Đối tác nước ngoài muốn gì ?

Mọi hợp tác bền vững, lâu dài, phải là những hợp tác “win-win” mà các bên tham gia cùng có lợi. Khi các đối tác quốc tế hợp tác với Việt Nam, họ cũng có những mong muốn, chờ đợi của họ. Khi mà hai hay nhiều phía hiểu nhau hơn, biết được các mong muốn, chờ đợi của nhau, thì sự hợp tác sẽ thuận lợi hơn. Bởi vậy, theo tôi, câu hỏi “các đối tác nước ngoài muốn gì” là một câu hỏi rất quan trọng, cần được nghiên cứu và thảo luận chi tiết, và chúng ta cũng cần có trao đổi thẳng thắn cởi mở với các đối tác nước ngoài để hiểu họ rõ hơn, biết họ muốn gì?

Hợp tác quốc tế là điều mà các tổ chức (trường đại học, viện nghiên cứu,…) và cá nhân (giảng viên đại học, nhà khoa học,…) nước ngoài rất coi trọng, và những điều chủ yếu mà họ muốn có được từ sự hợp tác là:
– Nâng cao địa vị xã hội
– Nâng cao kết quả và uy tín khoa học
– Nâng cao chất lượng và uy tín đào tạo
– Tìm đầu vào (nguồn sinh viên giỏi, cán bộ tương lai…)
– Tìm đầu ra (xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ, chương trình đào tạo,…)
– Gây ảnh hưởng đến những nơi khác
– Lợi nhuận về vật chất, tài chính (trước mắt hoặc tương lai)
– Lợi về tinh thần (thỏa mãn những nhu cầu nào đó về tinh thần)
– Chất lượng và hiệu quả trong việc hợp tác
Không phải tất cả các đối tác đều muốn có tất cả các điều trên, nhưng nói chung đối tác nào cũng muốn đạt được ít ra một số điều trong các điều trên. Việt Nam, với trên 80 triệu dân, là một nước tương đối lớn về mặt dân số trên thế giới, nên được nhiều đối tác nước ngoài quan tâm. Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng, Việt Nam nói chung không phải là trọng điểm trong các chiến lược hợp tác quốc tế của các đối tác nước ngoài. Trọng điểm của họ thông thường sẽ là Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Ấn Độ, Nga, Mỹ Latinh, v.v.  Việt Nam có nhiều điểm yếu, “kém cạnh tranh” so với những nước khác, ví dụ như thị trường Trung Quốc (kể cả về đại học và nghiên cứu khoa học) lớn hơn Việt Nam nhiều lần và chất lượng trung bình cũng cao hơn nhiều.
Một số điều mà các đối tác nước ngoài không muốn gặp phải là:
– Thấy mình bị lợi dụng
– Hợp tác không hiệu quả, không đi đến đâu
– Hợp tác với những đối tác không nhiệt tình, không nghiêm túc
– Hợp tác với những đối tác có uy tín “âm” (có tiếng gian trá, lừa đảo, tham nhũng, …)

Vậy làm sao để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các đối tác nước ngoài?
– Hợp tác nghiên cứu có kết quả. Rất nhiều đối tác nước ngoài có kinh phí cho hợp tác quốc tế về khoa học, kinh phí để mời các nhà khoa học từ nơi khác đến làm việc hoặc thực tập chỗ họ ngắn hạn hoặc dài hạn. (Ví dụ ngay đại học của tôi, thông thường mỗi năm tôi có thể mời các đồng nghiệp nước ngoài đến chỗ tôi làm việc tổng cộng vài tháng, do trường trả tiền mỗi tháng khoảng 5000-6000 USD). Tất nhiên nói chung họ chỉ mời những người sẽ có đóng góp khoa học gì đó, có ích cho khoa học nói chung hoặc cho họ nói riêng. Nhiều nước (như Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Pakistan…) còn có các chính sách để “câu” các nhà khoa học giỏi đến nước họ làm việc. Việc tìm đối tác quốc tế không khó, miễn sao mình chứng tỏ được là có làm khoa học nghiêm chỉnh, có thể hợp tác thực sự được với họ để cùng họ nghiên cứu ra kết quả, chứ không phải chỉ lợi dụng họ. Kể cả khi trình độ của chúng ta còn yếu, nhưng nếu chứng tỏ quyết tâm làm ăn nghiêm chỉnh, thì họ vẫn có thể quan tâm. Việc có quá nhiều “tiến sĩ giấy” ở Việt Nam là một cản trở lớn cho hợp tác quốc tế, vì nó làm mất uy tín của các nhà khoa học Việt Nam (khi người ta chẳng may hợp tác phải một “tiến sĩ giấy” thì người ta sẽ nghi ngại cả những tiến sĩ “xịn”). 
– Nhận nghiên cứu sinh. Đối với một giáo sư, được hướng dẫn một nghiên cứu sinh (NCS) giỏi có triển vọng lớn là một niềm vui, thấy sự hướng dẫn của mình có nhiều ý nghĩa, còn hướng dẫn một NCS quá kém hoặc không nghiêm túc thì là một công việc nặng nhọc ít ý nghĩa. Một NCS mà không theo học nổi, thì làm mất uy tín của nơi đào tạo. Đây là vấn đề xảy ra đối với nhiều NCS từ các nước “đang phát triển” đến các trường đại học tiên tiến, trong đó có cả những trường hợp từ Việt Nam mà tôi biết, sự chuẩn bị về kiến thức và cung cách làm việc bị chênh lệch nhiều so với các nước tiên tiến. Đây là lý do vì sao nhiều khi họ ngại nhận NCS từ các nước “đang phát triển” trong đó có Việt Nam: không phải do họ kỳ thị, mà vì họ lo ngại chất lượng không đảm bảo, thực tế là như vậy. Nếu NCS Việt Nam được những người có uy tín quốc tế trong khoa học đứng ra giới thiệu và đảm bảo về chất lượng thì sẽ dễ được nhận hơn, vì họ sẽ tin vào lời giới thiệu của những người này. (Nhưng ai mà giới thiệu “nhầm” nhiều thì cũng sẽ mất uy tín). Tất cả những ai tốt nghiệp đại học ở Việt Nam mà có “trình độ quốc tế” và đủ trình độ ngoại ngữ, thì đều có rất nhiều khả năng xin học bổng trực tiếp của các trường nước ngoài (riêng trong ngành toán, tôi biết khả năng đó gần như là 100%). Chương trình 322 của Bộ GD&ĐT là một chương trình rất hay, vì nó cho phép nhiều người thuộc loại “khá” (so với Việt Nam) nhưng chưa phải “xuất sắc” có điều kiện được đi học tiếp ở nước ngoài, và sẽ mở mang đầu óc rất nhiều trong mấy năm học đó.
– Nhận sinh viên. Chi phí đào tạo một năm cho một SV trên thế giới là không nhỏ (có thể vào khoảng 10-20 nghìn USD hoặc hơn, tùy từng nơi, chưa kể chi phí sinh hoạt). Các đại học nước ngoài có thể gánh cái chi phí này mà không thu học phí (hoặc chỉ thu một phần học phí đối với SV Việt Nam), nếu như điều này có lợi gì đó cho họ. Tất nhiên lợi ở đây không phải là về tài chính trước mắt (vì họ bỏ tiền ra mà không thu lại từ SV Việt Nam), mà là lợi về uy tín, lợi về ảnh hưởng lâu dài. Tất nhiên, sinh viên đến học từ nước ngoài phải thật giỏi, càng có triển vọng về sau trở thành những chuyên gia hay những người quản lý và người lãnh đạo có ảnh hưởng lớn, thì triển vọng lợi về uy tín và ảnh hưởng lâu dài của nơi nhận các sinh viên này mới càng cao. Học sinh và sinh viên của Việt Nam nếu được chuẩn bị tốt, thì khả năng được nhận học và theo học thành công ở các trường nước ngoài càng lớn. Khi có các ký kết hợp tác cụ thể giữa các đại học của Việt Nam với đại học ở nước ngoài về việc gửi SV Việt Nam sang học, với sự đảm bảo về mặt chất lượng của các sinh viên được gửi sang (tất nhiên phía nước ngoài người ta vẫn sẽ kiểm tra trình độ), thì các thỏa thuận hợp tác này tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi SV đi nước ngoài học.
– Chất lượng đào tạo và chương trình ở Việt Nam. Các đối tác nước ngoài muốn “đầu vào” của họ từ Việt Nam phải đảm bảo chất lượng, bởi vậy họ muốn chương trình và chất lượng đào tạo ở Việt Nam phải đạt “chuẩn quốc tế”, đồng thời họ cũng có thể giúp Việt Nam trong chuyện này. Chương trình đào tạo ở Việt Nam nhiều nơi còn chưa hợp lý (mất quá nhiều thời giờ vào những thứ “không cần thiết”, trong khi có những thứ “cần học” để có thể theo kịp thế giới hoặc để có thể làm việc hiệu quả hơn ở Việt Nam, thì lại không được học). Ở một số nơi có giải pháp là “bê nguyên” một chương trình ở một đại học nước ngoài vào, với sự “cố vấn kỹ thuật” của đại học nước ngoài đó. Có thể coi đây là giải pháp “tạm ổn”. Theo tôi, các chương trình của ta cần tham khảo các chương trình của các đại học khác nhau, cộng với nhu cầu và thực lực của Việt Nam, để cải cách các chương trình ở Việt Nam, hướng tới chất lượng và hiệu quả thực sự.
– Chuyên gia nước ngoài đến làm việc ở Việt Nam. Không phải ai cũng thích đến Việt Nam giảng bài, nhưng số người có thể đến cũng khá lớn, nếu như chúng ta có chế độ hợp lý cho họ. Về hiệu quả kinh tế, mời người đến giảng bài có khi còn hiệu quả hơn là gửi sinh viên ra nước ngoài học. Vì ta không có đủ kinh phí để gửi quá nhiều sinh viên, trong khi một giảng viên nước ngoài đến Việt Nam có thể gây ảnh hưởng tốt đến rất nhiều SV. Thế nhưng hiện tại chính sách của Việt Nam trong chuyện này chưa hấp dẫn. Ví dụ như, rất khó khăn trong chuyện trả tiền vé máy bay cho chuyên gia nước ngoài. Chúng ta vừa muốn họ đến làm “không công” cho chúng ta, lại vừa bắt họ tự lo tiền vé, thì nhiệt tình của họ sẽ giảm hẳn. Hãy nhìn sang Pakistan: nghèo gần như Việt Nam, nhưng sẵn sàng trả lương rất cao cho các chuyên gia nước ngoài đến làm việc ở đại học của họ.
– Đại học mới, hay chương trình mới, theo mô hình nước ngoài. Cơ cấu tổ chức của những đại học “cũ” ở Việt Nam có nhiều vướng mắc, và đồng thời khó thay đổi. Trong khi đó, để đạt “chất lượng quốc tế” cần có một bộ máy tổ chức, một chương trình hợp lý hơn. Đó là lý do vì sao nên có những đại học mới, tiên tiến, theo mô hình nước ngoài. Các đối tác nước ngoài cũng rất quan tâm đến chuyện đó. Họ hy vọng sẽ có ảnh hưởng lớn đến các đại học mới này, qua đó ảnh hưởng đến Việt Nam. Việc xây mới đại học, với một cơ chế “hiện đại” ngay từ đầu, sẽ khiến cho nó tránh được nhiều khó khăn mà các đại học “cũ” gặp phải, dễ phát triển và đảm bảo chất lượng hơn. Nhưng tất nhiên các đại học mới này sẽ đòi hỏi một sự đầu tư rất lớn từ phía Việt Nam. Đối với các đại học “cũ” thì các chương trình mới theo mô hình nước ngoài có thể là một giải pháp hiệu quả mà được các đối tác nước ngoài quan tâm.
– Hội nghị khoa học quốc tế ở Việt Nam. Việt Nam có thể là nơi đăng cai tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế. Một trong các lý do là đối với nhiều người nước ngoài, Việt Nam hiện còn là một cái gì đó “exotic” mà họ ít biết đến (các nơi khác thì họ đã “đi nhẵn” rồi), muốn đến tham quan, và có nhiều người khi đến thì cũng cảm thấy thích Việt Nam. Đây là một điểm mà phía Việt Nam có thể chú ý “khai thác”. Các  hội nghị khoa học với những nhà khoa học đầu ngành trên thế giới có thể sẽ góp phần làm phấn chấn giới khoa học và đại học Việt Nam, mở ra nhiều quan hệ quốc tế và triển vọng hợp tác quốc tế mới có lợi cho Việt Nam. Tất nhiên, muốn có được những hội nghị quốc tế đàng hoàng, thì cũng phải có những đầu tư lớn về công sức và tiền của. Ví dụ: tổng chi phí cho một người đến dự hội nghị trong vòng 1 tuần ở Việt Nam trung bình không dưới 2000 USD, một hội nghị với 50 khách quốc tế sẽ có tổng chi phí không dưới 100 nghìn USD. Tất nhiên ta có thể yêu cầu các khách quốc tế gánh một phần chi phí này, nhưng phía đăng cai hội nghị cũng phải gánh ít ra 30% chi phí (30 nghìn USD) thì mới dễ tổ chức thành công. Nếu chúng ta “ki bo” quá thì khó hợp tác.
——–
* ĐH Toulouse – Pháp

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)