác phẩm.

Trước nhất, việc dạy Văn như một cái mẫu cho công cuộc giáo dục Nghệ thuật của nhóm Cánh Buồm là một tư tưởng hết sức thời đại. Nếu như đến nửa cuối thế kỷ XX, Văn chương vẫn còn là môn nghệ thuật áp đảo trên thế giới thì có thể nói đến cuối thế kỷ XX nó đã lui xuống ngày càng xa so với các bộ môn kia (ở những nước phát triển). Tiến trình ấy chỉ càng rõ hơn trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI mà tình hình ở nước ta cũng đã thấy nhãn tiền trong lớp trẻ (chỉ cần so sánh số fan của văn học với âm nhạc). “Thoạt là Lời” (Sách Sáng thế). Văn học từng là bộ môn chủ đạo thỏa mãn những cảm xúc nhân bản, xã hội, tâm linh, thẩm mỹ của con người khi các bộ môn khác chưa phổ biến và chưa được khai thác hết khả năng. Sự “mất ngôi” của Lời không có gì phải ân hận, tiếc nuối, khi bây giờ bao nhiêu thứ “phi Lời” có sức hấp dẫn và tác động có khi còn ghê gớm hơn.

Cố gắng chất vào đầu học sinh những “lời” đã trở thành nhàm chán, không còn chút hấp dẫn trong khi bỏ lơ việc cung cấp cho các em những kỹ năng cơ bản để hưởng thụ một cách thông minh và tự giác cả một thế giới âm thanh sắc màu quyến rũ là một tư duy “duy ý chí” đã đến lúc phải thay đổi.

Thứ hai, Cánh Buồm chủ trương tổ chức việc học văn thông qua hướng dẫn học sinh “đi lại con đường người nghệ sĩ đã đi để sáng tạo ra tác phẩm”. Không thuyết giảng, áp đặt, nhồi nhét. Để các em chủ động phát hiện tác phẩm qua cảm xúc riêng, độc đáo của mình, sau khi nắm được những thao tác cơ bản để xây dựng tác phẩm. Hai thao tác đầu tiên – tưởng tượng, liên tưởng – chính là nền tảng.

Tôi nhớ đến một kỷ niệm có lẽ là sâu sắc nhất trong thời học sinh của mình. Tôi đã viết trong cuốn sách Thuở nhỏ các nhà văn học văn (NXB Trẻ 2003) như sau:

“Tôi không nhớ giờ ấy học bài gì mà thầy (Thầy Nguyễn Lộc, trường Phổ thông 3 Việt Đức, Hà Nội năm học 1958-1959) vào đề bằng câu hỏi: “Có ai biết câu thơ mở đầu Tỳ Bà Hành vẽ ra hình ảnh gì không?” Tất nhiên chúng tôi nghĩ Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, thì vẽ ra cảnh … đưa khách trên bến đò lúc đêm khuya chứ gì nữa. Nhưng thầy lắc đầu, và đợi vài phút, khi chúng tôi xin hàng cả lượt thì thầy mới ung dung giảng rằng: “Câu thơ vẽ nên hình một chiếc thuyền!” Trước sự ngỡ ngàng của cả lớp, thầy cầm một viên phấn và vừa đọc vừa… vẽ: “Bến”: chữ này vần trắc, gợi hình ảnh cái mũi thuyền” (thầy vẽ một đường vát); “Tầm Dương canh khuya đưa”: tất cả vần bằng, gợi hình ảnh lòng thuyền (thầy vẽ một đường dài nằm ngang); “khách” vần trắc là cái đuôi thuyền” (thầy vẽ nốt một đường vát phía sau). Tôi tin rằng bài giảng độc đáo ấy không chỉ mình tôi nhớ đến giờ. Dẫu rằng trong quá trình làm thơ, giảng thơ, phê bình thơ sau này, tôi sớm nhận ra rằng thầy có hơi… khiên cưỡng, nhưng thực tình cách phân tích độc đáo của thầy đã kích thích trí tưởng tượng và khả năng liên tưởng của học sinh. Theo tôi đó là điều quan trọng nhất đối với việc phát huy năng lực thẩm mỹ của bọn trẻ. Riêng với tôi, có lẽ giờ giảng văn năm lớp 9 nói trên là gợi ý đầu tiên về năng lực diễn tả của ngữ âm tiếng Việt. (Sau này tôi có đọc một số công trình nghiên cứu sâu về ngữ âm, trong đó có công trình của Cao Xuân Hạo, tôi thấy tâm đắc). Trong thơ tôi hình như cũng vận dụng không ít  năng lực này thì phải”.

Mới đây, xem bộ phim Hội Các Nhà Thơ Chết (Dead Poets Society), tôi nghĩ ngay đến nhà giáo Phạm Toàn, người chủ xướng lối tổ chức việc học văn của Cánh Buồm. Xin trích lại một đoạn trong bài viết của tôi Cuối tháng tư, gửi Phạm Toàn một “nhà thơ đang sống” (Boxitvn.net 2012):

“Tối qua, tình cờ xem HBO, được một phim tuyệt vời lâu lâu mới gặp. Cái tên lạ: “Dead Poets Society” (Hội những Nhà thơ đã chết). Cảnh một tốp học sinh mắt sáng, mặt đầy cá tính, trong một trường nội trú kỷ luật gắt gao giống như trường Đạo. Những vị giáo sư khả kính. Những bữa ăn có cầu kinh. Những buổi tự học có giám thị. Những tối ngủ theo giờ chuông lệnh… Bỗng một thầy giáo xuất hiện, mặt đầy thông minh và nghịch ngợm, có thể nói là láu lỉnh. Thầy dạy Anh văn (tức như thầy VN dạy môn Tiếng Việt) không giảng bài, không bảo học sinh ghi chép. Thầy vừa huýt sáo một điệu vui, vừa đi vòng quanh lớp rồi ra cửa, nháy mắt, khều tay rủ các trò đi theo, và bảo trò gọi mình bằng câu thơ Walt Whitman: “Oh Captain! My Captain!” (Hỡi thuyền trưởng!). Đám trò như bị thôi miên. Bài đầu tiên thầy thì thầm vào tai các em khi kéo chúng đến ngắm nhìn chân dung những cha anh đã khuất, đó là câu châm ngôn Latin “carpe diem” (hãy sống tận từng ngày).

Tôi bị ông thầy này hấp dẫn không khác đám trò trong phim. Và khi, vào giờ học THƠ, ông cho trò đọc bài mở đầu trong cuốn sách hàn lâm mà nhà trường sử dụng hàng trăm năm làm giáo trình chính thức, dạy: phương pháp đánh giá bài thơ một cách khoa học có thể biểu thị thành đồ thị, rồi ông hét lên: “Việc của các em là XÉ, XÉ TỪNG TRANG, XÉ HẾT…”. Ông gọi một trò nhút nhát nhất, cho em đọc một đoạn thơ, hỏi em cảm thấy thế nào cứ nói. Cậu học trò, với sự kích thích dẫn dụ của thầy, từ chỗ ấp a ấp úng, đã từ từ làm ra một bài bình luận đầy cảm xúc với những cảm nhận rất riêng. Ông kết luận: “Đấy là cách học một bài thơ!”

Tôi tin ông thầy Phạm Toàn, người trải nghiệm 50 năm tận tụy dạy tiếng Việt cho nhiều đối tượng trẻ khác nhau, từ các dân tộc ít người đến thế hệ Ngô Bảo Châu, cộng với nhà văn đặc sắc Châu Diên, cộng với nhà dịch thuật văn học và tâm lý giáo dục học, đủ thẩm quyền đề xướng cách tổ chức việc học văn nói trên.

Tôi tin Cánh Buồm, “một cánh buồm đẹp như biểu tượng” (thơ HH).

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)