GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC: Bắt đầu như thế nào?

Suốt 30 năm qua, chúng tôi vẫn kiên trì Hướng đi và Cách làm ấy, mà bây giờ nói ra nghe rất tự nhiên: Hướng đi – Hiện đại hoá nền giáo dục. Cách làm – Công nghệ hoá quá trình giáo dục. Sự định hướng có vẻ mơ hồ ấy lại có ý nghĩa quyết định cho một Giải pháp phát triển giáo dục.

Trong nền văn minh hiện đại, mọi sản phẩm bắt đầu từ việc thiết kế. Thiết kế bắt đầu từ ý tưởng. Ý tưởng thể hiện triết lý về sản phẩm. Sản phẩm này đã có đủ những điều kiện vật chất trong Cuộc sống thực. Cuộc sống thực này là thực tại của tư duy… Người thiết kế, nói đúng hơn năng lực thiết kế, là biểu tượng của sản phẩm (công trình). Tháp Eiffel đâu phải chỉ thể hiện năng lực thiết kế của một cá nhân tên là Eiffel.
Năng lực thiết kế phải đủ sức làm theo đúng “Đầu bài” ra trước. Ví dụ mẫu mực là xây dựng các công trình hiện đại: Toà nhà dùng để làm gì, cơ cấu ra sao, mỗi thành phần (của cơ cấu ấy) có chức năng gì, xây dựng trên khu đất nào, trong bao lâu, tốn kém đến đâu… Tất cả đều phải dựa trên cứ liệu tin cậy, có thể kiểm soát được. Từ việc dựng ngôi nhà trệt 5 gian chuyển sang xây toà nhà 5 tầng, năng lực thiết kế phải cao hơn một tầm nguyên lý. Cũng vậy, từ nền giáo dục cho 5% dân cư chuyển sang nền giáo dục cho 100% dân cư, năng lực thiết kế cũng phải cao hơn một tầm nguyên lý.
Xây dựng toà nhà hiện đại hay xây dựng nền giáo dục hiện đại cho cả 100% dân cư đều phải có những cứ liệu vững chắc không thể đánh đổ được. Trong giáo dục, cứ liệu cơ bản nhất là Trẻ em. Năm 2001, Mỹ công bố Bản đồ gene, cho biết Trẻ em sinh ra đều có đến 99,9% số gene giống nhau, không kể nguồn gốc xuất thân, nơi sinh sống… chỉ còn cứ liệu về trí lực của Trẻ em hiện đại là phải thăm dò, giống như kiến trúc sư phải thăm dò địa chất để tính sức chịu lực mà toà nhà sẽ đè lên. “Máy thăm dò trí lực” của Trẻ em hiện đại có tên gọi là Trường Thực nghiệm. Nhờ nó, các nhà giáo dục phát hiện ra “trữ lượng trí tuệ” của Trẻ em hiện đại lớn đến mức không ngờ. Trong những năm 1970-76, tại Trường Thực nghiệm số 91, Mat-xcơ-va, tôi cũng thu được những cứ liệu thật ngỡ ngàng (Luận án tiến sĩ khoa học, 1976). Trường Thực nghiệm, một “phương tiện” nghiên cứu sự phát triển của học sinh bình thường, là một sáng tạo độc đáo của những năm 60 thế kỷ trước, dám ví như máy ly tâm khai thác năng lượng hạt nhân.
Năm 1977, về nước, tôi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng nghe trình bày rồi cho phép mở trường Thực nghiệm Giảng Võ – Hà Nội, từ năm học 1978-79 (mới chỉ có học sinh lớp Một).
Trong tay có cứ liệu quý giá của cuộc “nổi loạn” trong giáo dục những năm 60 trên thế giới, cùng với những cứ liệu rất đáng tin cậy của Trường Thực nghiệm số 91 Mat-xcơ-va từ 1960 đến 1976, nên ngay từ đầu, từ năm 1978, chúng tôi đã mở Hội thảo khoa học Hướng đi và Cách làm, mời đến dự hầu hết các nhà khoa học và hoạt động xã hội danh tiếng nhất, như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khắc Viện… và lớp trẻ như Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu… GS Nguyễn Lân Dũng nói đùa: nếu nó đầu độc thì mất sạch nền khoa học nước ta!
Năm sau, 1979, qua một năm thực nghiệm, nảy sinh quá nhiều chuyện, chúng tôi lại mở Hội thảo khoa học mang tên Vẫn đi theo hướng ấy! Vẫn làm theo cách ấy!
Suốt 30 năm qua, chúng tôi vẫn kiên trì Hướng đi và Cách làm ấy, mà bây giờ nói ra nghe rất tự nhiên:
Hướng đi – Hiện đại hoá nền giáo dục.
Cách làm – Công nghệ hoá quá trình giáo dục.
Sự định hướng có vẻ mơ hồ ấy lại có ý nghĩa quyết định cho một Giải pháp phát triển giáo dục. Hiện đại hoá nền giáo dục để tạo ra một bước phát triển và muốn có được một bước phát triển đích thực thì phải công nghệ hoá quá trình giáo dục. Chỉ cãi lý và nói lý về những chuyện ấy thì không bao giờ ngã ngũ, nếu không thực nghiệm trên những học sinh bình thường rất thực. Ví dụ, liệu có thuyết phục bằng lời rằng học sinh lớp Một chỉ cần một năm học là tự mình phân giải được cấu trúc ngữ âm của bất cứ tiếng nào, sau đó, có thể ghi lại (viết), rồi đọc lại. Chỉ cần một năm học, tất cả học sinh lớp Một đều đọc thông viết thạo, nắm chắc luật chính tả và không thể tái mù. Ví dụ nữa, học sinh lớp Một chỉ cần học xong học kỳ I là học xong dãy số tự nhiên trong các Hệ đếm khác nhau.
Nghiên cứu giáo dục bằng phương thức thực nghiệm trên trẻ em bình thường học ở trường phổ thông, sau nửa thế kỷ đã trở thành một phương thức nghiên cứu “kinh điển”. Những cứ liệu thu được bằng thực nghiệm là cơ sở đáng tin cậy nhất, đảm bảo độ an toàn giáo dục cao nhất cho một Giải pháp phát triển giáo dục của thế kỷ XXI.
Với Năng lực thiết kế được bảo lãnh bằng thực nghiệm giáo dục ở Hà Nội trong 30 năm qua thì “Đề bài” về nền giáo dục cho 100% dân cư có thể thâu tóm vào 8 chữ này: Ai cũng được học, học gì được nấy.
Ai cũng được học – một vấn đề xã hội – chính trị của thế kỷ XXI.
Học gì được nấy – một vấn đề nghiệp vụ sư phạm hiện đại.
Hưởng một nền giáo dục như thế thì ai cũng như ai, tất cả học sinh mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui, đi học là hạnh phúc.
Nền giáo dục xưa nay như con đò dọc trên dòng sông cuộc sống. Đã mấy ngàn năm, rồi mấy trăm năm, con đò ấy lững lờ trôi trên con sông kẹp chặt giữa đôi bờ. Càng xa cội nguồn, sông càng rộng, đò càng to, chở càng đông học trò, và trăm sự vẫn chỉ trông vào kinh nghiệm một ông Thầy. Rồi cũng qua đi hàng chục thế kỷ. Rồi cũng đến thế kỷ XXI. Con đò ấy đã tới cửa sông. Trước mắt, mênh mông biển cả… mà bé nhỏ làm sao con đò, mà còn có ích bao năm kinh nghiệm ngàn năm của Ông Thầy cổ truyền?
Chuyện đã qua là thế.
Xem tiếp kỳ sau: Thế nào đây chuyện sắp tới?

Hồ Ngọc Đại

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)