Đổi mới tư duy về vai trò của tư nhân trong giáo dục đại học

Theo The Economist số ngày 10/4, vào thời điểm đầu năm 2012 nước Mỹ vẫn là một trong những nền kinh tế có năng suất cao nhất thế giới của mọi thời đại, và “ngành công nghiệp” thành công nhất với mức xuất khẩu cao nhất của nền kinh tế năng động này chính là giáo dục đại học.

Có được thành quả đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu là toàn bộ nền giáo dục đại học không phân biệt công tư, vì lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận đều được đối xử sòng phẳng trên cơ sở quyền thông tin của người học và sự điều tiết và giám sát của nhà nước. Sự khác biệt duy nhất giữa các trường phi lợi nhuận (công lập và tư thục phi lợi nhuận) và các trường vì lợi nhuận chỉ là sự sở hữu tài sản và chính sách thuế. Yếu tố thị trường và cạnh tranh tồn tại rất rõ, và được xem là một tác nhân tốt cho sự phát triển của giáo dục đại học nói chung. Còn đối với Việt Nam thì tất cả những điều trên nghe chừng vẫn còn quá xa lại và mới mẻ và dường như có phần không phù hợp?

Từ vài thập niên nay chúng ta cũng đã có chủ trương “xã hội hóa giáo dục” hay nói cách khác là thu hút đầu tư của tư nhân vào giáo dục. Nhưng đường đi của khối đại học, cao đẳng ngoài công lập là một con đường không bằng phẳng, mà gập ghềnh khúc khuỷu. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa chính thức đưa vào Luật các khái niệm “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”. Và quan điểm toàn bộ giáo dục, kể cả giáo dục đại học, phải là “hàng hóa công”, là “công ích”, dường như cho đến nay vẫn là quan điểm thống trị.

Với một quan điểm như vậy nếu thực hiện được thì có lẽ cũng rất đẹp. Nhưng thực tế tuyệt đại đa số giảng viên đại học chưa sống được bằng đồng lương tại nhiệm sở chính thức của mình mà vẫn phải chạy đôn chạy đáo dạy thêm khắp nơi, không có thời gian và và điều kiện (tài liệu, thư viện) để cập nhật kiến thức chứ chưa nói là nghiên cứu để tạo ra những tri thức mới theo đúng nghĩa. Đa số sinh viên đi học thì ngán ngẩm với chương trình cũ kỹ với nhiều điều dường như không mấy hữu dụng. Và một điều rất hiển nhiên là hầu hết (tất cả?) mọi người nếu có đủ điều kiện thì sẽ hoàn toàn tự nguyện và thậm chí hãnh diện bỏ tiền túi để cho con em mình đi học ở những nơi mà giáo dục đại học được xem là một “món hàng” để xuất khẩu. Một món hàng cao cấp và tốn kém nhưng là một đầu tư xứng đáng vì những lợi ích cá nhân mà “người mua” sẽ nhận được.

Vì vậy để đạt chỉ tiêu 40% sinh viên theo học ở các đại học, cao đẳng tư thục vào năm 2020 thì một cuộc giải phóng tư duy về vai trò của tư nhân trong giáo dục đại học, nhằm vừa thu hút nguồn lực của xã hội để mở rộng tiếp cận giáo dục cho mọi người dân trong nước, lại vừa tập trung nguồn lực công để xây dựng thành công các đại học công lập hàng đầu, có lẽ là điều cấp bách nhất trong giai đoạn phát triển hiện nay của giáo dục Việt Nam.  Nếu không, thì e rằng việc tiếp tục phát triển khối trường ngoài công lập của Việt Nam vẫn sẽ là một con đường vô cùng gian truân, và sự tụt hậu đối với các nước xung quanh sẽ là một điều không còn gì phải bàn cãi nữa.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)