Đóng mà mở

Có thể thấy nền giáo dục nói chung, quy trình đào tạo tiến sỹ nói riêng ở Mỹ vừa mang tính mở, vừa mang tính đóng. Nó mở với những người cầu thị, trung thực, thượng tôn tinh thần khoa học và đóng với những kẻ toan tính vật chất, vụ lợi…


Tinh thần vị khoa học


Bản thân tôi trong thời gian học ở Mỹ từng khá bất ngờ khi trực tiếp nghe lời nói này từ một vị giáo sư (GS) tên tuổi, có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam khi tôi mời ông tham gia vào hội đồng của mình. Ông thẳng thắn nói với tôi rằng ông sẽ không giúp ích gì nếu ở trong hội đồng bởi chuyên môn sâu của ông khác so với dự định của tôi. Dĩ nhiên, ông khẳng định việc từ chối chỉ đến từ lý do chuyên môn.

Tôi nhận ra rằng, trước khi nhận lời hướng dẫn, đa phần các GS đều trao đổi khá kỹ về chủ đề mà nghiên cứu sinh (NCS) muốn thực hiện, mục đích nhằm xem có phù hợp với chuyên môn của mình không. Nhiều trường hợp họ từ chối cũng vì đã hướng dẫn đủ số lượng quy định hoặc đang thực hiện đề tài dự án nào đó nên không thể tận tâm hướng dẫn.

Đa phần các GS cũng chia sẻ thẳng thắn quan điểm làm việc, yêu cầu chuyên môn của mình để NCS được biết. Tôi cho đây là cách tiếp cận khoa học, sòng phẳng, giúp hai phía hiểu nhau và làm việc với nhau một cách hiệu quả nhất.

Các GS hướng dẫn ở Mỹ tuyệt nhiên không được trường trả tiền công cho việc hướng dẫn NCS. Việc hướng dẫn một hay nhiều NCS chỉ có ý nghĩa đóng góp cho hoạt động khoa học cho trường, khoa. Cả hội đồng cùng làm việc mà không hề có bất cứ hỗ trợ tài chính nào trong suốt thời gian hướng dẫn sinh viên của mình.

Hội đồng hướng dẫn đồng thời là hội đồng chấm luận án

Nhìn chung, hội đồng hướng dẫn một NCS bao gồm ít nhất năm thành viên (có thể nhiều hơn tùy vào nguyện vọng của NCS). Chủ tịch hội đồng và đa số thành viên bắt buộc phải là thành viên chính thức của cơ sở đào tạo. NCS cũng phải mời một thành viên đến từ khoa khác (có thể cùng hoặc khác trường, thậm chí từ nước khác), thành viên có chuyên ngành khác ngành mình đang học. Quy định này đưa ra nhằm đảm bảo tính khách quan, liên ngành, minh bạch trong suốt quá trình đào tạo NCS. Đây là tập thể vừa hướng dẫn, vừa đưa ra yêu cầu chuyên môn, vừa chấm điểm luận án của NCS sau này.

Việc thành lập hội đồng thường được tiến hành ở cuối năm thứ nhất, sau khi NCS đã chọn được người hướng dẫn chính làm chủ tịch hội đồng. NCS có thể tham vấn người hướng dẫn chính hoặc tự mình liên hệ với các GS khác trong và ngoài khoa. Việc dành cho khoảng một năm học tập trước khi xác định thành viên trong hội đồng của mình nhằm giúp họ có đủ thời gian xác định rõ hơn hướng nghiên cứu, tìm hiểu những GS phù hợp nhất cho mình. Tôi cho đây là cách làm tốt ngay cả khi trong thực tế, trên trang web của các cơ sở đào tạo bao giờ cũng công khai danh tính các giảng viên, bằng cấp và công trình khoa học của họ một cách công khai.

Sau khi thành lập, chủ tịch hội đồng sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên, nơi NCS trình bày kế hoạch học tập, đề tài luận án chi tiết hơn. Những trình bày này sẽ giúp cả hội đồng và NCS thống nhất một hướng đi, lộ trình cụ thể. Không ít trường hợp nhờ thảo luận từ cuộc họp này, NCS điều chỉnh hướng nghiên cứu của mình theo hướng phù hợp hơn với điều kiện, kế hoạch của mình.

Song hành với việc học các khóa học bắt buộc, tự chọn, NCS sẽ làm việc riêng với từng thành viên hội đồng để xây dựng thư mục tài liệu cần đọc, cần tham khảo cho luận án của mình. Danh mục này phải phù hợp với hướng nghiên cứu của NCS và nằm trong phạm vi chuyên môn sâu của người hướng dẫn.

Thông thường, danh mục tài liệu này bao gồm hàng trăm công trình các loại và khi gộp danh sách tài liệu cần đọc theo yêu cầu của cả hội đồng, đa phần NCS “vã mồ hôi” về dung lượng, quy mô của lượng kiến thức mà họ phải đọc, phải học, phải nhớ. Dù vậy, tất cả NCS sẽ phải nghiêm túc nghiên cứu các tài liệu cần đọc và đã được từng thành viên hội đồng phê chuẩn. Mục đích của việc này nhằm trang bị cho NCS nền tảng tri thức căn bản, đủ rộng, đủ sâu về hướng chuyên môn của họ. Đây cũng là sự chuẩn bị cần thiết cho kỳ thi sát hạch toàn diện (comprehensive exam) mà bất cứ NCS nào cũng phải trải qua và “nhớ đời” về tính khắc nghiệt của nó.

Kỳ thi sát hạch toàn diện


Ở Mỹ, việc được chấp nhận vào học không có nghĩa NCS sẽ ung dung, tuần tự học rồi viết và bảo vệ luận án. Họ phải trải qua một kỳ thi sát hạch được chấm điểm bởi chính hội đồng của mình. NCS sẽ phải trải qua các kỳ thi viết với từng thành viên hội đồng. Thông thường đây là kỳ thi tại lớp, không được mở tài liệu. Đề thi do từng thành viên hội đồng độc lập đưa ra. Nếu vượt qua kỳ thi này, sau khoảng một tuần NCS sẽ phải vượt qua kỳ thi vấn đáp trước cả hội đồng, nơi họ có thể bị hỏi, sát hạch thêm một số nội dung liên quan đến bài viết của mình.

Thời điểm tổ chức kỳ thi này do NCS tự chọn, tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của họ. Nội dung kỳ thi sẽ chỉ giới hạn trong danh sách tài liệu đọc mà NCS và từng thành viên đã thống nhất trước đó. Đề thi luôn bí mật nhưng nhìn chung NCS sẽ được yêu cầu tóm tắt, bình luận hoặc phản biện những công trình mình đã đọc. Dù vậy, không ít người không thể vượt qua kỳ thi này và phải thi lại. Việc thi trượt hai lần liên tiếp đồng nghĩa với việc NCS bị loại khỏi chương trình học và nếu muốn, họ phải nộp đơn lại từ đầu.

Chỉ sau khi vượt qua kỳ thi này, NCS mới được phép trình, bảo vệ đề cương nghiên cứu chi tiết trước hội đồng. Sau khi được phê duyệt, họ mới được phép triển khai nghiên cứu thực nghiệm. Cũng chỉ sau kỳ thi này, NCS mới được công nhận là ứng viên tiến sỹ (PhD Candidate), không còn phải đăng ký học các lớp từng học kỳ theo quy định của trường. Tính khắc nghiệt của kỳ thi này khiến không ít NCS bỏ cuộc, có người phải sau ba năm học mới dám đăng ký thi. Đa phần đều ngầm hiểu vượt qua cuộc thi này đồng nghĩa với việc cơ bản hoàn thành chương trình tiến sỹ.

Luận án tiến sỹ


Việc lựa chọn tên đề tài, nội dung, địa bàn nghiên cứu hoàn toàn do NCS quyết định. Ý kiến của hội đồng chỉ có tính chất tham khảo nhưng NCS sẽ phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Việc đổi tên luận án hoàn toàn dễ dàng ngay cả sau khi NCS hoàn thành nghiên cứu thực địa, thậm chí trước khi bảo vệ một thời gian ngắn.

Dù mức độ nghiêm ngặt ở từng cơ sở đào tạo có khác nhau nhưng bất kỳ luận án tiến sỹ nào cũng phải trả lời được một số câu hỏi căn cốt: đóng góp cụ thể về mặt lý thuyết, phương pháp của nó đối với chuyên môn sâu của NCS là gì? Nó kế thừa ra sao từ các nghiên cứu trước và đưa ra được những vấn đề mới gì? Ý nghĩa khoa học của luận án và những vấn đề gợi mở cho các nghiên cứu tiếp theo? Đây là những câu hỏi mà NCS phải trả lời ngay ở phần đầu luận án của mình.

Đạo văn được coi là một trong những hành vi nghiêm trọng và mọi giải thích, biện hộ sẽ không bao giờ được chấp nhận. Đạo văn không chỉ bao gồm việc bê nguyên sản phẩm của người khác mà cả việc đạo ý tưởng mà không trích dẫn công khai, rõ ràng. Mọi vi phạm bị phát hiện dưới bất kỳ hình thức nào cũng đồng nghĩa với việc luận án bị đánh trượt và NCS chính thức tự đóng sập mọi cảnh cửa của mình trong cuộc đời khoa học.

Chương tổng quan tài liệu, trình bày lý thuyết, phương pháp nghiên cứu hết sức được coi trọng nếu không muốn nói là hồn cốt của luận án. Đây cũng là địa hạt được hội đồng quan tâm nhiều nhất bởi họ muốn xem NCS áp dụng cách tiếp cận, lý thuyết, phương pháp cụ thể nào, áp dụng chúng ra sao vào nghiên cứu cụ thể? Việc “treo đầu dê, bán thịt chó” theo kiểu nêu tên lý thuyết, phương pháp mà không hiểu thấu đáo, không áp dụng sẽ khiến luận án đó dễ dàng bị đánh đổ.

 

 

 

 

Tác giả