Giấc mơ biến mất… đại học

Tôi thường không thích tranh luận. Lý do đơn giản: lãn là bản tính, nên luôn tránh những việc mất nhiều năng lượng. Vậy mà không phải lúc nào cũng tránh được, đặc biệt là tranh luận với…chính mình (thường thì không có hồi kết) như gần đây điều làm tôi suy nghĩ nhiều: tại sao cần có các trường đại học?

Trong cái thế giới đầy biến động này, có vẻ như hệ thống các trường đại học là trì trệ nhất Phải mất cả ngàn năm, các đại học mới được “thế tục hóa”, thoát khỏi ràng buộc của Nhà Thờ, rồi hàng trăm năm cho “tự trị đại học”. Đại học ngày nay đã gần như một cái gì đó rất ổn định. Đi trong hành lang những đại học cổ kính, cảm giác thật là linh thiêng. Đúng là “những ngôi đền của Tri thức”. 

Thoát được Nhà Thờ, chúng ta lại rơi vào những ngôi Đền thiêng.

Nói cho cùng, mục tiêu của mỗi người khi sinh ra là mưu cầu hạnh phúc. Mà quan niệm hạnh phúc của mỗi người thật khác nhau. Có người thích đấu tranh, có người thích an nhàn. Hệ thống giáo dục tốt nhất là hệ thống làm cho mỗi người đều hạnh phúc theo cách nghĩ của mình.  

Nhưng để mang lại hạnh phúc cho mỗi con người, giáo dục cần làm gì?

Nhiều khi hạnh phúc bị nhầm lẫn với tri thức hay sự “thành đạt”.

Mỗi người là một cá thể không có phiên bản thứ hai. Vậy tại sao không ai được hưởng sự giáo dục chỉ phù hợp với riêng mình? Có đấy chứ. Họ là những Thái Tử.

Mỗi thái tử có một nhóm các quan thái phó chuyên trách việc dạy dỗ. Từ văn đến võ, tất cả đều phù hợp với bản tính và trình độ tiếp thu của họ. Các vị thái tử lớn lên, trở thành người văn hay võ giỏi mà không cần đến bằng đại học nào, không cần phải qua các kỳ thi để trở thành ông Nghè, ông Cống.

Bây giờ thì đã hiểu vì sao phải có các trường đại học. Phải dồn vào một chỗ, học chung thôi, dù mỗi người là một cá thể không giống ai. Nếu không có các trường đại học, tìm đâu ra cho mỗi người một đội ngũ các quan thái phó!

Vậy thì, đại học ra đời chính vì lý do “tiết kiệm”, và bất khả kháng. 

Xã hội đang cần có các đại học, đang cần có những người có bằng đại học, để đảm bảo những người họ tuyển dụng có một hệ thống tri thức “chuẩn” nào đó. Nhưng theo chuẩn nào đi nữa thì ai cũng bị học thừa, và thiếu.

Mong sao đến một ngày, mỗi người được học, được dạy theo cách hoàn toàn riêng biệt, theo những “giáo trình” chỉ phù hợp với chính họ. Nói khác đi, mỗi người đều được hưởng nền giáo dục dành cho thái tử. Để khi lớn lên, mỗi người đều trở thành Vua, là Vua của chính cuộc đời mình.

Nhưng ai sẽ làm được việc đó? Có lẽ không ai khác, ngoài AI. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những khả năng mới, mà mới hôm qua thôi, còn nằm trong trí tưởng tượng của những bộ óc lãng mạn nhất.

Bây giờ thì đó đang là giấc mơ. Một giấc mơ có thể là rất xa, nhưng cũng có thể chỉ 20-30 năm nữa sẽ thành sự thật. Đến lúc đó, không còn trường đại học nào trên thế gian này nữa. Nó biến mất như Academia của Platon hay là Lyceum của Aristotle.

Sẽ đến lúc, các đại học hoàn thành sứ mệnh của mình, và sẽ “được xếp trong viện bảo tàng, bên cạnh cái xa kéo sợi hay một chiếc kèm đồng lịch sử”.
Mong sao đến một ngày, mỗi người được học, được dạy theo cách hoàn toàn riêng biệt, theo những “giáo trình” chỉ phù hợp với chính họ. Nhưng ai sẽ làm được việc đó? Có lẽ không ai khác, ngoài AI. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những khả năng mới, mà mới hôm qua thôi, còn nằm trong trí tưởng tượng của những bộ óc lãng mạn nhất. □

 

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)