Giáo dục: Công cuộc đại hòa giải?

Người thì cho rằng "giáo dục" mà không có khát vọng sẽ trở nên vô nghĩa; người hoài nghi thì cho rằng nhiệm vụ ấy là quá sức người, vì hòa giải với nhau ở "trong" thế giới còn chưa xong, nói gì đến hòa giải "với" thế giới!

Chân-Thiện-Mỹ là một thể thống nhất. Nhiều người nghĩ như thế chứ không chỉ ở thời cổ đại. Công lao lịch sử của Kant là phân biệt rạch ròi ba lĩnh vực này. Chúng có thể hợp nhất với nhau ở… cuối chân trời, nhưng không phải đồng nhất. Nhờ thế mới đảm bảo được sự độc lập của cái Chân (khoa học) và cái Mỹ (nghệ thuật), không cho cái Thiện (đạo đức) và cái Tốt (chính trị, kinh tế…) tùy tiện chen vào! Triết thuyết Duy tâm Đức sau Kant tìm cách hợp nhất lại, trên cơ sở tiếp thu thành quả phê phán của Kant, một nỗ lực đầy tham vọng và gây ảnh hưởng mạnh lên tư duy giáo dục.

HÒA GIẢI NHỮNG MẶT ĐỐI LẬP

Triết học “duy tâm” có ý nghĩa rất khác nhau nơi các đại triết gia: Kant, Fichte, Schelling, Hegel. Helferich, trong công trình khổng lồ “Lịch sử triết học từ khởi thủy đến đương đại” nhận định: “Lịch sử thuyết duy tâm Đức là nỗ lực vượt qua người đi trước. Hàng loạt giải pháp độc đáo được thử nghiệm và quả thật là một cuộc phiêu lưu tinh thần vô tiền khoán hậu”. Thế nhưng, họ đều có chung một động lực: vượt qua tư duy nhị nguyên và đi tìm một Nguyên lý thống nhất. Như vừa nói, lý tính con người được “chia thành ba phần” nơi Kant: Chân, Thiện, Mỹ (qua ba quyển Phê Phán nổi tiếng của Kant, mỗi quyển bàn riêng về một lĩnh vực) cần được hợp nhất lại. Nhưng làm sao vượt qua những “phân định ranh giới” của Kant giữa chủ thể và khách thể, tự nhiên và tinh thần, lý thuyết và thực hành? Họ trả lời: phải từ cái tuyệt đối của một Nguyên lý thống nhất. Bởi toàn bộ sự hiểu biết của con người cũng thế: tri thức không phải là việc cộng dồn lại, mà phải xuất phát từ “một” nguyên lý chung, duy nhất, nếu không sẽ hỗn loạn và không nhất quán. Tuy nhiên, nguyên lý này là gì thì mỗi nhà lại cũng có quan niệm khác nhau! Có điều, họ cùng chia sẻ chung một khao khát rất mãnh liệt, đó là  sự hòa giải giữa những cặp đối lập của tư duy như giữa nhất thể và đa thể, hữu hạn và vô cùng, triết học và tôn giáo, lý tính và khải thị v.v… Ai cũng tha thiết với cái “tuyệt đối”, từ đó mỗi người xây dựng một “hệ thống” riêng nhưng đều chặt chẽ, nhất quán, phức tạp và không khoan nhượng.

Việc say sưa xây dựng những hệ thống tư tưởng thật ra không đơn thuần vì động cơ triết học đơn thuần. Hình thức đồ sộ của từng hệ thống còn là nơi để nuôi dưỡng và điều tiết lòng nhiệt huyết, nỗi đau đời và sự phẫn nộ trước thực trạng chính trị, xã hội. Chính bối cảnh sôi động của thời đại (Đại cách mạng Pháp với những hệ quả và thách thức của nó như đã đề cập trước đây) đặt ra nhiệm vụ mới mẻ và bức thiết cho công cuộc “Bildung” (“giáo dục”). Giáo dục, theo nghĩa ấy, không còn là sự tích lũy kiến thức, mà, trên hết và trước hết, mang lại sự giao thoa giữa cái chung và cái riêng trong việc nhận thức thế giới và nhận thức chính mình, luôn tự vượt qua bản thân để tìm ra hình thái mới, phù hợp với sự tự do và tự quyết, hướng đến những lý tưởng phổ quát của Chân, Thiện, Mỹ. Nếu chưa thực hiện được thì ít ra cũng phải được suy tưởng và phấn đấu.

Bước vào thế giới hiện đại do Đại Cách mạng Pháp mở ra, con người cá nhân đứng trước thử thách chưa từng có. Gắn bó với “xã hội cũ”, với những lề luật của cộng đồng truyền thống (nhất là ở nước Đức lạc hậu), con người cá nhân có sự an toàn, ấm cúng, gần gũi, nhưng lại chật hẹp, tù túng, mất tự do, không hòa hợp được với sự “tự do chủ quan” theo lý tưởng về sự tự trị của Kant, và lý tưởng về cuộc sống “đích thực” của Rousseau để trở thành một sự “thống nhất cụ thể”.

Vì thế, “Bildung” có nhiệm vụ khôi phục trở lại sự thống nhất đã mất giữa cá nhân và thế giới (xã hội) ở một cấp độ cao hơn, tức thống nhất ở cấp độ tự do và lý tính. Con người đã được giải phóng khỏi xã hội cũ từ nay không chỉ biết sử dụng lý trí của chính mình (Kant) và lắng nghe tiếng gọi của lương tâm mình (Rousseau) mà còn phải “hòa giải” với thế giới ở cấp độ cao hơn. Hòa giải “với” thế giới và lịch sử hay nói cách khác, hòa giải “giữa” tự nhiên và văn hóa, giữa tất yếu và tự do, giữa chính trị và đạo đức… để đạt được sự thống nhất là cao vọng hay ảo vọng? Người ủng hộ thì cho rằng “giáo dục” (Bildung) mà không có khát vọng ấy sẽ trở nên vô nghĩa; người hoài nghi thì cho rằng nhiệm vụ ấy là quá sức người, vì hòa giải với nhau ở “trong” thế giới còn chưa xong, nói gì đến hòa giải “với” thế giới, một công cuộc lẽ ra chỉ nên dành cho… Thượng đế! Xu hướng hoài nghi ngày càng chiếm ưu thế, tuy nhiên không vì thế mà – nói như ngạn ngữ Tây phương – hắt cả đứa bé cùng với chậu nước tắm!

“TÍNH TOÀN THỂ” NHƯ MỘT ẨN DỤ

Tính thống nhất (hay nhất thể) đi liền với tính toàn thể như là định đề thứ hai trong triết thuyết duy tâm Đức. Cũng giống như trường hợp trước, tính toàn thể được ca ngợi (“cái toàn thể là cái đúng thật”; “cái toàn thể thì nhiều hơn tổng số các bộ phận”) và cũng bị đả kích (“cái toàn thể là cái sai, cái không đúng thật”; “tổng số những bộ phận thì nhiều hơn cái toàn thể”…). Sự hoài nghi cũng ngày càng lớn, nhưng, trong giáo dục, mấy ai lại phản đối sự thống nhất và tính toàn thể của thể xác, tinh thần và tâm hồn, hay của bàn tay, khối óc và trái tim nói như nhà giáo dục Pestalozzi?

Bên cạnh chức năng nhận thức, tính toàn thể còn là một yêu cầu thẩm mỹ và đồng thời được thúc đẩy bởi động cơ đạo đức nữa. Nền giáo dục “toàn thể luận” đòi hỏi phải vun bồi một quan niệm “toàn thể” về con người. Hành động sư phạm phải quan tâm đến việc kết nối đồng thời và đồng đẳng giữa nhiều lĩnh vực khác nhau: tri thức, tình cảm, đạo đức và ứng xử xã hội. Theo quan niệm này, mọi sự phiến diện, một chiều, cô lập trong giáo dục phải nhường chỗ cho sự cân đối, đa viễn tượng, đa chiều, nối mạng. “Tích hợp thay cho phân ly và loại trừ” vẫn đang là khẩu hiệu thời thượng, hầu như có mặt trong mọi cương lĩnh giáo dục chính thức của các quốc gia và trong… quảng cáo của trường học mọi cấp.

Trong bối cảnh hậu-hiện đại lớn tiếng phê phán nhiều yếu tố cực quyền, độc đoán của triết thuyết duy tâm Đức, điều khá bất ngờ và “mỉa mai” là những sự phân mảnh – vốn là cống hiến của Kant – cũng đang nhòe dần. Nền khoa học và giáo dục “cơ giới” trước đây trở nên lỗi thời. Thay vào đó là cái toàn thể hài hòa, không bị cắt vụn và giản lược. Người ta nói nhiều về sự khủng hoảng của mô hình đại học Humboldt (được tổ chức theo nguyên lý nhất thể và toàn thể của triết học duy tâm Đức), đồng thời lại có sự khao khát âm thầm vượt qua sự phân ly vốn là đặc điểm của kỷ nguyên khoa học công nghệ ngày nay. Ai có thể khẳng quyết chắc nịch rằng triết thuyết giáo dục duy tâm Đức đã lu mờ và hoàn toàn lui vào dĩ vãng? Một khía cạnh khác nữa của khái niệm “Bildung” sẽ góp phần trả lời “không” cho câu hỏi ấy…

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 28, 28.08.2014)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)