Đôi điều không chỉ về chuyện xây trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt nam

Mặc dù trên thực tế là “người trong cuộc” hẳn hoi đối với các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học (GDĐH) ở Việt Nam nhưng tôi vẫn coi những gì tôi viết dưới đây chỉ là suy nghĩ tản mạn của một “người ngoài cuộc” vì cũng như nhiều việc khác trong giáo dục và đào tạo, đây là “việc riêng” của các nhà quản lý, họ đã từng quyết định nhiều chuyện còn to tát hơn nhiều mà đâu có cần hỏi ý kiến của đông đảo các giáo sư “đang dạy học” – là những người sẽ thực thi các quyết định của họ đâu? (Tôi muốn phân biệt hai loại giáo sư đang tồn tại ở Việt Nam: các giáo sư “đang dạy học” và các giáo sư “đã từng dạy học”, thậm chí “chưa bao giờ dạy học”)

Chuyện xây trường đại học đẳng cấp quốc tế : nói thì dễ, nhưng…

Trước hết hãy nói về chuyện xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam. Một số người còn gọi đó là “trường đại học hàng đầu”, nhưng bản thân tôi rất “dị ứng” với cái chữ “hàng đầu” này. Không phải “dị ứng” vì thấy sự lạm phát của nó trong quảng cáo của các doanh nghiệp (anh nào cũng tự nhận mình là leader), mà vì tác động tiêu cực của nó đối với tiến trình đổi mới, phát triển của chính các trường đại học. Quả thật là có những trường đại học ở Hà Nội như Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia), Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm… đã từng có thời vàng son, xếp đầu bảng trong các trường cùng loại trong nước và trong nhiều năm đã tự ru ngủ mình bằng cái danh xưng “đại học hàng đầu” rất êm tai đó để rồi đến khi bừng tỉnh lại thì đã thấy nhiều trường “đàn em” đang vượt lên một cách ngoạn mục, còn khoảng cách tới các chuẩn mực GDĐH quốc tế thì ngày càng xa hơn. Đó là chưa kể đến căn bệnh “thành tích” không chỉ bùng phát trong giáo dục phổ thông mà cả trong GDĐH, “triệu chứng” thấy rõ là những chuyện “chạy huân chương”, “chạy danh hiệu” mà báo chí đã nhiều lần đề cập đến. Trường đại học nào cũng cố để có đủ “bộ sưu tập” các loại huân chương cao quý nhất của Nhà nước và đặc biệt là danh hiệu Anh hùng.  Đến mức đã có người phải thốt lên: ở nước ta bây giờ “ra ngõ là gặp… đại học anh hùng”! Thiết nghĩ, giá mà ở nước ta cứ “ra ngõ là gặp… đại học đẳng cấp quốc tế” thì hay quá! Lẽ ra, chỉ nên phong danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới cao quý cho trường đại học nào đạt được những chuẩn mực của một trường đại học quốc tế, như vậy phong trào thi đua trong GDĐH chắc sẽ mang lại hiệu quả ích nước, lợi dân cao hơn nhiều.

Phải thừa nhận rằng trong bản đề cương nói trên của mình, ông Thomas Vallely đã xuất phát từ những  đánh giá đầy hiểu biết và khách quan về thực trạng của GDĐH Việt Nam kết hợp với những kinh nghiệm mang tính toàn cầu về xây dựng các trường đại học chất lượng cao, bởi vậy các ý kiến đề xuất của ông là hết sức nghiêm túc, khoa học và hợp lý. Rõ ràng là để đổi mới, phát triển và hội nhập GDĐH, chúng ta cần đồng thời triển khai cả 3 phương án: phục hồi và phát triển các trường đại học hiện có, hình thành các chi nhánh hay các đơn vị vệ tinh của các trường đại học nước ngoài, và xây dựng các trường đại học mới hoàn toàn, trong đó phương án thứ ba – xây dựng mới một trường đại học chất lượng cao, đóng vai trò như một hình mẫu và vườn ươm vốn con người (human capital) – là đặc biệt quan trọng. Và ông Thomas Vallely đã rất chí lý khi nhận xét: “Kinh nghiệm cho thấy rằng việc cải cách các trường đại học hiện có là một quá trình lâu dài khi sự cố thủ của các nhóm lợi ích sẽ dần dần bị bị trung hòa. Các trường và cơ sở đào tạo của nước ngoài có thể rất hữu ích nhưng chắc chắn sẽ không thể thực hiện vai trò của một trường đại học nghiên cứu”.
Có lẽ ai cũng nhất trí là Việt Nam phải có đại học đẳng cấp quốc tế với mong muốn nó sẽ là khâu đột phá cho tiến trình đổi mới GDĐH, đưa GDĐH Việt Nam vươn lên hội nhập trình độ chung của khu vực và quốc tế. Chỉ còn lại vấn đề làm thế nào để có được phương án khả thi và hiệu quả để sớm biến chủ trương đó thành hiện thực trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đề xuất giải pháp xây dựng mới hoàn toàn một trường đại học như vậy. Tuy nhiên vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương án này và khuyến cáo nên nâng cấp một số đại học hiện có.

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm phải xây mới hoàn toàn trường đại học đẳng cấp quốc tế với sự cam kết đầy đủ của Chính phủ về tài chính và cơ chế quản lý. Đừng ảo tưởng về phương án nâng cấp nhanh các trường đại học hiện có, cho dù nó đang là “hàng đầu”,  thành trường đại học đẳng cấp quốc tế trong vòng 5-10 năm tới. Việc “thay máu” cho những cơ sở đào tạo đại học công lập đã từng có truyền thống hết sức vẻ vang nhưng đồng thời cũng chất chứa rất nhiều tồn tại, trì trệ – hậu quả của một thời bao cấp và sự nhiễu loạn của giai đoạn chuyển đổi sang cơ chế thị trường, đòi hỏi phải có thời gian, nếu không muốn xẩy ra tình trạng “sốc” mà hậu quả khôn lường. Ngay như Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc với truyền thống, tiềm năng và nỗ lực cao về cơ chế, chính sách và đầu tư tài chính cũng chưa thấy họ tuyên bố là sẽ trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế trong vòng 5-10 năm tới. Một số đại học ở nước ta đã tiến hành “thay máu từng phần” bằng cách thành lập các trường hoặc khoa quốc tế (ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia Hà Nội) hoặc triển khai các chương trình đào tạo hợp tác quốc tế, nhưng những bất cập từ cơ sở hạ tầng, chất lượng sinh viên đầu vào và đội ngũ giáo viên – những yếu tố cơ bản để đảm bảo chất lượng đào tạo – đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh rất nhiều trong thời gian qua, trong đó có cả hiện tượng không ít các cơ sở đào tạo quốc tế “treo đầu dê, bán thịt chó” lấy mục tiêu lợi nhuận làm đầu.
Tôi cũng hoàn toàn thông cảm với ý kiến của nhiều người khi cho rằng trong lộ trình xây dựng trường đại học quốc tế mà ông Thomas Vallely đề nghị, việc chọn người chủ trì về phía Việt Nam (để làm đồng Chủ tịch tổ chức hỗn hợp Việt-Mỹ sẽ được thành lập để xúc tiến đề án này) quả là không dễ chút nào. Ông Vallely yêu cầu đó phải là một nhân vật xuất chúng của Việt Nam và phải là người am hiểu về giáo dục (theo bản dịch của VietnamNet). Theo sự hiểu biết có thể còn rất hạn hẹp của tôi thì những người Việt hiện đang sống trên đất Việt Nam hiện nay (kể cả những người đã cao tuổi, đã về hưu) không có ai thực sự đủ tiêu chuẩn của ông Vallely, còn trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài không biết có tồn tại một nhân vật như vậy hay không? Tôi nhấn mạnh chữ “thực sự” ở đây bởi nếu chỉ xét về danh xưng thì không thiếu người Việt Nam “xuất chúng”, nào là viện sỹ, nào là danh nhân, thậm chí có cả thiên tài, bộ óc lỗi lạc của thế kỷ(!), do các tổ chức kinh doanh tên tuổi ở nước ngoài hào phóng phong tặng sau khi đã nộp đủ lệ phí, mà một số tờ báo chính thống của ta – không biết là do ngây thơ thật hay cố tính ngây thơ, đã tiếp tay “lăng xê” một cách nhiệt tình. Ông Trần Đức Nguyên – thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, đã cụ thể hóa yêu cầu của ông Vallely bằng các tiêu chuẩn: là nhà khoa học có uy tín, có năng lực quản lý, có tiếng nói để tập hợp được mọi người, phải giỏi tiếng Anh và tuổi chưa cao và khái quát thêm: phải chọn được người đứng đầu thật sự uy tín, tư duy thoáng nhưng lại được đủ sự tin cậy để có thể quyết định những chuyện hệ trọng (nguồn tài liệu VietnamNet đã dẫn). Ôi quả là khó lắm thay! Mà nếu tìm được người có phẩm chất toàn vẹn như thế thì có lẽ nên đặt vào vị trí lãnh đạo quốc gia e rằng mới tương xứng, chứ chỉ để ở vị trí lãnh đạo một dự án đại học thì hơi bị phí(?). Theo tôi thì để việc lựa chọn người chủ trì về phía Việt Nam khả thi, hãy đặt ưu tiên cho 3 tiêu chuẩn: am hiểu giáo dục đại học (tiên tiến), có năng lực quản lý (trước hết là quản lý giáo dục đại học) và giỏi tiếng Anh. Một người đạt được 3  tiêu chuẩn trên sẽ hoàn toàn có thể tạo ra cho mình uy tín và độ tin cậy thông qua các hoạt động thực tiễn của mình, dưới sự giám sát của Ủy ban Quốc gia Giáo dục do Thủ tướng đứng đầu. Không nên đòi hỏi nhân vật này phải là có uy tín về khoa học chung chung, bởi hai lẽ. Thứ nhất, một nhà khoa học đoạt giải Nobel có thể lãnh đạo tốt một nhóm nghiên cứu, một labo, nhưng chưa chắc đã quản lý nổi một trường đại học. Đây chính là một tồn tại lớn trong việc sử dụng, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta. Quản lý là một nghề cần được đào tạo bài bản và cụ thể cho từng lĩnh vực (ví dụ quản lý giáo dục đại học) chứ không thể cứ có học vị tiến sĩ, có chức danh giáo sư là có thể chuyển sang làm quản lý “ngon lành” như chúng ta thường thấy ở Việt Nam. Thứ hai, uy tín khoa học chỉ có tính tương đối, cục bộ. Một người có uy tín trong ngành Vật lý chưa chắc đã được những người làm Toán tâm phục, khẩu phục. Trong khi trường đại học chúng ta cần xây dựng là đa ngành, đa lĩnh vực và ngành nào, lĩnh vực nào cũng muốn thu hút được những nhà giáo, nhà khoa học xuất sắc nhất.

Một số ý kiến còn bổ sung thêm tiêu chuẩn tâm huyết (với giáo dục). Tôi cho rằng tiêu chuẩn này là quá  trừu tượng, khó đánh giá –cũng giống như tiêu chuẩn ”động cơ” khi chúng ta xét kết nạp Đảng. Chẳng có ai làm giáo dục mà lại tự nhận mình là không tâm huyết cả, và cũng chẳng có cơ sở nào để đánh giá một người nào đó là tâm huyết (hay không tâm huyết) với nghề, trừ khi họ bộc lộ những hành vi cụ thể. Như khi xin thành lập các trường đại học dân lập, ai cũng bày tỏ tâm huyết với giáo dục hết sức cao cả, nhưng đến khi đi vào hoạt động thì nhiều trường đã bộc lộ rõ mục tiêu lợi nhuận bất chấp tất cả, kể cả vi phạm pháp luật. Tôi cho rằng Giáo sư Trần Văn Thọ ở Đại học Waseda – Nhật Bản, đã rất chí lý khi khi nhận xét: “Nhiều đại học dân lập ở ta bây giờ, chỉ sau 4-5 năm đã có đủ tiền để xây những cơ ngơi lớn, đây là sự bất công cho những lớp sinh viên đầu tiên phải đóng tiền nhiều hơn những dịch vụ giáo dục mà họ được hưởng. Có thể coi đây là một hình thái bóc lột.” (nguồn VietnamNet đã dẫn). Bởi thế, nên thay tiêu chuẩn tâm huyết bằng điều kiện cần: thích làm, hay muốn làm, thể hiện qua việc đăng ký vào danh sách ứng viên tuyển chọn nhân sự chủ trì đề án xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, bất kể đó là người Việt đang sống và làm việc ở trong nước hay ngoài nước. Người đã thích làm, lại có đủ năng lực để làm (thể hiện ở 3 tiêu chuẩn nói trên) thì chắc chắn là sẽ làm được. Trường đại học đẳng cấp quốc tế này phải được trao quyền tự chủ toàn diện, trước hết là quyền tự chủ về tuyển chọn và sử dụng nhân sự – điều mà các trường đại học của chúng ta hiện nay, kể cả các trường dân lập, đều không có và chính điều đó đã trở thành nguyên nhân quan trọng của sự trì trệ, kém chất lượng. Không thể áp đặt quy chế tuyển chọn và quản lý công chức hiện hành ở nước ta cho tổ chức đặc biệt này. Nói điều này bởi tôi nhớ đã có lần bản thân Thủ tướng của chúng ta cũng phải thừa nhận là chính ông cũng không thể dễ dàng cách chức một cán bộ dưới quyền kém năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Nếu vì thế mà bắt buộc ông Hiệu trưởng của Trường đại học mới này cũng phải “nhập gia tùy tục” thì tốt nhất là đừng nên “vẽ” chuyện xây trường làm gì cho tốn công, tốn của. Trường đại học mới này phải tuyển chọn được một đội ngũ giảng viên xuất sắc thì mới có thể hy vọng sớm đạt được đẳng cấp quốc tế. Tuy nhiên ở đây cũng cần lưu ý việc bảo toàn lực lượng cán bộ chuyên môn của các trường đại học hiện có, vì mục đích của việc xây dựng trường mới này là tạo ra một hình mẫu phấn đấu, một đầu tầu mạnh mẽ kéo cả đoàn tàu GDĐH Việt Nam đi lên, chứ không phải để “thôn tính” các trường hiện có. Cần có một cơ chế thoáng và mềm dẻo để tạo điều kiện cho các cán bộ giỏi của các trường đại học khác tham gia vào các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của Trường đại học mới này (và từ đó đem về áp dụng cho trường mình) mà không cần phải xin chuyển trường.
Sẽ còn đầy rẫy khó khăn trên lộ trình xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam, nhưng những khó khăn lớn nhất lại không phải là vấn đề tiền mà lại là con người, hay nói như ông Thomas Vallely, đó chính là “sự cố thủ của các nhóm lợi ích”, kể cả ở mức quản lý nhà nước lẫn mức thực thi, sẽ tạo ra những chướng ngại khôn lường. Rất may, đây là một công việc do đích thân Thủ tướng “đặt hàng”, bởi vậy chúng ta hy vọng rồi mọi khó khăn cũng sẽ được vượt qua nhờ những cam kết từ đầu của Chính phủ. Tuy nhiên, dù có lạc quan đến mấy thì cũng đừng nên suy diễn ảo tưởng rằng đến năm 2010 Việt Nam sẽ có đại học đẳng cấp quốc tế, vì thấy đã có những nơi làm được điều đó, ví như Đại học Bremen của CHLB Đức chỉ sau 5 năm xây dựng đã trở thành trường đẳng cấp quốc tế!

Dạy bằng tiếng Anh hay tiếng Việt?

Một vấn đề cũng đang được bàn cãi khá nhiều, đó là nên dạy bằng tiếng Anh hay tiếng Việt trong các  trường đại học ở  nước ta? Tôi có cảm nhận là nhiều người coi việc dạy bằng tiếng Anh là thước đo tiên quyết của chất lượng đào tạo đại học và sau đại học. Có thể tôi chưa biết hết, nhưng tôi tin rằng ở các nước không nói tiếng Anh, như Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Tây Ban Nha… người ta cũng không có ý định chuyển sang giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh trong các trường đại học. Có chăng chỉ là đối với một số chương trình đào tạo đặc biệt, thường là các chương trình sau đại học. Ỏ Việt Nam hiện nay cũng có một số chương trình đào tạo được nước ngoài tài trợ, và nước nào tài trợ thì dạy bằng tiếng nước đó. Ví dụ ngành Tin học (Công nghệ Thông tin) đã có các chương trình dạy bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và sắp tới sẽ có cả tiếng Nhật. Dĩ nhiên tiếng Anh với vị trí toàn cầu của nó là hết sức cần thiết, nhưng bài toán đặt ra cho chúng ta là: trong khoảng thời gian có hạn của một khóa đào tạo, chúng ta bắt buộc phải lựa chọn để xếp thứ tự ưu tiên giữa hai mục tiêu: kiến thức và tiếng Anh. Theo tôi, nên đặt mục tiêu kiến thức cao hơn mục tiêu tiếng Anh, nếu không thì đầu ra của chúng ta rất có thể sẽ là những kẻ “dở ông, dở thằng” – kiến thức thì “lơ mơ” mà tiếng Anh thì cũng “trọ trẹ”! Bởi trình độ tiếng Anh của cả thầy (người Việt) và trò đều có hạn nên các giờ giảng rất dễ trở thành buổi diễn trò “đố chữ”, nhiều khi thầy nói một đằng, trò hiểu một nẻo, làm sao mà thu nhận được kiến thức chuyên môn mà bài giảng cần truyền đạt tới sinh viên? Hiện tượng này là có thực, báo chí đã từng nói đến, và bản thân người viết bài này cũng đã từng chứng kiến. Tất nhiên trừ trường hợp mời giáo sư người nước ngoài, hoặc tổ chức các chương trình đào tạo quốc tế nhằm thu hút cả sinh viên ngoại quốc thì việc giảng dạy bằng tiếng Anh là bắt buộc. Đối với trường đại học đẳng cấp quốc tế được xây dựng mới, với những điều kiện thuận lợi về tuyển chọn giảng viên và sinh viên thì có thể thử nghiệm việc giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trước hết là cho các chương trình sau đại học. Nhưng dù thế nào đi nữa thì phải nhanh chóng đổi mới triệt để cách dạy tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành trong các trường đại học của chúng ta hiện nay.

Học liệu mở: rất hữu ích nhưng đâu phải là “mì ăn liền”!

Báo điện tử Tuổi Trẻ Online (Thứ Bảy, 19/11/2005) đã đưa ý kiến của Ông Phạm Đức Trung Kiên – Giám đốc điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF), đánh giá sự kiện ký kết Biên bản ghi nhớ đưa Học liệu mở (OpenCourseWare – OCW) của Học viện Công nghệ Massachussets (MIT) ở Hoa Kỳ vào Việt Nam diễn ra chiều ngày 17/11/2005 tại Hà Nội (giữa MIT, VEF, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và VASC) rằng “Đây là sự kiện có tính lịch sử đối với giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ việc Thủ tướng Phan Văn Khải nhận được bản tóm tắt về học liệu mở tại  MIT vào tháng 6/2005”. Tôi rất ngạc nhiên vì OCW chẳng còn mới mẻ gì đối với nhiều trường đại học trong nước. Ở Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ngay từ tháng 9/2004, chúng tôi đã khuyến cáo các giáo viên cố gắng tham khảo trang Web http://ocw.mit.edu/index.html để khai thác tối đa kho học liệu mới được MIT “mở” ra cho toàn thế giới này. Lúc đầu chúng tôi rất phấn khởi, háo hức vì nghĩ rằng từ nay khỏi lo biên soạn giáo trình, bài giảng – một công việc hết sức nặng nhọc và đau đầu đối với một ngành phát triển chóng mặt như Công nghệ Thông tin, mà cứ việc bê nguyên các học liệu có chất lượng hàng đầu thế giới này ra mà “xài”, chả mấy chốc Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ sánh vai cùng MIT(!). Tuy nhiên, mặc dù cũng cùng loại trường công nghệ như MIT nhưng trên thực tế chúng tôi cũng chỉ tham khảo, học tập được từ OCW chủ yếu là về mô hình đào tạo bậc cao, phương pháp luận, khung kiến thức cho các môn học, cấu trúc của các bài giảng, bài tập, câu hỏi liên quan. Trong OCW không có nội dung (mà chỉ có tên) các sách giáo khoa, sách tham khảo, phần mềm minh họa cho các môn học. Phải thừa nhận là OCW rất có ích cho chúng ta – nhất là đối với các trường đại học công nghệ, nhưng nó không phải là loại “mì ăn liền”. Để “biến” OCW của MIT thành học liệu sử dụng phù hợp và hiệu quả cho thầy và trò Việt Nam (chưa nói đến việc biến nó thành một hệ thống e-learning thực sự) sẽ còn phải đầu tư rất nhiều tiền của và công sức. (Để cho khách quan, bạn đọc có thể tham khảo thêm ý kiến nhận xét về OCW của tác giả Vũ Tiến Dũng trên Tuổi Trẻ Online ngày 11/12/2005, chuyên mục Giáo dục – Du học). Đừng nghĩ đơn giản rằng sinh viên Việt Nam chỉ cần học theo OCW là đương nhiên có đẳng cấp quốc tế, nếu vậy thì cần gì phải xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế nữa?

Hy  vọng với sự hợp tác tay ba MIT-VEF-MOET (tôi không kể VASC vào đây vì quả thực không hiểu được công ty này có vai trò gì đặc biệt trong chuyện này, ngoài vai trò tuyên truyền, quảng bá như bất kỳ một phương tiện thông tin đại chúng nào), MIT sẽ hỗ trợ cho các trường đại học Việt Nam nhiều hơn những gì tôi được biết qua OCW đang được MIT phổ biến trên Internet.

Chiếc Lexus và cây ô-liu
Trong tác phẩm nổi tiếng “The Lexus and the Olive Tree” (Chiếc Lexus và cây ô-liu – bản dịch tiếng Việt của Lê Minh, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 2005), Thomas L. Friedman coi quá trình toàn cầu hóa là sự vật lộn, đấu tranh, giành giật không ngừng giữa chiếc xe hơi nhãn hiệu Lexus của hãng Toyota (đại diện cho động lực tồn tại, cải tiến, làm giàu và hiện đại hóa, đại diện cho những thị trường mới sôi động, những định chế tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông… phục vụ cho việc nâng cao điều kiện sống hiện nay) và cây ô-liu (đại diện cho cội nguồn truyền thống, cho gia đình, cộng đồng, dân tộc và những điều liên quan). Tiến trình đổi mới GDĐH Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy mãnh liệt của toàn cầu hóa, vì thế trong đó cũng luôn luôn có bóng dáng của chiếc Lexus và cây lúa (thay cho cây ô-liu của phương Tây). Mong rằng chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta sẽ là môi trường lành mạnh để “cuộc chiến” giữa chúng chỉ mang lại cho chúng ta những kết quả tích cực: GDĐH Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung không ngừng phát triển, hội nhập mà vẫn không làm mất đi bản sắc và cội nguồn truyền thống của dân tộc.

Nguyễn Thúc Hải

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)