Đốm lửa Trường hè Khoa học

Không thể thay đổi cuộc đời các học viên trong khóa học ba ngày nhưng Trường hè Khoa học đã làm thay đổi tư duy của họ.

Lắng nghe bản thân muốn gì

“Em học ngành này thì sau khi ra trường em sẽ làm gì hả thầy?” “Em sẽ làm nghiên cứu.” “Nghiên cứu tức là làm gì ạ?” Nghe có vẻ “ngô nghê”, nhưng đó là cuộc hội thoại thường xuyên giữa TS Ngô Đức Thế, một trong ba người sáng lập Trường hè Khoa học, với sinh viên năm nhất khi anh còn là giảng viên Khoa Vật lý của ĐH Khoa học Tự nhiên. “Các bạn không biết mình sẽ làm gì sau này,” anh nói. “Không ai có thể trả lời hộ sinh viên rằng các bạn nên hay không nên theo con đường nghiên cứu khoa học. Điều đó nằm ở bản thân mỗi người. Nhưng cũng không ai dẫn dắt để họ tự trả lời câu hỏi đó.”

Trường hè Khoa học là một chương trình kéo dài ba ngày do TS Giáp Văn Dương, TS Ngô Đức Thế và TS Lưu Quang Hưng sáng lập nhằm giúp các bạn trẻ có ý định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học “quả quyết, tự tin rằng mình sẽ làm gì trong tương lai”. “Cái tôi học ở Trường hè đó là lắng nghe bản thân muốn gì. Tôi nhận ra điều mình thực sự muốn theo đuổi,” – Tạ Thu An, sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, nói.

Trường hè Khoa học, diễn ra từ ngày 20-22/8, được sự hỗ trợ của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên và Microsoft Research, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR.

Trường hè Khoa học được mở ra lần đầu vào năm 2013. “Summer School” vốn là hình thức lớp học diễn ra vào kì nghỉ hè ở Mỹ và các nước châu Âu dành cho những nhà khoa học muốn trao đổi, trình bày kết quả nghiên cứu mới của mình. Với mong muốn hướng đến các nhà khoa học tương lai, những người sáng lập gọi chương trình của mình là Trường hè thay vì Trại hè. Trọng tâm của chương trình là “Nền tảng khoa học”, bao gồm các bài giảng về khái niệm “tự do học thuật” và phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt nhấn mạnh vào tư duy phản biện (critical thinking). “Đó là những kiến thức mà sinh viên nghiên cứu khoa học cần phải hiểu và nắm bắt được. Nếu không biết thế nào là tự do học thuật thì chúng ta không thể có những nhà khoa học giỏi,” TS Ngô Đức Thế nói.

So với năm 2013, Trường hè Khoa học 2014 có thêm những buổi thuyết trình ở một số lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Điều thú vị là dù đề cập những kiến thức khoa học chuyên sâu nhưng không khí của hội trường luôn sôi nổi. Các buổi học thường xuyên kéo dài hơn một tiếng so với dự kiến vì những cuộc trao đổi liên tiếp giữa học viên và giảng viên. Trong số những người tham gia giảng dạy có Nguyễn Ngọc Anh (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VEPR), TS Nguyễn Tô Lan, TS Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm), TS Đinh Hồng Hải (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội), TS Nguyễn Đức Thành (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – ĐH Quốc gia Hà Nội), TS Nguyễn Ngọc Huy (Viện Nghiên cứu Chuyển đổi Môi Trường và Xã hội), TS Phạm Bảo Yến (Phòng thí nghiệm Trọng điểm Enzyme và Protein), TS Đặng Văn Sơn (Trường ĐH Ruhr Bochum, Đức)…, phần lớn các giảng viên đều dưới 40 tuổi. “Chúng tôi hướng tới sự trẻ trung, gợi mở,” TS Ngô Đức Thế cho biết. Tất cả đều tình nguyện tham gia và không nhận thù lao.

“Tôi nghĩ là học ở Trường hè vui vẻ, cởi mở hơn học ở trường đại học rất nhiều. Tinh thần ở đây là chia sẻ và trao đổi. Ở trường [đại học], liệu có mấy ai dám ngắt lời thầy và nói: Em nghĩ thầy nói sai rồi không?” Thu An chia sẻ.

“Chúng tôi không thích sự xa cách giữa giảng viên và học viên. Chúng tôi muốn giữ không khí Trường hè đầm ấm như một phòng học,” TS Ngô Đức Thế nói. Trường hè Khoa học 2014 được tổ chức tại hội trường Ngụy Như Kon Tum, nơi người ta có cảm giác người học được đặt vào vị trí nổi bật hơn vị trí của người giảng dạy, cả do cách thiết kế chỗ ngồi, và cả do giảng viên thay vì đứng trên bục lại chọn đứng dưới lối đi và nhiều khi, ngồi giữa học viên. Người học cũng không gọi giảng viên là thầy/cô mà gọi họ là anh/chị. Trong bầu không khí “mở” như vậy, các học viên thoải mái trình bày ý kiến, quan điểm của mình trước những nhà khoa học nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn mình.


Học viên hứng thú trước bài giảng của TS Lưu Quang Hưng về việc chuẩn bị
cho học bổng chính phủ. Ảnh: Đặng Văn Sơn

“Trong họ sẵn sàng thắp lên một ngọn đuốc”

Hơn 500 hồ sơ đăng kí tham gia Trường hè Khoa học 2014, trong đó có cả du học sinh và các sinh viên đến từ các tỉnh ngoài Hà Nội. Trong số 200 học viên trúng tuyển, có ba học viên đến từ TP Hồ Chí Minh và Huế. Họ sẵn sàng tới Trường hè dù không được tài trợ chi phí ăn ở, đi lại.

Có lẽ, những nhà sáng lập Trường hè cũng bất ngờ về sức hút của mình. Nguyễn Bảo Huy, học viên của Trường hè khóa 2013, giờ là tình nguyện viên, chia sẻ về lý do mình quay trở lại: “Nghe có vẻ rất sách vở và sáo rỗng: tôi muốn được làm một việc có ý nghĩa cho cộng đồng, cụ thể là cộng đồng hẹp của các bạn trẻ yêu khoa học. Tuy nhiên, đó là lời thành thực. Từ Trường hè năm trước, tôi đã học được rằng người đi theo con đường khoa học thì cần phải có trách nhiệm học thuật. Việc tổ chức và giảng bài ở Trường hè Khoa học chính là một cách thực hiện trách nhiệm học thuật của các giảng viên. Tôi là người mới đang tập làm nghiên cứu, chưa trưởng thành về mặt học thuật, vậy tôi thực hiện trách nhiệm học thuật của mình ở mức độ nhỏ hơn, phù hợp với khả năng của mình – trợ giúp các công việc tổ chức. Đó là lý do chính tôi tham gia với tư cách là tình nguyện viên năm nay.”

Vào buổi dạy cuối cùng, khi TS Giáp Văn Dương quay xuống hỏi các học viên: “Ai nghĩ rằng mình sẽ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học sau này?”, gần như cả hội trường giơ tay. Song những người sáng lập suy nghĩ rất thực tế: “Bọn tôi chỉ mong, sau mỗi khóa học [bây giờ và trong tương lai], có được 10 người thực sự say mê và theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học là tốt rồi,” TS Ngô Đức Thế nói. Trong số 200 học viên trúng tuyển, khoảng 55% là học viên ngành kinh tế. “Đó là ngành mà cơ hội nghề nghiệp cho nghiên cứu thấp hơn các ngành tự nhiên.”

Đề cập điểm yếu của sinh viên Việt Nam do ảnh hưởng từ phương pháp giáo dục, đó là “chết cứng” khi đối diện với cái mới trong thực tiễn, TS Ngô Đức Thế cho rằng, Trường hè không loại bỏ được điểm yếu này nhưng có thể ít nhiều thay đổi nó. “Ít nhất, Trường hè cho họ một nền tảng tư duy để họ dám lao vào những cái mới. Họ sẽ thấy, con đường phía trước không hoàn toàn tăm tối mà có một đốm lửa dẫn dắt họ và trong họ cũng sẵn sàng thắp lên một ngọn đuốc.”

***

Đọc thêm:

Đại học không giảng đường

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=7826

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)