Định hướng nghề nghiệp: Thực tế khác xa quy hoạch

Chính phủ đã có Quyết định 121/27/QĐ-TT về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006 – 2020, trong đó đặt ra yêu cầu điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên theo các nhóm ngành. QĐ này đã cho thấy phần nào nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam nhưng thực tế lại diễn ra hoàn toàn khác.


Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Nguồn ảnh: Vnua.edu.vn.

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, con số sinh viên được lựa chọn vào học năm 2010 vẫn có tỷ lệ khá chênh lệch so với con số phê duyệt (xem biểu đồ 1): chỉ tính riêng ngành kinh tế, số sinh viên được nhận vào các trường đại học đã chiếm 28,96%, ngành sư phạm là 17,18%; trong khi đó nhóm ngành nông, lâm, ngư mặc dù đã đưa ra chỉ tiêu khá khiêm tốn nhưng tỷ lệ sinh viên thi đỗ cũng chỉ đạt 8,6%, các ngành kỹ thuật – công nghệ là 30% (Viện Quản lý và Phát triển năng lực Tổ chức – DOMI, 2010). Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học đều có xu hướng mở rộng các ngành đào tạo theo thị hiếu của người học. Cũng theo DOMI, trong số 488 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng năm 2010 thì có tới 360 cơ sở đào tạo có ngành Quản trị kinh doanh, 298 cơ sở có ngành kế toán, 297 cơ sở mở ngành công nghệ thông tin và 193 cơ sở có đào tạo ngành tài chính – ngân hàng. Với tình hình kinh tế suy thoái như hiện nay, những cử nhân có tấm bằng tốt nghiệp các ngành liên quan tới kinh tế còn gặp khó khăn về việc làm. Với một con số khổng lồ những sinh viên sẽ tốt nghiệp các ngành này trong thời gian tới, đa số các em sẽ chật vật tìm việc trong tương lai. Điều đó thể hiện công tác dự báo, dự đoán và định hướng nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều bất cập.

Trong khi có những ngành “vượt mức” tới mức không biết tương lai của các sinh viên ra trường sẽ ra sao thì có những ngành nghề được xác định là thế mạnh, là hướng tập trung phát triển của đất nước lại không tuyển đủ thí sinh vào học. Các khối ngành nông-lâm-ngư nghiệp hay kinh tế biển đều gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhiều ngành thuộc khối này những năm gần đây dù tuyển tới nguyện vọng 3 và điểm chuẩn tương đương với điểm sàn đại học nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Nghịch lý là ở chỗ các ngành khó tuyển đôi khi lại là ngành dễ kiếm việc làm, ví dụ như ngành Cơ khí chế biến nông sản-thực phẩm của trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 1998 tới nay, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm luôn là 100% và nhu cầu thị trường vẫn còn rất lớn, nhưng nhà trường luôn gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh đầu vào (DOMI, 2010).


Biểu đồ 1: Cơ cấu số sinh viên đào tạo theo các nhóm ngành trong các trường đại học, cao đẳng trong giai đoạn 2006-2020 theo NQ 121/27/QĐ-TT.

Bỏ quên khối trung học phổ thông

Việc học sinh không đăng ký vào các ngành học theo định hướng của nhà nước không phải chỉ là lỗi của công tác dự báo hay công tác định hướng chính sách, một phần nguyên nhân nằm ở sự yếu kém trong công tác định hướng nghề nghiệp của các trường phổ thông, ở mối quan hệ lỏng lẻo giữa các trường phổ thông và các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, các nguyên nhân này có mối quan hệ qua lại với nhau. Khi công tác dự báo nguồn nhân lực chưa được làm bài bản và có hệ thống, lại chưa có giá trị thuyết phục, công tác định hướng nghề nghiệp của các trường cũng gặp khó khăn. Hơn nữa, công tác định hướng nghề nghiệp không phải là nhiệm vụ truyền thống của các trường phổ thông, và các trường này thường có rất ít thông tin về thị trường lao động. Công tác định hướng cho học sinh cuối phổ thông trung học hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở công tác hỗ trợ thi cử hay đưa ra những lời khuyên mang tính chất cá nhân cho học sinh.

Một vài năm gần đây công tác định hướng ngành học với sự kết hợp của các trường đại học đã có khởi sắc khi đã có những trường đại học chủ động liên hệ và tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá các khóa học của mình ở các trường phổ thông. Tuy nhiên các hoạt động này thường mới chỉ dừng lại ở các trường chuyên hoặc ở các thành phố lớn và vẫn mang nặng tính hình thức và tính quảng cáo cho các trường đại học đến quảng bá. Ở nhiều trường đại học đã bắt đầu xuất hiện các ngày hội tuyển sinh (open days) để giới thiệu về các ngành học, qui mô, hình thức đào tạo và triển vọng nghề nghiệp. Do điều kiện tổ chức và điều kiện địa lý, các hoạt động này vẫn chưa thu hút nhiều học sinh tham gia, nội dung vẫn được đánh giá là còn nghèo nàn và nghiêng về quảng cáo hút sinh viên hơn là đưa ra các thông số thông tin thiết thực, có vai trò định hướng nghề nghiệp cho người học.

Người học hiện nay vẫn ở trong tình trạng thiếu thông tin và không được định hướng nghề nghiệp đúng hướng  nên mới xảy ra tình trạng như cung cầu quá chênh lệch: theo Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh, ngành có chỉ số cung cao nhất năm 2010 là kế toán, kiểm toán- 33% nhưng nhu cầu chỉ là 3,25%. Trong khi đó khảo sát về nhu cầu ngành học của trường Đại học FPT cùng thời điểm đó với 10.000 học sinh đang học lớp 12 vẫn cho thấy: nhu cầu học ngành kế toán, tài chính, ngân hàng vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (40%) bên cạnh đó nhu cầu học các ngành kỹ thuật hay nông, lâm, ngư là vô cùng thấp (DOMI, 2010).

Ngoài các yếu tố khách quan như sự yếu và thiếu của công tác dự báo và định hướng nguồn nhân lực, sự lỏng lẻo của các trường đại học với đầu vào (là các trường phổ thông trung học) và đầu ra (thị trường lao động) thì vai trò của chính chủ thể người học và gia đình của họ cũng đóng một phần không nhỏ cho sự mất cân đối trong quan hệ cung – cầu nguồn nhân lực có kỹ năng hiện nay. Trong một nền văn hóa còn mang nặng tính Nho giáo, khi mà việc con cái biết nghe lời cha mẹ vẫn là một chuẩn mực đạo đức được ca ngợi thì việc phần đông học sinh, sinh viên thụ động, trông chờ vào sự sắp đặt của người lớn là điều dễ hiểu.

Không chỉ là câu chuyện tấm bằng

Bên cạnh đó, văn hóa thể diện vẫn còn hiện hữu khá sâu sắc ở xã hội Việt Nam khi đa phần các bậc phụ huynh đều hiểu tình trạng phổ biến ở Việt Nam hiện nay là thừa thầy thiếu thợ (tỷ lệ đào tạo sinh viên đại học-cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật ở Việt Nam là 1 –1,3 – 0,92, trong khi trên thế giới tỷ lệ này thường là 1 – 4 – 10 (Phan Anh Tuấn, 2012). Nhiều phụ huynh biết được khả năng hạn chế của con mình nhưng vẫn mong muốn con vào được đại học. Tâm lý của phần đông học sinh phổ thông vẫn thích sở hữu tấm bằng đại học. Vì vậy, việc vào được đại học, bất cứ là trường nào và ngành gì cũng trở thành mục tiêu của không ít học sinh và gia đình của họ.

Khảo sát với sinh viên chuyên ngành tiếng Pháp (ngành học có nhu cầu thị trường rất thấp) ở các trường đại học ở Hà Nội cho thấy: đa phần các em quan niệm “thôi cứ vào học lấy cái bằng chính qui cái đã, dần dần rồi tính”. Bên cạnh đó, các câu chuyện về sự áp đặt quan niệm của phụ huynh với định hướng học tập của con cái vẫn xuất hiện hằng ngày trên các trang báo. Sự khuyên nhủ hay thậm chí áp đặt của các bậc phụ huynh đôi khi mang lại hiệu ứng tích cực nếu họ có những hiểu biết thấu đáo về nhu cầu thị trường lao động cũng như thực lực và sở thích của con cái mình. Đương nhiên, với sự bát nháo và mù mờ thông tin về thị trường lao động như hiện nay, có được sự hiểu biết tốt về thị trường lao động đối với mỗi người dân thường là điều không hề dễ dàng.

Sự thụ động và ỷ lại của một bộ phận lớn sinh viên cũng là điều cần bàn. Nghiên cứu của tôi vào 2015 cho thấy chất lượng sinh viên hiện nay phân hóa khá rõ rệt, sinh viên học cùng một ngành, cùng một trường, cùng một điều kiện học tập và phát triển kỹ năng như nhau nhưng khi ra trường vẫn có những hiện tượng trái ngược: nhiều sinh viên được nhà tuyển dụng chào đón, trong khi một bộ phận khác không thể tìm được việc. Điều này nhấn mạnh vai trò của sinh viên trong việc chủ động xây dựng hành trang cho mình để thích ứng với đòi hỏi của thị trường lao động. Trong một nền kinh tế mà vai trò của kỹ năng đang được đề cao (theo World Bank, 2012, kiến thức chuyên môn cũng được coi là một dạng kỹ năng), với các thuộc tính luôn được chào đón như: khả năng sáng tạo, làm việc độc lập, làm việc nhóm hay khả năng sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Nếu sinh viên không chủ động rèn luyện các kỹ năng này thì dù được học trong một ngành mà xã hội có nhu cầu cao thì việc tìm được chỗ đứng vững vàng trong thị trường lao động đối với họ cũng không dễ dàng gì.

Trong khi đó, đa phần sinh viên hiện nay chưa có tính chủ động, và không tận dụng triệt để các cơ hội để phát triển kỹ năng và tư duy, mặc dù các cơ hội này vốn đã ít ỏi trong môi trường đại học ở Việt Nam. Nhiều sinh viên vẫn cho rằng tấm bằng đại học là đủ để xin việc. Họ ít tìm hiểu về thị trường lao động trước khi tốt nghiệp và thường có những ngộ nhận nhất định về khả năng làm việc của mình. Theo kết quả nghiên cứu thì sinh viên đặc biệt ngộ nhận về kinh nghiệm làm việc, kỹ năng mềm và khả năng vận dụng kiến thức chuyên môn vào thực tế của họ (Bảng 1).


Bảng 1: So sánh quan điểm của doanh nghiệp và sinh viên về hành trang của sinh viên khi lập nghiệp (Khảo sát này được tiến hành với sự hỗ trợ từ 109 nhà tuyển dụng và 988 sinh viên, tháng 2/2015).

Không phải ngẫu nhiên mà quan niệm vào được đại học là bước khởi đầu cho tương lai tốt đẹp vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam hiện đại, dù hình ảnh cử nhân đại học gắn với hình ảnh nhân viên cổ cồn làm các công việc hành chính nhà nước nhàn nhã và ổn định đã dần lùi vào dĩ vãng. Vị thế của người tốt nghiệp đại học vẫn được đánh giá là tốt hơn nhiều vị thế của công nhân hay thợ kỹ thuật trong các nhà máy, phân xưởng bởi vì các cơ chế, chế tài hay các điều luật bảo vệ quyền lợi người lao động ở Việt Nam còn rất lỏng lẻo nên việc công nhân bị o ép, làm việc trong các điều kiện tồi tàn, lương thấp, đối xử bất công và có thể bị đuổi việc bất kì lúc nào vẫn còn khá phổ biến.
***
Chúng tôi không cho rằng, cần có quy hoạch nghề nghiệp cho từng lĩnh vực mà muốn nhấn mạnh, mức độ chênh lệch cung cầu trong thị trường nguồn nhân lực phụ thuộc vào công tác nghiên cứu và dự báo về thị trường lao động. Việc này cần phải được tiến hành có hệ thống, công khai, minh bạch, giúp doanh nghiệp, nhà trường và người dân định hướng tốt hơn công tác nhân sự, đào tạo và định hướng nghề nghiệp cho con em mình. Mối quan hệ giữa các hệ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cần phải được điều chỉnh theo hướng kết hợp liền mạch hơn, giúp học sinh phổ thông và gia đình của họ có những hiểu biết tốt hơn về các trường đại học, về triển vọng phát triển các ngành nghề ở các cấp độ, các địa phương khác nhau, từ đó có thể định hướng nghề nghiệp và chọn ngành học, cấp học tốt hơn sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Tham khảo
Phan Anh Tuấn. ( 2012). Thực trạng việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực hiện nay. Hội thảo “Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp” tại trường Đại học Lạc Hồng  năm 2012.
DOMI (2012), Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
World Bank. (2012). Putting Higher Education to work, skill and research for growth in East Asia. Regional Report, Washingon DC

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)