Gánh nặng học phí ở Trung Quốc

Ngày 24/5/1977, sau diễn văn nổi tiếng "Tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài" của Đặng Tiểu Bình, kỳ thi đại học cho học sinh toàn Trung Quốc được mở lại. Song sau 30 năm, một lần nữa người ta lại đặt câu hỏi: liệu giáo dục đại học ở Trung Quốc có thực sự công bằng với tất cả mọi người?

Chưa chạm tới cốt lõi
Suốt 10 năm thời Cách mạng Văn hóa, các trường đại học ở Trung Quốc không mở thi tuyển mà chỉ xét tuyển với mục đích “công bằng cho học sinh nông thôn”, thậm chí còn ngừng dạy trong ba năm để sinh viên xuống nông thôn. Trong bộ phim “Quyết liệt” thời đó có tình tiết: Kỳ xét tuyển, hiệu trưởng một trường đại học ở Giang Tây đích thân xem tay từng học sinh một, xem hễ ai tay có chai là… cho đậu đại học. Song kiểu xét tuyển tùy tiện này không phải để ưu tiên học sinh nông thôn, thực chất nó trở thành một đặc quyền cho con em cán bộ. Ngày 24/5/1977, sau diễn văn nổi tiếng “Tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài” của Đặng Tiểu Bình, kỳ thi đại học cho học sinh toàn Trung Quốc được mở lại. Song sau 30 năm, một lần nữa người ta lại đặt câu hỏi: liệu giáo dục đại học ở Trung Quốc có thực sự công bằng với tất cả mọi người?

“Câu trả lời là không,” chuyên gia giáo dục Chư Thiệu Huy phát biểu – “Nhưng  Trung Quốc chưa tìm ra cách nào tốt hơn để thay thế. Đến nay, thi tuyển vẫn là phương pháp ít dở nhất”.
Tình trạng “phân biệt đối xử” giữa các khu vực trong kỳ thi là khía cạnh bị chỉ trích nhiều nhất. Các trường thường bị ấn định chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng và chất lượng các trường của mỗi tỉnh cũng khác nhau nhiều. Thí dụ, tỉnh Hồ Nam có số trường đại học, cao đẳng tính theo đầu người thấp hơn so với Bắc Kinh. Bởi vậy, thí sinh ở Hồ Bắc phải có điểm bài thi cao hơn nhiều so với thí sinh ở Bắc Kinh mới mong đỗ vào đại học.
Những năm gần đây, nhiều gia đình phải chuyển chỗ ở để con họ có nhiều cơ hội thi đỗ vào đại học hơn. Năm 2005, một thí sinh xuất sắc của tỉnh Hồ Nam đã không được nhận vào trường đại học danh tiếng Thanh Hoa, châm ngòi cho cuộc tranh luận về vấn đề thí sinh đại học ngoại tỉnh. Lý Dương, một thí sinh người Hồ Bắc, đến Hải Nam thi đại học, bởi vì kỳ thi ở đây ít cạnh tranh hơn. Sau sự kiện này, “thí sinh ngoại tỉnh” bị cấm trên toàn Trung Quốc.
Trong kỳ họp quốc hội đầu năm, một đại biểu lại đề nghị bỏ thi đại học, cũng lại vì mục đích “công bằng”. Song những người thuộc thế hệ từng chịu thiệt thòi vì không được thi trước năm 1977 phản đối quyết liệt:  “Đối với một xã hội đã có thời nhiệt thành bãi bỏ kỳ thi đại học, gây thiệt thòi cho cả một thế hệ thanh niên, thì bây giờ chúng ta nên vui mừng với chế độ thi cử mà phải khó khăn lắm mới khôi phục lại được này và tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện nó” –  học giả Lôi Nghị phát biểu.
Suốt ba thập kỷ qua, nền đại học Trung Quốc không ngừng cải cách, chẳng hạn như mở rộng tuyển sinh, đào tạo liên thông và hoàn thiện đề thi. Tuy nhiên, những cải cách này chưa chạm được đến vấn đề cốt lõi – đó là sự thiếu vắng tinh thần đại học, gói gọn trong bốn nguyên tắc sau: tinh thần tự chủ, tinh thần nhân văn, tinh thần khoa học và tinh thần phản biện.

Học phí – rào cản vô hình

Năm 1989, mức học phí bình quân của sinh viên Trung Quốc mới chỉ khoảng 200 NDT/năm, đến 1995 là 800 NDT/năm; song đến 2006, con số này đã là gần 10.000 NDT – chỉ gần 10 năm mà học phí đã tăng lên mười mấy lần.
Mới đây thứ trưởng Bộ Giáo dục Dương Chu Phục phát biểu: Trong 7 năm vừa qua,  mức học phí của các trường đại học Trung Quốc vẫn giữ ở mức năm 2000. Ông Dương còn tuyên bố: Dù giá cả sinh hoạt có tăng thế nào thì các trường đại học vẫn phải tuân thủ quy định về thu học phí. Trường nào vi phạm sẽ bị xử phạt và truy cứu trách nhiệm người có liên quan.
Tuyên bố của ông Dương không những không làm người ta hài lòng mà còn thổi bùng lên cuộc tranh cãi về “gánh nặng học phí” ở Trung Quốc.
Một cuộc điều tra của hãng Tân Hoa Xã cho thấy: gần 82% không hài lòng với phát biểu của Thứ trưởng Bộ giáo dục: học phí hiện đã quá cao, vấn đề hiện không phải là có tăng hay không mà là có giảm hay không. Chỉ có 12% ý kiến hài lòng, cho rằng mức quy định học phí hiện nay là “được lòng người; số còn lại không tin những gì ông Dương nói.
Một cuộc điều tra khác ở Bắc Kinh cho thấy: 64% gia đình ở Bắc Kinh cho rằng học phí đại học hiện quá cao, 34% nói phải cắt giảm nhiều khoản chi tiêu cho học phí. ở Bắc Kinh, hai vợ chồng chỉ có một con học đại học mà còn như vậy, đủ biết cánh cửa đại học đối với các gia đình nông dân “cao vời vợi” thế nào.
Quy định về học phí của Trung Quốc được ban hành từ năm 1996, theo đó gia đình sinh viên sẽ phải đóng góp 25% chi phí đào tạo. Song đến nay “chi phí đào tạo” là gì thì cũng còn chưa có nghiên cứu và quy định cụ thể. Liệu việc các trường đại học đua nhau xây cất xa hoa để gia đình học sinh phải chịu đóng góp một phần có là hợp lý?
“Nhà trường luôn ở thế mạnh, gia đình học sinh luôn ở thế yếu, không dám kêu ca” – Nhà nghiên cứu giáo dục Đường An Quốc ở Đại học Sư phạm Hoa Đông phát biểu.
Song mức đóng học phí bằng 25% chi phí đào tạo vẫn chỉ là trên giấy tờ. Giáo sư Hùng Bính Kỳ, người từng nhiều năm nghiên cứu giáo dục của Trung Quốc ước tính con số thực phải là khoảng 36%. Ông cho rằng mức học phí đại học của Trung Quốc có 3 điều chưa lý giải được:
– Chi phí đào tạo là thế nào?
– Tỷ lệ đóng góp của gia đình sinh viên bao nhiêu là hợp lý?
– Trong khi một số trường đại học “tên tuổi” nâng mức học phí lên tới trên dưới 30% chi phí đào tạo, thì vì sao một số trường “làng nhàng” không hạ tỷ lệ học phí?
Trước những tranh cãi về học phí, Bộ Tài chính cũng “vào cuộc”. Ngày 21/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trung Quốc Trương Thiếu Xuân tuyên bố nghiên cứu hệ thống chính sách hỗ trợ học phí, trong đó đặc biệt khuyến khích tín dụng địa phương cho sinh viên vay vốn. Ông Trương nói: Tín dụng địa phương có ưu thế hơn so với ngân hàng nhà nước ở điểm, gia đình sinh viên có khó khăn hay không thì xóm giềng biết ngay, điều tra rất dễ. Mặt khác, biết rõ gia đình rồi, một khi sinh viên “thành đạt” thì thu hồi vốn vay cũng không khó. Vấn đề chỉ là nhà nước có chính sách khuyến khích tín dụng địa phương hay không. Ông Trương cho biết, tới đây Bộ Tài chính sẽ cùng với Bộ Giáo dục, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc để đưa ra giải pháp cụ thể cho sinh viên vay vốn, sau đó sẽ triển khai ở một địa phương cụ thể rồi nhân rộng trên toàn Trung Quốc.

Anh Việt (Theo Tân Hoa Xã, Quốc tế tại tuyến)

Suốt ba thập kỷ qua, nền đại học Trung Quốc không ngừng cải cách, chẳng hạn như mở rộng tuyển sinh, đào tạo liên thông và hoàn thiện đề thi. Tuy nhiên, những cải cách này chưa chạm được đến vấn đề cốt lõi – đó là sự thiếu vắng tinh thần đại học, gói gọn trong bốn nguyên tắc sau: tinh thần tự chủ, tinh thần nhân văn, tinh thần khoa học và tinh thần phản biện.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)