Giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc

Giáo dục tổng quát - được hiểu một cách đúng đắn - bao gồm giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc. Và nếu giáo dục tổng quát được coi như một thứ nằm ngoài phạm vi của luân lý, thì nền giáo dục đó sẽ tạo ra những kẻ ngụy biện, chứ không phải những người biện chứng, biết dùng kỹ năng nhận thức để nâng cao đạo đức theo một cách có sự kiểm soát của cảm xúc.





Từ năm 1961, Đại học Chicago đã có truyền thống hằng năm tổ chức một buổi báo cáo với sinh viên sắp nhập học về mục tiêu của giáo dục. Ba trong số những bài nói chuyện này có thể tìm đọc trên Internet, là bài nói chuyện của nhà khoa học chính trị John Mearsheimer (1997); triết gia Robert Pippin (2000); và nhà xã hội học Andrew Abbott (2002). Theo nhận định của tôi không ai trong số họ hiểu giáo dục tổng quát thực chất là gì. Tất cả bọn họ đều nhấn mạnh tính chất hữu dụng của nền học vấn với thương hiệu Đại học Chicago trên thương trường, và họ đều coi giáo dục tổng quát như một thứ nằm ngoài phạm vi của luân lý. Điều này đã từng được Mearsheimer phát biểu một cách hiển ngôn! Để bên nhau hai ý tưởng về sự thành công và sự phi luân, thật khó cưỡng lại ý nghĩ cho rằng các vị giáo sư này đang bảo vệ cho một nền giáo dục ngụy biện (theo cách hiểu của Plato).

Điều giả định phổ biến của họ là chúng ta đang sống trong một môi trường cạnh tranh và mục tiêu của giáo dục là giúp chúng ta trở thành kẻ chiến thắng. Tất cả bọn họ đều đi quá xa khi bảo đảm với sinh viên mới bằng những số liệu thống kê cho thấy một khi đã được nhận vào học tại Đại học Chicago, hầu hết sẽ có tương lai khá giả bất kể họ học cái gì. Abbott còn bổ sung thêm rằng sự an toàn tài chính của sinh viên sẽ được nâng cao bằng cách lựa chọn lĩnh vực chuyên môn phù hợp để theo học. Ông ta đồng thời bảo đảm với họ rằng trong lĩnh vực chuyên ngành nào cũng có rất nhiều môn học để họ lựa chọn. Cho nên, theo kết quả phân tích sau cùng thì thực ra họ học gì cũng không mấy quan trọng. Kết luận này có thể hiểu được khi những người tuyển dụng lao động đang tìm kiếm những lao động thông minh nhất. Những trường đại học như Đại học Chicago hoạt động như một bộ lọc, chọn ra những gì tinh túy nhất của mọi vụ mùa trí tuệ.

Sinh viên – như tất cả các giáo sư này nhấn mạnh – thông qua việc tham gia quá trình đào tạo tại Đại học Chicago, đã đặt mình vào một vị trí thuận lợi trên thị trường lao động. Tại sao vậy? Vì ba lý do. Trước hết, như đã nói trên, bất kể họ học cái gì, số liệu thống kê đều cho thấy một sự thật thuần túy là họ đã được thị trường chấp nhận, và tốt nghiệp tại Đại học Chicago trong hầu hết các trường hợp, đồng nghĩa với thành công về tài chính. Hai là họ sẽ đạt được khối lượng kiến thức đáng nể về thực tiễn, lý thuyết, và kỹ thuật. Ba là bởi vì họ đã được đào luyện trong một thực tiễn tranh luận ở mức độ rất cao, họ sẽ có khả năng thắng trong các cuộc tranh luận và thuyết phục người khác.

Lợi ích của kỹ năng tranh luận được Mearsheimer nhấn mạnh khi ông cho thấy kỹ năng này quan trọng như thế nào đối với những nghề nghiệp như luật sư, bác sĩ, kinh doanh, và nhiều nghề khác nữa. Bằng cách loại trừ khía cạnh đạo đức ra khỏi giáo dục tổng quát và nhấn mạnh kỹ năng tranh luận, Mearsheimer coi giáo dục tổng quát như một phương tiện để tranh luận chỉ nhằm giành phần thắng. Và kỹ năng tranh luận không có quan điểm đạo đức như vậy chỉ là một thứ ngụy biện và thủ đoạn xảo quyệt. Công việc của luật sư là làm sao để thắng kiện, cho dù là ngụy biện hay xảo ngôn. Tuy vậy, Mearsheimer, như tôi biết, qua việc đọc những bài phê bình của ông về chính sách đối ngoại của Mỹ, là người được dẫn dắt bằng đạo đức, đối với những gì mà ông ủng hộ với tư cách một học giả. Nhưng khi tiếp cận việc kinh doanh giáo dục, ông có vẻ như muốn lờ đi vấn đề quan điểm đạo đức.

Theo lý thuyết phổ biến của họ- được Mearsheimer lập thức một cách hiển ngôn – giáo dục tổng quát là và chỉ nên là một nền giáo dục nằm ngoài ý thức về luân lý. Ông vừa thực hiện điều này như một thực tế và vừa trình bày nó như một lý thuyết quy phạm về giáo dục tổng quát tại Đại học Chicago. Abbott đồng ý với Mearsheimer về lý thuyết cho rằng giáo dục tổng quát nhằm vào mục đích phát triển kỹ năng nhận thức, nhưng ông lấy làm tiếc rằng giáo dục cảm xúc và đạo đức đã bị loại ra ngoài. Tuy vậy cả ba đều định nghĩa giáo dục tổng quát hoàn toàn chỉ là phát triển kỹ năng nhận thức. Nếu tôi hiểu đúng Abbott, ông muốn có một nền giáo dục, theo nghĩa rộng, bao gồm giáo dục cảm xúc, đạo đức và nhận thức, nhưng có vẻ tán thành rằng giáo dục tổng quát, theo nghĩa hẹp, là giáo dục kỹ năng nhận thức. Pippin, trái lại, tìm kiếm một nền giáo dục giải phóng cá nhân, nhưng không nói gì về giải phóng xã hội, và do đó, dù không cố ý, thành ra quá ủng hộ quan điểm loại trừ luân lý khỏi giáo dục.

Tôi tự hỏi: Làm thế nào giáo dục có thể không có ý thức về luân lý? Đúng là không có vấn đề luân lý khi nghiên cứu các sự kiện, lý thuyết, và kỹ thuật. Không có vấn đề luân lý đối với những lĩnh vực mà những kiến thức này có thể được sử dụng cho những mục đích hợp đạo đức, vô đạo đức, và phi đạo đức. Chẳng hạn, nghiên cứu chất nổ là việc nằm ngoài phạm vi luân lý, biết cách đánh sập một tòa nhà cũng nằm ngoài phạm vi luân lý, nhưng đánh sập một tòa nhà đang có người ở, có thể là một hành vi hết sức vô luân.

Giáo dục, theo quan điểm phi luân, là nền giáo dục một mặt vì kiến thức về các sự kiện và lý thuyết, mặt khác, là nền giáo dục vì những kỹ thuật biện chứng và tu từ nhằm thuyết phục người khác. Kiến thức sẽ được dùng vào mục đích gì, theo quan điểm này, là một vấn đề thứ yếu không đáng quan tâm. Nó có thể được dùng cho kinh doanh, cho Nhà nước, hay cho các băng nhóm tội phạm.

Trái lại, tôi cho rằng giáo dục tổng quát – được hiểu một cách đúng đắn – bao gồm giáo dục nhận thức, đạo đức và cảm xúc. Và chỉ khi giáo dục tổng quát bị hiểu nhầm, người ta mới có thể loại trừ thành tố đạo đức và cảm xúc. Vậy thì, nếu như giáo dục tổng quát được định nghĩa với những kỹ năng nhận thức ngoài phạm vi luân lý – như ba vị giáo sư trên đây cho rằng nên như vậy – nền giáo dục đó sẽ tạo ra thứ người gì? Tôi có thể trả lời lập tức: tạo ra những kẻ ngụy biện. Người ngụy biện là kẻ được trang bị kỹ năng gây ảnh hưởng với cử tọa và chiến thắng mọi cuộc tranh luận. Hắn là kẻ, nói cách khác, được trang bị kỹ năng sống còn trong một bối cảnh xã hội nhất định. Plato, trái lại, muốn đào tạo những triết gia có thể được miêu tả như những nhà biện chứng đạo đức, nghĩa là những người được đào tạo thuật biện chứng (kỹ năng nhận thức) và dùng nó để nâng cao đạo đức theo một cách có sự kiểm soát của cảm xúc. Giáo dục tổng quát không nói về việc tạo ra chất nổ, mà về những vấn đề chẳng hạn như khi nào – nếu có – nên dùng chất nổ và với mục đích gì.

 
       Robinson Crusoe

       Để lý thuyết của tôi được rõ ràng và hợp lý hơn, tôi sẽ dùng một hình ảnh như sau. Tưởng tượng tôi là Robinson Crusoe, bị chìm tàu và dạt vào một hoang đảo. Vấn đề của tôi là tồn tại được trong hoàn cảnh đó. Tôi cần đồ ăn thức uống, cần quần áo và nơi ẩn náu. Giả sử tôi vào được thư viện của con tàu và tìm được cuốn từ điển bách khoa toàn thư. Cái tôi cần là những kiến thức khoa học và kỹ thuật về thứ gì có thể ăn được, vật liệu gì có thể làm được quần áo, và bằng cách nào làm được những thứ ấy. Ta hãy gọi đó là kiến thức khoa học và kỹ thuật. Để dùng được cuốn từ điển này, tôi dĩ nhiên phải biết thứ ngôn ngữ của nó, và phải có kỹ năng đọc. Bây giờ tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc có kỹ năng đọc và dùng từ điển sẽ giúp tôi tồn tại; nhưng nó không cấu thành giáo dục tổng quát. Thực ra, trong hoàn cảnh ấy, tôi chẳng cần dùng đến giáo dục tổng quát: tất cả mối bận tâm của tôi là cải thiện cách sinh tồn nhờ những kiến thức khoa học và kỹ thuật, những thứ mà từ điển bách khoa sẽ giúp trang bị ở một mức độ nào đó.

Nhu cầu về giáo dục tổng quát sẽ nảy sinh chỉ khi một người khác xuất hiện trên hoang đảo, ta tạm gọi anh ta là Friday. Friday cũng vậy, sẽ quan tâm tới việc sinh tồn của mình. Nếu anh ta không nói cùng ngôn ngữ với tôi, anh ta sẽ phải học thứ tiếng của tôi, hoặc tôi sẽ phải học thứ tiếng của anh ta. Dù ngôn ngữ là điều kiện cần để tiếp cận thư viện, giờ đây nó còn cần cho giao tiếp nữa. Tại sao tôi lại muốn giao tiếp với Friday? Một là, anh ta và tôi có thể không biết rõ người kia mong đợi gì ở mình. Liệu tôi có thể tin tưởng rằng Friday sẽ không lấy thức ăn, quần áo, chỗ ở, và ngay cả cái mạng sống của tôi nữa? Nếu không thể giao tiếp với Friday, không tin anh ta, cảm thấy không an toàn với sự có mặt của anh ta, nhất là khi anh ta có hành động bạo lực chống lại tôi, tôi sẽ cố giết anh ta hoặc cầm tù anh ta. Nhưng giả sử tôi có thể giao tiếp với Friday và lạc quan về bản chất của anh ta, hai chúng tôi sẽ tương tác với nhau như thế nào? Tiếp tục giả sử Friday có thể nói chuyện nhưng không biết đọc, tôi tiếp cận được từ điển bách khoa còn anh ta thì không. Tôi sẽ là một chuyên gia và anh ta sẽ phụ thuộc vào tôi. Nhưng cũng có thể Friday đã có đủ kiến thức để tồn tại trong tự nhiên, và trong thực tế có thể sống còn chẳng cần đến kiến thức chuyên môn của tôi. Nói cách khác, chừng nào những kiến thức về các kỹ năng sinh tồn còn được quan tâm thì chúng tôi còn bình đẳng với nhau. Trong trường hợp đó, ít nhất là chúng tôi cần thỏa thuận sẽ đối xử với nhau như thế nào. Một thỏa thuận tối thiểu như vậy – rất quan trọng để chúng tôi cùng tồn tại hòa bình – sẽ là vấn đề đạo đức. Chúng tôi sẽ thỏa thuận:

1.Không giết nhau.

2.Không làm hại nhau.

3.Không ăn cắp của nhau.

4.Không nói dối nhau.

5.Trợ giúp lẫn nhau khi gặp nạn.

6.Lấy trong tự nhiên những gì cần cho chúng tôi tồn tại, ít nhiều tùy vào khả năng chúng tôi có thể cất giữ, và đủ cho cả hai chúng tôi.

Về việc sử dụng đất và nước, chúng tôi có thể đồng ý với nhiều khả năng lựa chọn. Tất cả đất và nước là của chung, hoặc có thể chia hòn đảo thành hai lãnh thổ, mỗi người một nửa, hoặc chia thành ba, mỗi người một phần, và một phần của chung. Chúng tôi cũng có thể đi đến những thỏa thuận liên quan tới khả năng lao động: Friday giỏi câu cá, tôi giỏi dựng lều, chúng tôi có thể trao đổi cho nhau những gì mình làm được.

Giáo dục tổng quát, theo như tôi hiểu, cần thiết để có thể đi đến những thỏa thuận như thế. Và mỗi người trong chúng ta cần kiểm soát cảm xúc và cách xử sự của mình cho phù hợp với những thỏa thuận ấy. Trong thực tế, cuộc đối thoại của chúng ta nhằm đi đến các thỏa thuận sẽ bị ảnh hưởng không hay nếu diễn ra trong những điều kiện bị cảm xúc chi phối quá mạnh, do đó chúng ta cần thỏa thuận là sẽ thảo luận trong một tâm trạng ổn định. Thực tế là khi chúng ta suy nghĩ chu đáo và tinh tế hơn về những điều kiện ảnh hưởng tới việc thảo luận, chúng ta sẽ nhận ra những gì mình đòi hỏi nơi người khác và ngược lại.

Giả sử Friday và tôi quyết định chia đôi hòn đảo, và cơ bản để yên cho nhau, nhưng vì tiếp cận được Từ điển bách khoa, tôi sẽ có thể làm ra một số dụng cụ. Tôi khai thác được nước, không khí, tạo ra khí mê-tan làm chất đốt, v.v. Friday thấy thế và hỏi tôi bằng cách nào làm ra những thứ ấy. Tôi nói là mình học trong từ điển. Friday nhờ tôi dạy anh ta đọc và xin đọc ké từ điển. Tôi nên làm gì nhỉ? Tôi có thể từ chối anh ta. Hơn nữa, giả sử Friday theo một tín ngưỡng ngăn anh ta ăn con gì đấy hay cây gì đấy. Liệu tôi có lợi trong việc dạy anh ta đọc hay không? Có nên cho anh ta tiếp cận Từ điển bách khoa? Hay thảo luận với anh ta về tôn giáo của anh ta? Tôi cho rằng tôi có sự khôn ngoan và nghĩa vụ đạo đức đem lại cho Friday một nền giáo dục khai phóng. Đây là một nền giáo dục giúp người ta biết sử dụng ngôn ngữ để đọc và để thảo luận, kể cả biết kiềm chế cảm xúc – để Friday trở thành người ngang hàng với tôi trong nghệ thuật thảo luận. Nếu Friday trở thành người ngang hàng với tôi trong thảo luận, chúng tôi có thể tìm kiếm và nâng cao những khám phá của mình về “chân lý biện chứng”. Đây là những kinh nghiệm và niềm tin mà chúng tôi sẽ đồng ý với nhau là có liên quan đến các giả thiết của mình. Quả thực, có một quan niệm về sự lương thiện tuyệt đối của con người, quan niệm ấy định nghĩa sự lương thiện này bằng những lý lẽ hợp lý – đây là quan niệm của triết gia Socrates. Khi hình dung cuộc đời sau khi chết, ông nghĩ về một nơi mà ông có thể trò chuyện với những người đặc biệt tài giỏi và lừng danh. Và khi người ta đưa ra cho ông một cuộc sống không có thảo luận, ông đáp lại rằng cuộc sống không bị thử thách thì không đáng sống. “Cuộc sống không bị thử thách” theo ông, là cuộc sống không có những cuộc thảo luận dựa trên lý trí. Nếu tôi không giúp Friday có được một nền giáo dục khai phóng, tôi sẽ lấy mất của chính mình những cuộc thảo luận dựa trên lý trí. Những cuộc thảo luận dựa trên lý trí vì lợi ích của việc cố gắng đạt đến thỏa thuận, do vậy, vừa là công cụ vừa là một giá trị nội tại.

Bây giờ tôi đã sẵn sàng trình bày rõ ràng, chính xác những ý tưởng của tôi về giáo dục tổng quát. Trong bối cảnh xã hội nhất định, mục đích của giáo dục tổng quát là tạo ra những con người có khả năng và khuynh hướng cố gắng đạt đến thỏa thuận về mọi vấn đề trong thực tiễn, trong lý thuyết và hành động, thông qua những thảo luận trên cơ sở của lý trí.

 
      Không lẩn tránh vấn đề quan điểm đạo đức

     Ba giáo sư nêu trên khẳng định có thể có một cách tiếp cận phi luân lý đối với giáo dục. Tôi không cho rằng điều này là có thể. Nếu Mearsheimer, hay bất cứ giáo sư nào khác, tỏ ra không quan ngại gì đối với cấu trúc của chương trình đào tạo, thì họ đang hành xử một cách thiếu trách nhiệm. Mặt khác, nếu họ có ý kiến về chương trình nhưng giữ im lặng do những tính toán chính trị, họ là những kẻ hèn nhát. Và nếu họ thực sự không có ý kiến, thì họ là những kẻ không có năng lực. Trong bất cứ trường hợp nào, họ cũng đã hành động một cách thiếu đạo đức bằng cách đóng vai người thầy. Dù có thể lừa dối chính mình và lừa dối người khác về vai trò của nhận thức đạo đức trong mọi hành động bằng cách lờ đi, thì khi suy nghĩ kỹ, nhận thức đạo đức cũng sẽ tự nó khẳng định sự tồn tại của nó. Tất cả những gì người ta cần là trả lời hai câu hỏi: Một là, tại sao Mearsheimer, Pippin và Abbott là thầy giáo? Hẳn nhiên là họ được trả tiền để làm thầy giáo – họ đang làm việc để kiếm sống. Và, hai là, tại sao sinh viên tìm đến với giáo dục? Cơ bản là vì giáo dục hứa hẹn với họ một cách kiếm sống. Vậy cả giáo viên và sinh viên đều đang gắn bó với nhau vì mục đích kiếm sống.

 
      
Sự biến mất các biên giới và những người nô lệ ăn lương
       Nhưng tại sao phải lo lắng về việc kiếm sống? Tại sao không trở thành người tự túc bằng cách sống tách biệt như những thổ dân ở Bắc Mỹ? Và tại sao người da đỏ không được phép lang thang trên thảo nguyên và săn bắn bò rừng? Bởi vì Chính phủ Mỹ sẽ không cho phép điều đó. Mọi vùng đất biên giới đều đã trở thành tài sản riêng, hoặc của cá nhân hoặc của Nhà nước. Nói tóm lại, biên giới đã biến mất khoảng năm 1890. Nếu Friday hạ cánh xuống một hòn đảo vừa được khám phá mà Robinson Crusoe đã tuyên bố là của mình, thì Robinson sẽ cho phép Friday ở lại chỉ với tư cách hoặc là nô lệ, hoặc là người hầu của anh ta mà thôi.

Nếu như ngày nay biên giới đã không còn tồn tại, thì những lựa chọn nào còn lại cho sinh kế, hay sự sinh tồn? Câu trả lời là: trở thành ông chủ hoặc người làm thuê. Và đối với hầu hết mọi người, con đường tìm sinh kế sẽ bắt đầu và kết thúc với việc trở thành người làm thuê. Bởi vậy, liên hệ tới thực tiễn chính trị của chúng ta, giáo dục được xem như cơ bản là vì lợi ích của công việc. Nhưng, vấn đề thứ hai cũng tự nó hiện diện: không có đủ công việc ở mọi nơi, nhất là những công việc lương cao; vì thế, có nhu cầu cạnh tranh và chiến thắng trong cuộc cạnh tranh để có được công ăn việc làm. Thế cho nên, có nhu cầu về những phẩm chất của giáo dục nhằm nâng cao triển vọng tìm việc làm cho người ta. Và vì tốt nghiệp từ một trường danh tiếng sẽ có lợi trong cuộc cạnh tranh tìm việc làm, nên cũng đã có cuộc cạnh tranh trở thành những trường đại học tốt nhất như Đại học Chicago chẳng hạn.

Các trường đại học, trong quyền hạn của chính họ, là những nơi cực kỳ cạnh tranh. Trước hết, có vấn đề về sự tồn tại của các khoa; cũng như với từng giảng viên của khoa để bảo đảm sự lớn mạnh của nó. Mọi người đều bị cuốn vào cuộc cạnh tranh này không chỉ để sống còn, mà là để sống còn theo cách tốt nhất mà mình có thể làm được.

Kỳ sau: Nền giáo dục khai phóng

Phạm Thị Ly chuyển ngữ

——————-

*Tiến sĩ Triết học, Trường Đại học Fordham University, Hoa Kỳ

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)