Giáo dục Khai minh: Thông điệp của thế kỷ

Phong trào Khai minh - khai mào từ thế kỷ 17, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 18 và lưu lại dấu ấn lâu dài đến tận ngày nay - kỳ cùng là nỗ lực giáo dục: giáo dục bản thân, giáo dục cộng đồng và, rộng hơn lẫn tham vọng hơn, giáo dục nhân loại xét như toàn bộ giống loài.

Ta vừa làm quen với triết thuyết giáo dục “tự nhiên” của J. J. Rousseau. Di sản của Rousseau rất phong phú, nhưng tác động quan trọng của ông lại là ở sự độc đáo của nhiều vấn đề do ông gợi ra hơn là ở những giải pháp do ông đề xướng.

Rousseau đặt ra hai phương hướng giáo dục:

–   Giáo dục công cộng đào tạo “người công dân” (citoyen): chỉ đạt được khi cá nhân là bộ phận của cộng đồng và hợp nhất với nó;

–   Giáo dục riêng tư đào tạo “con người tự nhiên” (homme naturel), lấy chính mình làm trung tâm và giữ khoảng cách với xã hội, nhà nước…

Hai quan niệm hoàn toàn khác nhau ấy đặt ra hai câu hỏi cơ bản cho thế hệ sau:

–  Liên quan đến bản tính của con người và mục tiêu của giáo dục: thích nghi hoặc tự chủ?

–   Về sứ mệnh và cấu trúc nội tại của giáo dục: lèo lái người học hoặc phát huy bản tính cá nhân?

Hai câu hỏi ám ảnh và dày vò suốt cả thế kỷ 18: “thế kỷ Ánh sáng” xét như một thời đại, và “thế kỷ của sư phạm học”, xét riêng về phương diện giao dục. Nhưng, trước khi bước vào thế kỷ lạ lùng và rực rỡ này, ta không nên quên một khuôn mặt tiền bối, “người hùng” của thế kỷ 17, nhà tiên phong vĩ đại, vừa gợi hứng vừa khêu gợi sự phản biện: John Locke (1632-1704).

TABULA RASA

John Locke, đại triết gia Anh, đồng thời là bậc “sư biểu” đích thực trong tư tưởng giáo dục. Là triết gia, trong “Một Nghiên cứu về Giác tính Con người” (An Essay Concerning Human Understanding, 1689), ông cho rằng tinh thần con người không hề có những ý niệm bẩm sinh nào cả như Descartes đã nhầm tưởng, mà như một tờ giấy trắng. Nhận thức có được là nhờ giác quan và kinh nghiệm. Tri giác ấy sẽ được giác tính xử lý, nhưng không có gì ở trong giác tính mà trước đó không phải là những tri giác. Vậy, phải “dọn sạch hết” (tabula rasa) để tiếp nhận tri thức. Như một cái bàn đã dọn sạch, nó chờ đợi những món ăn tươi ngon được dọn lên. Từ đâu? Thì ông đã nói: từ môi trường sống, tức từ giáo dục!

Là nhà giáo dục học, trong “Vài tư tưởng về giáo dục” (Some Thoughts Concerning Education, 1693), Locke kết luận nhất quán: con người tốt hay xấu, giỏi hay dở là do giáo dục. Vì thế, cần định hướng sớm cho trẻ em về cả ba phương diện: trí dục, đức dục và thể dục. Ông có tư tưởng tiến bộ đi trước thời đại khi chủ trương giáo dục bình đẳng cho mọi giai tầng, nhưng lý tưởng giáo dục của ông đồng quy về mẫu người “English Gentleman”, một “quý ông Ăng-lê” có đầy đủ: đức hạnh, tri thức, năng lực. Xem trẻ em là “người lớn dự bị” cần rèn cặp, Locke hứng chịu nhiều lời phê bình gay gắt của Rousseau như ta đã biết, nhưng khách quan mà nói, triết thuyết giáo dục của John Locke là quan trọng nhất và có ảnh hưởng “thống soái” trong suốt thời Khai minh.

THỰC TẾ CHẮP CÁNH

Tư tưởng trong tháp ngà dễ trở nên viễn mơ nếu không được thực tế chắp cánh. Sự hội ngộ hy hữu giữa tư tưởng và cuộc sống đã tạo nên đại vận hội cho thế kỷ Ánh sáng. Một vài cứ liệu thật thuyết phục:

–     Về hệ thống giáo dục: ở nước Anh, tỉ lệ dân số biết chữ năm 1640 chỉ là 30%. Con số đã tăng lên gấp đôi (60%) một thế kỷ sau đó. Tương ứng là nước Pháp: năm 1690, tỉ lệ biết chữ: 29% (nam) và 14% (nữ), tăng vọt lên 48% (nam) và 27% (nữ) vào giữa thế kỷ 18.

Công lao trước hết thuộc về nền giáo dục tôn giáo, nhưng từ thế kỷ 18 là nhờ nhà nước, như là thành quả của cuộc cạnh tranh giữa nhà thờ (tín ngưỡng cổ truyền) và nhà nước (nhu cầu thế tục hóa).

–  Về văn hóa đọc: thế kỷ 17, sách tôn giáo chiếm 50%, bằng tiếng latinh. Sang thế kỷ 18, sách tôn giáo chỉ còn 10%, và lấy tiếng Pháp làm chuyển ngữ chính khắp châu Âu.

–  Thư viện công cộng và nhà bảo tàng mọc lên khắp nơi, phổ cập cho mọi người, lan truyền tinh thần “khai dân trí”.

–  Đặc biệt nhất là sự nở rộ sinh hoạt học thuật và các hình thức tự tổ chức của xã hội dân sự. Những quán cà phê, nơi mọi người trao đổi thông tin và thảo luận thời sự (ở Anh, quán cà phê đầu tiên ở Oxford năm 1650 đã trở thành “huyền thoại”. “Penny University” (“Đại học” một xu) ở Luân Đôn thế kỷ 18 là hình ảnh đẹp đi vào lịch sử: chỉ với một xu, ai cũng có thể vào uống cà phê, đọc sách báo, trao đổi, thảo luận đủ thứ trên đời. Nhiều phòng khách (salon) văn chương của các mệnh phụ nổi tiếng lôi cuốn giới thức giả tinh hoa và đông đảo tao nhân mặc khách. Các Viện Hàn Lâm lần lượt ra đời. Nơi nơi sôi động tinh thần “chấn dân khí” như những năm đầu thế kỷ 20 ở nước ta với Đông kinh nghĩa thục: “buổi diễn thuyết người đông như hội, kỳ bình văn khách đến như mưa”…

–   Nữ quyền cũng bắt đầu được khẳng định trong giáo dục. Thế kỷ 17, bắt đầu có trường nữ, tuy chưa được học khoa học và chính trị! Tuy nhiên, nếu trước Cách mạng Pháp chỉ mới có 55-78 tác phẩm của nữ tác giả, thì từ 1719-1800, con số đã tăng vọt lên 329 tác phẩm! Mary Wollstonecraft (1759-1797) mạnh mẽ luận chiến, bảo vệ quyền hạn của nữ giới. Tác phẩm “Biện chính cho quyền của phụ nữ” (A Vindication of the Rights of Woman) (1792) của bà là công trình kinh điển về nữ quyền. Tác phẩm bảo vệ tinh thần và các nguyên tắc của Đại Cách mạng Pháp; áp dụng tư tưởng Khai minh vào nữ giới và giáo dục. Bà khẳng định sự bình đẳng về năng lực lý trí, học vấn và nghề nghiệp giữa nam và nữ, vượt xa quan niệm của Rousseau, Kant và Hegel! Bà cũng là người đầu tiên chủ trương trường học hỗn hợp nam nữ.

BA MỤC TIÊU CỦA “KHAI MINH”

Khai mào từ thế kỷ 17, phát triển rực rỡ vào thế kỷ 18 và lưu lại dấu ấn lâu dài đến tận ngày nay, phong trào Khai minh vừa đánh dấu một thời đại lịch sử bất hủ của châu Âu, vừa mang ý nghĩa phổ quát như một “tư thế” mới của con người hiện đại. Nói thật khái quát, phong trào Khai minh kỳ cùng là nỗ lực giáo dục: giáo dục bản thân, giáo dục cộng đồng và, rộng hơn lẫn tham vọng hơn, giáo dục nhân loại xét như toàn bộ giống loài. Ba mục tiêu chính yếu của Khai minh từ di sản của nhiều thế hệ: Hobbes, Locke, Diderot, Voltaire, Rousseau, Montesquieu, Kant, Mill… là:

–   Giáo dục là chìa khóa để vượt qua sự dốt nát, sợ hãi và mê tín, hướng đến xã hội bình đẳng và cởi mở, khởi đi từ hai niềm xác tín: lý trí con người bắt nguồn từ bản tính tự nhiên và nghi ngờ mọi “chân lý” có sẵn;

–   Khẳng định nhân quyền và dân quyền, dẫn đến: Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân quyền (Pháp, 1789); Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa kỳ (1776); Tuyên Ngôn Phổ quát về Nhân quyền (Liên Hợp Quốc, 1948);

–   Đề xướng tự do, chống cường quyền. Chống kiểm duyệt, bảo vệ tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do học thuật.

Chúng ta sẽ đi vào triết thuyết giáo dục khai minh với nhân vật trụ cột: Immanuel Kant (1724-1804), con người mang thông điệp của cả hai thế kỷ.

(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 16, 08.05.2014)

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)