Để bay lên, trên đôi cánh của ước mơ…

Nói đến mùa Xuân, người ta thường nhắc đến những ước mơ. Một ước mơ của ngành giáo dục đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa hề cũ, đó là: Làm cách nào để đưa giáo dục đại học của Việt Nam cất cánh. Đây là một điều kiện tối cần thiết để nhanh chóng đưa đất nước tiến lên trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Lại nhớ một hình ảnh đã được các chuyên gia trong nước hơn một lần nhắc đến: Nền giáo dục đại học của một quốc gia giống như đôi cánh chim, công và tư phải song hành mới có thể bay lên. Quả thật, nhìn vào nền giáo dục đại học của các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan1, Philippines, Malaysia, hoặc Singapore, có thể thấy tư nhân hóa đang là một xu thế quan trọng và không thể đảo ngược. Cũng theo xu thế này, những đại học ngoài công lập Việt Nam đã được phép ra đời từ cách đây hơn hai thập niên; tuy nhiên, vì một lý do nào đó cho đến nay gánh nặng về đào tạo nghề nghiệp sau trung học cho thế hệ trẻ vẫn dồn hầu hết vào khối trường công lập, trong khi với đóng góp khiêm tốn từ người học qua học phí, giáo dục đại học của Việt Nam không thể đáp ứng nổi đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế, và hiện đang trong tình trạng “hụt hơi”.

Giáo dục đại học tư nhân của Việt Nam quá yếu kém? Những thông tin mà ta có thể đọc được trên báo chí dường như khẳng định điều này. Hình ảnh được vẽ lên cho ta cảm giác đây là những trường có cơ sở vật chất tồi tàn, giáo viên và chương trình thì vay mượn từ trường công lập, học phí cao mà chất lượng lại thấp, còn sinh viên ra trường thì không phải ai cũng kiếm được việc làm. Những trường này tất nhiên tuyển sinh rất khó khăn; chính vì vậy mà các trường ngoài công lập lúc nào cũng đòi tự chủ tuyển sinh — thực chất là muốn bỏ kỳ thi tuyển sinh, tháo nút chặn điểm sàn, hạ chất lượng đầu vào để có thêm nguồn tuyển, vì nếu không thì chỉ còn nước đóng cửa (!). Một bức tranh thật ảm đạm và xấu xí.

 Vậy thực tế thì sao? Trước hết, phải thừa nhận rằng quả là có những trường đại học, cao đẳng kém, cả công lập lẫn ngoài công lập. Và có lẽ cũng phải thừa nhận tình trạng là so với các trường công lập thì tỷ lệ các trường ngoài công lập không đủ giảng viên biên chế theo quy định có lẽ cao hơn. Nhưng cũng có một sự thật khác về các trường ngoài công lập mà hầu như báo chí chưa bao giờ nhắc đến, đó là: có rất nhiều sáng kiến mang tính đổi mới trong quản lý và đào tạo trong giáo dục đại học ở Việt Nam lại xuất phát từ các trường ngoài công lập chứ không phải là từ khối công lập. Đó là chưa kể, thỉnh thoảng trong một vài lĩnh vực, sinh viên các trường ngoài công lập lại đạt được những thành tích ngoạn mục, thậm chí vượt qua sinh viên các trường công lập vốn có đầu vào cao hơn hẳn mình, như việc giải thưởng của kỳ thi ROBOCON gần đây có thời gian dài lọt vào tay sinh viên một trường ngoài công lập trẻ tuổi ở một tỉnh miền Đông Nam Bộ chẳng hạn.

 Có thể nêu ra nhiều ví dụ về sự tự chủ, năng động và sáng tạo của các trường ngoài công lập trong suốt thời gian tồn tại của khối trường này: Cách đây gần một thập niên, khi việc thu thập ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên còn rất xa lạ ở Việt Nam thì nó đã được nhiều trường ngoài công lập áp dụng như một biện pháp hiệu quả để kiểm soát chất lượng của hoạt động giảng dạy.2 Từ rất lâu trước khi có những quy định về trình độ ngoại ngữ cho giảng viên và sinh viên theo chuẩn châu Âu như hiện nay, một số trường tư ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra những tiêu chuẩn khá nghiêm nhặt về trình độ ngoại ngữ khi tốt nghiệp nhằm giúp sinh viên có một trình độ ngoại ngữ vững vàng khi ra trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước.

Gần đây, trước nạn đạo văn hoành hành trong giáo dục của Việt Nam, trường đại học đầu tiên dám bỏ tiền ra mua và sử dụng phần mềm chống đạo văn để ngăn ngừa sự gian lận cũng là một trường tư ở TP Hồ Chí Minh và hẳn chẳng ai ngờ rằng cách đây vài năm khi công tác kiểm định chất lượng vẫn trong tình trạng tạm “đóng băng”, một số trường ngoài công lập ở phía Nam đã chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ của quốc tế và tổ chức các đoàn đánh giá ngoài để giúp nhau tự rà soát và cải thiện. Tính tự chủ, năng động đó trong mấy năm gần đây đã được sự thừa nhận công bằng và khách quan của một tổ chức quốc tế – tỷ lệ các trường đại học ngoài công lập có mặt trong bảng xếp hạng Webometrics không hề thua kém các trường công lập.

Sẽ có người nhắc đến những vụ lùm xùm gần đây của các trường ngoài công lập, trong đó nổi cộm nhất là vụ giằng co trong việc chuyển cơ sở tại trường ĐH Hùng Vương mới tháng trước. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia đã hơn một lần chỉ ra, căn nguyên của những tranh chấp này và nhiều điều bất cập khác nữa lại chính là do sự thiếu quan tâm của nhà nước về mặt chính sách đối với các trường ngoài công lập, hơn là những khiếm khuyết nội tại của mô hình trường ngoài công lập, khiến cho khối trường này sau vài thập niên tồn tại vẫn chưa thể phát triển xứng đáng với tiềm năng mà nó vốn có.3

Và như vậy, nên chăng ước mơ của ngành giáo dục Việt Nam cho năm 2014 này là làm sao nhanh chóng có được một hệ thống những chính sách công bằng và phù hợp với đặc thù của khối trường ngoài công lập. Để nền giáo dục của Việt Nam sẽ là không còn là một chú chim muốn bay với chỉ một bên cánh.

Để bay lên, trên đôi cánh của ước mơ …

—-

1Ví dụ, theo thống kê năm 2006, số trường đại học tư của Thái Lan chiếm đến 45% tổng số trường đại học của nước này. http://www.albany.edu/dept/eaps/prophe/ publication/paper/PROPHEWP12_files/PROPHEWP12_PP.pdf

2http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2009-12-25-sinh-vien-danh-gia-giang-vien-phu-hop-hay-khong-

3http://thanhnien.hnue.edu.vn/?p=321

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)