Giải pháp cho ngành kinh doanh giáo dục

Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, từ điện thoại thông minh đến những phương tiện giao thông tốc độ cao, những phương tiện giải trí hấp dẫn. Nhưng động cơ lợi nhuận - có tầm quan trọng sống còn trong nhiều lĩnh vực - dường như đã làm người ta thất vọng trong một lĩnh vực cực kì quan trọng là giáo dục.

Ở Mỹ, những trường học vì lợi nhuận có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trong sáu năm là 22%, thấp hơn hẳn các trường phi lợi nhuận (60%). Các trường vì lợi nhuận chi tới 23% doanh thu cho việc tuyển sinh viên mới, trong khi các trường phi lợi nhuận chỉ chi có 1% mà thôi. Ở cấp tiểu học và trung học, tiêu chuẩn chất lượng ở các trường bán công (charter schools – các trường được tài trợ công nhưng hoạt động một cách tự chủ) được điều hành bởi các công ty hoạt động vì lợi nhuận thấp hơn tới 20% so với những trường do các tổ chức phi lợi nhuận điều hành; kém nhất lại cũng là những trường do các tổ chức vì lợi nhuận lớn nhất quản lí. Ngay cả các công ty chuyên cung cấp sách giáo khoa, phần mềm giáo dục, hệ thống quản lý, và các khoản vay cho sinh viên cũng không đạt tới mức độ xuất sắc mà doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác đạt được.

Kinh doanh giáo dục là hiện tượng không chỉ có ở Mỹ; nó là xu hướng toàn cầu. Những trường đại học vì lợi nhuận đang xuất hiện ở tất cả những nơi có nhu cầu cao về giáo dục đại học. Trong các nước đang phát triển ở châu Á và châu Mỹ Latin, nhiều lớp học mới và chương trình giảng dạy tiếng Anh trực tuyến đang tìm cách đáp ứng nhu cầu này, mặc dù có thể là quá sớm để đánh giá chất lượng những chương trình như thế.

Benefit Corporation (B Corp): Tập đoàn lợi ích là một hình thức công ty tồn tại ở một số bang ở Mỹ, dành cho các đơn vị vì lợi nhuận muốn xem xét cả các yếu tố xã hội và môi trường bên cạnh lợi nhuận trong quá trình ra quyết định của mình. Họ khác các tập đoàn truyền thống về:

(i) mục đích: không chỉ mang lại lợi ích cho công ty mà cả tác động tích cực đo đếm được cho xã hội và môi trường

(ii) trách nhiệm giải trình: phải xem xét tác động của các quyết định của họ không chỉ lên các cổ đông mà còn đối với cả xã hội và môi trường

(iii) tính minh bạch: cung cấp báo cáo lợi ích hằng năm về hiệu quả hoạt động xã hội và môi trường dựa trên một bộ tiêu chuẩn toàn diện, đáng tin cậy, độc lập và minh bạch của một bên thứ ba.

(Theo wikipedia.org)

Là người sáng lập một số công ty giáo dục vì lợi nhuận và là cố vấn cho nhiều công ty khác, tôi đã thấy các nhà quản lý và nhà đầu tư (trong đó có tôi) không chống cự nổi sức cám dỗ và đã đặt mục tiêu tài chính lên trên mục tiêu học tập. Đây là điều không đáng ngạc nhiên – phải qua mấy năm mới biết kết quả giáo dục, trong khi lợi nhuận và tiền thưởng cho các giám đốc điều hành được tính toán theo năm.

Tôi muốn tin rằng hiệu quả tài chính cao và chất lượng giáo dục xuất sắc không loại trừ lẫn nhau. Nói cho cùng, các trường học vì lợi nhuận có thể thuê đội ngũ nhân viên chất lượng cao, phản ứng nhanh trước những điều kiện đang thay đổi và tăng vốn nhằm mở rộng quy mô một cách nhanh chóng. Ví dụ, Hệ thống Đại học Công của Mỹ (American Public University System) và Renaissance Learning – công ty chuyên cung cấp phần mềm và công nghệ giáo dục – đã chứng minh rằng người ta có thể “thành công khi làm việc tốt”. Một trong những công ty của tôi đã kết hợp vốn, công nghệ và nhân lực cần thiết để cho phép sinh viên trên toàn thế giới truy cập những chương trình sau đại học trực tuyến hàng đầu của Mỹ. Đáng tiếc là, những dự án như thế thường là trường hợp ngoại lệ.
Ngành giáo dục phải tìm được một sự cân bằng tốt hơn giữa chất lượng và lợi nhuận tài chính. Mười bốn bang ở Mỹ đã bắt đầu làm như thế bằng cách cấp phép cho cái gọi là các tập đoàn lợi ích (hay còn gọi là B Corps) – những doanh nghiệp hứa sẽ xem xét không chỉ những giá trị của cổ đông trong các quyết định chiến lược của họ. Mặc dù B Corps được kì vọng ​​sẽ hành động vì lợi ích của xã hội, nhưng họ không thể bị ép; nếu họ biết nhìn xa hơn lời và lỗ thì họ sẽ tự nguyện làm như vậy.

Một giải pháp khả thi là tạo ra một biến thể của B Corp – gọi là E Corp – có khả năng làm thay đổi ngành giáo dục vì lợi nhuận. Một công ty giáo dục chỉ được công nhận địa vị E Corp khi những giá trị và kết quả của nó được minh bạch. Ví dụ, các trường cao đẳng do E-Corp làm chủ được yêu cầu cung cấp cho sinh viên tiềm năng các số liệu về tỉ lệ tốt nghiệp, mức nợ trung bình của sinh viên, và mức lương khởi điểm trung bình của những sinh viên có thành tích và mục tiêu học tập tương tự. Hơn nữa, các trường cao đẳng E-Corp có thể được yêu cầu công khai hóa số giảng viên, chi phí tiếp thị và quản lí phí tính trên một sinh viên, cũng như lợi nhuận trước thuế của họ.

Các nhà phê bình có thể phản bác rằng không ai quan tâm đến việc một công ty thu được bao nhiêu tiền lời, chỉ cần nó cung cấp dịch vụ đáng đồng tiền bát gạo là được rồi. Có lẽ thế, nhưng tại sao lại không chia sẻ dữ liệu và xem có bao nhiêu sinh viên ghi danh vào một trường khi họ hoàn toàn hiểu được khả năng thành công và đồng tiền của họ sẽ được sử dụng như thế nào? E-Corps còn phải phân tích và công bố kết quả của họ (kể cả những kết quả đáng thất vọng), vì nó sẽ khuyến khích các trường cải thiện dịch vụ của mình. Không phải toàn bộ ngành giáo dục có thể trở thành miễn phí, nhưng thông tin về giáo dục thì nên miễn phí.

Nhiều công ty có thể chấp nhận những cuộc cải cách như vậy chỉ đơn giản là để phục vụ sinh viên một cách tốt hơn. Nhưng chúng ta không nên xem thường sức mạnh đòn bẩy của chi tiêu công. Khi niềm tin vào các số liệu của E-Corp tăng lên, chúng ta có thể biến địa vị E-Corp thành điều kiện để tham gia các chương trình của chính phủ. Nói cho cùng, tại sao các công ty lại được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của người đóng thuế nếu họ không muốn đặt trách nhiệm và chất lượng giáo dục ít nhất là trên cùng một mặt bằng với mục tiêu lợi nhuận?

Ngay cả những công ty toàn tâm toàn ý với sứ mệnh giáo dục nhất cũng có thể bị cám dỗ mà hi sinh chất lượng giáo dục cho lợi nhuận thương mại cao. Danh hiệu E-Corp sẽ đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục có thể tiếp tục tập trung vào lời lỗ nhưng vẫn vươn lên vị trí dẫn đầu về đẳng cấp.

Phạm Nguyên Trường dịch từ bài viết của John S. Katzman, người sáng lập và giám đốc điều hành Noodle, một website chuyên tư vấn về giáo dục

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary /john-s—katzman-proposes-a-new-way-to-reconcile-the-profit-motive-with-academic-success

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)