Giảng viên và sinh viên
Sinh viên cần ý thức được rằng họ có khả năng vượt qua những điều mà các giảng viên đang hướng dẫn họ hiện tại. Và trong tư cách là thế hệ hậu sinh khả úy, sinh viên có nghĩa vụ phải vượt qua giảng viên, người thuộc về thế hệ trước. Họ cần hiểu rằng họ phải cố gắng vượt lên trên giảng viên trong khi vẫn tôn trọng công việc và con người cá nhân của giảng viên.
Giảng viên chỉ là người hướng dẫn sinh viên trên lớp, hay hướng dẫn họ thực hiện các bài tập nghiên cứu. Sinh viên không mắc nợ gì giảng viên cả. Giảng viên chỉ là người đi trước sinh viên một quãng đường đủ để truyền đạt cho họ những kiến thức và kinh nghiệm có được do sự thực hành nghề nghiệp mang lại. Sinh viên cần ý thức được rằng họ có khả năng vượt qua những điều mà các giảng viên đang hướng dẫn họ hiện tại. Và trong tư cách là thế hệ hậu sinh khả úy, sinh viên có nghĩa vụ phải vượt qua giảng viên, người thuộc về thế hệ trước. Họ cần hiểu rằng họ phải cố gắng vượt lên trên giảng viên trong khi vẫn tôn trọng công việc và con người cá nhân của giảng viên. Chỉ có như vậy các thế hệ tiếp nối nhau mới có thể tạo nên sự phát triển cho xã hội, cho đất nước.
Sinh viên không buộc phải nghe giảng một cách mù quáng. Không cần phải nuốt lấy mọi lời của giảng viên, mà cần phải học cách suy nghĩ độc lập, từ những gì mà giảng viên cung cấp cho họ. Bài giảng thực chất cũng chỉ là một tài liệu tham khảo trong vô vàn các tài liệu tham khảo khác nhau. Hơn nữa ở bậc đại học, bài giảng đích thực phải là kết quả nghiên cứu độc lập của giảng viên. Kết quả nghiên cứu đó bình đẳng với những nghiên cứu của các nhà nghiên cứu khác, sinh viên có quyền tán thành hoặc không tán thành. Điều sinh viên phải làm là suy nghĩ (chứ không phải học thuộc lòng) về những gì giảng viên nói, và khi cần thiết phải biết đánh giá cả những gì giảng viên nói. Sinh viên cần biết cách hoài nghi và phản biện để có thể đi tới xác lập sự tin tưởng trên cơ sở của lý lẽ và lập luận.
Sinh viên có quyền suy nghĩ về tất cả những gì mà họ quan tâm, tất cả những gì liên quan đến bài học ở trường và liên quan đến cuộc sống của họ. Không những có quyền, mà còn có nghĩa vụ phải suy nghĩ về những vấn đề thuộc về đời sống, bởi nếu không, về lâu dài, họ sẽ không còn khả năng tác động tới đời sống, thậm chí tới đời sống của chính mình, vận mệnh của họ sẽ có nguy cơ không còn do chính họ quyết định nữa.
Ngoài nhiệm vụ truyền đạt tri thức, giảng viên cần thực hiện các chức năng giáo dục, để làm được điều đó, giảng viên không thể thiếu nhân cách, đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp. Nếu giảng viên có quyền đánh giá sinh viên, có quyền đánh trượt sinh viên khi họ không thực hiện được các yêu cầu của việc học tập, thì sinh viên cũng có quyền phán xét nhân cách, đạo đức và năng lực của giảng viên.
Sinh viên có các quyền của người đi học. Nếu giảng viên làm điều gì không đúng với chức trách của mình, họ có quyền phản ánh với các cấp: Khoa, Trường. Nếu Khoa và Trường không giải quyết được, họ có quyền đưa vấn đề ra ngoài xã hội để xã hội phán xét, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Và trong trường hợp giảng viên làm điều gì vi phạm pháp luật (đe dọa sinh viên, bắt họ phải hối lộ để qua được kỳ thi, v.v…), họ có quyền nhờ hệ thống luật pháp can thiệp. Bởi vì lúc đó giảng viên đã trở thành một kẻ tội phạm. Bất kỳ một kẻ phạm tội nào cũng cần bị pháp luật trừng phạt, dù kẻ đó đứng trên bục giảng, hoặc đứng ở bất kỳ vị trí nào. Nếu xã hội không vận hành theo nguyên lý đó, thì nhà trường không thể thực hiện được chức năng giáo dục, có nghĩa là những gì được dạy trong nhà trường các cấp chỉ là giả dối mà thôi.
Trong việc học, sinh viên có các quyền: được nghe những bài giảng có chất lượng, được phát biểu các ý kiến nhận xét của mình, được tham khảo các nguồn tài liệu đa dạng liên quan đến bài học bất kể các quan điểm khác nhau của chúng. Bởi lẽ chính sự khác biệt làm nên diện mạo của tri thức và làm nên đời sống học thuật. Sinh viên có quyền tìm hiểu các vấn đề phù hợp với sự quan tâm, với sở thích của họ, và nghiên cứu chúng như những đối tượng khoa học. Sinh viên có thể nghiên cứu tất cả những gì “thuộc về con người”, như Marx đã diễn đạt. Nếu tất cả những gì thuộc về con người không xa lạ với Marx, thì cũng có nghĩa là đều có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của sinh viên. Có lẽ chỉ trừ khi giảng viên chứng minh được rằng đề tài X, Y nào đó không liên quan đến con người, thì may ra mới có thể cấm đoán sinh viên. Nhưng có gì trên thế giới này lại không liên quan đến con người? Kể cả băng ở Bắc Băng Dương hay một ngôi sao nào đó tít tắp trên không trung mà con người chưa phát hiện ra. Chưa phát hiện ra nó không có nghĩa là nó không liên quan đến con người. Dĩ nhiên, giảng viên, bằng kinh nghiệm của mình, có thể phân tích cho sinh viên thấy đề tài X,Y nào đó có tính khoa học hay không, có đứng vững được hay không, có khả thi hay không trong những điều kiện về thời gian, về tài liệu, và về năng lực của sinh viên. Tuy nhiên, những giảng viên thận trọng luôn đặt lại vấn đề rằng: có thể sinh viên sẽ có những kinh nghiệm khác với mình, đặc biệt là những sinh viên xuất sắc. Có nghĩa là: có những đề tài không khả thi nhìn từ quan điểm của giảng viên, nhưng trong thực tế đôi khi sinh viên có khả năng biến chúng thành khả thi.
Có lẽ những sinh viên đã học tôi – người viết bài này- đều cảm thấy rằng tôi hơi lạnh lùng và xa cách. Thái độ đó xuất phát từ sự tôn trọng tuyệt đối của tôi đối với sinh viên, từ sự tin tưởng của tôi vào khả năng phát triển độc lập của họ, từ mong muốn của tôi về nhân cách tự do của họ. Các anh chị sinh viên không nên trở thành vệ tinh cho bất kỳ ai, mà tốt nhất họ cần tạo lập cho mình một quỹ đạo riêng. Nhiệm vụ của các giảng viên là giúp sinh viên chuẩn bị cho quá trình tự thiếp lập quỹ đạo riêng của họ sau này. Có lẽ đấy sẽ là điều khiến họ biết ơn các giảng viên.
TP HCM, 10/10/2011