Giải trí cần thiết ngang học tập

Nhà sư phạm Xô Viết Sukhomlinsky cho rằng, cuộc sống tinh thần của một đứa trẻ cần phải được phát triển đủ đầy, toàn diện; đứa trẻ sẽ là bông hoa khô nếu chỉ biết học mà không được sống trong thế giới của hoạt động, trò chơi, âm nhạc, tưởng tượng và sáng tạo…

Gần đây, nghiên cứu dự thảo hiến pháp mới, tôi nhận thấy, dự thảo nhắc đến quyền và nghĩa vụ học tập mà không có dòng nào nói về quyền giải trí của thanh thiếu niên. Việc gia đình, nhà nước, và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em, thanh thiếu niên được giải trí bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và lành mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần là một nhiệm vụ không kém quan trọng so với việc tổ chức cho các em học tập. Đây là điều cần thiết tất yếu trong việc hình thành và phát triển nhân cách, duy trì thể lực, nâng cao chất lượng của thế hệ trẻ, đặc biệt là trong thời đại các bạn trẻ ngồi máy tính nhiều hơn được hoạt động ngoài trời.

Trên thực tế, đã có nhiều hiện tượng gióng lên những hồi chuông báo động về cuộc sống tinh thần cũng như sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên nước ta: áp lực cuộc sống, áp lực học hành đã khiến chất lượng sống thấp đi, đồng thời gia tăng hiện tượng stress, trầm cảm, tự tử ở trẻ vị thành niên. Sân chơi để tăng thể lực của thanh thiếu niên ngày càng bị co lại, cho dù cũng có một số tổ chức quan tâm “giành” lại cho trẻ một số sân chơi, xin tài trợ để đầu tư biến những khoảng không gian bị sử dụng bừa bãi, thậm chí vô nghĩa trở thành những địa điểm sinh hoạt của trẻ (chẳng hạn, hoạt động của Trung tâm hành động vì đô thị 3 năm gần đây). Dù vậy, những căn nhà hộp, khói bụi, hè đường, thậm chí cả những quán Net san sát mọc lên… vẫn cứ đang lấn dần không gian lành mạnh của tuổi trẻ thành phố. Trong một số khu tập thể, tôi thấy đến 22-23h đêm trẻ vẫn ngồi kiên nhẫn bên máy tính chơi các trò chơi game online quên cả giờ về – thật là một hình ảnh gây lo ngại.

Mỗi cá nhân nghĩ thêm một chút

Việc xây dựng các mô hình giải trí cho thanh thiếu niên, đương nhiên, trước hết là việc của nhà nước, của các cơ quan hữu quan. Thế nhưng, không nên chỉ ngồi mà mong và đợi. Tôi cho rằng, nếu mỗi cá nhân nghĩ đến tương lai của thế hệ trẻ, lo lắng cho sức khỏe thể lực cũng như tinh thần của chúng, thì không phải là không có lối thoát.

Việc tổ chức những trại hè dành cho thanh thiếu niên vào mùa hè chẳng hạn – là một việc không dễ nhưng cũng không quá khó. Bên cạnh những trại hè ngắn ngày nhiều cơ quan liên quan đến thanh thiếu niên tổ chức – những trại hè không dành cho tất cả mà các đối tượng tham gia thường được chọn lựa kỹ lưỡng, có thành tích tiêu biểu ở trường học và địa phương – mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân… đều có thể đứng ra tập hợp một lượng trẻ nhất định và tặng chúng những mùa hè có ích, được chạy nhảy nô đùa, được học hành nhẹ nhõm trong một tập thể vui tươi.

Trại hè Eco Camp 2013 của câu lạc bộ Đọc sách cùng con của chúng tôi là một trong những hình thức “tự” hành động vì trẻ em như vậy. Trại hè được diễn ra trong vòng 10 ngày ở Ecopark, khu đô thị không quá xa thành phố nhưng tương đối có không gian lý tưởng cho một trại hè thiếu nhi. Các em được sinh hoạt nhóm, đội, theo nội dung được xây dựng chu đáo, với chủ đề “Em học sống xanh – sống thân thiện với môi trường” và mục đích “Sống xanh ngày hè, bốn mùa vui khỏe”. Chỉ riêng việc được chạy hết bước chạy và dang hết sải tay của mình trong vòng 10 ngày, chơi các trò chơi dân gian ngoài trời, đạp xe, bơi lội… đã khiến cho lũ trẻ lấy lại được năng lượng, chuẩn bị cho mùa học sắp tới. Ngoài ra, các hoạt động giao lưu, tọa đàm, thảo luận về môi trường, học kỹ năng sống… cũng là một phần thú vị. Dựng trại không vì “thành tích”, tham gia trại không vì “phong trào” – trẻ nhận được nhiều bài học mà người lớn cũng rút ra được nhiều điều trong việc tìm con đường tiếp cận giới trẻ mà đối với họ càng lớn càng khó hiểu. Mùa hè thực sự là một mùa đầy cơ hội cho các em và cho bố mẹ các em, cho trẻ và cho người lớn – để gần nhau hơn và hiểu nhau hơn.

Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh quyết định biến kỳ nghỉ hè thành học kỳ 3 của trẻ, tranh thủ cho đi học hết môn nọ đến môn kia, thậm chí là học trước chương trình ở trường, những mong vào năm học con mình tự tin hơn vì đã “chạy” một vòng chương trình. Điều này thật sai lầm. Việc học trước như thế sẽ triệt tiêu động lực học của trẻ, biến những điều lẽ ra là mới mẻ, phát hiện… trở nên nhạt nhẽo, nhàm chán. Trẻ không thấy được niềm thích thú khám phá khi đi học. Đấy là chưa kể, trên thực tế, chế độ giải trí hợp lý, khoa học, lành mạnh luôn hỗ trợ tích cực quá trình học tập. Rất nhiều đứa trẻ học tốt hơn ở trạng thái động, được di chuyển, tham gia tương tác, đi lại trong phòng, học thực địa…

Giá như nhà nước có thể kết hợp cùng các doanh nghiệp xây dựng cho thanh thiếu niên những khu trại hè dành riêng cho các em ở mỗi địa phương và xây dựng mô hình hoạt động hè chí ít cũng được như mô hình sinh hoạt đội ngày xưa chúng tôi được hưởng, không phân biệt học sinh giỏi hay trung bình – ai cũng được tham gia, thì thật tốt.

Tôi tin rằng, quan tâm đến vấn đề giải trí của trẻ cũng cần thiết ngang với việc quan tâm đến học tập và trau dồi kiến thức.

Tác giả

(Visited 103 times, 1 visits today)